Đảm bảo an ninh, an toàn trên thành phố du lịch cao nguyên

15:11 01/05/2023

Đằng sau sự hài lòng của du khách khi đến với xứ lạnh Đà Lạt (Lâm Đồng) tham quan, trải nghiệm, tận hưởng không gian trong lành, mát lạnh mà tạo hóa ban tặng cho vùng đất này có nhiệm vụ thầm lặng nhưng nặng nề của các lực lượng trực thuộc Công an tỉnh Lâm Đồng.

Du lịch và những nguy hiểm rình rập

Không phải ngẫu nhiên mà từ đầu thế kỷ XX, khi được nhà thám hiểm Alexandre Yersin (1863-1943) báo cáo về “một vùng đất lành”, Toàn quyền Đông Dương, ông Paul Doumer (1857-1932), đã tức tốc cho kiến thiết vùng đất này thành nơi nghỉ dưỡng mùa hè dành cho các quan lại người Pháp và tầng lớp tinh hoa người An Nam. Đà Lạt chính là phần đất nối dài của dãy Trường Sơn ở Tây Nguyên lấn xuống phía Nam, nơi có độ cao trung bình là 1.500m. Tổng thể miền đất lạnh là đồi núi chập chùng, khí hậu trong lành, quanh năm se lạnh. Thật khó có thể tìm thấy ở nơi khác giữa mùa hè nắng nóng oi ả lại có sương giăng trắng lối như Đà Lạt. Vì thế, từ tháng 4 hằng năm, Đà Lạt thiện lành nghiễm nhiên trở thành sự lựa chọn của nhiều du khách.

Một góc TP Đà Lạt.

Cao điểm mùa du lịch cũng đã đặt ra cho lực lượng Công an những nhiệm vụ nặng nề trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho du khách. Gần đây, du lịch mạo hiểm, trải nghiệm tại Đà Lạt đã thu hút một lượng lớn du khách, nhất là khách phương Tây và người trẻ tuổi. Đây là loại hình du lịch thường chứa đựng nhiều rủi ro nếu không tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật. Thực tế, trong vòng 10 năm qua, tại Đà Lạt đã xảy ra không ít vụ tai nạn liên quan tới du lịch mạo hiểm. Điển hình là vào tháng 2/2016 tại thác Datanla, TP Đà Lạt, khi đó, 3 du khách người Anh (từ 19 tới 24 tuổi), tham gia tour đu dây vượt thác đã rơi xuống vực nước sâu khoảng 15m thay vì phải dừng lại ở điểm nước sâu 1,8m. Mặc dù đã mặc áo phao, đội mũ bảo hiểm bảo hộ nhưng khi rơi xuống vực sâu, người đập vào đá, cả 3 du khách này đều không qua khỏi.

Nỗi đau vẫn còn đó thì một năm sau, tại thác hang Cọp, xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt, cũng đã xảy ra vụ tai nạn tương tự khiến một du khách người Ba Lan và một hướng dẫn viên du lịch tử nạn. Nguyên nhân là do trong lúc đu dây vượt thác, nước lớn từ thượng nguồn bất ngờ đổ về, cuốn trôi nhiều người, hai người trong số đó đã không qua khỏi. Tiếp đó, năm 2018, một du khách 23 tuổi người Hàn Quốc cũng đã tử nạn khi tham gia tour du lịch mạo hiểm ở thác Datanla. Kết luận của cơ quan chức năng xác định nguyên nhân tử vong của du khách này là do nhảy từ trên cao xuống tiếp nước không đúng kỹ thuật dẫn đến nhiều cơ quan nội tạng bị tổn thương. Điểm lại những vụ tai nạn trên để thấy được vai trò nặng nề của lực lượng Công an các đơn vị, địa phương của tỉnh Lâm Đồng trong việc phối hợp kiểm tra, thẩm định các điều kiện an toàn đối với điểm, khu du lịch, loại hình du lịch, đồng thời sẵn sàng ứng phó với những sự cố bất ngờ, đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách khi đến với phố hoa Đà Lạt.

Để phòng ngừa tai nạn liên quan tới hoạt động du lịch, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quy định tạm thời về quản lý hoạt động tổ chức và khai thác kinh doanh du lịch mạo hiểm trên địa bàn, nêu rõ điều kiện đối với du khách khi tham gia loại hình du lịch này. Du khách phải ký cam kết đảm bảo điều kiện về sức khỏe, độ tuổi phù hợp với chương trình du lịch mạo hiểm đăng ký, đồng thời chịu trách nhiệm nếu xảy ra bất cứ tai nạn, sự cố nào liên quan đến việc cung cấp thông tin sai về độ tuổi, điều kiện sức khỏe hoặc do không tuân thủ hướng dẫn của hướng dẫn viên.

Những cuộc giải cứu giành giật sự sống

Cùng với việc siết chặt công tác quản lý, tăng cường kiểm tra, thẩm định điều kiện về an toàn tour, tuyến và những địa điểm tổ chức tham quan cho du khách, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC-CNCH) Công an tỉnh Lâm Đồng còn thường xuyên diễn tập, sẵn sàng ứng phó với các sự cố bất ngờ liên quan tới hoạt động trải nghiệm, dã ngoại của du khách. Chính sự chủ động này đã đem tới hiệu quả cao khi tiếp nhận thông tin “cầu cứu” từ cơ sở.

Lực lượng Cảnh sát PCCC-CNCH Công an tỉnh Lâm Đồng đu dây giải cứu người mắc kẹt trong mưa lũ.

Điển hình là chiều 29/11/2020, Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH Công an tỉnh Lâm Đồng nhận được tin báo tại xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương có 1 đoàn khách khi đi du lịch về qua cầu treo K’Long K’Lanh thì bất ngờ cầu bị lật, 4 người bị nước lũ cuốn trôi. Hai người trong số họ bám được vào thân cây chới với giữa dòng nước dữ, không có cách nào để vào được bờ.

Thượng tá Nguyễn Tiến Hồng, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH Công an tỉnh Lâm Đồng đã huy động lực lượng và phương tiện, thiết bị chuyên dụng khẩn trương tới hiện trường. Sau khi trinh sát và hội ý, trước tình thế hết sức cấp bách, liên quan tới tính mạng của hai du khách, lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH đã chỉ đạo 4 CBCS có nhiều kinh nghiệm mang theo dây, áo phao, carabiner, sử dụng xuồng hơi chạy thuận theo chiều nước thận trọng tiếp cận vị trí của các nạn nhân.

Sau hơn 30 phút vật lộn giữa dòng lũ dữ, đối mặt với nhiều hiểm nguy, các CBCS Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH Công an tỉnh Lâm Đồng đã cứu được 2 nạn nhân khỏi cửa tử thần vào bờ an toàn. Thời tiết mưa gió, nước lũ cuồn cuộn đổ về ngày càng lớn đe dọa trực tiếp tới sự an toàn của lực lượng chức năng nhưng với quyết tâm cao, hai ngày sau đó, Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH tỉnh Lâm Đồng đã tìm thấy thi thể 2 nạn nhân còn lại.

Cuộc đu dây giải cứu 41 người, trong đó có 7 trẻ em thoát khỏi dòng lũ quét vào tháng 8/2019 đã để lại dấu ấn đậm nét về hình ảnh người chiến sĩ Cảnh sát PCCC-CNCH Công an tỉnh Lâm Đồng trong lòng người dân. Rạng sáng ngày 8/8/2019, trực ban Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH Công an tỉnh Lâm Đồng nhận tin báo tại xã Lát, huyện Lạc Dương nước lũ tràn về, gây cô lập một trang trại trong đó có nhiều người.

Trước việc nước lũ đổ về nhanh, chảy xiết, nguy cơ quét qua căn nhà 41 người đang trú ẩn, lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH Công an tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo một số CBCS tinh nhuệ, bằng mọi cách tiếp cận bờ bên kia, cố định hai đầu dây để giải cứu các nạn nhân bằng cách đu, băng qua dòng nước dữ. Với hành động quả cảm, mưu trí, các chiến sĩ Cảnh sát PCCC-CNCH đã tiếp cận được các nạn nhân, lần lượt đưa từng người đu dây băng khỏi vùng nguy hiểm. 41 người, trong đó có 7 trẻ em được giải cứu ngoạn mục trước sự thán phục của quần chúng hồi hộp theo dõi.

Với kinh nghiệm tích lũy từ thực tiễn, trong công tác CNCH đối với sự cố liên quan tới khách du lịch, lực lượng Cảnh sát PCCC-CNCH Công an tỉnh Lâm Đồng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giành giật lại sự sống cho nhiều người trước cửa tử thần. Gần đây nhất, ngày 31/8/2022, 17 học sinh trong lúc đi tham quan tại khu vực thác nước Ankoret (huyện Lạc Dương) thì bất ngờ gặp mưa lớn, nước lũ cuồn cuộn đổ về, 10 em bị kẹt giữa rừng. Chỉ trong ít phút, các em đã hoàn toàn bị cô lập, đe dọa trực tiếp tới an nguy, tính mạng. Trước tình thế cấp bách, lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH Công an tỉnh Lâm Đồng đã lệnh cho các CBCS bằng mọi cách phải giải cứu các em trong thời gian sớm nhất nhằm chạy đua với nước lũ. Bất chấp những hiểm nguy, các anh đã dũng cảm băng qua dòng lũ rừng đang quét, lần lượt giải cứu thành công 10 học sinh bị mắc kẹt trong hoảng loạn.

Nói về công tác tìm kiếm CNCH, Thượng tá Nguyễn Tiến Hồng, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, công tác CNCH trên cạn đã khó thì dưới nước càng khó hơn gấp bội. Các anh phải đối mặt với nhiều nguy hiểm do dòng nước lạnh, chảy xiết, mực nước sâu với áp suất cao, dễ bị vật sắc nhọn dưới lòng nước gây thương tích, đòi hỏi các mặt công tác phải được chuẩn bị kỹ lưỡng. “Phản ứng nhanh, đưa ra phương án xử lý khả thi là điều kiện để đảm bảo công tác CNCH đạt hiệu quả cao!..”, Thượng tá Nguyễn Tiến Hồng chia sẻ.

Khắc Lịch

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 16 bị can khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Từ kết quả điều tra những dấu hiệu bất thường tại một số gói thầu thi công xây dựng công trình trên địa bàn TP Nha Trang do Ban Quản lý Dịch vụ Công ích TP Nha Trang làm chủ đầu tư, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, đồng thời bắt tạm giam hai cán bộ nhà nước và hai giám đốc doanh nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文