Cơ hội hoàn lương từ chính sách khoan hồng, nhân văn
Chỉ ít ngày nữa, Chủ tịch nước sẽ có Quyết định đặc xá cho các phạm nhân cải tạo tiến bộ. Theo đó, sẽ có nhiều phạm nhân được hưởng chính sách khoan hồng, trở về đoàn tụ với gia đình, làm lại cuộc đời. Họ đang đếm từng ngày trong sự hồi hộp và mong đợi.
Ngày 4/7, sau khi Chủ tịch nước có Quyết định đặc xá năm 2022 và Hướng dẫn của Hội đồng tư vấn (HĐTV) đặc xá, Bộ Công an đã có Kế hoạch triển khai thực hiện; tổ chức tập huấn cho thành viên Ban Chỉ đạo đặc xá năm 2022 của Bộ Công an; các tổ chuyên viên giúp việc cho HĐTV đặc xá; đại diện Viện KSND Tối cao; TAND Tối cao; Bộ Ngoại giao; Mặt trận Tổ quốc, Văn phòng Chủ tịch nước và các bộ, ngành chức năng; các cơ sở giam giữ và các nội dung về công tác đặc xá để triển khai thực hiện đảm bảo chính xác, khách quan, toàn diện, công khai và minh bạch.
Tại các trại giam, Quyết định về đặc xá của Chủ tịch nước được niêm yết công khai tại các khu vực giam giữ, lao động của phạm nhân. Đồng thời phổ biến những quy định về công tác đặc xá năm 2022 đến toàn thể phạm nhân để họ tự liên hệ bản thân.
Ngoài việc tuyên truyền, các trại giam đã yêu cầu cán bộ quản giáo phụ trách đội tổ chức họp đội phạm nhân giới thiệu, bình xét và bỏ phiếu kín những phạm nhân đủ điều kiện, tiêu chuẩn đặc xá năm 2022 chuyển lên hội đồng xem xét; sau đó các tổ liên ngành sẽ kiểm tra từng trường hợp cụ thể, nếu đủ điều kiện sẽ lập danh sách để trình Chủ tịch nước quyết định, đảm bảo không để lọt những người không đủ điều kiện vào danh sách đề nghị đặc xá và không để sót những người có đủ điều kiện nhưng không được đề nghị đặc xá.
Để chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho phạm nhân được đặc xá trở về tái hòa nhập cộng đồng, các cơ sở giam giữ đang tổ chức các lớp học tái hòa nhập cộng đồng. Yêu cầu phạm nhân cam kết sau khi được đặc xá sẽ trở về nơi cư trú, trình báo với chính quyền địa phương đúng thời hạn quy định. Đồng thời, tuyên truyền, giáo dục để họ nhận thức đúng đắn về chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng, Nhà nước để trở về địa phương sống lương thiện, không tái phạm tội; trang bị cho các phạm nhân những kiến thức, kỹ năng sống cơ bản để khi được đặc xá trở về cộng đồng, xóa bỏ mặc cảm, làm ăn lương thiện, không tái phạm tội, phấn đấu trở thành công dân có ích cho gia đình và xã hội.
Đối với những phạm nhân chưa đủ tiêu chuẩn được đề nghị đặc xá lần này, qua công tác giáo dục giúp họ hiểu hơn về chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta, từ đó yên tâm cải tạo, cố gắng phấn đấu lao động, học tập, chấp hành tốt nội quy trại giam để sớm được trở về với gia đình và hòa nhập cùng xã hội.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, đặc xá là chủ trương rất lớn của Đảng, Nhà nước, thể hiện tính nhân văn, nhân đạo, khoan hồng đối với người phạm tội, để họ sớm trở về đoàn tụ với gia đình, làm lại cuộc đời. Qua theo dõi, phần lớn các trường hợp đặc xá trở về nơi cư trú đều làm ăn lương thiện. Tỷ lệ người đặc xá tái phạm tội chỉ chiếm 0,06% tổng số người được đặc xá. Chính vì vậy, năm 2022, Chủ tịch nước quyết định tiếp tục đặc xá để thể hiện chính sách khoan hồng.
Để đảm bảo cho việc đặc xá được thực hiện nghiêm túc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long đã trực tiếp đi kiểm tra công tác triển khai Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước. Thứ trưởng Nguyễn Văn Long yêu cầu, các trại giam cần thực hiện nghiêm công tác triển khai thực hiện Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2022. Việc triển khai phải đảm bảo công khai, dân chủ, minh bạch, đúng quy định của pháp luật, không để khiếu kiện, tiêu cực. Lãnh đạo các trại giam cần phát huy thành tích đã đạt được, khắc phục những khó khăn, thiếu sót để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ của CBCS; đồng thời, yêu cầu các trại giam phải thực hiện nghiêm các quy định trong công tác quản lý, giam giữ, giáo dục phạm nhân, đảm bảo an ninh, an toàn, không để đem chất cấm vào sử dụng.
Tăng cường công tác nắm và dự báo tình hình; làm tốt công tác nghiệp vụ để giáo dục, quản lý chặt chẽ các phạm nhân. Đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục phạm nhân, trong đó đi sâu vào giáo dục riêng, giáo dục cá biệt nhằm giảm tỷ lệ phạm nhân xếp loại cải tạo kém xuống mức thấp nhất. Phát động phong trào thi đua học tập, cải tạo tiến bộ và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với phạm nhân, đảm bảo khách quan, công bằng, đúng quy định. Tổ chức hiệu quả công tác sản xuất, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân.
Phạm nhân Nguyễn Văn Hải ở Trại giam Vĩnh Quang cho chúng tôi biết, bản thân không phải là người được học nhiều, không giao tiếp xã hội nhiều, khi bị bắt vào trại lại càng ít tiếp xúc hơn. Thế nhưng, được các cán bộ động viên, tin tưởng nên luôn cải tạo tiến bộ. “Đối chiếu với quy định, tôi đủ điều kiện đặc xá nên tôi đã làm đơn xin được đặc xá; được các phạm nhân trong đội giới thiệu, bình xét nên tôi vui lắm. Nếu được Chủ tịch nước đặc xá, khi về nhà tôi sẽ mở tiệm làm cửa sắt là nghề tôi học được trong trại để kiếm sống” – Hải cho biết.
Nhớ lại những ngày đầu tiên mới từ trại tạm giam đến chấp hành án, Hải cho biết, ấn tượng đầu tiên là một môi trường trong lành rất nhiều cây xanh và bóng mát; được cán bộ tận tình dạy bảo về cách ứng xử, giao tiếp; được phổ biến pháp luật, nội quy, quy định của cơ sở giam giữ phạm nhân; quyền và nghĩa vụ của phạm nhân; giá trị của lao động đối với đời sống của con người… đặc biệt là chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước đối với người phạm tội. Đó cũng chính là hành trang để Hải cải tạo tiến bộ.
Cùng tâm trạng với phạm nhân Hải, phạm nhân Hoàng Thị Hạnh ở Trại giam Phú Sơn 4 mong ngóng ngày trở về để được gặp con gái. “Tôi mong lắm ngày trở về vì về sớm 1 ngày thì con tôi sẽ vui hơn 1 ngày. Tôi bị bắt lúc cháu 3 tuổi, năm nay cháu vào lớp 1 rồi. Nếu tôi được đặc xá thì sẽ có cơ hội đưa cháu đến trường những ngày tháng đầu tiên, được dạy dỗ con những con chữ đầu đời. Để có điều kiện cho cháu ăn học, tôi sẽ đi làm ở tiệm nối mi, sửa móng tay – đúng nghề tôi được học trong trại, không vướng vào sai lầm trước đây nữa”, phạm nhân Hoàng Thị Hạnh chia sẻ.
Được biết, từ năm 2009 đến 2016, thực hiện Luật Đặc xá năm 2007, Nhà nước ta đã thực hiện 7 đợt đặc xá nhân các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước, đặc xá cho 87.097 người. Sau khi Quốc hội ban hành Luật Đặc xá năm 2018 thay thế Luật Đặc xá năm 2007, Nhà nước ta đã thực hiện đợt đặc xá năm 2021 cho 3.035 người. Mặc dù số lượng người đặc xá trong những năm qua là lớn nhưng tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vẫn được bảo đảm, không xảy ra phức tạp do người được đặc xá gây nên.
Qua theo dõi, phần lớn người được đặc xá đã trở về nơi cư trú, ổn định cuộc sống và làm ăn lương thiện, tỷ lệ người được đặc xá tái phạm tội rất thấp. Đợt đặc xá gần đây nhất (năm 2021), tính đến nay chỉ có 2 người được đặc xá tái phạm tội. Kết quả thực hiện công tác đặc xá không những thể hiện truyền thống nhân ái, khoan dung của dân tộc ta và chính sách khoan hồng của Nhà nước Việt Nam đối với người phạm tội mà còn góp phần thực hiện tốt Chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm, bảo đảm các yêu cầu chính trị, pháp luật, nghiệp vụ, đối ngoại, được nhân dân trong nước đồng tình và dư luận quốc tế đánh giá cao.
Từng chứng kiến hàng nghìn người đã được hưởng niềm vui đặc xá, được trở về nhà đoàn tụ với gia đình, tôi hiểu rằng, những phạm nhân được đặc xá sau một thời lầm đường, lạc lối đã phải trả giá cho những hành động vi phạm pháp luật, họ đã biết vươn lên làm lại cuộc đời khi được Nhà nước trao cho một cơ hội để sửa sai, để lại được hưởng đầy đủ các quyền và nghĩa vụ với tư cách của một công dân. Đó chính là dấu ấn nhân văn lớn nhất của chủ trương đặc xá, phản ánh rõ nhất ưu tiên đảm bảo và thúc đẩy quyền con người trong mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong suốt thời gian qua.