Đảm bảo an ninh ở vùng công nghiệp Bình Dương

07:49 16/08/2022

Hiện tại Bình Dương có 41 khu, cụm công nghiệp thu hút 1,2 triệu lao động, trong đó có 53% là lao động nhập cư và hàng chục ngàn người nước ngoài đến làm việc và cư trú. Hàng năm trên địa bàn tỉnh Bình Dương xảy ra nhiều vụ đình công, lãn công có nguyên nhân xuất phát từ mâu thuẫn nội bộ giữa người lao động và chủ doanh nghiệp.

Lợi dụng tình hình này, các thế lực thù địch tìm cách để kích động, lôi kéo biểu tình, bạo loạn, gây rối trật tự công cộng… Do vậy mà công tác đảm bảo an ninh công nhân ở "thủ phủ" khu công nghiệp luôn được Công an tỉnh Bình Dương đặt lên hàng đầu và đề ra nhiều giải pháp phòng ngừa hiệu quả.

Trong công tác đảm bảo an ninh công nhân, an ninh trật tự trong các khu, cụm công nghiệp Bình Dương, đã có nhiều mô hình tiên phong. Đầu tiên là mô hình Đội công nhân xung kích (CNXK) tự quản về ANTT tại các doanh nghiệp. Từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh đã thành lập gần 800 Đội CNXK với hơn 16.000 thành viên. Theo quy định chung, mỗi doanh nghiệp tùy theo quy mô mà thành lập một hay nhiều Đội CNXK cho doanh nghiệp mình nhưng tối thiểu mỗi đội là 10 thành viên.

Lực lượng Công an luôn sát cánh cùng doanh nghiệp, nhất là trong thời điểm dịch COVID-19 căng thẳng.

Nhiệm vụ của Đội CNXK là khi xảy ra các vụ việc có liên quan đến an ninh trật tự phải tổ chức bảo vệ hiện trường, bảo vệ tài sản doanh nghiệp, cấp cứu nạn nhân, bắt người phạm tội quả tang và báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để phối hợp xử lý. Để hỗ trợ về chuyên môn, cơ quan Công an thường xuyên hướng dẫn các biện pháp nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức pháp luật… cho thành viên của các Đội CNXK này. Nhờ cách làm như vậy mà đến nay đã có hàng trăm, hàng ngàn vụ mâu thuẫn trong công nhân và giữa công nhân với người bên ngoài được kịp thời ngăn chặn, hòa giải. Vấn nạn trộm cắp trong các doanh nghiệp cũng giảm đi rõ rệt…

Điển hình như Đội CNXK tại Công ty Esquel Garment, khu công nghiệp Vsip (TX Thuận An), các thành viên của đội thường xuyên xuống tận xưởng sản xuất nơi công nhân làm việc để nắm tâm tư, nguyện vọng và chia sẻ những khó khăn vướng mắc của người lao động, từ đó có những đề xuất với ban lãnh đạo công ty có biện pháp khắc phục kịp thời.

Từ khi đưa Đội CNXK đi vào hoạt động, nhiều vụ trộm cắp tài sản, kích động đình công trái pháp luật tại công ty được phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Bên cạnh đó, thành viên đội CNXK Công ty Esquel Garment cũng thường xuyên phối hợp với các lực lượng của công ty tham gia diễn tập các phương án bảo vệ công ty, phòng cháy chữa cháy…

Thị xã Tân Uyên (Bình Dương) với gần 400.000 nhân khẩu, là thị xã có dân số đông nhất nước ở cùng cấp đơn vị hành chính. Trong đó có đến gần 70% nhân khẩu tạm trú, chủ yếu là công nhân trong các khu công nghiệp và doanh nghiệp xen kẽ trong khu dân cư. Chính vì vậy mà toàn địa bàn có đến gần 6.000 nhà trọ để đáp ứng nhu cầu người thuê ở.

"Người dân tạm trú đến từ khắp nơi trên cả nước với văn hóa, cách ứng xử riêng của từng vùng miền. Khi chưa hòa nhập được, họ rất dễ mất lòng nhau từ lời ăn tiếng nói đến cách giải quyết vấn đề, dẫn đến mâu thuẫn, đánh nhau trong lúc làm việc trong công ty. Chính vì vậy mà mô hình Đội CNXK đã phát huy tác dụng rõ rệt"- Thượng tá Hà Tấn Phú, Trưởng Công an thị xã Tân Uyên cho biết.

Cùng với Đội CNXK, mô hình "Xây dựng lực lượng nòng cốt của các ngành, đoàn thể tại cơ sở" cũng xuất hiện đầu tiên ở Bình Dương. Mô hình này được thành lập xuất phát từ vụ gây rối trật tự, đập phá tài sản doanh nghiệp liên quan đến giàn khoan HD 981 xảy ra vào năm 2014 ở Bình Dương và nhiều tỉnh, thành phía Nam. Các đối tượng tham gia phần đông là công nhân, người dân bị dụ dỗ, lôi kéo bởi các thế lực thù địch, phản động…

Rút kinh nghiệm từ vụ việc này, Công an tỉnh Bình Dương đã xây dựng mô hình nói trên với lực lượng tham gia gồm các thành viên là đại diện các ban ngành, đoàn thể và quần chúng nhân dân tại cơ sở, vừa có chức năng là kênh tuyên truyền viên tại địa phương, vừa nắm tình hình dư luận nhân dân, công nhân; khi có tình huống sẵn sàng huy động theo phương châm "4 tại chỗ" để tham gia cùng lực lượng chức năng giải quyết các điểm nóng phát sinh. Nhờ vậy mà từ đó đến nay, đặc biệt là trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 vừa qua, công tác an ninh công nhân đã được đảm bảo khá tốt.

Vào thời điểm căng thẳng nhất của dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4, khi có một số ca F0 là công nhân bị tử vong, hầu hết các công nhân đều hoang mang, lo lắng, bức xúc muốn ngừng việc và rời khỏi công ty ngay. Đã có 16 vụ với hơn 4.000 công nhân ngưng việc tập thể hoặc tạo áp lực để được ra về, trong đó có 7 vụ công nhân bất hợp tác, phản ứng quyết liệt, thậm chí xô đổ hàng rào công ty, khu cách ly để bỏ về.

Cùng lúc đó, các thế lực thù địch, phản động, đối tượng xấu lợi dụng tình hình đăng tải hàng chục ngàn lượt thông tin sai lệch, nói xấu chính quyền, doanh nghiệp trên mạng xã hội để kích động công nhân biểu tình, bạo động. Tuy nhiên, do đã chủ động phòng ngừa từ trước nên Công an tỉnh Bình Dương đã triển khai nhiều phương án hóa giải tình hình, ổn định trật tự.

Khi giãn cách xã hội được nới lỏng, trong lúc Thủ tướng Chính phủ kêu gọi mọi người dân "ai ở đâu ở yên đó" để bảo vệ thành quả đã đạt được thì thành phần xấu tiếp tục kêu gọi công nhân, người dân tự phát về quê. Chỉ trong 10 ngày đầu của tháng 10/2021 đã có hơn 140 ngàn công nhân, người dân đi xe gắn máy thành đoàn để về quê tự phát. Tuy nhiên,  lực lượng Công an đã vận động, kêu gọi công nhân, người dân trở lại nơi tạm trú một cách an toàn.  

Để tiếp tục đảm bảo tình hình an ninh trật tự, an ninh công nhân, chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý đối tượng vi phạm pháp luật; hạn chế đình công, tranh chấp lao động không đúng quy định của pháp luật tại các khu, cụm công nghiệp, Công an tỉnh Bình Dương đã và đang thực hiện khá nhiều giải pháp trong đó có nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, thù địch của các hội nhóm trên không gian mạng. Phối hợp cùng lực lượng có liên quan tổ chức kiểm tra, quản lý xuất nhập cảnh, cư trú của người nước ngoài trong các doanh nghiệp…   

Mã Hải

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã hoàn tất cáo trạng và chuyển hồ sơ sang Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm 5 bị cáo gồm: Mai Thị Thanh Thủy (SN 1964, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tài Thắng - Công ty Tài Thắng); Lê Tuấn Tú (SN 1987, con trai bị cáo Thủy, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Quốc tế Tuấn Phát - Công ty Tuấn Phát); 2 nhân viên kế toán 2 công ty gồm: Đinh Thị Lan Hương (SN 1980), Nguyễn Thị Phương (SN 1987); Trịnh Thị Thanh Hòa (SN 1984, thủ kho kiêm thủ quỹ 2 công ty) về tội "Vi phạm các quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 221, khoản 1, khoản 3 - Bộ luật Hình sự.

Không thụ động chờ các chính sách ưu đãi từ Trung ương, ngày càng nhiều tỉnh, thành phố chủ động thu hút các đoàn làm phim nhằm tích cực đẩy mạnh quảng bá địa phương, thu hút khách du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại từng điểm đến. Đây là động thái cần thiết, không chỉ có lợi cho điện ảnh mà còn có lợi cho các địa phương, mặc dù, việc triển khai này bị cho là khá muộn so với nhiều quốc gia khác.

Kinh tế toàn cầu trong năm 2024 đã chứng tỏ khả năng phục hồi đáng kinh ngạc trước một loạt thách thức lớn. Từ những căng thẳng địa chính trị kéo dài ở Ukraine và Trung Đông, cho đến những vấn đề nội tại như lạm phát và bất ổn thị trường lao động, bức tranh kinh tế thế giới mang đến cả những tín hiệu tích cực lẫn bài học quý giá. Các nền kinh tế lớn và mới nổi đều tìm cách vượt qua nghịch cảnh, tạo động lực để tiếp tục tiến lên trong bối cảnh biến động không ngừng.

Từ năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho phép các trường phổ thông được xây cao không quá 5 tầng, thay vì 3-4 tầng như hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng, sự điều chỉnh này là hướng mở phù hợp, cần thiết nhằm góp phần giải quyết bài toán quá tải trường lớp ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nơi quỹ đất để xây trường trong nội thành ngày càng eo hẹp.

Cơ quan CSĐT Công an huyện Mê Linh, TP Hà Nội đang điều tra, xác minh vụ tai nạn giao thông xảy ra khoảng 5h10' ngày 27/11/2024 tại đường Mê Linh theo hướng từ đường Võ Văn Kiệt đi tỉnh Vĩnh Phúc thuộc xóm Soi, thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh, TP Hà Nội giữa xe ôtô BKS 29C - 733.12 với người đi bộ.

Sau hơn 6 giờ nỗ lực tìm kiếm, lực lượng chức năng cùng người dân đã phát hiện, vớt thành công thi thể của 2 mẹ con nhảy cầu tự tử vào trưa cùng ngày.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump mới đây đã cáo buộc Panama tính phí quá cao khi sử dụng kênh đào Panama và cho biết nếu Panama không quản lý kênh đào theo cách chấp nhận được, ông sẽ yêu cầu đồng minh này của Mỹ giao lại kênh đào.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文