Chuyện ở các chốt kiểm soát dịch bệnh

09:23 01/11/2021

Như trút được tâm lý nặng nề sau nhiều tháng giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, người dân TP Hồ Chí Minh đang trở lại cuộc sống “bình thường mới”. Cảnh mưu sinh đã bắt đầu tấp nập trên đường phố cho thấy dấu hiệu hồi sinh của thành phố sau đại dịch. Để có được phút giây này, hẳn không ai có thể quên hình ảnh của những người ở tuyến đầu chống dịch, trong đó có lực lượng ở các chốt kiểm soát phòng, chống dịch bệnh COVID - 19.

Giúp dân không kể ngày đêm

Chứng kiến những ngày ở vùng tâm dịch, mưa gió thất thường, những chiếc dù che tạm ở chốt kiểm soát dịch dường như xiêu vẹo, bị lật tung bởi những cơn mưa lớn… nhưng cán bộ, chiến sĩ Công an TP Hồ Chí Minh vẫn kiên trì bám chốt, cùng các lực lượng khác kiểm soát ngăn chặn các nguồn lây lan dịch bệnh. Những bữa cơm nguội lạnh, những ổ bánh mì ướt mềm vì mưa, những giấc ngủ chập chờn, cảm giác nhớ con, nhớ gia đình luôn thường trực ùa về. Tuy nhiên, những nỗi niềm này không làm chùn bước những người ở tuyến đầu chống dịch. Họ biết dịch bệnh nguy hiểm, đã có nhiều đồng đội nhiễm bệnh, hy sinh, nhưng vì cuộc sống bình yên cho nhân dân, cán bộ chiến sĩ đã vững bước vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.

Một ca trưởng tại chốt kiểm soát dịch tại cửa ngõ phía Tây cho hay: “Mỗi ca 8 tiếng chốt chặn liên tục 24/24h nhưng anh em cực nhất là ca đêm vì mưa gió có thể ập đến bất cứ lúc nào, tinh thần luôn chủ động là phải dầm mưa.

 Đêm ở chốt, chúng tôi thấy nhiều cán bộ, chiến sĩ CSGT trẻ nằm nghỉ tạm trên ghế bố, mệt nhoài nhưng không chợp mắt được. “Ba tháng nay được điều động làm nhiệm vụ ở chốt, dịch bệnh phức tạp, vợ, con nhỏ mới vài tháng tuổi được gửi về cho bà ngoại chăm sóc. Mỗi lần xong ca trực trở về căn nhà trống vắng, cảm giác buồn khó tả. Gọi điện cho vợ, con nhỏ khúc khắc cười, bập bẹ gọi tiếng “ba… ba” mà thấy nhói lòng. Giờ chỉ mong dịch bệnh được kiểm soát, ước mơ nhỏ nhoi là được ôm con vào lòng !”- Một cán bộ CSGT thuộc Đội CSGT An Lạc tâm sự.

Mỗi lần dùng bữa, anh em CSGT trong chốt mỗi người một góc để giữ khoảng cách. Mở khẩu trang nhét vội vài thìa thức ăn vào rồi nhanh chóng kéo khẩu trang lên. Như là ăn vụng.

Nhìn dòng phương tiện đang nườm nượp lưu thông trên đường, Trung tá Đỗ Trung Hiếu-Đội Phó Đội CSGT Tân Sơn Nhất bồi hồi nhớ lại những ngày giãn cách. Trưa hôm đó, trong ca trực của mình, Trung tá Hiếu tranh thủ gỡ lớp khẩu trang ra ăn vội hộp cơm thì thấy người đàn ông khắc khổ đẩy chiếc xe nôi cũ kỹ, bên trong có đứa bé hơn 1 tuổi, ngặt nghẽo khóc. Tiến đến hỏi thăm, người đàn ông rụt rè, miệng lắp bắp sau chiếc khẩu trang cũ kỹ, cáu bẩn. Anh cho hay, cùng vợ và con lên TP Hồ Chí Minh làm bảo vệ một công ty ở quận Tân Phú. Dịch bệnh bùng phát, mất việc, vợ bỏ về quê, 2 cha con ở lại thành phố sống lay lắt qua ngày. Hết lương thực, không tiền thuê trọ nên 2 cha con đánh liều đẩy hành lý lang thang trên đường. Mấy ngày nay, người cha không có gì bỏ bụng, đứa con thèm sữa khóc suốt.

Câu chuyện của người đàn ông khiến Trung tá Hiếu không ngại ngần đưa phần cơm vừa định ăn cho người đàn ông. Nhìn người cha bón cơm cho con khiến Trung tá Hiếu chạnh lòng. Hộp khẩu trang, túi thực phẩm và một chút tiền nhỏ, Trung tá Hiếu dúi vào tay người đàn ông rồi dặn dò: “Đeo khẩu trang vào để tránh dịch, còn có sức lo cho con. Nếu không có gì ăn, cứ buổi trưa ra chốt anh em sẽ giúp!”, Trung tá Hiếu dặn dò.

Tổ CSGT kiểm soát dịch bệnh đưa chị Trần Thị Tươi vào viện sinh con và sử dụng phương tiện chuyên dụng chở gia đình chị về Long An trong thời điểm dịch bệnh phức tạp.

Bên đứa con kháu khỉnh trong thời điểm cuộc sống đang ngày một “bình thường mới”, vợ chồng anh Nguyễn Hoài Ân và chị Trần Thị Tươi (ở ấp 5, xã Đức Hoà Đông, huyện Đức Hoà, Long An) không thể quên cái đêm anh đưa vợ đi sinh được cán bộ chiến sĩ CSGT tại chốt kiểm soát dịch trên đường Trần Văn Giàu (Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) giúp đỡ. Rạng sáng 14/9, vợ chuyển dạ, anh Ân dùng chiếc xe máy cà tàng chở vợ từ Long An về TP Hồ Chí Minh để vào bệnh viện. Đến gần chốt kiểm soát dịch thì xe bể bánh.

Thấy 2 vợ chồng bước thấp bước cao cố đẩy chiếc xe máy, Đại úy Tạ Thanh Tân hỏi thăm. Biết chuyện, Đại úy Tân xin ý kiến trưởng chốt dùng xe chuyên dụng chở 2 vợ chồng anh Ân vào bệnh viện. Mẹ con chị Tươi an toàn “vượt cạn”, tổ công tác tiếp tục trở về chốt kiểm soát. Sau khi sức khỏe chị Tươi ổn định, anh Ân muốn đưa vợ về chăm sóc nhưng ngặt nỗi các phương tiện trong thời điểm dịch bệnh không hoạt động, tổ kiểm soát dịch lại một lần nữa sử dụng xe chuyên dụng đưa vợ chồng anh Ân và cháu bé sơ sinh về Long An an toàn.

Đó là 2 trong những câu chuyện của người cán bộ, chiến sĩ CSGT trên tuyến đầu chống dịch vừa đảm bảo công tác kiểm soát dịch, đảm bảo an ninh trật tự vừa là điểm tựa vững chắc của người dân trong lúc hoạn nạn. Nhiều hình ảnh CSGT mở đường cho thai phụ, đưa người lên cơn đau tim, đột quỵ đến bệnh viện kịp thời, chạy đi tìm bình oxy cứu người bị F0 trở nặng hay những đêm kiểm soát khống chế các đối tượng cướp giật, tàng trữ ma túy... Những câu chuyện, hình ảnh này vẫn còn in đậm trong tâm trí người dân. Riêng đối với những người chiến sĩ “áo vàng”, việc người dân được an toàn thì nụ cười, lời cảm ơn chân thành từ người dân đó chính là động lực, là món quà tinh thần quý giá giúp các anh vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. 

Giữ trọn niềm vui, hạnh phúc cho nhân dân

Sau ngày nới lỏng giãn cách, các chốt kiểm soát dần được tháo gỡ, áp lực tinh thần của người dân được trút bỏ. Mặc dù chính quyền kêu gọi người dân ở lại để cùng thành phố đưa cuộc sống về trạng thái “bình thường mới”, tuy nhiên với nhiều lý do khác nhau, dòng người lao động bất ngờ sử dụng xe máy đổ dồn về quê. Các chốt kiểm soát cơ động được lập lên tại các cửa ngõ, các tuyến đường giáp ranh.

Cán bộ, chiến sĩ CSGT giăng mình trong đêm; đứng chịu trận dưới nắng gắt làm nhiệm vụ, khuyên nhủ, vận động người dân thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh. Xót xa trước hình ảnh người lao động chất lỉnh kỉnh hành lý trên xe gắn máy, chở theo con nhỏ, cán bộ, chiến sĩ CSGT đã đem đến những hộp cơm, ổ bánh mì, bánh bao nóng hổi kèm những chai nước suối đến tận tay người dân. Những hình ảnh này khiến những người tha phương nhớ quê ấm lòng trên chặng đường dài về nhà phía trước.

CBCS ứng trực tại các chốt kiểm soát tiếp ứng thực phẩm hỗ trợ người dân đi xe máy về quê.

Tối 6/10, dòng người tự điều khiển xe máy về quê đã vãn, tại chốt kiểm soát dịch trên QL1 (đoạn qua thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, giáp ranh với Long An), cụ Trần Thị Ớt (76 tuổi, quê An Giang) còng lưng mệt nhọc đẩy chiếc xe chứa đầy hành lý trên đường. Bà Ớt được tổ CSGT đưa vào chốt ăn uống, nghỉ ngơi sau 1 ngày dài đi bộ.

Bà Ớt cho hay, từ quê lên thăm con thì dịch COVID bùng phát, bà bị kẹt lại. Hay tin chồng ở dưới quê bệnh trở nặng, bà nhiều lần muốn về quê nhưng không có phương tiện để về. Bà Ớt cũng đăng ký chuyến xe về quê nhưng chưa đến lượt. Lo lắng sức khỏe của chồng, mặc dù con cái can ngăn nhưng bà Ớt quyết về quê nên đã nói dối ra đường có việc rồi đẩy chiếc xe hành lý đi.

Sau khi khuyên nhưng bà Ớt vẫn cương quyết về quê dù đoạn đường phía trước còn đến vài trăm cây số, tổ CSGT đã tìm kiếm những phương tiện đang lưu thông trên đường, hướng về An Giang nhờ giúp đỡ. Đến khuya, một chiếc xe tải đang lưu thông về miền Tây đồng ý cho bà Ớt “quá giang”. Tổ CSGT đã dìu bà Ớt lên xe, khuân hành lý của bà để lên xe an toàn. Trước khi xe rời bánh, bà Ớt xúc động cảm ơn tổ CSGT: “Tôi mừng lắm, cảm ơn mấy cháu nhiều. May mà có các cháu nếu không tôi đi bộ không biết bao giờ mới về đến nhà, không biết có nhìn mặt được ông nhà lần cuối hay không!”-bà Ớt xúc động.

Thượng tá Đoàn Văn Quới - Phó Trưởng phòng CSGT cho biết, trong 3 tháng giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, UBND TP Hồ Chí Minh đã thực hiện hàng loạt biện pháp tăng cường, siết chặt quản lý người dân ra đường để phòng, chống dịch, lực lượng CSGT đã điều động hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia tuyến đầu chống dịch. Phòng CSGT đã phối hợp Công an TP Thủ Đức và Công an 21 quận, huyện thiết lập 57 chốt kiểm soát giáp ranh các tỉnh và trên 300 chốt tại các giao lộ trung tâm thành phố để kiểm soát người, phương tiện. Trong quá trình làm việc tại các chốt kiểm soát dịch, CSGT cũng luôn đồng hành, hỗ trợ những người dân gặp hoàn cảnh khó khăn khi tham gia giao thông.

Trong dịch bệnh nghiệt ngã, mỗi cán bộ, chiến sĩ của Phòng CSGT nói riêng và Công an TP Hồ Chí Minh nói chung là những “tấm lá chắn” vững chắc bảo vệ người dân, cùng thành phố quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh.

Minh Đức

Ngày 27/4, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã triệt phá đường dây tội phạm có tổ chức, hoạt động “Rửa tiền", "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”; khởi tố bị can và bắt tạm giam 13 đối tượng. Kết quả điều tra xác định, các đối tượng đã trực tiếp hoặc thuê người thành lập hơn 250 công ty ma nhằm mở tài khoản công ty phục vụ hoạt động phạm tội, với tổng giao dịch hàng chục ngàn tỷ đồng…

Sau thời gian theo dõi, ngày 12/4/2024, các trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh bắt quả tang nhóm đối tượng do Tăng Khải Văn (sinh năm 1988, trú tại quận 10) cầm đầu đang tổ chức đánh bạc qua mạng, dưới hình thức cá độ bóng đá.

Nguồn tin từ Cơ quan CSĐT Công an TP Nha Trang (Khánh Hòa) chiều nay (27/4) cho biết, trong hành trình truy bắt 3 đối tượng người nước ngoài gây án cướp tài sản có tổng trị giá gần 700 triệu đồng, các trinh sát hình sự phát hiện còn có 1 đối tượng đồng phạm khác cũng là người nước ngoài, nên đang khẩn trương truy lùng.

Quá trình kiểm tra, đối tượng khai nhận đang cất giấu trong người 1 khẩu súng ngắn, trong súng có chứa 4 viên đạn  với mục đích mua về để sử dụng phòng thân và hiện đang cất giấu ma tuý đá, heroin, hồng phiến tại chỗ ở của hai vợ chồng.   

Chiều 27/4, Trung tá Tạ Quang Dung, Trưởng Công an huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị cho biết, qua triển khai các biện pháp nghiệp vụ, đơn vị phát hiện một đường dây vận chuyển ma túy từ Lào vào Việt Nam theo đường mòn, lối mở trái phép trên tuyến biên giới huyện Hướng Hóa, nên xây dựng phương án đấu tranh, bắt giữ.  

Sau nhiều tháng trì hoãn, Hạ viện Mỹ đã phê duyệt khoản hỗ trợ quân sự trị giá gần 61 tỉ USD cho Ukraine. Ngay sau đó, Vương quốc Anh và nhiều nước châu Âu đồng loạt lên tiếng “hỗ trợ quân sự tối đa cho Ukraine” nhằm giúp nước này phòng thủ trước Nga. Giới chuyên gia đặt câu hỏi: Liệu 61 tỉ USD có đủ cho Ukraine không?

Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ kết hợp với nguồn tin từ người dân cung cấp, lực lượng Công an đã khẩn trương truy bắt nhanh gọn 3 người nước ngoài đã đột nhập cửa hàng kinh doanh điện thoại ở phố biển Nha Trang (Khánh Hòa) để cướp tài sản.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文