Công an các địa phương đẩy mạnh thực hiện Đề án 06
Chiều 11/5, Hội nghị đối thoại trực tiếp giữa Công an quận 12 (Công an TP Hồ Chí Minh) với các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân về TTHC và giải quyết TTHC năm 2022 được tổ chức thành công, thu hút sự tham gia của hàng trăm tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn.
Công an quận 12 cũng trình chiếu các video clip về dịch vụ công thuộc các lĩnh vực QLHC-TTXH, PCCC, TTATGT, giúp cho đại diện các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia hội nghị hệ thống lại một số chính sách pháp luật mới về TTHC...
Phần đối thoại trực tiếp với các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân do Thượng tá Trần Ngọc Nhứt, Phó Trưởng Công an quận, chủ trì đã diễn ra sôi nổi.
Trước đó, vào tối 9/5, Công an quận 10 cũng đã phối hợp UBND phường 14 và các ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức tuyên truyền phòng, chống tội phạm, pháp luật giao thông, PCCC, cấp CCCD có gắn chip và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn cũng đã thu hút hàng trăm người dân tham dự. Người dân thấy được lợi ích và vai trò của bản thân, cũng như tính tất yếu của việc chuyển đổi, số hóa các TTHC... để tích cực tham gia, đồng hành, ủng hộ lực lượng Công an trong việc cấp, đổi CCCD gắn chip điện tử, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến khi thực hiện TTHC trong những lĩnh vực, gồm: Đăng ký, quản lý cư trú; giao thông; xuất, nhập cảnh; PCCC...
Người dân còn được nghe về một số điểm mới trong dự án Luật TTATGT đường bộ; được trang bị thêm nhiều kiến thức, kỹ năng cơ bản về công tác PCCC; phòng, chống tội phạm cướp giật, trộm cắp tài sản.
Đặc biệt, Công an quận 10 đã giúp bà con nhận diện, nâng cao cảnh giác trước các “chiêu thức” của tội phạm lừa đảo qua không gian mạng, như: Giả danh cơ quan tự pháp, làm quen trên mạng xã hội, yêu cầu đóng các loại phí để nhận quà; đề nghị nâng cấp sim điện thoại; thủ đoạn chiếm đoạt tài sản qua đầu tư sàn ngoại hối, sàn tiền ảo...
Đến nay, Công an TP Hồ Chí Minh đã hoàn thành 10/15 chỉ tiêu làm sạch dữ liệu, những chỉ tiêu còn lại đã hoàn thành từ 93,61% đến 99,8%, thu nhận: 5.376.473 hồ sơ cấp CCCD gắn chip điện tử; truyền dữ liệu về Cục Cảnh sát QLHC về TTXH: 5.062.779 hồ sơ; tiếp nhận từ Cục Cảnh sát QLHC về TTXH: 4.317.409 thẻ CCCD; đã trả cho công dân: 4.216.189 thẻ, hiện còn 101.220 đang phân loại trả cho công dân; đã thu nhận 12.652 hồ sơ cấp số tài khoản định danh điện tử...
* Đến nay, 100% cấp quận, huyện; cấp xã; cấp ấp, khóm trên địa bàn TP Cần Thơ đã thành lập tổ công tác triển khai thực hiện Đề án 06.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an TP Cần Thơ cho biết, Thủ trưởng Công an các đơn vị, nhất là Trưởng Công an các quận, huyện phải trực tiếp tham gia, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Đề án, chú trọng việc làm sạch dữ liệu dân cư, đảm bảo thông tin của người dân được đầy đủ, chính xác trên hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư, đảm bảo thực hiện chuyển đổi số và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn thành phố. Ban Giám đốc Công an thành phố sẽ tổ chức họp định kỳ để đánh giá kết quả, kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Tính đến ngày 10/5/2022, Công an 83 xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP Cần Thơ đã tiếp nhận gần 410.000 trường hợp cần rà soát do y tế cấp xã gửi danh sách. Đã hoàn thành rà soát, đối chiếu 296.386 trường hợp (đạt tỷ lệ 67,3%); trong đó Công an huyện Vĩnh Thạnh đã hoàn thành 100%. Đối với 25 thủ tục hành chính thiết yếu ưu tiên tích hợp, chia sẻ dữ liệu dân cư với Cổng dịch vụ công quốc gia (11 thủ tục thuộc thẩm quyền Bộ Công an), Công an TP Cần Thơ đã triển khai, tiếp nhận hồ sơ các thủ tục: Làm con dấu mới; đăng ký thường trú, tạm trú; khai báo tạm vắng, xác nhận số CMND 9 số… Cụ thể, thủ tục làm con dấu mới nhận 10 hồ sơ, đã giải quyết 9 hồ sơ, 1 hồ sơ đang giải quyết. Lĩnh vực đăng ký cư trú tiếp nhận 2.448 hồ sơ, đã giải quyết 1.987 hồ sơ; không đủ điều kiện tiếp nhận 461 hồ sơ…