Đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ trong bảo đảm an toàn PCCC&CNCH đối với cơ sở dịch vụ kho vận
Chiều 26/11, tại Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy (PCCC), Hội đồng Lý luận Bộ Công an đã tổ chức Hội thảo cấp hội đồng "Công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (CNCH)đối với cơ sở dịch vụ kho vận”. Thừa ủy quyền của lãnh đạo Bộ Công an, Trung tướng, PGS.TS Lê Quang Bốn, Hiệu trưởng Trường Đại học PCCC chủ trì Hội thảo.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn về PCCC từ các cơ sở dịch vụ kho vận
Tại Hội thảo, Đại tá, PGS.TS Lê Quang Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học PCCC cho biết: Việt Nam có hơn 3.200 km bờ biển và các cảng quốc tế lớn tại Hải Phòng, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh, là trung tâm hàng hóa lý tưởng. Hiện nay, ngành dịch vụ quản lý, kho vận, bốc dỡ, phân phối hàng hóa (Logistics) ở Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, đóng góp khoảng 4,5% vào GDP cả nước. Dự báo đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng của ngành Logistics sẽ vượt qua tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam.
Với hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại cùng công nghệ tiên tiến, dịch vụ kho vận giúp doanh nghiệp tăng cường khả năng cạnh tranh, giảm chi phí vận hành và bảo đảm hàng hóa luôn sẵn sàng, được cung cấp đúng thời điểm và địa điểm. Hiện toàn quốc có 15.549 kho thuộc diện quản lý về PCCC, trong đó có 12.439 kho hàng hóa, vật tư cháy được nằm độc lập (không bao gồm cơ sở hóa chất, xăng dầu, dầu khí), 647 kho khí đốt LPG, 35 kho khí đốt LNG, 2.428 bãi chứa hàng hóa, vật tư, phế liệu cháy được có diện tích từ 500 m2 trở lên nằm độc lập.
Theo số liệu tổng hợp từ Tổng cục Thống kê, tính chung năm 2023, có 5.622 doanh nghiệp vận tải, kho bãi được thành lập mới, chiếm tỷ lệ 4,83% trong tổng số doanh nghiệp thành lập mới của toàn quốc. Hiện nay, nhiều loại dịch vụ kho vận được cung cấp trên thị trường có đặc điểm chung liên quan đến PCCC như: Phần lớn các kho có diện tích lớn, với kết cấu khung thép và mái tôn chịu lửa kém. Bên trong thường có văn phòng làm việc và hàng hóa được lưu trữ theo mùa với số lượng lớn. Các kho thường xây kín, gây khó khăn trong việc chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khi cháy xảy ra; ngoài lưu trữ hàng hóa, dịch vụ kho còn bao gồm xếp dỡ, phân loại và phân phối hàng hóa, sử dụng các phương tiện như xe tải, xe nâng, xe kéo; nhiều kho lâu năm có hệ thống điện đã xuống cấp, không được kiểm tra và bảo trì thường xuyên, cùng với việc thiếu các phương tiện, thiết bị PCCC càng làm tăng nguy cơ mất an toàn PCCC trong quá trình hoạt động.
Thực tiễn trên cho thấy, công tác PCCC&CNCH càng phải cần được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát hơn nữa của toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, đến nay chưa có đánh giá toàn diện, đầy đủ về công tác PCCC& CNCH đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ kho vận…
Cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý
Thảo luận tại Hội thảo, Trung tá Lê Ngọc Hải, Phó Trưởng phòng Quản lý Khoa học - Công nghệ và kiểm định phương tiện PCCC&CNCH, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH cho rằng, trên cơ sở rà soát cho thấy, so với yêu cầu, số lượng các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn PCCC để đáp ứng yêu cầu quản lý công tác PCCC hiện nay còn chưa đầy đủ, đặc biệt là còn thiếu các tiêu chuẩn quốc gia và các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn PCCC đối với nhà và công trình về yêu cầu thiết kế PCCC cho loại hình công trình mới, đặc thù có tính chất nguy hiểm cháy nổ cao đã và đang được đầu tư xây dựng và phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam hiện nay, trong đó có các loại hình nhà kho bảo quản hàng hóa trên giá kệ cao tầng (cao trên 5,5m) đang đặt ra phải có kế hoạch xây dựng hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC &CNCH.
Trước thực tế trên, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH đã phối hợp với Cục Khoa học chiến lược và Lịch sử Công an tham mưu cho Bộ Công an ban hành Kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC&CNCH trong giai đoạn 2025-2030, trong đó tập trung xây dựng 2 quy chuẩn và 53 tiêu chuẩn kỹ thuật về PCCC. Theo kế hoạch nêu trên, các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về PCCC&CNCH được xây dựng trong thời gian tới giúp hoàn thiện hành lang pháp lý, là cơ sở để áp dụng thiết kế, thẩm duyệt thiết kế, kiểm định các hệ thống, phương tiện PCCC đối với công trình nhà kho hàng hóa trên giá cao tầng nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn khi Luật PCCC&CNCH có hiệu lực thi hành.
Thạc sĩ, Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an TP Hồ Chí Minh đã nêu thực trạng, nguy cơ tiềm ẩn cháy và khả năng cháy lan, cháy lớn đối với hệ thống dịch vụ kho vận trên địa bàn. Từ thực tiễn trên, Đại tá Huỳnh Quang Tâm đề xuất cần tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở kho vận trong việc tuân thủ quy định về PCCC; thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành; củng cố kiện toàn lực lượng PCCC cơ sở; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào công tác quản lý nhà nước về PCCC đối với loại hình dịch vụ kho vận...
Một số ý kiến cũng cho rằng, để nâng cao hiệu quả công tác PCCC& CNCH đối với loại hình cơ sở kinh doanh dịch vụ kho vận, một trong những vấn đề cần quan tâm chú ý là nâng cao công tác tham mưu cho Công an các cấp về công tác PCCC đối với loại hình cơ sở này như: Hoàn thiện, bổ sung các quy định của pháp luật làm cơ sở pháp lý trong quản lý nhà nước về PCCC&CNCH nói chung, dịch vụ kho vận nói riêng; tăng cường mối quan hệ phối hợp Công an các cấp và giữa chủ thể quản lý với các cơ quan, đơn vị, lực lượng khác trong công tác đảm bảo an toàn PCCC&CNCH đối với loại hình kinh doanh dịch vụ kho vận…
Phát biểu tổng kết Hội thảo, Trung tướng, PGS.TS Lê Quang Bốn, Hiệu trưởng Trường Đại học PCCC đã đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu, các nhà khoa học phát biểu ý kiến trực tiếp tại hội thảo và các tham luận đăng trong kỷ yếu. Trên cơ sở những nội dung được thống nhất tại Hội thảo, Trung tướng Lê Quang Bốn đề nghị các đơn vị cần tiếp tục tham mưu đề xuất xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC&CNCH đối với cơ sở dịch vụ kho vận, đặc biệt nghiên cứu ban hành tiêu chuẩn về PCCC đối với các kho lưu trữ hàng hóa trên giá cao tầng có chiều cao trên 5,5m; đổi mới và chủ động tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, đơn vị, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu về tầm quan trọng của công tác PCCC&CNCH.
Cùng với đó, tiếp tục tăng cường ứng dụng khoa học-công nghệ trong bảo đảm an toàn PCCC&CNCH; nghiên cứu ứng dụng các sản phẩm công nghệ mới (công nghệ AI, báo cháy thông minh, hệ thống giám sát và cảnh báo sớm....) vào công tác PCCC&CNCH từ trung ương đến cơ sở; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế trong đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang bị phương tiện, thiết bị PCCC&CNCH tiên tiến trên thế giới để áp dụng vào Việt Nam nhằm bảo đảm an toàn PCCC&CNCH đối với các cơ sở kinh doanh kho vận.