Đi qua cửa ngõ K’rông Pha...

11:29 08/03/2023

Từ phía địa phận tỉnh Lâm Đồng, bình minh vắt qua K’rông Pha “đệ nhất đèo” tạo nên một khung cảnh thật kỳ vĩ. Trấn giữ an toàn giao thông giữa miền cao nguyên Langbiang và vùng đồng bằng duyên hải Nam Trung Bộ là chốt CSGT Eo Gió, thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Lâm Đồng.

1. Đứng dưới chân đèo thuộc địa phận huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) chỉ một cái chớp mắt đã nhìn thấy rõ mồn một đỉnh núi cao vút, thuộc địa giới hành chính huyện Đơn Dương (Lâm Đồng). Nhưng để lên tới đỉnh đèo K’rông Pha (hay còn gọi là đèo Sông Pha, đèo Ngoạn Mục) oai hùng với chiều cao gần 1.000m, người ta phải xẻ rừng, bạt núi để mở đường theo hình xoắn ốc với chiều dài toàn tuyến không dưới 20km.

Con đèo quanh năm suốt tháng gió lồng lộng thổi thách thức cánh tài xế bằng những khúc cua gấp khúc, một bên là đèo cao, bên kia là vực thẳm. Cái giá phải trả để hình thành tuyến đèo kỳ vĩ đó chính là mạng sống của những phu đường từ thời Pháp thuộc.

Họ có thể là những tù binh của một bên thua cuộc, hoặc chính những cư dân An Nam bản địa hiền lành bị chính quyền thực dân bắt đi phu. Sự khắc nghiệt, tàn khốc mà những phu đường thời bấy giờ phải đối mặt để hoàn thành tuyến đèo dài hơn 20km ấy không chỉ có dãi dầu mưa nắng, lở núi, đá đè mà còn dịch bệnh hoành hành, sốt rét và thú dữ tấn công. Các nấm mồ vô danh nằm rải rác nơi rừng thiêng viễn xứ trên đèo K’rông Pha là bằng chứng rõ nhất sự vất vả, hiểm nguy mà phu đường phải kinh qua.

Ngày nay, khi đèo K’rông Pha đã nhiều lần được nâng cấp, mở rộng, khắc phục những “điểm đen” về giao thông nhưng không ít tài xế “yếu bóng vía”, lần đầu đối diện con đèo “đệ nhất trời Nam” này thật khó giữ vững niềm tin để tiếp tục hành trình lên xuống. Thông thường, trước khi “cỡi” lên lưng con đèo kỳ vĩ ấy để ngược lên Tây Nguyên hay xuôi xuống miền đồng bằng ven biển, những người qua đèo phải dừng lại nghỉ ngơi để ổn định tâm lý. Tranh thủ khoảng thời gian này, cánh tài xế đường trường thường kiểm tra lại phương tiện, nhất là hệ thống phanh xe để đảm bảo an toàn trước khi tiếp tục cuộc hành trình qua đèo K’rông Pha đầy thử thách.

K’rông Pha chính là dải đất cuối cùng trấn yểm phía Đông của vùng đất Nam Tây Nguyên lấn sâu ra miền biển duyên hải Nam Trung Bộ. Con đèo là ranh giới rõ ràng nhất phân chia hai dải đất với địa hình chênh lệch tới gần 1.000m so với mặt nước biển. Một bên là cao nguyên Langbiang đại ngàn với đất đỏ bazan, đồi núi điệp trùng, bên kia là vùng đồng bằng ven biển.

Lên tới lưng chừng đèo K’rông Pha đã nhận thấy sự thay đổi mạnh mẽ về khí hậu. Phía dưới là cái nắng nóng chói chang hầm hập của vùng đất Phan Rang tháng 3 cát trắng cằn cỗi. Lên thêm vài bước chân nữa là khí hậu mát rượi, sương mây ngưng đọng, cỏ mọc rêu phong. Đỉnh đèo K’rông Pha quanh năm gió Đông vi vút lồng lộng thổi, vừa mang theo vị mặn mòi của hương vị biển cả bao la, vừa pha chất lam sơn chướng khí của rừng núi Tây Nguyên hoang dã.

Lịch sử hình thành đèo K’rông Pha phải nhắc tới sự đóng góp của Alexandre Yersin (1863-1943). Năm 1893, Alexandre Yersin phát hiện ra Đà Lạt trong một chuyến thám hiểm ngược lên miền thượng. Kế hoạch kiến thiết vùng đất này thành nơi nghỉ dưỡng cho các quan lại người Pháp và giới thượng lưu giàu có người Việt của nhà thám hiểm sau đó đã được trình lên Toàn quyền Đông Dương, ông Paul Doumer .

Tham vọng xây dựng Đà Lạt không chỉ dừng lại là một khu nghỉ dưỡng cao cấp mà hơn thế nữa là thủ phủ của cả vùng Đông Dương đã khiến Paul Doumer đặt ra nhiều mục tiêu cao xa khi kiến thiết vùng đất này. Vấn đề cấp bách là xây dựng một con đường ngắn nhất dẫn lên Đà Lạt từ hướng biển để vận chuyển nguyên vật liệu. Toàn quyền Doumer đã phái một nhóm nghiên cứu thực địa nhằm lập bản đồ mở tuyến đường từ Phan Rang lên Đà Lạt theo hướng phía Tây.

Dưới sự chỉ huy của Đại uý Thouars, nhóm người này đã vẽ được lộ trình dài 122 km từ Phan Rang băng qua xóm Gòn (tên gọi của thung lũng Ninh Sơn lúc bấy giờ) để lên D’ran (Đơn Dương), rồi đến Đà Lạt. Lộ trình ấy làm phác thảo một hướng đường bộ qua đèo Bellevue, tức K’rông Pha ngày nay và một hướng đường sắt răng cưa được xây dựng đến năm 1917. K’rông Pha là đường đèo hùng vĩ được hình thành trong vất vả, giữa lam sơn chướng khí và sự rình rập của thú dữ cùng những toán lục lâm thảo khấu.

Tổ CSGT Eo Gió làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông trên đỉnh đèo K’rông Pha.

2. Đại úy Nguyễn Văn Dũng, cán bộ tổ CSGT Eo Gió và các đồng nghiệp, thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Lâm Đồng bắt đầu buổi làm việc tại một điểm ngay trên đỉnh đèo K’rông Pha quanh năm lồng lộng gió thổi. Nếu như cửa ngõ phía Nam để vào Lâm Đồng, ngược lên Đà Lạt là quốc lộ 20 thì cửa ngõ đi vào tỉnh Lâm Đồng từ phía Đông là quốc lộ 27, tức bắt buộc phải băng qua đèo K’rông Pha kỳ vĩ.

Trò chuyện với chúng tôi, Đại úy Nguyễn Văn Dũng cho biết, tổ CSGT Eo Gió chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn giao thông trên đèo K’rông Pha phía địa phận tỉnh Lâm Đồng. Là chốt ở vùng giáp ranh giữa địa giới hành chính hai tỉnh, sự hiện diện của các chiến sĩ CSGT còn là một “lá chắn” về ANTT, răn đe tội phạm. Chốt Eo Gió tọa lạc cách đỉnh đèo K’rông Pha khoảng 6km lui về phía tỉnh Lâm Đồng.

Cả tổ hiện có 14 CBCS, gia đình hầu hết tại TP Đà Lạt xuống nhận nhiệm vụ công tác. Những năm qua, mệnh lệnh đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến đèo K’rông Pha huyết mạch phía Đông của tỉnh Lâm Đồng và toàn tuyến Quốc lộ 27 được lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh Lâm Đồng thường xuyên quán triệt tới từng CBCS. Kết quả của việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương, điều lệnh công tác là những thành tích đáng ghi nhận của chốt CSGT Eo Gió.

Nếu như trước đây, tình trạng xe ôtô chở vật liệu xây dựng quá khổ, quá tải từ hướng tỉnh Ninh Thuận lên Lâm Đồng và xe chở nông sản từ Lâm Đồng xuống các tỉnh Nam Trung Bộ qua hướng tỉnh Ninh Thuận xảy ra khá phổ biến thì nay hầu như không còn. Sự vào cuộc quyết liệt, xử lý công bằng, minh bạch và không khoan nhượng bất cứ trường hợp nào đã khiến các doanh nghiệp vận tải buộc phải cắt bỏ thành thùng đã cơi nới, chở hàng hóa đúng chiều cao, tải trọng.

Công tác xử lý các hành vi vi phạm an toàn giao thông, nhất là vi phạm về nồng độ cồn, chạy quá tốc độ, người điều khiển các phương tiện sử dụng chất kích thích… của tổ CSGT Eo Gió được thực hiện kiên quyết, không chấp nhận sự can thiệp, xin xỏ để bỏ qua các lỗi vi phạm. Chính sự nghiêm minh này mà số vụ xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông của tổ CSGT Eo Gió trong năm 2022 đã tăng gấp 300% so với năm trước đó. Các vụ tai nạn giao thông, số người chết và số người bị thương đều giảm mạnh.

Đại úy Nguyễn Văn Dũng cho biết, mặc dù lực lượng mỏng, phải tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm giao thông trên tuyến đường với tổng chiều dài 123km, thuộc quốc lộ 27, bắt đầu từ đèo K’rông Pha, nối liền với tỉnh Ninh Thuận vắt ngang sang tỉnh Đắk Lắk, băng qua 4 huyện là Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà và Đam Rông nhưng năm qua tổ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Để đạt được kết quả đó, tổ CSGT Eo Gió phải luôn trong tình trạng trực chiến, phân chia công việc, tuần tra kiểm soát cả ngày lẫn đêm với ý thức trách nhiệm cao của từng CBCS.

Là chốt CSGT trấn giữ đèo K’rông Pha, ngoài nhiệm vụ trọng tâm là giữ vững an toàn giao thông, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, tổ CSGT Eo Gió còn thường xuyên phối hợp với Công an các đơn vị trên địa bàn lân cận và tỉnh Ninh Thuận trong việc xác minh, xử lý người vi phạm giao thông, nhận được đề nghị phối hợp của các lực lượng khác trong việc truy bắt tội phạm liên quan tới trật tự xã hội, tội phạm ma túy… trốn chạy qua địa phận tổ công tác làm nhiệm vụ.

Trong đợt cao điểm dịch bệnh COVID-19 xảy ra vào đầu năm 2022, chốt CSGT Eo Gió cũng đã phối hợp nhịp nhàng với các đơn vị liên quan, tiên phong trong việc kiểm soát người và phương tiện ra vào địa phận tỉnh Lâm Đồng, góp phần ngăn chặn, phòng chống sự lây lan của dịch bệnh, xây dựng Lâm Đồng thành một vùng xanh an toàn, là hậu phương vững chắc tiếp sức cho nhân dân các tỉnh, thành phía Nam trong vùng bị phong tỏa do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Đêm buông xuống, K’rông Pha gió lồng lộng thổi, các phương tiện vẫn nối nhau thận trọng qua đèo. Tổ CSGT Eo Gió lại lên đường làm nhiệm vụ khi ánh trăng lưỡi liềm đầu tháng đã in hình trên nền trời đêm sâu thẳm…

Khắc Lịch

Tỉnh Ninh Bình có 16% dân số theo đạo Thiên Chúa Giáo, trong đó Giáo phận Phát Diệm giữ vị trí quan trọng trong cộng đồng Công giáo Việt Nam. Tại các xã, thị trấn thuộc huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, lực lượng Công an chính quy vùng đồng bào có đạo đã vừa nỗ lực “gần dân, hiểu dân, sát dân” để triển khai các mô hình phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc.

Nguyễn Quốc Quân, còn gọi Quân “Idol”, khét tiếng là tay anh chị ở phố núi Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Trong thời gian dài, đối tượng này nổi lên với nhiều hoạt động làm ăn có dấu hiệu bất minh. Đặc biệt, Quân thường lên mạng xã hội đăng tải nhiều hình ảnh đe dọa, chửi bới người khác do chính y tổ chức, khiến dư luận bất bình. Quân “Idol” sau đó đã bị Cơ quan Công an bắt giữ, khởi tố với nhiều tội danh khác nhau.

Ngày 21/5, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội đã có báo cáo gửi UBND TP Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải và Sở Xây dựng về nguyên nhân và biện pháp xử lý khả năng thoát nước mặt cầu thuộc Dự án đầu tư xây dựng Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2.

Liên quan đến vụ án đưa, nhận hối lộ tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hoá), sáng 21/5, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã thi hành Lệnh khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam thêm 3 bị can có liên quan, gồm: Nguyễn Thế Hùng (SN 1979), nguyên Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Sầm Sơn; Lê Huy Hoàng (SN 1986), Phó Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Sầm Sơn; Cao Xuân Hiệp (SN 1984), cán bộ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Sầm Sơn.

Đánh giá sơ bộ cho thấy, tại khu vực xã Phong Vân (huyện Ba Vì), việc nạo vét, hút cát trái phép, không đúng kỹ thuật, hút cát sát bờ sông, thềm sông tạo ra các hố xói, vực sâu cục bộ gây biến đổi đột ngột địa hình lòng dẫn, thay đổi dòng chảy, làm suy kiệt mực nước ngầm và hậu quả là sụt lún, nứt đất.

Ra thăm vườn, người phụ nữ tá hỏa khi phát hiện 56 gốc với hơn 1.500 quả sầu riêng non chăm sóc bấy lâu đã bị kẻ gian chặt phá không thương tiếc. Quá sốc, người nông dân này đã khóc ngất tại khu vườn.

Gần đây, sau khi đánh giá tác động môi trường và các thủ tục pháp lý, một số doanh nghiệp đã được các bộ, ngành liên quan và tỉnh Quảng Bình cấp phép khai thác cát để thi công Dự án cao tốc Bắc - Nam. Tuy nhiên, gần đây xuất hiện một số đối tượng lấy lý do doanh nghiệp khai thác cát sẽ làm sạt lở bờ sông, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân…

Nắm được nhu cầu nhiều công dân có nguyện vọng đi xuất khẩu lao động, Trần Thị Hằng Nga đã đưa ra các thông tin tuyển dụng lao động nước ngoài, nhận hồ sơ và tiền, từ đó lừa đảo, chiếm đoạt tiền của các nạn nhân. Đối tượng này vừa bị Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An khởi tố.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文