Dấu ấn CSGT trong xây dựng thói quen “đã uống rượu bia thì không lái xe”

15:33 27/04/2023

Đại tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết, việc xử lý "mạnh tay" vi phạm nồng độ cồn, góp phần từng bước thay đổi hành vi của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trên địa bàn.

“Thời gian qua, lực lượng CSGT làm rất tốt, đặc biệt là xử lý vi phạm nồng độ cồn đã tạo được ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân, khi ý thức thay đổi thì giao thông sẽ thay đổi. Ngay trong gia đình tôi, chồng tôi về ăn giỗ, lỡ uống rượu nên không dám lái xe vì sợ bị phạt vi phạm nồng độ cồn. Tôi lấy chồng hơn 30 năm chưa bao giờ chồng nói như vậy. Điều đó cho thấy ý thức của từng người dân đã tăng lên rõ rệt. Tôi cũng nói với chồng, con tôi là nếu bị phạt thì tự nộp tiền, bị giam xe thì phải chấp nhận chứ sẽ không xin giúp” – đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà khi nói về công tác xử lý vi phạm nồng độ cồn của CSGT trong thời gian qua. Đây cũng chính là suy nghĩ, đánh giá của hầu hết người dân khi tham gia giao thông.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an kiểm tra công tác đảm bảo TTATGT tại tỉnh Điện Biên.

Theo thống kê của Cục CSGT, trong quý I/2023, toàn quốc xảy ra 2.343 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 1.434 người, bị thương 1.578 người. So với cùng kỳ năm 2022, giảm 430 vụ (-15,5%), giảm 249 người chết (-14,8%), giảm 148 người bị thương (-8,6%). Lực lượng CSGT cả nước đã xử lý hơn 99 nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn, so với cùng thời gian trước liền kề xử phạt tăng 53,3%, tiền phạt tăng 49,8%; xử lý hơn 79 nghìn trường hợp vi phạm tốc độ… Trong 45 ngày thực hiện Điện 05 của Bộ trưởng chỉ đạo nâng cao các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) năm 2023 với mục tiêu “Quyết tâm lập lại trật tự, kỷ cương trong chấp hành pháp luật của cả người tham gia giao thông và lực lượng thực thi công vụ về giao thông”  cả nước đã xảy ra 1.171 vụ TNGT, làm chết 660 người, bị thương 828 người. So với cùng kỳ năm 2022 giảm 121 người chết, giảm 13 vụ… Điều nhận thấy rõ rệt nhất, đó là ý thức người dân đã được tăng lên, sau mỗi lần uống rượu, bia.

Theo chân CBCS Đội CSGT số 11, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội  trong một buổi kiểm tra trên đường Láng – Hoà Lạc thuộc địa bàn huyện Thạch Thất, Hà Nội, chúng tôi chứng kiến lực lượng chức năng dừng hơn 100 lượt phương tiện ôtô và cả xe máy để kiểm tra nhưng không phát hiện lái xe nào vi phạm. Nhiều lái xe cho biết từ trước Tết đến giờ không dám dùng rượu bia khi lái xe. Khi được hỏi về việc này, anh Nguyễn Hồng Quang ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội cho biết, hai vợ chồng vừa đi ăn đám cưới nhưng không dám uống bia. “Trước đây, đi ăn cỗ, đặc biệt là đám cưới thì kiểu gì cũng uống vài cốc bia cho vui nhưng vì đường xa, đi taxi tốn kém nên vợ chồng tôi phải đi xe máy. Mà đã điều khiển xe thì không dám uống bia rượu vì không may xảy ra vấn đề gì thì “chết”. Với lại bị thổi nồng độ cồn là mất 7 triệu đồng, lại bị giam xe. 7 triệu là cả tháng tiền lương công nhân của tôi nên không thể vì vui một lúc mà để các con đói được” – anh Quang cho biết. Được biết, từ trước Tết đến nay, Hà Nội vẫn duy trì 15 tổ Cảnh sát 141 cùng Công an các quận, huyện liên tục xử lý 24/24h. Do đó, theo lực lượng chức năng, đến nay việc chấp hành không sử dụng rượu bia khi lái xe của người dân đã giảm đáng kể.

CSGT kiểm tra nồng độ cồn với lái xe tham gia giao thông.

Đại tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết, việc xử lý "mạnh tay" vi phạm nồng độ cồn, góp phần từng bước thay đổi hành vi của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trên địa bàn. Đặc biệt, cử tri đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của lực lượng CSGT trong việc ra quân kiên quyết xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông, góp phần làm giảm số vụ TNGT so với trước đây.

Thể hiện rõ nhất trong việc hình thành thói quen đã uống rượu bia thì không lái xe, đó là tại các phòng cấp cứu ở các bệnh viện lớn, bệnh nhân do TNGT giảm rõ rệt, số người chết, bị thương do đánh nhau, gây thương tích cũng giảm sâu. Nói về điều này, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết: “Chúng tôi nhận thấy tác động của việc đo nồng độ cồn rất rõ rệt, ngoài việc giảm TNGT thì về lâu dài chắc chắn sẽ giảm một số bệnh liên quan đến rượu, bia như: gan mãn tính, xơ gan, loạn thần do rượu và nhiều bệnh liên quan đến tim mạch, huyết áp. Chúng tôi hết sức hoan nghênh việc lực lượng CSGT thực hiện nghiêm Nghị định 100/CP, vì xử phạt nghiêm vi phạm về nồng độ cồn đã có tác động rất lớn đến sức khoẻ người dân, làm giảm nhiều bệnh tật, giảm chi phí xã hội”.

Để có được kết quả đó, từ năm 2022 đến nay, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã có nhiều kế hoạch, điện chỉ đạo lực lượng CAND do CSGT làm chủ công thực hiện các chuyên đề xử lý nghiêm các hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT như: quá khổ, quá tải, vi phạm nồng độ cồn, ma tuý, chạy quá tốc độ quy định.

Trong tất cả các cuộc họp, các văn bản chỉ đạo, lãnh đạo Bộ Công an, đặc biệt là Bộ trưởng Tô Lâm và Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an đều luôn nhấn mạnh rằng, việc xử lý nghiêm vi phạm về nồng độ cồn, ma tuý, quá tải là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của lực lượng Công an, không ngơi nghỉ, không hết cao điểm là dừng, bởi những nhiệm vụ này không chỉ góp phần đảm bảo ATGT, làm giảm tai nạn, hình thành thói quen chấp hành pháp luật cho người dân khi tham gia giao thông mà còn làm bớt đi nỗi đau con mất cha mẹ, vợ mất chồng, bố mẹ mất con, bớt người vào vòng lao lý vì một phút sai lầm. Chấn chỉnh việc chấp hành quy định của pháp luật về ATGT năm 2022, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng CSGT triển khai quyết liệt, có hiệu quả 5 đợt cao điểm đảm bảo TTATGT. Lãnh đạo Bộ Công an cũng chỉ đạo lực lượng CSGT bám sát mục tiêu lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, làm động lực, làm nguồn lực trong thực hiện nhiệm vụ. Trong đó, xử lý mạnh vi phạm nồng độ cồn đã làm thay đổi, chuyển biến nhận thức của người tham gia giao thông, bước đầu tạo được thói quen “đã uống rượu bia thì không lái xe”.

Nhắc đến những vụ TNGT, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long cho rằng, dù TNGT giảm nhưng 1 năm chúng ta vẫn có gần 7 nghìn người ra đường không trở về nhà, có gần 7 nghìn gia đình có tang tóc, hơn 10 nghìn người mất bố mẹ, mất con. “Có những vụ tai  nạn chúng tôi nghe rùng mình, đau xót, thương tâm vô cùng” – đồng chí Thứ trưởng chia sẻ và nhấn mạnh rằng, bảo vệ an toàn của người dân mỗi khi ra đường là trách nhiệm với dân, với nước, với Đảng, là tâm tư, nguyện vọng của Đảng uỷ Công an Trung ương, Bộ Công an.   

Công tác đảm bảo TTATGT của lực lượng Công an đã được Đảng, nhà nước, xã hội ghi nhận. Tại Hội nghị toàn quốc sơ kết công tác đảm bảo TTATGT quý I/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã khẳng định, quý I năm 2023 giảm rất sâu các vụ TNGT theo cả 3 tiêu chí, đặc biệt, TNGT về nồng độ cồn giảm sâu là điều đáng mừng. “Tôi cũng mừng khi hình ảnh lực lượng CSGT đẹp hơn trong mắt người dân rất nhiều. Tình hình ùn tắc giao thông cũng giảm” – đồng chí Phó Thủ tướng chia sẻ.

Phương Thuỷ

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Ngày 23/11, Công an thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá thông tin, đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Vũ Minh Dương (SN 2006), trú tại xã Hoạt Giang, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá để điều tra tội “Chống người thi hành công vụ”.

Ngày 23/11, Viện KSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết đã phê chuẩn Quyết định khởi tố vụ án “Điều khiền phương tiện hàng hải vi phạm quy định về hàng hải của Nước CHXHCN Việt Nam” của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để tiến hành điều tra theo quy định pháp luật. Đồng thời, các cơ chức năng, đại lý hàng hải được chủ tàu ủy quyền, công ty bảo hiểm cũng đang phối hợp chặt chẽ trong công tác tìm kiếm, cứu hộ, bảo đảm môi trường và khắc phục hậu quả vụ tai nạn.

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, đều trú tại TP Huế) trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文