CSGT sẽ sử dụng camera ghi hình để tuyên truyền, xử lý người tham gia giao thông
Hiện nay, các cơ quan chức năng đang hoàn thiện những bước cuối cùng để trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Dự kiến, nghị định có hiệu lực từ 1/1/2025, ngay khi Luật Trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ có hiệu lực.
Theo đó, việc xử lý những hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông được quy định ở mức rất cao, thậm chí tịch thu phương tiện. Cụ thể như 1 số hành vi vượt đèn đỏ, đi ngược chiều mức phạt với xe máy là 5 triệu đồng, với ôtô là 19 triệu đồng. Được biết, việc nâng cao mức phạt để đảm bảo phòng ngừa răn đe xử lý với những hành vi do cố ý và là giải pháp để kiềm giảm tai nạn giao thông.
Khi nghị định này được lấy ý kiến, đa số người dân đều bày tỏ đồng tình ủng hộ việc tăng mức xử phạt để góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân khi tham giao thông. Khi thảo luận về Luật TTATGT đường bộ, các đại biểu cũng cho rằng, việc người dân chưa chấp hành nghiêm pháp luật về bảo đảm an toàn giao thông có nguyên nhân là do chưa có chế tài đủ mạnh. Thậm chí, nhiều người còn cự cãi với CSGT, không chấp hành hiệu lệnh của CSGT, say rượu, càn quấy trên đường.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cũng đã nhiều lần đặt câu hỏi: tại sao cũng con người đó khi ở Việt Nam thì khi tham gia giao thông lại vi phạm rất nhiều lỗi cố tình như vượt đèn đỏ, phóng nhanh, vượt ẩu, thậm chí đi ngược chiều, không chấp hành hiệu lệnh của CSGT nhưng khi ra nước ngoài lại chấp hành rất nghiêm? Phải chăng, chế tài xử phạt của mình chưa đủ mạnh?
Nhiều đại biểu cũng kiến nghị, cần tăng mức phạt đối đa, đồng thời tăng cường đầu tư khoa học, công nghệ phục vụ công tác của CSGT, từ đó, thông qua thiết bị giám sát để xử lý vi phạm, đảm bảo nghiêm minh, công bằng.
Thực hiện đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là nguồn lực để phục vụ, Bộ Công an đã hiện đại hoá Trung tâm giám sát, điều hành giao thông; kết nối, chia sẻ các cơ sở dữ liệu của các cơ quan Nhà nước nâng cao hiệu quả hoạt động các hệ thống công nghệ thông tin của lực lượng CSGT với các cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác bảo đảm TTATGT, nổi bật thực hiện dịch vụ công toàn trình với thủ tục hành chính đăng ký xe lần đầu trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an; ra mắt ứng dụng VNeTraffic, phục vụ cung cấp các thông tin về giao thông cũng như các tiện ích giao thông cho người dân hướng đến phục vụ chuyển đổi số quốc gia, hiện đại hóa lực lượng CSGT. Đồng thời, đổi mới mạnh mẽ, căn bản phương thức hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông, ứng dụng khoa học, công nghệ trong công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt và đường thuỷ nội địa, triển khai liên tuyến, liên địa bàn, thông qua ứng dụng VNeTraffic hỗ trợ tuần tra kiểm soát bảo đảm thông tin xuyên suốt đáp ứng yêu cầu nhanh chóng, kịp thời, không trùng giẫm đối tượng kiểm soát ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp. Từ đó, góp phần làm minh bạch quá trình xử lý vi phạm hành chính, nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông.
Để triển khai thực hiện Luật TTATGT đường bộ và nghị định xử phạt vi phạm hành chính được thuận lợi, tạo sự đồng tình ủng hộ trong nhân dân, Cục CSGT đã có điện hướng dẫn Công an các địa phương tập trung chỉ đạo các đơn vị rà soát tuyến nội đô các ngã tư lớn phức tạp về ATGT để tập trung làm thí điểm rồi lan toả. CBCS sử dụng camera đứng ở vạch dừng phương tiện ghi hình tuyên truyền xử lý nhắc nhở người tham gia giao thông để tạo dần thành thói quen tốt, văn minh, an toàn như việc xử lý hiệu quả chuyên đề nồng độ cồn, quá tải, mũ bảo hiểm… đã làm được trong thời gian qua.
Đại tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết, quan điểm của việc nâng cao mức phạt để đảm bảo phòng ngừa răn đe xử lý với những hành vi do người vi phạm cố ý và là giải pháp để kiềm giảm tai nạn giao thông, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông cho mọi người.
Ông Nguyễn Tiến Hải ở phường Đồng Nhân, Hà Nội, là lái xe taxi cho biết: "Chúng ta cần có chế tài đủ mạnh, làm thật nghiêm để đảm bảo an toàn giao thông. Đi trên đường, tôi gặp rất nhiều trường hợp vượt đèn đỏ, bấm còi ầm ĩ, thậm chí đi ngược chiều cho nhanh, cho tiện. Tôi mong, chúng ta cần tập trung xây dựng một trật tự, văn hoá văn minh, ai không theo được thì chấp nhận tụt hậu và tự lựa chọn cho mình loại phương tiện phù hợp như tàu điện, xe buýt. Còn ý thức kém quá thì đừng ra đường làm khổ và gây nguy hiểm cho người khác".