Đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng cháy, chữa cháy

08:51 27/06/2015
Ngày 25/6/2015, đồng chí Lê Hồng Anh, Thường trực Ban Bí thư, thay mặt Ban Bí thư ký Chỉ thị số 47-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy. Đây là văn bản quan trọng về công tác này. Báo Công an nhân dân xin giới thiệu toàn văn nội dung chỉ thị cùng bạn đọc.

Những năm qua, công tác phòng cháy, chữa cháy đã được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đạt được những kết quả tích cực. Lực lượng Công an nhân dân, nòng cốt là Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy đã phối hợp với các lực lượng và sự tham gia của các tầng lớp nhân dân đã tích cực triển khai các biện pháp phòng ngừa; kịp thời chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ các vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn, hạn chế thiệt hại về người và tài sản, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn vẫn diễn biến phức tạp, nhất là cháy, nổ tại các khu dân cư, hộ gia đình, nhà cao tầng, chợ, khu công nghiệp, phương tiện giao thông và cháy rừng; đặc biệt có những vụ cháy hàng trăm hecta rừng có giá trị, hàng nghìn mét vuông nhà xưởng, làm nhiều người chết, bị thương và gây thiệt hại lớn về tài sản, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, môi trường đầu tư và an sinh xã hội.

Tình hình trên có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan. Một số người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; chưa nhận rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong phòng cháy, chữa cháy. Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về phòng, chống cháy, nổ và cứu nạn, cứu hộ chưa được quan tâm đúng mức; chưa tạo được ý thức thường trực về phòng ngừa cháy, nổ trong các tầng lớp nhân dân; phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn chưa sâu rộng. Quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy còn buông lỏng, hiệu lực, hiệu quả chưa cao; vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy còn phổ biến. Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy còn thiếu về số lượng, yếu về nghiệp vụ; phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và các điều kiện hạ tầng bảo đảm chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Lực lượng Cảnh sát PCCC thường xuyên luyện tập, nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy.

Thời gian tới, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh, biến đổi khí hậu, hạn hán, hanh khô kéo dài ở nhiều vùng còn diễn biến phức tạp và nghiêm trọng hơn… sẽ tác động lớn đến tình hình cháy, nổ; đặt ra cho công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nhiệm vụ rất nặng nề.

Để nâng cao hiệu quả phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

1- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân từ Trung ương đến cơ sở phải xác định công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên hằng ngày; việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy là một tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở Đảng, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, hội viên, cán bộ, đảng viên, công nhân, viên chức và người lao động. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trong phạm vi lãnh đạo, quản lý của mình.

2- Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Mở các chuyên trang, chuyên mục trên báo chí, phát thanh, truyền hình, phát hành cẩm nang, tờ rơi đến từng hộ gia đình, người lao động nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm của toàn xã hội đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Vận động cán bộ, đảng viên, công nhân, viên chức và người lao động thấy rõ trách nhiệm, tự giác chấp hành pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; tích cực tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Gắn việc thực hiện các quy định phòng cháy, chữa cháy với nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Lồng ghép việc phổ biến kiến thức và kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy vào chương trình học tập, hoạt động ngoại khóa trong nhà trường và cơ sở giáo dục phù hợp với từng ngành học, cấp học.

3- Công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải lấy phòng ngừa là chính; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân vào việc thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; coi công tác phòng cháy, chữa cháy là công việc hằng ngày ở mọi nơi, mọi lúc.

Tập trung xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ sâu rộng; gắn với xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, với phương châm bốn tại chỗ (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ), nòng cốt là lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở và chuyên ngành. Chú trọng xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến theo hướng tự nguyện, tự phòng, tự quản theo cụm dân cư, cụm doanh nghiệp an toàn phòng cháy, chữa cháy. Có chế độ, chính sách thỏa đáng đối với những người bị thương, hy sinh hoặc thiệt hại về tài sản khi tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.

4 – Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy. Xây dựng chiến lược phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, nhất là đối với các địa bàn, công trình trọng điểm quốc gia, khu đô thị, các khu công nghiệp, thương mại... có nguy cơ cháy, nổ cao. Từng bước thực hiện đồng bộ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương gắn với quy hoạch hệ thống hạ tầng đảm bảo cho công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật. Có phương án chuyển khu công nghiệp, khu chế xuất không bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy, các cơ sở sử dụng dây chuyền công nghệ sản xuất đã cũ, lạc hậu hoặc đã sử dụng nhiều năm, các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao như sản xuất, chế biến gỗ, sang chiết gas, xăng dầu, hóa chất... ra khỏi khu dân cư.

Chú trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Người đứng đầu chính quyền địa phương cần rà soát ban hành những quy định cụ thể quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trình xây dựng, công trình văn hóa... bảo đảm quy chuẩn, tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy.

Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy ở các cấp. Phát huy trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc hướng dẫn các bộ, ban, ngành, địa phương thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy, nhất là đối với các chung cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại, chợ, rừng; khắc phục dứt điểm vi phạm, sơ hở về bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy. Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.

5 – Đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng cháy, chữa cháy. Có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy (giao thông, nguồn nước, thông tin liên lạc...); nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; mua sắm phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

6 – Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế các vụ cháy, nổ lớn, nhất là ở các nơi có nguy cơ cháy, nổ cao; tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Mọi hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trước hết phải thực hiện và giải quyết bằng lực lượng, phương tiện tại chỗ. Đồng thời, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phương án và các điều kiện để ứng phó kịp thời khi có cháy, nổ, sự cố, tai nạn, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả về người và tài sản.

7 – Nâng cao hiệu quả công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy. Thường xuyên tổ chức tập huấn, diễn tập, thực tập các phương án, tình huống xử lý sự cố cháy, nổ và cứu nạn, cứu hộ có huy động nhiều lực lượng tham gia. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các lực lượng, nhất là phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa Công an nhân dân với Quân đội nhân dân trong triển khai thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ.

8 – Xây dựng lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy chính quy, chuyên nghiệp, từng bước hiện đại, nắm vững pháp luật, tinh thông nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; bố trí phù hợp ở các địa bàn trọng điểm. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy; có chính sách đối với lực lượng trực tiếp tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Ưu tiên đầu tư ngân sách để xây dựng cơ sở vật chất, trang bị phương tiện và các điều kiện bảo đảm phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ phục vụ việc sản xuất, lắp ráp trang thiết bị, phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ở trong nước.

Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế và trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, tranh thủ công nghệ hiện đại và nâng cao trình độ chuyên môn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

9- Tổ chức thực hiện

- Các tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức quán triệt và thực hiện Chỉ thị này; xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể và thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện.

- Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo việc hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; tăng cường giám sát việc thi hành pháp luật về lĩnh vực này.

- Ban cán sự Đảng Chính phủ lãnh đạo việc xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các đề án liên quan đến lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; kiện toàn ban chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ở các bộ, ngành, địa phương.

- Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân đẩy mạnh phong trào Toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy gắn với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phối hợp với cơ quan chức năng giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.

- Đảng ủy Công an Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra thực hiện Chỉ thị; định kỳ báo cáo Ban Bí thư kết quả thực hiện.

Chỉ thị này phổ biến đến chi bộ.

PV

Ngày 24/12, tại Công an tỉnh Tuyên Quang, Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học “Nhận diện xu hướng dịch chuyển của tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự lên không gian mạng”. Trung tướng Lê Quốc Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Bộ Công an chủ trì Hội thảo.

Các nguồn thạo tin ngày 24/12 cho hay, thời gian gần đây, Nga đã tiến hành nhiều đợt phản công lớn tại Kursk. Cường độ các cuộc tấn công cho thấy quyết tâm của Tổng thống Vladimỉr Putin nhằm loại bỏ con bài mặc cả của Ukraine trong bối cảnh sức ép đàm phán gia tăng trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vào tháng 1/2025.

Ngày 24/12, Công an phường 1, TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) đã phối hợp với chị Lê Thị Kim Ngân (SN 1984, ngụ huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) trả lại 4 cây vàng 9999 cho người đánh rơi.

Những ngày này, phường Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội nơi có Nhà thờ Lớn đón rất đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan, vui chơi và đón lễ Giáng sinh. Nhằm đảm bảo cho nhân dân được đón lễ Giáng sinh, tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí an ninh, an toàn, Công an phường Hàng Trống đã lập kế hoạch, tham mưu cho Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chính quyền địa phương tổ chức các phương án phân luồng giao thông và giữ gìn an ninh trật tự (ANTT).

Năm 2025 là năm đầu tiên Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được tổ chức theo chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới ban hành năm 2018. Học sinh sẽ thi 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số 9 môn tính điểm còn lại của chương trình lớp 12.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文