Chuyện bắt truy nã và vận động đầu thú của Cục An ninh điều tra

08:35 19/08/2024

Cùng với công tác điều tra tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia (ANQG) và tội phạm có chức vụ, công tác bắt giữ và vận động đối tượng truy nã ra đầu thú luôn được Cục An ninh điều tra (ANĐT), Bộ Công an coi trọng. Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Cục trưởng Cục ANĐT, các điều tra viên và cán bộ Văn phòng Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã triển khai các hoạt động nghiệp vụ để truy bắt các đối tượng truy nã và liên tiếp bắt giữ các đối tượng truy nã nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm. Trong đó, có đối tượng lẩn trốn cách đây gần 30 năm, đã thay tên, đổi họ và có thời gian dài sinh sống ở nước ngoài, với nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm trốn tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng.

27 năm sống dưới tên giả vẫn không thoát

Đêm về khuya, Trung tá Vũ Thị Bạch Tuyết, Trung tá Trịnh Thị Hạnh và Thiếu tá Ngô Văn Hùng, cán bộ Văn phòng Cơ quan ANĐT vẫn lặng lẽ thu thập thông tin về Nguyễn Thị Oanh (SN 1959, HKTT tại Đội Cấn, quận Ba Đình, TP Hà Nội), đối tượng bị truy nã từ năm 1997 về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”.

Cán bộ Văn phòng Cơ quan ANĐT vận động đối tượng Phạm Tuấn trốn truy nã 32 năm ra đầu thú.

Trước đó, khoảng đầu năm 1997, một số người muốn sang Nga làm ăn kinh tế đã thông qua người thân đang sinh sống, làm việc tại nước sở tại hoặc qua trung gian, nhờ chồng của Oanh là Nguyễn Xuân Tước và một số đối tượng trong đường dây tổ chức sang Nga, với giá tiền là 3.700 USD/người.

Sau đó, từ tháng 7 đến tháng 9/1997, Oanh đã cùng chồng tổ chức cho 10 người xuất cảnh trái phép; đối tượng Oanh đã thu tiền của 10 người là 28.800 USD… Khi đường dây “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép” bị phát hiện, Tước bị bắt giữ, Oanh đã nhanh chân “cao chạy, xa bay”. Ngay khi Oanh bỏ trốn, cán bộ Cục ANĐT đã tổ chức lực lượng lần tìm theo tung tích của Oanh và xác định đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài nhưng ở đâu, làm gì thì không rõ.

Sau cuộc họp dưới sự chủ trì của lãnh đạo Cục ANĐT, các điều tra viên và cán bộ Văn phòng Cơ quan ANĐT “hạ quyết tâm” phải bắt giữ và vận động các đối tượng lẩn trốn lệnh truy nã. Trung tá Vũ Thị Bạch Tuyết được giao nhiệm vụ trực tiếp thực hiện. Nhiều ngày, chị cùng đồng đội tỉ mỉ nghiên cứu lại hồ sơ của vụ án.

Thời gian xảy ra vụ án đã lâu, thông tin vụ việc hầu như không có do các đối tượng chưa làm việc với cơ quan Công an. Trong khi đó, đối tượng phạm tội có nhiều thủ đoạn tinh vi để trốn tránh sự phát hiện của cơ quan Công an, đó là những khó khăn mà các cán bộ Văn phòng Cơ quan ANĐT phải đối mặt. Theo những dữ liệu ít ỏi có được trong bộ hồ sơ đã úa màu thời gian, Trung tá Vũ Thị Bạch Tuyết cùng đồng đội đã đến xác minh tại các địa chỉ nơi đối tượng từng cư trú. Quá trình làm việc, thông tin chị và đồng đội thu thập được không nhiều. Gần 30 năm bỏ trốn, Oanh chưa một lần trở lại nơi đăng ký hộ khẩu. Về phía người thân thì gia đình cũng ly tán, mỗi người một nơi…

Tiếp tục áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, cán bộ Văn phòng Cơ quan ANĐT xác định đối tượng Oanh đang sinh sống tại một căn hộ tại khu đô thị Time City thuộc phường Mai Động, quận Hoàng Mai, dưới cái tên mới là Trần Thị Diệp (SN 1955). Ngày 29/3, tổ công tác của Văn phòng Cơ quan ANĐT phối hợp với Công an phường Mai Động tiến hành kiểm tra hành chính căn nhà. Lúc này, Oanh với tên là Diệp ra mở cửa…

“Ban đầu, Oanh còn quanh co nhưng khi chúng tôi đưa ra các dữ liệu thu thập được, chị ta buộc phải thừa nhận nhân thân thật của mình ”- Trung tá Tuyết nhớ lại. Tại cơ quan Công an, đối tượng đã khai nhận hành vi phạm tội: Sau khi chồng bị bắt giữ năm 1997, Oanh bỏ trốn sang Nga rồi cư trú từ năm 1997 đến năm 2020 với hộ chiếu được làm tại Nga mang tên Trần Thị Diệp; từ năm 2021, đối tượng về sinh sống tại khu đô thị Time City thuộc phường Mai Động.

Thuyết phục người thân, vận động đối tượng truy nã sinh sống ở nước ngoài về đầu thú

Cùng thời điểm này, vào tháng 3/2024, cán bộ Văn phòng Cơ quan ANĐT, Bộ Công an đã vận động Nguyễn Tuấn Sơn (SN 1977, trú tại tổ 11, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội), đối tượng trốn truy nã 11 năm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đến cơ quan Công an đầu thú.

 Được biết, Sơn sinh ra trong một gia đình nề nếp, bố, mẹ đều là cán bộ nhà nước; anh, chị, em trong gia đình hiện đang công tác trong các đơn vị nhà nước. Bản thân Sơn cũng được ăn học đầy đủ, trước đó, anh ta từng theo học tại một trường đại học ở Hà Nội. Khoảng năm 2011, Sơn làm thủ tục vay vốn tại Ngân hàng Vietinbank, chi nhánh Hoàng Mai, TP Hà Nội bằng các hồ sơ khống kinh doanh nhưng do thua lỗ, mất khả năng trả nợ năm 2012; sau khi bị triệu tập làm việc, Sơn đã bỏ trốn khỏi địa phương.

Sau khi xác minh nhân thân và mối quan hệ của Sơn, cán bộ Văn phòng Cơ quan ANĐT đã quyết định vận động đối tượng ra đầu thú. Qua trình gặp gỡ với người thân trong gia đình Sơn, nữ cán bộ Văn phòng Cơ quan ANĐT được biết, sau khi xảy ra sự việc, vợ chồng Sơn cũng ly hôn… Hàng chục năm, Sơn không liên lạc về gia đình. Nhưng “lá rụng về cội”, thời gian sau này Sơn rất nhiều lần muốn ra đầu thú nhưng lo ngại mức án cao…

Khi nắm bắt được điều đó, cán bộ Văn phòng Cơ quan ANĐT đã kiên trì gặp gỡ, thuyết phục người thân vận động Sơn ra đầu thú để nhận được sự khoan hồng của pháp luật. Tại cơ quan Công an, Sơn cho biết, sau khi sự việc xảy ra, đối tượng bỏ vào các khu vực hẻo lánh ở tỉnh Hoà Bình, Đắk Lắk làm thuê, làm mướn, lẩn trốn sự phát hiện của cơ quan Công an. Trong thời gian này, Sơn sử dụng tên giả. Khoảng tháng 12/2023, khi biết bố ốm nặng, đối tượng mới liên lạc về gia đình…

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Vũ Thị Bạch Tuyết cho biết, trong đợt này, họ đã thông qua người thân, vận động đối tượng trốn truy nã 32 năm là Phạm Tuấn (SN 1960, HKTT tại Thái Bình) ra đầu thú. Được biết, năm 1992, Phạm Tuấn tham gia vào đường dây tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài xảy ra tại Hà Nội. Trong đường dây này, Tuấn đã tham gia làm hộ chiếu giả… 32 năm sinh sống ở Nga trốn lệnh truy nã, Tuấn đã thay tên, đổi họ, cắt đứt liên lạc với người thân trong gia đình. Vào tháng 3/2024, trong quá trình rà soát các đối tượng trốn truy nã lâu năm, lẩn trốn, cán bộ Văn phòng Cơ quan ANĐT có thông tin vợ Tuấn đang sinh sống tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà. Sau khi báo cáo và được sự đồng ý của lãnh đạo Văn phòng Cơ quan ANĐT, một tổ công tác đã lập tức lên đường.

Trung tá Tuyết nhớ lại, ban đầu vợ của Tuấn cũng chưa hợp tác, trước và sau chị đều trả lời rằng không biết Tuấn đang sinh sống ở đâu… Song khi được gợi mở, người phụ nữ đã chia sẻ về cuộc sống của mình. Bao nhiêu năm Tuấn trốn truy nã cũng là ngần ấy thời gian người phụ nữ này vừa làm cha, vừa làm mẹ, gồng gánh nuôi con một mình. Nhiều đêm vò võ một mình, chị cũng giận chồng…

Nhưng khi biết anh đang mắc bệnh nặng thì chị lại thương. Vợ chồng một ngày cũng nên nghĩa, người phụ nữ cũng mong muốn những năm tháng còn lại của cuộc đời, anh được trở về nơi chôn rau, cắt rốn. Nhưng bên cạnh đó, chị cũng cảm thấy lo lắng vì sợ mức án nghiêm khắc của pháp luật. Qua nói chuyện, các cán bộ Văn phòng Cơ quan ANĐT đã phân tích để người phụ nữ hiểu được chính sách khoan hồng của pháp luật đối với người đã thành tâm hối cải.

Sau lần gặp gỡ trực tiếp đó, Trung tá Tuyết thường xuyên gọi điện thoại, thuyết phục người vợ, động viên Tuấn từ nước ngoài về đầu thú. Sau đó, Tuấn đã đồng ý về nước… Khi các thủ tục đang được chuẩn bị thì một việc không may đã xảy ra. “Một buổi tối, tôi bất ngờ nhận được điện thoại của vợ anh Tuấn. Người phụ nữ cho biết Tuấn đã tử vong ở Nga… Người phụ nữ mong rằng Cơ quan ANĐT tạo điều kiện để đưa được chồng về nước chôn cất”- đồng chí Tuyết nhớ lại. Ngoài pháp luật còn là sự nhân văn của những cán bộ làm công tác an ninh, chị Tuyết đã báo cáo lãnh đạo, tiến hành hoàn tất cả thủ tục để người vợ được hoàn thành tâm nguyện của người chồng.

Khi các đối tượng truy nã bị bắt giữ và ra đầu thú, chị và đồng đội lại bắt tay vào việc phục hồi điều tra vụ án. Được biết trong thời gian qua, tổ truy nã của Cục ANĐT đang tiếp tục thực hiện nhiều kế hoạch truy bắt đối tượng truy nã để phấn đấu đạt mục tiêu kéo giảm 30% đối tượng truy nã của đơn vị.

Xuân Mai

Có thể khẳng định rằng, với Đề án 06 và ứng dụng VNeID do Bộ Công an chủ công xây dựng đã được phát triển mạnh mẽ, trở nên quen thuộc, thiết yếu trong công cuộc chuyển đổi số của người dân Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Năm 2024, thành phố đã triển khai ứng dụng hiệu quả VNeID trong chuyển đổi số, góp phần phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 (Vietnam Defence Expo 2024) là một sự kiện quy mô lớn, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ giới chuyên gia và truyền thông quốc tế. Đây không chỉ là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế trong hợp tác quốc phòng toàn cầu mà còn là dịp để giới thiệu các thành tựu quốc phòng cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã hoàn tất cáo trạng và chuyển hồ sơ sang Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm 5 bị cáo gồm: Mai Thị Thanh Thủy (SN 1964, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tài Thắng - Công ty Tài Thắng); Lê Tuấn Tú (SN 1987, con trai bị cáo Thủy, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Quốc tế Tuấn Phát - Công ty Tuấn Phát); 2 nhân viên kế toán 2 công ty gồm: Đinh Thị Lan Hương (SN 1980), Nguyễn Thị Phương (SN 1987); Trịnh Thị Thanh Hòa (SN 1984, thủ kho kiêm thủ quỹ 2 công ty) về tội "Vi phạm các quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 221, khoản 1, khoản 3 - Bộ luật Hình sự.

Không thụ động chờ các chính sách ưu đãi từ Trung ương, ngày càng nhiều tỉnh, thành phố chủ động thu hút các đoàn làm phim nhằm tích cực đẩy mạnh quảng bá địa phương, thu hút khách du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại từng điểm đến. Đây là động thái cần thiết, không chỉ có lợi cho điện ảnh mà còn có lợi cho các địa phương, mặc dù, việc triển khai này bị cho là khá muộn so với nhiều quốc gia khác.

Kinh tế toàn cầu trong năm 2024 đã chứng tỏ khả năng phục hồi đáng kinh ngạc trước một loạt thách thức lớn. Từ những căng thẳng địa chính trị kéo dài ở Ukraine và Trung Đông, cho đến những vấn đề nội tại như lạm phát và bất ổn thị trường lao động, bức tranh kinh tế thế giới mang đến cả những tín hiệu tích cực lẫn bài học quý giá. Các nền kinh tế lớn và mới nổi đều tìm cách vượt qua nghịch cảnh, tạo động lực để tiếp tục tiến lên trong bối cảnh biến động không ngừng.

Với khoảng 1,2 triệu lao động từ các tỉnh, thành khác đến Bình Dương sinh sống và làm việc đã góp phần rất lớn để phát triển kinh tế của vùng đất công nghiệp Bình Dương. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng kéo theo không ít đối tượng "đầu trộm đuôi cướp", "đá cá lăn dưa" và những thành phần bất hảo, côn đồ tìm đến ẩn náu và gây án…

Từ năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho phép các trường phổ thông được xây cao không quá 5 tầng, thay vì 3-4 tầng như hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng, sự điều chỉnh này là hướng mở phù hợp, cần thiết nhằm góp phần giải quyết bài toán quá tải trường lớp ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nơi quỹ đất để xây trường trong nội thành ngày càng eo hẹp.

Cơ quan CSĐT Công an huyện Mê Linh, TP Hà Nội đang điều tra, xác minh vụ tai nạn giao thông xảy ra khoảng 5h10' ngày 27/11/2024 tại đường Mê Linh theo hướng từ đường Võ Văn Kiệt đi tỉnh Vĩnh Phúc thuộc xóm Soi, thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh, TP Hà Nội giữa xe ôtô BKS 29C - 733.12 với người đi bộ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文