Đẩy mạnh hoạt động học tập suốt đời theo các thiết chế văn hóa trong CAND
Những năm qua, vai trò của các thiết chế văn hóa trong CAND ngày càng được củng cố, kiện toàn, phát triển. Các thiết chế văn hóa này đã góp phần đẩy mạnh việc học tập suốt đời và giáo dục truyền thống, văn hóa của đất nước, của lực lượng CAND trong cán bộ, chiến sĩ.
Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, đặc biệt là đề án "Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ" và Kế hoạch 164/KH-BCA của Bộ Công an về việc thực hiện đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ trong CAND, những năm qua, vai trò của các thiết chế văn hóa trong CAND ngày càng được củng cố, kiện toàn, phát triển. Các thiết chế văn hóa này đã góp phần đẩy mạnh việc học tập suốt đời và giáo dục truyền thống, văn hóa của đất nước, của lực lượng CAND trong cán bộ, chiến sĩ (CBCS).
Theo Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị, được sự quan tâm của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an và cấp ủy, thủ trưởng Công an các cấp, các thiết chế văn hóa trong CAND đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần đẩy mạnh việc học tập và phục vụ học tập trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ. Bộ Công an đã ban hành 2 Chỉ thị về thư viện và bảo tàng: Chỉ thị 09/CT-BCA-X03 về công tác thư viện và phát triển văn hóa đọc trong CAND; Chỉ thị số 10/CT-BCA-X11 về công tác khoa học lịch sử và bảo tàng CAND đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Từ các chương trình kế hoạch có tầm nhìn đến năm 2030 về phát triển các thiết chế văn hóa như Kế hoạch phát triển văn hóa đọc, chuyển đổi số hoạt động thư viện trong CAND đến năm 2025 định hướng đến năm 2030, hệ thống thư viện trong CAND đã có sự phát triển, cải thiện về chất lượng. Hệ thống thư viện bước đầu xây dựng, củng cố từ cơ quan thuộc Bộ đến Công an các đơn vị, địa phương, bao gồm Thư viện CAND quy mô cấp Bộ; hệ thống thư viện cấp cục trực thuộc Bộ Công an; thư viện các học viện, trường CAND; thư viện, phòng đọc, tủ sách tại Công an các tỉnh, thành phố.
Một số thư viện hoạt động nền nếp, đã ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước hiện đại hóa công tác thư viện: Thư viện Học viện CSND ứng dụng phần mềm quản lý thư viện điện tử tích hợp hai hệ thống quản lý thư viện truyền thống và quản lý thư viện điện tử.
Trang web của thư viện được coi như một webportral, chỉ cần một thao tác tìm kiếm có thể cho người sử dụng tìm kiếm trên cả thư viện điện tử và thư viện truyền thống. Thư viện cho phép tạo ra forum trao đổi những học liệu trên hệ thống thông qua những giá sách cá nhân hay đánh giá sách khi bạn đọc sử dụng tài khoản cá nhân trong hệ thống; phân quyền truy cập theo dải IP cho phép truy cập theo các cấp độ khác nhau đảm bảo độ bảo mật thông tin cao; cho phép lưu giữ nhiều định dạng file dữ liệu trên hệ thống như PDF, audio, mp3; cung cấp dung lượng lưu giữ rất lớn đối sự phát triển và bổ sung tài liệu số và có tính mở trong sự phát triển hệ thống; mượn offline khi mất điện…
Bên cạnh đó, lực lượng CAND còn xây dựng, triển khai chương trình hành động về công tác bảo tàng CAND giai đoạn 2020- 2025; Thông tư ban hành tiêu chuẩn cơ sở trong lĩnh vực an ninh đối với hiện vật bảo tàng CAND, quy trình sưu tầm hiện vật bảo tàng CAND.
Nhiều năm trở lại đây, các di tích lịch sử - văn hóa thuộc lực lượng CAND được quan tâm đầu tư hơn. Bảo tàng Công an TP Hà Nội đã được tôn tạo khang trang từ năm 2015. Công an TP Hải Phòng, Đồng Nai, Hà Nam, Điện Biên, Học viện ANND, Học viện CSND làm tốt công tác sưu tầm hiện vật, tôn tạo di tích. Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy CAND được khánh thành đưa vào khai thác hiệu quả. Khu lưu niệm an ninh Khu VIII được phê duyệt triển khai. Điểm nổi bật là kinh phí thực hiện dự án được xã hội hóa từ nguồn đóng góp của CBCS…
Thiếu tá Đỗ Thu Thơm, Phó Trưởng phòng Văn hóa, Văn nghệ và Thư viện CAND, thuộc Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị cũng cho biết thêm, hoạt động tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống và giới thiệu di sản văn hóa CAND được tổ chức thực hiện có hiệu quả thông qua các buổi triển lãm, trưng bày chuyên đề trên địa bàn cả nước thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan. Website baotangcand.vn trở thành một địa chỉ được bạn đọc quan tâm truy cập tìm hiểu. Trong 2 năm gần đây, trang web này đã thu hút trên 1 triệu lượt truy cập… Đây là những kết quả rõ nét về tính hiệu quả trong thực hiện đề án "Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ".
Tuy nhiên, Thiếu tá Đỗ Thu Thơm cũng cho rằng, hoạt động học tập suốt đời theo các thiết chế văn hoá trong lực lượng CAND hiện nay còn một số khó khăn. Cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, tài nguyên thông tin hạn chế, thiếu đồng bộ, xuống cấp; hình thức hoạt động đơn điệu. Đội ngũ cán bộ tham gia công tác thiếu về số lượng, phần lớn kiêm nhiệm, trình độ chuyên môn sâu còn ít. Với hệ thống thư viện CAND, hiện nay, chỉ có 20,64% tổng số cán bộ thư viện là chuyên trách, trong khi số cán bộ kiêm nhiệm chiếm 79,36%...
Trong thời gian tới, để đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời tại thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ trong CAND, cần tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào thi đua, học tập thường xuyên, liên tục trong lực lượng CAND thông qua việc triển khai hiệu quả, nhân rộng các mô hình "Đơn vị học tập", "CBCS học tập" gắn với phong trào phát triển văn hóa đọc và các phong trào thi đua khác trong CAND.
Bên cạnh đó, cần tăng cường đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các thiết chế văn hóa; đẩy mạnh tuyên truyền, biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các gương điển hình tiên tiến, nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay, sáng kiến có giá trị trong phong trào học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập trong CAND; tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách về phong trào học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập theo quy định của Chính phủ, phù hợp với lực lượng CAND.