Công an các đơn vị, địa phương chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất
Ngày 10/10, Bộ Công an đã có Công điện chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an gồm: Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động, Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, Cục Cảnh sát giao thông, Cục Cảnh sát Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng và Công an các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và TP Đà Nẵng chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.
Nội dung Công điện nêu rõ, do ảnh hưởng của không khí lạnh, các tỉnh Trung Bộ từ Quảng Bình đến Phú Yên đã có mưa rất lớn từ 200-400mm, riêng Thừa Thiên Huế có nơi trên 500mm. Dự báo ngày 10/10, từ Quảng Bình đến Quảng Trị tiếp tục mưa từ 40-70mm, có nơi trên 90mm; từ ngày 10-11/10, Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi mưa rất lớn từ 150-250mm, có nơi trên 300mm; Bình Định - Phú Yên mưa 70-150mm, có nơi trên 150mm. Mưa lớn gây lũ trên các sông trong khu vực từ Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi, đỉnh lũ ở mức báo động 1 - báo động 2, có sông trên báo động 2. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông và các khu đô thị.
Với yêu cầu chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, Văn phòng Bộ Công an (Thường trực Ban Chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự (Ban Chỉ đạo ƯPT) Bộ Công an đề nghị Ban Chỉ huy ƯPT Công an các đơn vị, địa phương triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, trong đó tập trung một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
1. Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Công an và chính quyền địa phương về công tác ứng phó với thiên tai. Rà soát các phương tiện thủy, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng tại các vị trí xung yếu, trọng điểm, bảo đảm thực hiện nghiêm phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng”.
2. Căn cứ vào diễn biến của mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất khẩn trương triển khai các phương án, kế hoạch, lực lượng, phương tiện và điều kiện ứng phó, bảo đảm phát huy vai trò xung kích, tuyến đầu của lực lượng CAND trên mặt trận phòng, chống thiên tai:
Đảm bảo an ninh, trật tự tại các địa phương, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, kiên quyết không cho người và phương tiện lưu thông khi chưa đảm bảo an toàn.
Chủ động các phương án phòng, chống thiên tai trong cơ quan, đơn vị Công an; bảo đảm an toàn cho các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và an toàn trụ sở, tài liệu, trang thiết bị làm việc, các cơ sở giam giữ của lực lượng CAND.
Phối hợp chặt chẽ với các ngành, các lực lượng kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất; tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu của địa phương; giúp nhân dân khắc phục hậu quả, thiệt hại do thiên tai gây ra.
Kịp thời thông tin về hình ảnh, hoạt động của lực lượng CAND trong công tác phòng chống thiên tai. Tổ chức tốt công tác trực ban, trực chỉ huy, bảo đảm lực lượng, phương tiện sẵn sàng triển khai các nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và phòng, chống thiên tai. Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo về Văn phòng Bộ (SĐT: 069.2341042, 0913.555.323; Fax: 069.2341044).