Đại Nhạc hội Cảnh sát các nước ASEAN+ góp phần củng cố đoàn kết, hợp tác quốc tế

07:07 25/06/2022

Dự kiến, Đại Nhạc hội Cảnh sát các nước ASEAN+ năm 2022 sẽ diễn ra vào ngày 9 và 10/7 trên phố đi bộ quanh Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây là một trong số rất ít cơ hội để người dân và du khách đến Thủ đô Hà Nội có dịp thưởng thức tài năng của các nghệ sĩ – chiến sĩ trong lực lượng vũ trang của Việt Nam và cảnh sát nhiều quốc gia biểu diễn.

Nhằm thông tin rõ hơn về sự kiện đặc biệt này, chúng tôi đã trao đổi với Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động – đại diện cơ quan thường trực tổ chức Đại Nhạc hội.

PV: Còn khoảng nửa tháng nữa Đại Nhạc hội Cảnh sát các nước ASEAN+ sẽ chính thức diễn ra tại Hà Nội. Đồng chí có thể chia sẻ về sự kiện đặc biệt này?

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thanh: Đại Nhạc hội là sự kiện đặc biệt trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân (CSND) của Bộ Công an. Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động là cơ quan thường trực, đồng thời được giao nhiệm vụ thành lập Đoàn nhạc Cảnh sát Việt Nam để tham gia biểu diễn cùng các Đoàn nhạc khác trong Đại Nhạc hội.

Đoàn nhạc Cảnh sát Việt Nam tại buổi sơ duyệt chiều 24/6.

Đại Nhạc hội Cảnh sát các nước ASEAN+ là sự kiện quan trọng, góp phần tuyên truyền về sự lớn mạnh của lực lượng CSND và sự phối hợp, thống nhất, hợp tác quốc tế giữa Việt Nam với các nước trong khối ASEAN và các quốc gia khác trên thế giới. Bộ Công an đã gửi giấy mời đến 10 đoàn của các nước trong khối ASEAN và 3 đoàn của Trung Quốc, Nhật Bản, Australia.

Hiện nay, nhiều đoàn đã có công hàm phản hồi tham gia chính thức, trong đó có Lào, Philippines, Brunei, Myanmar và Trung Quốc, Nhật Bản. Phía Việt Nam có Đoàn nhạc của Công an và Đoàn nhạc của Quân đội. Các đoàn nước bạn sẽ đến Việt Nam vào ngày 7 và 8/7. Ngày 8/7 các đoàn sẽ nhận vị trí, tổng duyệt lần cuối, sáng 9/7 sẽ diễu hành quanh bờ Hồ, tối 10/7 sẽ biểu diễn hòa nhạc tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ.

PV: Đại Nhạc hội là sự kiện lớn, có nhiều đoàn từ nhiều quốc gia tham gia biểu diễn. Xin Thiếu tướng cho biết, đến thời điểm hiện tại, công tác tổ chức Đại Nhạc hội đã được chuẩn bị như thế nào?

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thanh: Đại Nhạc hội là hoạt động hợp tác quốc tế nên Ban tổ chức yêu cầu mọi hoạt động, từ đưa đón các đoàn kể từ khi đặt chân đến sân bay Nội Bài, Hà Nội cho đến bố trí nơi ăn nghỉ, các buổi tổng duyệt, biểu diễn chính thức… đều phải tuân thủ yêu cầu của hợp tác quốc tế. Ban tổ chức đã thống nhất và báo cáo lãnh đạo Bộ Công an về chương trình, phương án đón tiếp. Tất cả đều rất chi tiết, cụ thể.

Các hoạt động trong Đại Nhạc hội đều diễn ra ngoài trời. Ban tổ chức đã giao cho Công an TP Hà Nội là đơn vị chủ trì phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ Công an xây dựng các phương án đảm bảo an ninh trật tự. Nhiều đoàn của các nước tham gia yêu cầu rất khắt khe cả về công tác tuyên truyền và đảm bảo an ninh trật tự. Tất cả các yêu cầu đã được Ban tổ chức nghiên cứu, đáp ứng.  Ban tổ chức cố gắng tạo điều kiện tối đa để nhân dân xem được toàn bộ các hoạt động diễu hành cũng như chương trình hòa nhạc.

Vì chương trình hòa nhạc ở khu vực tượng đài Lý Thái Tổ là biểu diễn trên sân khấu, không thể phục vụ tất cả khách ngồi xem nên chúng tôi bố trí các màn hình led lớn xung quanh Bờ Hồ, để nhân dân đứng từ xa vẫn xem được. Ban tổ chức đã thuê công ty chuyên tổ chức sự kiện lớn làm âm thanh, ánh sáng, thiết kế sân khấu; mời nhiều nhạc sĩ uy tín, có kinh nghiệm tổ chức các chương trình lớn tham gia, trong đó, PGS.TS.Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân làm tổng đạo diễn chương trình. Ban tổ chức hy vọng, hoạt động  của Đại Nhạc hội sẽ được thực hiện một cách chu đáo, âm thanh ánh sáng hoàn hảo với các tiết mục đặc sắc nhất.

PV: Đại Nhạc hội có điểm nhấn nào nổi bật, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thanh: Trong chương trình diễu hành, các đoàn sẽ biểu diễn nhạc kèn. Bên cạnh đó, các nghệ sĩ của các đoàn sẽ biểu diễn hát, múa. Đoàn sẽ diễu hành khoảng 1,8km quanh Hồ Hoàn Kiếm. Mỗi đoàn biểu diễn nhiều tác phẩm. Trong quá trình diễu hành, các đoàn sẽ dừng ở 4 điểm. Tại mỗi điểm, mỗi đoàn sẽ biểu diễn từ 2 đến 3 tác phẩm. Dự kiến, hòa nhạc tối 10/7 được phát trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam, kênh VTV1. Vì thời lượng chỉ có 1h30 nên mỗi đoàn sẽ biểu diễn từ 9 đến 10 phút. Tùy theo độ dài ngắn của tác phẩm được lựa chọn, mỗi đoàn sẽ biểu diễn từ 2 đến 3 tiết mục.

Trong Đại Nhạc hội, công chúng có dịp xem nhiều đoàn nhạc có thế mạnh về nhạc kèn biểu diễn như Trung Quốc, Nhật Bản. Đến nay các đoàn bạn chưa cung cấp thành viên trong đoàn và các tiết mục biểu diễn chính thức nhưng tinh thần chung là các đoàn sẽ biểu diễn các tác phẩm hay về đất nước, con người, lực lượng CAND, Cảnh sát các nước. Số lượng thành viên tham gia đông nhất mỗi đoàn là 35 người. Tuy nhiên, có những đoàn, số người tham gia biểu diễn ít hơn, như Đoàn nhạc Cảnh sát Nhật Bản chỉ có 9 người.

PV: Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động là cơ quan thường trực, tổ chức Đại nhạc hội đã có chỉ đạo, chuẩn bị như thế nào cho sự kiện đặc biệt này, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thanh: Đoàn Nhạc của Bộ Công an đã tham gia nhiều Nhạc hội Cảnh sát nhưng tham gia với tư cách khách mời. Tất cả các lần tổ chức trước đây đều do Báo Mainichi của Nhật Bản tổ chức. Việt Nam cũng đã có 2 lần đăng cai. 1 lần tổ chức tại TP Hồ Chí Minh và 1 lần tại Hà Nội. Tuy nhiên, cả 2 lần này, Việt Nam chỉ là nước chủ nhà, còn công tác tổ chức đều do Nhật Bản tài trợ. Lần này, Bộ Công an là đơn vị chủ trì, thực hiện các khâu, từ mời các đoàn, tổ chức đón tiếp đến đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng chương trình tổng thể.

Các nghệ sĩ - chiến sĩ của Đoàn Nghi lễ CAND trong buổi sơ duyệt chiều 24/6.

Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động có 2 nhiệm vụ chính là giúp Bộ Công an tổ chức Đại Nhạc hội và thành lập, thực hiện chương trình biểu diễn của Đoàn nhạc Cảnh sát Việt Nam. Ban tổ chức cũng đã xác định, việc tổ chức Đại Nhạc hội có ý nghĩa rất lớn. Đối với Việt Nam, đây là dịp để cho Đoàn Nhạc lễ học hỏi kinh nghiệm và nâng cao kỹ thuật nhạc công. Đối với Bộ Công an, đây cũng là dịp củng cố tình đoàn kết, hữu nghị giữa Công an Việt Nam với các nước ASEAN và các nước khác trên thế giới. Đây cũng là dịp để chúng ta tích lũy kinh nghiệm trong tổ chức các sự kiện lớn sau này.

Từ 2 tháng trước, chúng tôi đã thành lập Đoàn nhạc Cảnh sát Việt Nam và xác định, đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng CSND, là dịp đặc biệt để giới thiệu hình ảnh đẹp về lực lượng CAND với bạn bè quốc tế và nhân dân. Công tác tổ chức phải hết sức chu đáo. Chương trình của Đoàn nhạc Cảnh sát Việt Nam, trong đó có Đoàn Nhạc kèn phải đặc sắc, ấn tượng. Chúng tôi phối hợp với các nhạc sĩ nổi tiếng của Việt Nam để chọn và dàn dựng nhiều tác phẩm giàu ý nghĩa, ca ngợi đất nước, Đảng, Bác Hồ, lực lượng CAND nói chung, lực lượng CSND nói riêng. Hơn 100 nhạc công, nghệ sĩ đã miệt mài tập luyện suốt thời gian qua. Chương trình biểu diễn của Đoàn gồm biểu diễn nhạc kèn và các tiết mục hát múa biểu diễn phụ họa phục vụ chương trình diễu hành quanh bờ Hồ và buổi hòa nhạc tại khu vực trước tượng đài Lý Thái Tổ.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!

Hoa Nguyễn (thực hiện)

Sáng 17/11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú lần thứ 16 và tuyên dương Nhà giáo tiêu biểu năm 2024. Chương trình nhằm biểu dương, tôn vinh và tri ân các nhà giáo tiêu biểu xuất sắc, có nhiều đổi mới sáng tạo và đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của đất nước.

Trước ngày khởi công Dự án đường Vành đai 3 (18/6/2023) Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến trước ngày 31/12/2023 sẽ bàn giao 100% mặt bằng phục vụ dự án. Nhưng thực tế việc giải phóng mặt bằng và thi công các gói thầu diễn ra rất chậm…

Tiếp tục quá trình điều tra vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu, nộp ngân sách Nhà nước” xảy ra tại Quảng Bình, trong 2 ngày 15 và 16/11, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Bình đã tiến hành khởi tố 11 bị can có liên quan và đang tiếp tục điều tra, mở rộng.

Bộ Xây dựng thống kê, giá bất động sản tại một số địa phương vẫn có xu hướng tăng, đặc biệt là ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các đô thị lớn. Điển hình như tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư tiếp tục tăng ở cả dự án mới và cũ. Mặt bằng giá dự án mới quý III/2024 đã tăng từ 4-6% theo quý và từ 22-25% theo năm. Đặc biệt, có một số khu vực tăng cục bộ lên khoảng 35-40% tùy từng vị trí so với quý trước.

Ngày 17/11, thông tin từ Công an tỉnh Bình Phước cho biết đang tạm giữ 14 đối tượng về các hành vi mua bán và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, thu giữ hơn 6kg ma túy, 1 khẩu súng và nhiều phương tiện pha trộn, đóng gói ma túy.

Ngày 17/11, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đồng Tháp đang tạm giữ hình sự Phạm Hải Đức (SN 1990, ngụ phường 1, Quận 4, TP Hồ Chí Minh) và Tăng Hạ Quốc Huy (Việt kiều Canada, SN 1988, tạm trú phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1, TP Hồ Chí Minh)  để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trong bối cảnh thị trường nhà ở đang mất cân đối cung - cầu nghiêm trọng, giá nhà ngày càng tăng cao ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận nhà ở của người dân, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, việc cho phép thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thoả thuận về nhận quyền sử dụng đất sẽ giải quyết được một số tồn tại của thị trường bất động sản hiện nay.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文