Con nuôi Công an xã ở Buôn Đôn

09:00 01/11/2023

Người ta bảo, đặc sản của mảnh đất này luôn có cái nắng, cái gió, nhưng Đại úy Phạm Đình Luân, Trưởng Công an xã Ea Wer (Buôn Đôn, Đắk Lắk) còn thấy được “có nỗi nhớ” nằm sâu thẳm bên trong trái tim. Khi về với buôn làng, anh được sống, được hòa mình, được thấu cảm để rồi trăn trở về những đứa trẻ nghèo ở Bản Đôn…

Từ nay em đã có cha

Về với buôn làng, chứng kiến cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn, những đứa trẻ đen đúa, gầy rộc đói ăn, thiếu mặc đã ám ảnh tâm trí của người lính Công an cơ sở. Đại úy Phạm Đình Luân thấy lòng mình dội lên niềm thương cảm, anh đã bàn bạc với tập thể Công an xã Ea Wer nhận một vài đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt làm con nuôi. 

Đại úy Phạm Đình Luân và con nuôi Y Bình.

Trong những đứa con nuôi của Công an xã thì HNhiệt, con gái của chị HRan có hoàn cảnh thương cảm nhất. Chồng mất sớm sau một thời gian bạo bệnh, để lại cho chị HRan 6 người con. Gia đình không có đất canh tác, hàng ngày chị HRan và các con phải vào rừng kiếm măng về bán, hết mùa măng thì ai thuê gì làm đó, các con lớn đi làm ăn xa gửi tiền về nuôi các em nhỏ. Đã thế, con gáiđầu của chị cũng lập gia đình có thêm 2 cháu nhỏ đều mang về tá túc trong căn nhà nhỏ bé này. Cả hộ 10 nhân khẩu, trong đó có 5 cháu dưới 6 tuổi ở trong ngôi nhà 30m2 đã dựng từ cách đây gần 25 năm.

Ngôi nhà của mẹ con chị HRan mỏng manh  như số phận những con người trong gia đình chị HRan. Đàn con của chị lớn lên, bên vách nhà ấy, có tiếng hú của đá vọng, của mưa, của gió, của những tiếng chim chao chác trong đêm và những nhành cây khô khốc vụt rơi giật mình trên mái tôn hoen gỉ. Trong ngôi nhà ấy, có lẽ đang ẩn giấu những giấc mơ của đám trẻ, với khát vọng của tuổi thơ về điều kỳ diệu, ngổn ngang, chắp nối và rời rạc chưa kịp gọi thành tên.

Trong đám nhỏ, HNhiệt Êban năm nay đã 7 tuổi nhưng chưa được đến trường. Anh em Công an xã nhiều lần hỏi chị HRan tại sao chưa cho con đi học? Có chuyện gì thì chia sẻ với các anh. Được lời như cởi tấm lòng, giọng người mẹ trùng buồn nói trong tiếng nghẹn: “Nó muốn đi học nhưng mình không có tiền mua sách vở, quần áo, khi nào có sẽ cho đi". Nguyên nhân vì cái nghèo nên cả một gia đình đông đúc như vậy mà không một ai biết chữ, chẳng lẽ đến cháu HNhiệt cũng không được đến trường nữa thì tương lai của con trẻ sẽ thế nào?

Công an xã Ea Wer trao tặng sách vở cho con nuôi HNhiệt bắt đầu bước vào lớp 1.

Ai cũng trăn trở, phải làm điều gì đó cho những đứa trẻ này. Buổi giao ban sáng hôm sau, tập thể Công an xã Ea Wer quyết định nhận cháu HNhiệt làm con nuôi Công an xã. Lúc này, năm học mới 2023 – 2024 đang cận kề, việc làm đầu tiên cho con nuôi HNhiệt là mua cho cháu bộ quần áo mới, chiếc cặp mới và bộ sách vở lớp 1. Đại úy Phạm Đình Luân phân công đồng chí cảnh sát khu vực phụ trách địa bàn chuẩn bị hồ sơ, thủ tục để nhập học cho con nuôi.

Nhìn thấy con gái được sánh bước đến trường học chữ, chị HRan mừng rơi nước mắt. Cả đời chị lam lũ vất vả vậy mà chưa nuôi được đứa con nào nên người, chị tự trách bản thân, vì cái nghèo khiến các con của mình phải thiệt thòi. Nắm lấy tay cán bộ Công an, chị HRan như muốn thổ lộ thật nhiều cảm xúc về lòng biết ơn, nhưng ngôn ngữ hạn chế khiến cho người mẹ chỉ thủ thỉ được lời cảm ơn từ tận trái tim.

Lo cho con nuôi HNhiệt đi học, anh em Công an xã Ea Wer lại nặng lòng với ngôi nhà xiêu vẹo trước gió bão của mẹ con chị HRan. Căn nhà đã xuống cấp, mưa xuống dột tứ bề, nắng lên thì xiên qua mái tôn, nóng đến nung đầu. Anh em nhận định, nếu mùa mưa bão năm nay về sớm, không biết ngôi nhà có trụ vững nổi trước sức gió mạnh hay không. Vậy là, Công an xã Ea Wer đã báo cáo và được sự đồng thuận của chính quyền địa phương cho phép Công an xã đứng ra vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí, ngày công để thay mới mái nhà cho gia đình chị HRan.

Rất nhanh sau khi vận động, Công an xã đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ chính quyền, người dân trong xã và bà con đang sinh sống, làm việc ở TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Một ngày nắng đẹp trước mùa mưa năm 2023, Công an xã và người dân đã tiến hành sửa nhà, thay mái mới. Mùa mưa năm nay, gia đình chị HRan sẽ không còn cảnh phải lấy chậu hứng nước dột, đám trẻ không còn phải chạy trốn những cơn gió rừng thốc vào nhà qua bức liếp mỏng, giấc ngủ mùa đông sẽ ấm áp hơn và góc học bài của con nuôi HNhiệt không còn sợ mưa giăng ướt tập vở nữa.

“Việc làm này không phải để phô trương, cũng không đao to búa lớn gì. Chúng tôi nhận các bé làm con nuôi xuất phát từ sự thấu hiểu và chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn của bà con nhân dân nơi mình công tác”, Đại úy Phạm Đình Luân tâm sự.

Cùng đồng đội chia ngọt sẻ bùi

Công an xã Ea Wer có 10 cán bộ chiến sĩ, mỗi người đều có hoàn cảnh khác nhau, riêng Đại úy Y Giêng Knul có lẽ đặc biệt hơn cả. Anh Giêng là người dân tộc thiểu số, có thời gian trên 20 năm gắn bó với buôn làng. Anh thân thuộc mọi gia đình, không nề hà bất cứ việc gì được nhân dân nhờ cậy. Vợ Đại úy Giêng chưa có việc làm ổn định, hai con của anh còn nhỏ, trong đó cháu lớn là Y Sa Ky Ênuôl năm nay đã 9 tuổi bị ảnh hưởng về thần kinh, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào bố mẹ. Dẫu cuộc sống gia đình khó khăn như vậy nhưng Đại úy Y Giêng đã vượt lên tất cả, dành tình yêu trọn vẹn cho màu áo lính. Anh luôn nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ của một cảnh sát khu vực phụ trách buôn Tul A, buôn Tul B với 650 hộ đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số. Yêu quý và nghe theo Đại úy Giêng, bà con trong hai buôn đã tham gia làm căn cước công dân, tỷ lệ đi đăng ký mã số định danh cao nhất của xã.

Các anh xem con nuôi như con ruột của mình và luôn dành tình yêu thương đến các bé.

Không chỉ trong vận động bà con đi làm căn cước, tích hợp định danh điện tử mà Đại úy Y Giêng Knul còn đề xuất giải quyết đăng ký khai sinh, nhập thường trú cho nhiều nhân khẩu đặc biệt trên địa bàn. Nhắc đến Đại úy Y Giêng, già làng Ma Ban thổ lộ: “Y Giêng cái bụng nó tốt, cái tâm nó sáng, gia đình cách mạng, nên từ ngày có nó về buôn, nó giúp bà con nhiều lắm. Bà con buôn làng rất biết ơn nó và các anh Công an xã”.

Mong muốn được chia sẻ và gánh vác một phần khó nhọc cho đồng đội, anh em Công an xã Ea Wer đã nhất trí đồng lòng nhận hai con của Đại úy Y Giêng làm “con nuôi Công an xã”. Anh em trong đơn vị thường xuyên phân công nhau tới nhà thăm hỏi, tặng quà các con nuôi. Anh trai Y Sa Ky bị bệnh thường xuyên nên em út Y Bình được kỳ vọng sẽ thắp sáng tương lai bằng sự học sau này. Hiện Y Bình đươc gần 3 tuổi, hàng tháng Quỹ Con nuôi Công an xã sẽ tặng hai anh em những nhu yếu phẩm cần thiết, khi nào Y Bình đủ tuổi đến trường sẽ tiếp tục được hỗ trợ, giúp sức.  

Ngoài 3 người con nuôi hiện tại, sắp tới Công an xã Ea Wer có dự định nhận thêm một trường hợp nữa làm con nuôi là bé HThảo. Thảo là đứa trẻ bị cả bố và mẹ bỏ rơi. Trong quá trình rà soát làm hộ khẩu, Công an xã Ea Wer phát hiện HThảo vẫn chưa có hộ khẩu. Không thể để một đứa trẻ lớn lên mà không có giấy tờ tùy thân, như thế sẽ rất thiệt thòi và ảnh hưởng đến tương lai của một con người. Anh em Công an xã đã chạy đôn chạy đáo, liên hệ chính quyền làm giấy khai sinh và đăng ký nhập khẩu cho HThảo vào gia đình của người dì ruột, lấy dì làm mẹ cho em. Bây giờ, HThảo đã có đủ giấy tờ để đi học lớp 1.

“Chúng tôi xem các con nuôi như con ruột của mình, dành tất cả sự quan tâm và yêu thương cho các cháu. Để có nguồn kinh phí giúp đỡ các con, đơn vị đã quyết định triển khai quỹ "Con nuôi Công an xã". Theo đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị sẽ đóng góp 100 nghìn đồng/tháng và phối hợp cùng các nhà hảo tâm để tăng nguồn lực, góp phần chăm sóc, hỗ trợ các con nuôi học tập thật tốt, hy vọng sau này các con sẽ trở thành người có ích quay trở lại giúp đỡ buôn làng của mình”, Đại úy Phạm Đình Luân bày tỏ. 

Ngọc Hoa

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文