Đến Trường Sa: Hành trình và trải nghiệm ý nghĩa
Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết đôi điều về chuyến đi nói trên?
Trung tướng Nguyễn Xuân Mười: Đây là hoạt động thiết thực hướng về biển đảo nhân kỷ niệm 41 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Tổng cục Chính trị CAND (18-6-1981 – 18-6-2016).
Để chuyến đi đạt được các mục tiêu đề ra trước hết phải kể đến sự nỗ lực của Cục Đào tạo – Đơn vị được giao trách nhiệm tham mưu, xây dựng kế hoạch chuyến đi. Từ tháng 11-2015, lãnh đạo Cục Đào tạo đã làm việc với Cục Tuyên huấn cùng các cơ quan chức năng của Quân chủng Hải quân, có công văn báo cáo Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và đã được phê duyệt.
Ngày mồng 6 Tết Bính Thân, đồng chí Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cẩn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND được cử đến Hải Phòng làm việc trực tiếp với đồng chí Đinh Gia Thạch, Chuẩn đô đốc quân chủng Hải quân. Hai bên bàn bạc thống nhất chương trình. Nội dung làm việc được báo cáo thường vụ Đảng ủy Tổng cục và được nhất trí cao.
Yêu cầu của Bộ Tư lệnh Hải quân: Đây là đoàn công tác quân sự, đi có tính chất kiểm tra, thăm hỏi, tặng quà, động viên cán bộ chiến sĩ (CBCS) và nhân dân tại huyện đảo Trường Sa. Riêng quà tặng bằng tiền tự nguyện đóng góp của CBCS trong Tổng cục Chính trị CAND và các trường, Học viện An ninh nhân dân (mỗi người một ngày lương).
Ngoài ra còn có sự đóng góp của học viên các trường, học viện. Cùng với quỹ tự có của các trường, Học viện An ninh nhân dân với tổng số tiền là 4,1 tỉ đồng. Trong đó chi mua một chiếc xuồng CQ trị giá 3,5 tỉ đồng, mua văn phòng phẩm, nhu yếu phẩm thiết thực tặng CBCS Trường Sa với số tiền 600 triệu đồng. Cục Đào tạo có văn bản để các trường, Học viện An ninh nhân dân lựa chọn cán bộ tham gia chuyến đi, tổng hợp danh sách và có quyết định thành lập đoàn công tác.
Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND cử tôi trực tiếp chỉ đạo, đồng chí Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cẩn, thường trực. Tổng cục Chính trị CAND mời lãnh đạo Bộ Công an tham gia và được đồng chí Thượng tướng Phạm Dũng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Thứ trưởng Bộ Công an nhận lời với tư cách Trưởng đoàn công tác. Tiếp đến, Tổng cục Chính trị CAND có quyết định thành lập các Tổ công tác bao gồm: Tổ chuẩn bị văn bản (khánh tiết), tổ phục vụ (chuẩn bị tiền, quà tặng), tổ văn nghệ, tổ phóng viên báo chí. Qua thực tiễn chuyến đi, các tổ công tác đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Trung tướng Nguyễn Xuân Mười trao quà cho cán bộ, chiến sĩ Đảo Đá Tây (quần đảo Trường Sa). Ảnh: Ngọc Phong. |
PV: Xin đồng chí Trung tướng cho biết những điểm đảo đoàn đặt chân đến?
Trung tướng Nguyễn Xuân Mười: Đoàn đã đến thăm, tặng quà, biểu diễn văn nghệ động viên CBCS tại 10 điểm đảo: Đá Lớn, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn Đông, Cô Lin, Phan Vinh A, Phan Vinh B, Đá Tây A, Đá Tây B, Trường Sa và Nhà giàn DK1/8. Ngoài quà chung, đồng chí Trưởng đoàn có quà riêng tặng tất cả các điểm đảo, nhà giàn đoàn đặt chân đến.
Đoàn tham dự Lễ chào cờ và diễu binh tại đảo Sơn Ca và Trường Sa, dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ tại đảo Trường Sa, dâng hương trước tượng đài Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn tại đảo Nam Yết, tổ chức Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh bảo vệ Trường Sa trước đảo Gạc Ma, tổ chức Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên thềm lục địa phía Nam tại Nhà giàn DK1, đến thăm một số chùa, thăm và tặng quà 7 hộ dân tại đảo Trường Sa…
PV: Xin đồng chí cho biết ý nghĩa của chuyến đi?
Trung tướng Nguyễn Xuân Mười: Bản thân tôi đúc kết với 3 ý nghĩa chính:
1. Thông qua chuyến đi, bản thân cũng như các thành viên trong đoàn công tác cảm nhận được đất nước ta thật là hùng vĩ, Biển Đông thật giàu đẹp. Mỗi người cần xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc xây dựng và phát huy tiềm năng của vùng biển đảo, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biển khơi, thềm lục địa của Tổ quốc.
2. CBCS Trường Sa - nơi đầu sóng ngọn gió vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, xây đắp nên truyền thống anh bộ đội Cụ Hồ, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, chắc tay súng, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Điều kiện sinh hoạt, công tác, chiến đấu của CBCS nơi hải đảo - nhất là những điểm đảo đá chìm - được cải thiện một bước. Chúng tôi thấy có niềm tin vào trách nhiệm của các CBCS làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc nơi đây.
3. Mỗi thành viên trong đoàn công tác được trải nghiệm hành trình trên biển, càng thấy trách nhiệm của mình trong công tác tuyên truyền về biển đảo đối với nhân dân, cả những người thân về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Đồng thời cũng ý thức được trách nhiệm cụ thể của mỗi người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong phạm vi công việc của mình. Suy nghĩ làm điều gì đó có ý nghĩa thiết thực hướng về Trường Sa và các chiến sĩ nơi tiền tiêu của Tổ quốc…
PV: Các thành viên trong Đoàn công tác rất ấn tượng với những lời phát biểu của đồng chí Trung tướng tại mỗi điểm đảo nơi đoàn tới thăm. Thưa Trung tướng, điều tâm đắc nhất của bản thân đồng chí là gì qua chuyến đi này?
Trung tướng Nguyễn Xuân Mười: Với tư cách là Phó trưởng Đoàn công tác, bản thân tôi vinh dự và may mắn được đồng chí Thứ trưởng Phạm Dũng, Trưởng đoàn công tác ủy quyền phát biểu với CBCS tại một số điểm đảo. Trường Sa từ lâu đã trở thành máu thịt trong tôi nên những lời phát biểu của tôi mặc dù là ứng khẩu (nói vo) song đã được nhiều người đồng cảm, nhận xét là giàu cảm xúc; các tư liệu viện dẫn luôn chính xác, hấp dẫn; mỗi lần phát biểu đều có cách thể hiện riêng, không trùng lặp.
Thay mặt Tổng cục Chính trị CAND, tôi có dịp ghi lưu bút tại những điểm đến, thể hiện những ấn tượng sâu sắc trong chuyến đi thăm quân và dân Trường Sa. Đối với tôi đó là những kỷ niệm đẹp, vô cùng ý nghĩa trong cuộc đời…
PV: Chân thành cảm ơn đồng chí Trung tướng, Phó Tổng cục trưởng!