Đề án 06: Tiện ích vì mọi nhà, mọi người
Chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược của nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, chuyển đổi số đã đến “từng ngõ, từng nhà, từng người”. Do đó, chủ đề năm 2024 "Hoàn thiện thể chế, hạ tầng, số hóa dữ liệu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đẩy mạnh triển khai Đề án 06 phục vụ hiệu quả người dân, doanh nghiệp" từng bước được triển khai quyết liệt, cơ bản đã hoàn thành mục tiêu đề ra.
Điểm sáng về giải quyết thủ tục hành chính
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến triển khai mở rộng thí điểm Sổ sức khỏe điện tử và cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên toàn quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, kết quả hiện nay chuyển đổi số đã "vào từng ngõ, gõ từng nhà", từng người, mang lại tiện ích cho người dân, thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Chính phủ, các Bộ, ngành, Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ và địa phương nhận thức và hành động quyết liệt triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này; tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, rà soát chỉnh sửa luật, xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia, kết nối chia sẻ dữ liệu chuyên ngành, phát triển hạ tầng số... Mục tiêu cuối cùng trong mọi công việc của Tổ công tác triển khai Đề án 06 là phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Có thể nói, Đề án 06 là điểm sáng mang lại hiệu quả rất lớn với người dân về giải quyết thủ tục hành chính. Đơn cử, các Bộ, ngành, địa phương đã cung cấp 4.473/6.283 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, chiếm 71,19% tổng số thủ tục hành chính. Trong đó, có 3.688 dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Trung bình mỗi ngày, có khoảng 368.000 hồ sơ đồng bộ trạng thái; 108.000 hồ sơ trực tuyến được thực hiện từ Cổng dịch vụ công quốc gia; hơn 2,9 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 832 tỷ đồng.
Về triển khai 2 dịch vụ công thiết yếu gồm triển khai dịch vụ công liên thông “Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi” đã thu nhận 48.930 hồ sơ (tăng 38.613 hồ sơ so với tháng 7/2024); còn triển khai dịch vụ công liên thông “Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng” đã thu nhận 4.588 hồ sơ (tăng 2.365 hồ sơ so với tháng 7/2024).
Đối với nhóm tiện ích phát triển kinh tế, xã hội, đáng chú ý là triển khai truy thu thuế cho Nhà nước. Qua đó, Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh giải pháp triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đối với dịch vụ ăn uống, chống thất thu thuế, thất thu ngân sách với 78.588 doanh nghiệp, hộ kinh doanh đăng ký sử dụng, số lượng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền sử dụng là 729,9 triệu hóa đơn.
Liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, có 29 tổ chức tín dụng đã ký kết với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội để triển khai làm sạch dữ liệu khách hàng mở tài khoản thanh toán. Ngoài ra, có 6 tổ chức tín dụng hoàn thành kết nối tài khoản an sinh xã hội với tài khoản ngân hàng phục vụ cho việc chi trả an sinh xã hội...
Hiện, 49 tổ chức tín dụng đã và đang phối hợp với Bộ Công an để triển khai ứng dụng thẻ căn cước. Như vậy, sau hơn 1 tháng triển khai, đã có hơn 30,4 triệu hồ sơ khách; 62 tổ chức tín dụng đã và đang phối hợp với Bộ Công an để triển khai ứng dụng thẻ căn cước qua thiết bị tại quầy, trong đó 52 tổ chức tín dụng đã triển khai và có hơn 5,5 triệu hồ sơ khách hàng đã được thu thập, đối chiếu thông tin sinh trắc học với căn cước thông qua thiết bị tại quầy.
Về chi trả lương hưu, bảo hiểm xã hội không dùng tiền mặt, kết quả cho thấy có khoảng 74% số người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại các khu vực đô thị. Cũng theo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, từ ngày 1/9/2024, thống nhất đồng loạt triển khai thực hiện chi trả không dùng tiền mặt trên toàn quốc.
Thu mẫu ADN phục vụ xác định danh tính hài cốt liệt sĩ
Bộ Công an cho biết, đến nay đã cấp trên 87,7 triệu thẻ căn cước/căn cước công dân gắn chip; thu nhận trên 78,3 triệu hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt trên 57,1 triệu tài khoản.
Đặc biệt, ngày 23/7/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đại diện lãnh đạo bộ, ngành ấn nút kích hoạt, ra mắt Ngân hàng gen (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân. Ngân hàng gen do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Công an đề xuất xây dựng trong bối cảnh cả nước còn 300.000 liệt sĩ an táng tại hơn 3.000 nghĩa trang chưa xác định được thông tin; gần 200.000 liệt sĩ chưa được quy tập. Việc kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và công nghệ ADN sẽ đem lại hy vọng đoàn tụ cho nhiều gia đình, góp phần xoa dịu những mất mát, hy sinh của các thân nhân liệt sĩ. Việc thực hiện thu mẫu ADN đưa vào Ngân hàng gen phục vụ xác định danh tính hài cốt liệt sĩ đang triển khai tại 8 tỉnh, thành phố (bằng nguồn kinh phí xã hội hóa) với tổng số 231 trường hợp.
Bên cạnh đó, Bộ Công an đã triển khai bổ sung các tiện ích mới trên VneID như sử dụng giấy phép lái xe trên VneID (sử dụng và tước giấy phép lái xe) có 22.726.539 lượt. Về đồng bộ dữ liệu giấy phép lái xe, Bộ Giao thông - Vận tải đã phối hợp Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội hoàn thành đối soát 35,1/36,2 triệu dữ liệu giấy phép lái xe có kết quả trùng khớp; đồng thời, đã thực hiện đồng bộ 13,66 triệu hồ sơ giấy phép lái xe trên ứng dụng VNeID. Kết quả triển khai Dịch vụ công toàn trình đăng ký, cấp biển số xe lần đầu trên VneID.
Đối với việc thí điểm tiện ích Sổ sức khỏe điện tử có rất nhiều ý nghĩa nhân văn. Người dân ai cũng cần Sổ sức khỏe điện tử. Nếu như trước kia là sổ giấy thì nay chúng ta có sổ điện tử với rất nhiều tiện ích. Qua đó, triển khai tích hợp 14.483.512 thông tin công dân lên Sổ sức khỏe điện tử trên VNeID. Có 9.964 cơ sở y tế, cơ sở khám chữa bệnh tuyến xã đồng bộ dữ liệu lên hệ thống của Bảo hiểm xã hội Việt Nam; 12.580/12.975 cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế gửi dữ liệu theo chuẩn định dạng đạt tỷ lệ trên 97%...
Ngoài ra, ngày 1/7/2024, Bộ Công an đã chính thức đưa vào vận hành Trung tâm xác thực điện tử. Thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp, triển khai cung cấp dịch vụ xác thực cho một số ngân hàng lớn.
Kết nối các Cơ sở dữ liệu
Bộ Công an cho biết, hiện nay, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối với 18 Bộ, ngành, 1 doanh nghiệp nhà nước (EVN), 3 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương. Tiếp nhận 1.695.024.503 yêu cầu để tra cứu, xác thực thông tin. Trong đó, số yêu cầu tra cứu, xác thực có thông tin đúng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là 951.231.286 yêu cầu; số yêu cầu có thông tin sai lệch so với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là 743.793.217 yêu cầu. Tính đến nay, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã tiếp nhận tổng 682.442.748 yêu cầu đồng bộ thông tin công dân, đồng bộ thành công thông tin làm giàu của 282.342.181 công dân vào dữ liệu dân cư (một công dân được đồng bộ từ nhiều bộ, ngành thì tính nhiều lần).
Bộ Công an đã phối hợp đối soát làm sạch online 6 nhà mạng với 113.352.135 thuê bao khách hàng. Triển khai dịch vụ xác thực thẻ căn cước công dân trong tháng 8/2024 với tổng số 6.040.095 lượt xác thực.
Về phía UBND 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang tiếp tục triển khai xây dựng, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu đất đai; 455/705 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành Cơ sở dữ liệu địa chính với hơn 46 triệu thửa đất đưa vào vận hành phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai và giải quyết thủ tục hành chính về đất đai cho người dân, doanh nghiệp. Hoàn thiện kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai của 461/705 đơn vị hành chính cấp huyện, 6.198/10.599 đơn vị hành chính cấp xã; 48/63 tỉnh, thành phố đã kết nối, liên thông giữa cơ quan đăng ký đất đai với cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai.