Chung tay tạo việc làm cho phạm nhân khi tái hòa nhập cộng đồng (Bài 4)
Tính đến tháng 10/2019 có 154 điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam của 24/54 trại giam, số lượng phạm nhân dao động từ 6.000-7.000 phạm nhân. Các ngành nghề lao động chủ yếu ở các khu sản xuất là: Nông, lâm, ngư nghiệp, chế biến; kỹ thuật điện tử; hàn, cơ khí, sửa chữa động cơ, sản xuất vật liệu xây dựng, thủ công chế biến…
Thế nhưng, sau khi Luật thi hành án hình sự năm 2019 được Quốc hội thông qua, vì còn nhiều ý kiến khác nhau của đại biểu Quốc hội xung quanh vấn đề này, trong khi Chính phủ chưa ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể các nội dung trên, do đó Bộ Công an đã chỉ đạo các trại giam chủ động trao đổi, thống nhất với doanh nghiệp để chấm dứt hợp tác, đưa tất cả các phạm nhân vào trong trại giam.
Sự thay đổi đó không chỉ khiến các trại giam gặp khó khăn mà doanh nghiệp cũng hụt hẫng khi tất cả đang cùng hướng tới mục tiêu nhân văn là tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân chuẩn bị tái hoà nhập cộng đồng…
Nguyện vọng chính đáng của doanh nghiệp
Câu chuyện sau được Thiếu tướng Trần Văn Thiện, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng kể cho chúng tôi nghe. Nhân vật của câu chuyện là anh Phan Quang, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Nghệ An. Khi biết Bộ Công an có chủ trương chấm dứt hợp tác việc liên kết lao động ngoài trại giam, anh Quang đã dẫn đầu đoàn gần 30 doanh nghiệp ở Nghệ An đã và đang có sự liên kết, hợp tác tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam đến trụ sở Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trại giáo dưỡng ở Hà Nội để “làm rõ sự tình”.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Phan Quang cho biết, giai đoạn đó, mô hình liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp ở Nghệ An với các trại giam để đưa phạm nhân ra lao động ngoài trại giam hoạt động rất hiệu quả, vừa đem lại lợi ích về kinh tế cho cả trại giam, doanh nghiệp, vừa có ý nghĩa nhân văn sâu sắc khi dạy nghề, hướng nghiệp cho phạm nhân ở giai đoạn họ chuẩn bị tái hoà nhập cuộc đồng, trở về với cuộc sống đời thường. Lúc đó, một chi nhánh trong Tổng Công ty Xuân Hoà của anh Quang cũng liên kết, hợp tác để tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề với Trại giam số 6- Bộ Công an với số lượng phạm nhân khoảng 50-60 người. Khi Bộ Công an quyết định chấm dứt việc hợp tác ngoài trại giam, đối với các doanh nghiệp liên kết như của anh Quang, cũng bị bất ngờ và đột ngột, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
“Sau một thời gian thu xếp, các doanh nghiệp của chúng tôi đã ổn định. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn mong muốn có sự hợp tác, liên kết với trại giam trong tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân, vì việc hợp tác này có lợi ích cho các bên. Về phía doanh nghiệp, chúng tôi sẽ giải quyết được việc thiếu hụt lao động, mà doanh nghiệp là đòn bẩy kinh tế của xã hội, vấn đề nhân công cũng rất quan trọng. Về phía trại giam, giải quyết khó khăn về điều kiện nhà xưởng, dây chuyền công nghệ, kỹ thuật sản xuất… Ngay cả đối với các phạm nhân, nhất là đối với các phạm nhân ở giai đoạn gần hết án, chuẩn bị trở về với cuộc sống đời thường, họ và cả thân nhân của họ (trong các buổi gặp mặt thân nhân phạm nhân do trại giam tổ chức) rất mong muốn được ra môi trường lao động bên ngoài để gần gũi với đời thường hơn, không bị bỡ ngỡ khi họ kết thúc thời gian thi hành án trở về”- anh Phan Quang chia sẻ.
Tuy nhiên, đại diện cho các doanh nghiệp của Nghệ An có mong muốn được hợp tác, liên kết với các trại giam tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam, anh Phan Quang cho biết vẫn cần có một nền tảng pháp lý chặt chẽ cho việc này. Vì thế, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Nghệ An mong muốn, khi Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam được trình, thảo luận tại Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội sẽ nhận được sự đồng thuận, thông qua.
“Doanh nghiệp chúng tôi và cả trại giam đều cần một sự liên kết, hợp tác ổn định. Ngoài việc phát triển kinh tế, chúng tôi cũng muốn đóng góp công sức cho xã hội trong việc hướng nghiệp, dạy nghề, tổ chức lao động cho phạm nhân hết sức nhân văn này”- anh Quang cho biết.
Giúp phạm nhân biết trân quý lao động
Cơ sở sản xuất của Công ty TNHH Tùng Phương, chuyên về lĩnh vực đóng gạch và xây dựng công trình có diện tích rất rộng, nằm trên địa bàn xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Có mặt tại khu sản xuất gạch của Công ty TNHH Tùng Phương một sáng cuối tháng 5, chúng tôi bắt gặp hình ảnh những công nhân đang lao động hăng say trong bộ đồ bảo hộ. Chẳng ai bảo ai, những bàn tay thoăn thoắt di chuyển gạch đã thành phẩm từ các gòng (mỗi gòng khoảng 2.880 viên gạch), trao tay nhau nhịp nhàng, nhuần nhuyễn như một băng chuyền. Ngay cạnh đó, một khu vực khá rộng, được phân thành từng khu riêng với các công đoạn phục vụ sản xuất gạch khác nhau...
Bà Nguyễn Thị Phương, Giám đốc Công ty TNHH Tùng Phương, dẫn chúng tôi đi tham quan các khâu, điểm sản xuất gạch của doanh nghiệp. Do đã sử dụng “robot” trong một số khâu sản xuất nên hiện tại doanh nghiệp Tùng Phương đã giảm được rất nhiều nhân công trong dây chuyền sản xuất gạch.
“Tuy nhiên, ở các khâu như ra lò, phân loại vẫn phải sử dụng nhân công là con người, không thể sử dụng robot vì cần độ tinh trong phân loại sản phẩm” – bà Phương cho biết.
Khi nói về việc hợp tác, liên kết với trại giam Vĩnh Quang tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, bà Phương cũng có nhiều tâm tư. Bà cho biết, trước đây, cũng đã liên kết với Trại giam Vĩnh Quang đưa khoảng 100 phạm nhân ra lao động tại công ty.
“Lúc đầu, các phạm nhân được đưa ra đây lao động họ cũng có mặc cảm đấy, nhưng tôi đã quán triệt cho cán bộ, nhân viên trong công ty, tất cả đều phải đối xử thân thiện như nhau. Ai cũng có lúc mắc sai lầm, điều quan trọng là giúp họ nhận ra được sai lầm đó và nỗ lực trở thành người tốt. Chúng tôi muốn tạo cho phạm nhân sự trân quý lao động, từ đó họ có cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống, họ thấy xã hội không bỏ rơi họ và khát khao hơn trong việc phấn đấu trở về với cuộc sống đời thường” - ẩn sâu trong sự mạnh mẽ của nữ doanh nhân ấy là một trái tim nhân hậu.
Bà Phương cho biết, các phạm nhân đã từng lao động tại doanh nghiệp của bà hầu hết đều học được một nghề. Ngoài các khâu sản xuất gạch, tại doanh nghiệp còn có nghề cơ khí, sửa chữa máy móc, xây dựng công trình… Sau khi hết thời hạn thi hành án, nếu phạm nhân nào muốn trở lại doanh nghiệp làm việc, doanh nghiệp Tùng Phương sẵn sàng dang tay đón nhận.
Bà Phương hào hứng khoe: “Hiện ở tại doanh nghiệp cũng có 5 người từng là phạm nhân của Trại giam Vĩnh Quang sau khi hết án về doanh nghiệp làm việc. Trong đó có cả người có trình độ cao, họ phấn đấu lên vị trí quản lý trong doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp chúng tôi luôn trân quý sự cống hiến, chúng tôi không hề kỳ thị, mà tạo mọi điều kiện để họ phấn đấu như mọi cán bộ, nhân viên khác trong công ty”.
Khi đưa chúng tôi đi tham quan cơ sở vật chất của công ty, bà Phương chỉ vào dãy nhà quét sơn màu vàng phía bên trái của khu văn phòng, giới thiệu đó là dãy nhà mà trước kia công ty đã xây dựng cho cán bộ trại giam và phạm nhân của Trại giam Vĩnh Quang ở sau khi hết giờ lao động ở phân xưởng trở về ăn uống, nghỉ ngơi. Dãy nhà có đủ tiện nghi không khác các khu nhà ở của cán bộ, nhân viên trong công ty nhưng được xây dựng biệt lập hơn với rào chắn xung quanh.
“Các khu đó thuộc về Trại giam Vĩnh Quang rồi, vì chúng tôi đã làm thủ tục để chuyển giao cho Trại giam quản lý”- bà Phương nói vui. Bà cũng cho biết đã cho lắp hệ thống camera an ninh ở tất cả các khu vực trong công ty, khu nhà xưởng dành cho phạm nhân cũng đảm bảo đầy đủ điều kiện về an ninh, an toàn theo hướng dẫn của trại giam.
“Với điều kiện vật chất đã sẵn sàng, chúng tôi mong muốn được tiếp tục hợp tác, liên kết với Trại giam Vĩnh Quang trong việc tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân. Đây không chỉ vì việc phát triển doanh nghiệp mà chúng tôi còn mong muốn đồng hành với trại giam trong việc giáo dục cải tạo phạm nhân thông qua lao động hướng nghiệp, từ đó giúp các phạm nhân hướng thiện hơn, trở thành người có ích sau khi hết án, tái hoà nhập cộng đồng”- cũng như các doanh nghiệp từng có sự hợp tác, liên kết với trại giam, bà Phương mong mỏi Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam được các đại biểu Quốc hội thông qua.
Việc Bộ Công an vận dụng tổ chức cho phạm nhân đang chấp hành án đi lao động, học nghề tại các tổ chức, cá nhân trong thời gian vừa qua là một trong những biện pháp “đổi mới công tác giáo dục, cải tạo thông qua lao động”, quan tâm hỗ trợ những người lầm lỗi để sớm ổn định cuộc sống, tái hoà nhập cộng đồng”.
Hơn nữa, theo quan điểm của một số đoàn đại biểu Quốc hội thì đây là một biện pháp rất tốt, nếu được sửa đổi, bổ sung trong các văn bản pháp luật của Quốc hội sẽ tạo hành lang pháp lý để các tổ chức, cá nhân có cơ hội tham gia vào công tác tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân. Đồng thời tạo cơ hội cho phạm nhân yên tâm chấp hành án, tiếp nhận được với môi trường lao động…
(Báo cáo 43/BC-BCA-C10 của Bộ Công an ngày 12/1/2022 tổng kết công tác phối hợp với tổ chức, cá nhân trong tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân của trại giam thuộc Bộ Công an).
Bà Nguyễn Thị Phương, Giám đốc Công ty TNHH Tùng Phương: “Trong quá trình liên kết, hợp tác với trại giam để tổ chức đưa phạm nhân ra trụ sở công ty lao động, hướng nghiệp, dạy nghề, chúng tôi có thể theo sát và nhận biết được phạm nhân nào có ý thức lao động tốt, có nỗ lực hoàn lương, để khi họ hết án tù và muốn tiếp tục làm việc tại doanh nghiệp thì chúng tôi sẵn sàng đón nhận. Bên cạnh mục đích phát triển kinh tế, chúng tôi cũng mong muốn góp một phần nhỏ bé của mình, chung tay với Nhà nước trong việc hướng thiện cho phạm nhân, tạo công ăn việc làm cho người sau khi hết án tù, trở về với cộng đồng để giảm thiểu tỉ lệ tái phạm tội, góp phần đem lại sự bình yên cho xã hội”.