Đảm bảo cơ sở pháp lý đầy đủ để Cảnh sát cơ động hoàn thành tốt nhiệm vụ
Điều 10, Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ) quy định cụ thể 7 quyền hạn của CSCĐ, trong đó kế thừa 5 quy định về quyền hạn tại Pháp lệnh CSCĐ, đồng thời bổ sung 2 quyền hạn liên quan đến việc mang theo người vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không, lên tàu bay dân sự và ngăn chặn, vô hiệu hóa tàu bay không người lái, các phương tiện bay siêu nhẹ.
Việc bổ sung 2 quyền hạn này nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý đầy đủ cho CSCĐ hoàn thành tốt nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất được giao và thống nhất với các quy định của pháp luật có liên quan.
Phù hợp với yêu cầu tác chiến, tính cơ động nhanh
Khoản 2, Điều 10 Luật CSCĐ quy định, CSCĐ được mang theo người vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không, lên tàu bay dân sự để làm nhiệm vụ thuộc một trong các trường hợp sau đây: Chống khủng bố, giải cứu con tin; trấn áp đối tượng thực hiện hành vi nguy hiểm có sử dụng vũ khí, vật liệu nổ; bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt; áp giải bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; sử dụng tàu bay do cấp có thẩm quyền huy động riêng cho CSCĐ để kịp thời cơ động giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự.
Như vậy, trong trường hợp xảy ra khủng bố, bắt cóc con tin tại cảng hàng không hoặc trên tàu bay mà CSCĐ được cấp có thẩm quyền điều động để thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố thì CSCĐ được quyền mang theo vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để thực hiện các biện pháp chống khủng bố, giải cứu con tin. Hoặc, trong trường hợp CSCĐ được giao nhiệm vụ bảo vệ hàng đặc biệt theo quy định của Chính phủ, áp giải bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng bằng đường hàng không thì cũng cần phải mang theo vũ khí, công cụ hỗ trợ để kịp thời xử lý các vụ việc, tình huống có thể xảy ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Đối với trường hợp sử dụng tàu bay do cấp có thẩm quyền huy động riêng cho CSCĐ để kịp thời cơ động giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự, qua rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động của CSCĐ như Luật Hàng không dân dụng và các văn bản quy định chi tiết thi hành chưa quy định CSCĐ được là đối tượng mang vũ khí lên tàu bay trong trường hợp thực hiện nhiệm vụ tác chiến mà vẫn phải ký gửi hành lý theo quy định. Việc này nếu thực hiện nhiệm vụ bình thường theo kế hoạch thì không ảnh hưởng. Tuy nhiên, đối với trường hợp cần cơ động nhanh lực lượng cùng các loại vũ khí, trang bị bằng đường hàng không để kịp thời giải quyết các vụ việc thì sẽ không đảm bảo vì thời gian làm thủ tục ký gửi và nhận hành lý rất lâu.
Thực tế quá trình xử lý các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự trong thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ CSCĐ cùng các loại vũ khí, trang bị được điều động và di chuyển bằng đường hàng không để triển khai lực lượng trấn áp, giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, quá trình làm thủ tục ký gửi vũ khí, trang bị theo quy định về an ninh hàng không mất nhiều thời gian, làm ảnh hưởng đến việc triển khai lực lượng, phương án tác chiến của CSCĐ. Trong trường hợp này CSCĐ được bố trí chuyên cơ riêng, không đi chung với hành khách nên không ảnh hưởng đến an ninh, an toàn và mỹ quan đối với hàng không dân dụng. Do vậy, việc quy định CSCĐ được mang theo người vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không và lên tàu bay dân sự như tại Luật phù hợp với yêu cầu tác chiến, tính cơ động nhanh của CSCĐ trong thực hiện nhiệm vụ.
Chủ động ngăn chặn, vô hiệu hóa các phương tiện, hoạt động xâm phạm mục tiêu
Khoản 3 Điều 10 Luật CSCĐ cũng quy định, CSCĐ được quyền ngăn chặn, vô hiệu hóatàu baykhông người lái và các phương tiệnbay siêu nhẹtrực tiếp tấn công, đe dọa tấn cônghoặcxâm phạm mục tiêu bảo vệ của Cảnh sát cơ độngtrong phạm vi khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
CSCĐ ở Trung ương và địa phương được giao nhiệm vụ vũ trang canh gác bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội theo danh mục quy định tại một số nghị định của Chính phủ. Hiện nay, CSCĐ đang bảo vệ hơn 650 mục tiêu trên phạm vi toàn quốc. Bên cạnh đó, CSCĐ còn được giao nhiệm vụ bảo vệ các hội nghị, sự kiện quan trọng như Đại hội Đảng toàn quốc, bầu cử Quốc hội, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp; các sự kiện, hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam và bảo vệ các đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Việt Nam.
Tại Nghị định số 36/2008/NĐ-CP ngày 28/3/2008 của Chính phủ về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ, việc quản lý điều hành, giám sát hoạt động bay đang được giao cho Bộ Quốc phòng thống nhất quản lý nhưng chưa quy định các hành vi vi phạm và các biện pháp xử lý đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ. Qua rà soát, tại Điều 23 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định người thi hành nhiệm vụ độc lập được nổ súng vào phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông đường thủy nội địa nhưng chưa có quy định đối với phương tiện bay không người lái.
Trong khi đó theo quy định tại khoản 3, Điều 3 Quyết định số 18/2020/QĐ-TTg ngày 10/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thiết lập khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay đối với tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ đã xác định khoảng cách từ tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ hoạt động đến ranh giới khu vực bảo vệ mục tiêu của Bộ Công an theo chiều ngang không nhỏ hơn 500m ở mọi độ cao. Thực tế hiện nay các loại phương tiện bay siêu nhẹ được sử dụng rất rộng rãi trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, tiềm ẩn nguy cơ đe dọa gây mất an toàn các mục tiêu bảo vệ. Đặc biệt là trường hợp các loại phương tiện này bị các đối tượng sử dụng mang chất nổ, chất độc tấn công, phá hoại các mục tiêu.
Do đó, Luật bổ sung thẩm quyền này cho CSCĐ để đảm bảo cơ sở pháp lý trong việc chủ động ngăn chặn, vô hiệu hóa tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ trong trường hợp các phương tiện này trực tiếp tấn công, đe dọa tấn công hoặc xâm phạm mục tiêu nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn các mục tiêu được giao vũ trang, canh gác bảo vệ.
Đồng thời, để đảm bảo chặt chẽ, tránh trùng giẫm với chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Quân đội, Luật cũng đã quy định phạm vi thực hiện thẩm quyền này là “trong phạm vi khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay theo quy định của Thủ tướng Chính phủ” để phù hợp với Quyết định số 18/2020/QĐ-TTg ngày 10/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thiết lập khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay đối với tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ.