Công an xã bám buôn làng giúp người dân xóa bỏ hủ tục
Mặc dù quân số ít, còn nhiều khó khăn, thử thách, nhưng thời gian qua, Công an xã Krông Pa luôn tạo thế chủ động giữ vững an ninh chính trị, TTATXH ở địa phương, đặc biệt là đã góp phần chuyển đổi tích cực nhận thức pháp luật gắn với đời sống văn hóa của người dân; giúp người dân xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan...
Ông Kpă Thinh, Bí thư Đảng ủy xã Krông Pa, huyện miền núi Sơn Hòa (Phú Yên) chia sẻ rằng, do là địa bàn trọng điểm phức tạp về ANTT, nên từ cuối năm 2018, Công an huyện Sơn Hòa đã phân công cán bộ Công an chính quy làm Trưởng Công an xã. Đến năm 2020, thực hiện Đề án của Bộ Công an, Công an xã Krông Pa có thêm 4 cán bộ, chiến sĩ (CBCS) được điều động về công tác tại đây.
Mặc dù quân số ít, còn nhiều khó khăn, thử thách, nhưng thời gian qua, Công an xã Krông Pa luôn tạo thế chủ động giữ vững an ninh chính trị, TTATXH ở địa phương, đặc biệt là đã góp phần chuyển đổi tích cực nhận thức pháp luật gắn với đời sống văn hóa của người dân; giúp người dân xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan...
Krông Pa nằm bên QL25 kết nối vùng duyên hải Nam Trung bộ với Tây Nguyên, tiếp giáp với xã Chư Ngọc, huyện Krông Pa (Gia Lai). Xã có 5 thôn và 6 buôn, với 976 hộ gia đình, khoảng 4.300 nhân khẩu, trong đó có gần 70% là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí và nhận thức pháp luật còn hạn chế, đời sống người dân chủ yếu sản xuất nương rẫy, chăn nuôi và trồng rừng. Hàng chục năm về trước, nhiều tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan vẫn còn tồn tại trong các buôn làng nên đã có trường hợp hành xử bằng luật tục; tình trạng khiếu kiện tranh chấp đất đai phát sinh phức tạp; nhiều nhóm thanh niên tụ tập rượu, bia, gây rối, đánh nhau gây thương tích; một số người dân còn phá rừng làm nương rẫy, khai thác lâm sản trái phép… Tuy nhiên, kể từ khi Công an chính quy về cơ sở, tình hình ANTT xã Krông Pa chuyển biến tích cực, bảo đảm ổn định, góp phần tích cực phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.
Đại úy Nguyễn Lưu Nguyên, Trưởng Công an xã Krông Pa cho biết, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi vùng đồng bào dân tộc thiểu số, địa bàn đặc biệt khó khăn nên diện mạo kinh tế - xã hội miền núi Sơn Hòa nói chung, xã Krông Pa nói riêng thật sự đổi mới và phát triển. Không chỉ là “điện, đường, trường, trạm”, mà đời sống người dân cùng với trình độ dân trí, nhận thức pháp luật, khoa học công nghệ… đã được nâng cao, nhiều hủ tục mê tín dị đoan cơ bản đã được đẩy lùi. Thế nhưng vài ba năm lại tái xuất một, hai vụ đòi hành xử theo hủ tục chỉ vì nghi kỵ “ma lai”, “cầm đồ thuốc độc”.
Đại úy Nguyễn Lưu Nguyên kể rằng, anh đã cùng đồng đội rất vất vả trong việc xử lý vụ ông Ksor Y Sơn lâm bệnh chết, nhưng người thân cho rằng ông này bị Ksor Y Tai ám hại bằng chiêu thức “cầm đồ thuốc độc” trong một bữa nhậu, dẫn đến mâu thuẫn gay gắt, dòng họ hai bên thách đố hành xử bằng luật tục “lặn nước” bến sông Cà Lúi. Mỗi bên sắm lễ vật rồi rước “thầy” cúng bái “thần linh”, người đại diện bên nào ngoi đầu lên khỏi mặt nước trước thì đó là kẻ xấu, phải nộp phạt rượu, bò, heo, gà, rượu ché.
Khi đến Công an xã Krông Pa, chúng tôi bất ngờ khi gặp lại Thượng úy, Phó trưởng Công an xã Sô Minh Lẻo. Hơn 6 năm về trước, khi anh còn công tác ở Đội Cảnh sát xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) Công an huyện Sơn Hòa, anh là một trong 2 CBCS được Báo CAND phối hợp Tập đoàn Trung Nam Group hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa. Thượng úy Lẻo chia sẻ : “Nhờ có căn nhà tình nghĩa, gia đình tôi có nơi cư trú ổn định, nên từ khi về xã Krông Pa, tôi luôn an tâm công tác, cùng đồng đội thực thi hiệu quả nhiệm vụ được phân công”.
Thực tế, thời gian qua, CBCS Công an xã Krông Pa đã bám sát buôn làng “4 cùng” với nhân dân. Kết quả đã cảm hóa giáo dục một số đối tượng từng nghe lời kẻ xấu dụ dỗ, kích động, xúi giục đi theo các phần tử phản động FULRO, Tin Lành Đêga; hướng dẫn người dân hoạt động tôn giáo đúng pháp luật. Đặc biệt là đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng và tổ chức hoạt động hiệu quả phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật, kịp thời thông tin cho người dân nắm bắt những thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm để chủ động phối hợp, hỗ trợ Công an đấu tranh phòng, chống từ sớm, từ xa. Nổi bật nhất là đã phối hợp Công an xã Chư Ngọc, huyện Krông Pa (Gia Lại) đấu tranh ngăn chặn phạm pháp hình sự khi hai nhóm gồm hàng chục thanh niên ở hai địa phương mang theo hung khí đến “điểm hẹn” để giải quyết mâu thuẫn. Riêng năm 2021 và 6 tháng đầu năm nay, Công an xã Krông Pa đã tăng cường tuần tra, giải tán 53 nhóm thanh, thiếu niên tụ tập nửa đêm, mờ sáng; triệt xóa 2 tụ điểm đánh bạc gồm 11 đối tượng; đấu tranh làm rõ 2 vụ cố ý gây thương tích; truy bắt hai vụ khai thác, mua bán và vận chuyển lâm sản trái phép, yêu cầu 10 đối tượng sử dụng thiết bị xung điện đánh bắt cá trên sông, cam kết chấm dứt vi phạm…
Để chủ động phòng ngừa tội phạm, hơn hai năm qua, Công an xã Krông Pa đã phối hợp chính quyền, đoàn thể ở địa phương hòa giải ổn thỏa 85% vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp dân sự, không để phát sinh tội phạm hình sự; cảm hóa giáo dục 19 thanh, thiếu niên, đối tượng có tiền án, tiền sự và người lầm lỗi hoàn lương, hướng thiện…