Chung sức cùng Công an giữ bình yên các bản làng
Những ngày này, về các bản làng đồng bào Cơ Tu ở các xã Hòa Phú và Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), đến đâu cũng thấy người dân phấn khởi bàn chuyện được mùa, chuyện học hành của con trẻ và những nghĩa tình sâu đậm của lực lượng Công an ghi dấu trong lòng dân.
“Người Cơ Tu ơn Đảng, ơn Nhà nước vì đã chỉ cho cách làm ăn thoát khỏi đói nghèo, con em được cắp sách đến trường học chữ. Tết này, những món quà nghĩa tình của các cấp chính quyền, lực lượng Công an cũng kịp thời đến với người nghèo, ai cũng vui”, ông Lê Văn Nghĩa, Trưởng thôn Phú Túc, xã Hòa Phú chia sẻ…
Đồng bào Cơ Tu tại Đà Nẵng sinh sống chủ yếu tại 3 thôn Phú Túc (xã Hòa Phú), Tà Lang và Giàn Bí (xã Hòa Bắc, Hòa Vang) với những nét văn hóa, phong tục, tập quán đặc trưng riêng của mình. Trong nhiều năm qua, đồng bào Cơ Tu luôn đoàn kết, góp phần giữ gìn, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đời sống vật chất cũng như tinh thần ngày một được nâng cao.
Theo ông Bùi Văn Siêng, Già làng thôn Giàn Bí (xã Hòa Bắc), hiện các làng Cơ Tu tại huyện Hòa Vang điện sinh hoạt, nước sạch đã đến từng nhà; hộ nào cũng có nhà xây kiên cố, không còn diện nhà tạm, nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây giống, vật nuôi, được Nhà nước hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ vay vốn để phát triển kinh tế...
Các địa bàn miền núi của huyện Hòa Vang đều có trạm y tế, người dân được phát thẻ bảo hiểm y tế, đảm bảo chăm lo tốt sức khỏe cộng đồng; hệ thống trường nội trú hỗ trợ ăn, ở cho con em đồng bào dân tộc thiểu số được xây dựng, củng cố, học sinh trung học được hỗ trợ tiền trợ cấp, đào tạo nghề miễn phí… Có được những thành quả ấy là sự góp phần rất lớn của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân trong cộng đồng bà con Cơ Tu, trong đó những già làng, người có uy tín gương mẫu, đi đầu trong các phong trào xây dựng quê hương.
Trung tá Trịnh Trường Nhơn, Phó trưởng Phòng An ninh nội địa Công an TP Đà Nẵng cho biết: Trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, tiếng nói, việc làm của già làng, người có uy tín giữ vai trò đặc biệt quan trọng, có sức ảnh hưởng lớn trong cộng đồng. Nhận thức sâu sắc điều này, thời gian qua, lực lượng Công an TP Đà Nẵng, đặc biệt là các phòng nghiệp vụ và Công an các xã thuộc huyện Hòa Vang đã sát cánh, gần gũi, lắng nghe ý kiến của các già làng, người có uy tín, tạo niềm tin, chỗ dựa vững chắc để họ phát huy vai trò, trở thành “cánh tay nối dài” của lực lượng Công an trong công tác đảm bảo ANTT, bảo vệ bình yên thôn, bản.
“Để hoàn thành tốt nhiệm vụ đảm bảo an ninh chính trị, TTATXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, điều quan trọng là phải tạo được niềm tin từ cơ sở. Kinh nghiệm từ thực tiễn cho thấy, trước đây, những vụ việc xảy ra ở thôn bản có khi CBCS của đơn vị phải mất hàng tháng trời mới nắm bắt được nên việc giải quyết gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục tình trạng này, đơn vị đã tham mưu cho Đảng ủy, Giám đốc Công an TP nhiều giải pháp nhằm tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc để làm tốt công tác đảm bảo ANTT tại địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa”, Trung tá Trịnh Trường Nhơn bày tỏ.
Với sự hỗ trợ của các già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, tại các thôn Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc) và thôn Phú Túc (xã Hòa Phú) liên tiếp trong nhiều năm qua không còn xảy ra những vụ việc phức tạp về ANTT. Đặc biệt, vấn đề tranh chấp đất đai để làm nương rẫy của bà con trước đây khá gay gắt, đến hiện tại cơ bản đã được giải quyết. Những mâu thuẫn ngay từ ban đầu đã được các già làng, người có uy tín chung tay cùng lực lượng Công an nắm bắt nhanh và hòa giải kịp thời.
Trung tá Lê Văn Tư, Trưởng Công an xã Hòa Bắc cho hay, thời gian qua, già làng, những người có uy tín đã kịp thời phát hiện, thông báo cho lực lượng chức năng đấu tranh, ngăn chặn nhiều hoạt động trái pháp luật, vận động thu hồi hàng trăm khẩu súng các loại, giải quyết nhiều vụ mâu thuẫn, ngăn chặn kịp thời, không để phần tử xấu tuyên truyền, kích động, gây rối ANTT, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, bài trừ các hủ tục lạc hậu...