Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh trắc học phục vụ công tác Công an
“Một số giải pháp ứng dụng công nghệ sinh trắc học phục vụ công tác Công an” là chủ đề Hội thảo khoa học quan trọng vừa được Viện Khoa học và công nghệ Bộ Công an tổ chức sáng 13/12 tại Hà Nội.
Tham dự Hội thảo có đại diện môt số đơn vị nghiệp vụ ngành Công an; các nhà khoa học, chuyên gia thuộc Bộ Khoa học và công nghệ; đại diện một số cơ quan tổ chức, các hãng, công ty khoa học và công nghệ trong và ngoài nước như: Viện Công nghệ thông tin (Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam); Công ty công nghệ Unicom Ultra; Công ty cổ phần giải pháp công nghệ thông tin quốc tế Inter ITS; Công ty Blue AI; Hãng IDEMIA Việt Nam; Hãng Thermo Fisher Scientific (Hoa Kỳ)...
Hiện nay, sự phát triển khoa học và công nghệ trên thế giới và trong nước đang trực tiếp tác động, làm thay đổi toàn diện phương thức sản xuất, vận hành đời sống xã hội, trực tiếp đòi hỏi các cấp, các ngành phải tăng cường, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ để phù hợp với yêu cầu của tình hình thực tiễn.
Đối với ngành Công an, thực hiện Nghị quyết 12 NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; Đề án Chuyển đổi số trong CAND và xây dựng Chính phủ điện tử, việc nhanh chóng đưa các ứng dụng khoa học và công nghệ vào thực tiễn công tác đã được Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an luôn quan tâm, chú trọng, tạo điều kiện để đẩy mạnh phát triển, trong đó có việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh trắc học vào công tác nghiệp vụ của lực lượng CAND.
Báo cáo đề dẫn cho thấy, sinh trắc học là giải pháp sử dụng những thuộc tính vật lý, đặc điểm sinh học riêng của mỗi cá nhân như vân tay, khuôn mặt, mống mắt, ADN, giọng nói… để nhận diện, xác thực bảo mật, truy nguyên cá thể.
Hiện nay có khoảng 20 đặc điểm sinh trắc học của con người được nghiên cứu và ứng dụng. Sinh trắc học được sử dụng để kiểm tra, xác thực danh tính con người thông qua một tập hợp các dữ liệu để nhận biết và kiểm chứng các đặc điểm cá biệt của người đã được nhiều quốc gia trên thế giới ứng dụng vào một số lĩnh vực như: điều tra hình sự, đảm bảo an ninh, thương mại, quản lý nhà nước, y tế... Trên thế giới, công nghệ sinh trắc học là một trong những xu thế được ưu tiên ứng dụng ngày càng mạnh mẽ vào đời sống xã hội.
Tại Việt nam, trước sự hội nhập nhanh chóng với nền khoa học công nghệ của thế giới, các ứng dụng công nghệ sinh trắc học cũng đang được ứng dụng mạnh mẽ vào các lĩnh vực phục vụ dân sinh, lĩnh vực tài chính, ngân hàng, y tế...
Đối với công tác Công an, việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh trắc học là vô cùng cần thiết, từ rất sớm Bộ Công an đã quan tâm nghiên cứu, ứng dụng sinh trắc học trong nghiệp vụ điều tra, đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Ứng dụng nhiều công nghệ sinh trắc học để hỗ trợ giải quyết các bài toán liên quan đến pháp lý như: Truy nguyên tội phạm, nhận diện tội phạm, đối tượng khủng bố; tìm kiếm trẻ lạc; xác định quan hệ huyết thống; nhận diện tử thi. Ứng dụng trong công tác quản lý xã hội như: Căn cước công dân (CCCD) gắn chíp; bằng lái xe; bảo hiểm y tế; hộ chiếu điện tử... hay trong công tác kiểm soát như: đảm bảo an ninh, an toàn khu vực trong yếu; quản lý bảo mật hệ thống; an toàn dữ liệu...
Tại Hội thảo, Ban tổ chức đã mời 6 đơn vị diễn giả trình bày các nội dung đa dạng về các giải pháp ứng dụng sinh trắc học từ hình ảnh, giọng nói, ADN, đến mô hình đa sinh trắc, bảo mật hệ thống… Hội thảo đã nghe các chuyên gia, diễn giả báo cáo tham luận và trao đổi về những nội dung được quan tâm liên quan giải pháp, ứng dụng công nghệ sinh trắc học hiện nay. Trong đó, đại diện Công ty Blue AI trình bày “Giải pháp ứng dụng công nghệ nhận diện, phân tích hình ảnh”; Giám đốc sản phẩm vùng Đông Nam Á và Đài Loan của Hãng Thermo Fisher scientific trình bày “Ứng dụng sinh trắc học ADN trong công tác nghiệp vụ an ninh”; ông Lại Quang Tùng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần giải pháp CNTT quốc tế (Inter ITS) trình bày tham luận “ViDEO KYC - Phương án xác thực khách hàng từ xa qua tương tác 2 chiều và sinh trắc học khuôn mặt”; đại diện tập đoàn IDEMIA Việt Nam đề xuất “ứng dụng công nghệ đa sinh trắc trong công tác an ninh nghiệp vụ và ứng dụng công nghệ sinh trắc học trong kiểm soát an ninh thời gian thực”; ông Phạm Ngọc Phương, Viện Công nghệ thông tin (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) trình bày “Giải pháp và ứng dụng công nghệ nhận dạng giọng nói”…
Phát biểu tổng kết hội thảo, Trung tướng Lê Minh Quý khẳng định, qua trao đổi, tham khảo ý kiến các diễn giả, các chuyên gia, các nhà khoa học và các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an tại hội thảo đã giúp Viện Khoa học và công nghệ nắm được khả năng đáp ứng cũng như nhu cầu thực tiễn của Viện để kịp thời tham mưu cho Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an lãnh đạo, chỉ đạo công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong CAND; từ đó có cơ sở để xác định các định hướng chiến lược trước mắt và lâu dài cho lĩnh vực nghiên cứu này, đảm bảo việc nghiên cứu gắn với thực tiễn, phát huy hiệu quả công tác nghiệp vụ Công an, đồng thời, góp phần đẩy mạnh hoạt động phối hợp giữa hoạt động nghiên cứu và hoạt động nghiệp vụ trong CAND.