Đội ngũ những người làm báo CAND dấn thân, hiệu quả trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Bên lề Lễ trao giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ 4 năm 2022-2023 trong CAND, được Bộ Công an tổ chức chiều 10/11, nhiều tác giả, nhóm tác giả đoạt giải cao đã chia sẻ những cảm xúc, bài học kinh nghiệm trong tác nghiệp báo chí cũng như niềm vui khi nhận giải thưởng...
Chiều 10/11, thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an đã trao Bằng khen tặng các tập thể, cá nhân đoạt giải thưởng cao trong cuộc thi Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ 4 năm 2022-2023 trong CAND. Ngay sau lễ trao giải, PV Báo CAND đã gặp gỡ đại diện các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải để lắng nghe những tâm sự trong nghề viết của các tác giả.
Chấn chỉnh, đấu tranh, loại bỏ tư tưởng bàn lùi
Tại buổi lễ tổng kết, trao giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ 4 năm 2022-2023 trong CAND, Thượng tá Phan Đăng Trường, Phó Tổng Biên tập Báo CAND đã đoạt giải Đặc biệt với loạt bài 5 kỳ “Công cuộc củi lửa và những vấn đề thời sự”.
Đề cập loạt bài viết này, Thượng tá Phan Đăng Trường cho biết: Chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, lo ngại rằng nếu đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quá mạnh sẽ “cản trở sự phát triển”, đó là thông điệp được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ Khóa XIII.
Theo Thượng tá Phan Đăng Trường, trong thực tiễn, với sự quyết tâm, quyết liệt chống tham nhũng, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm bất kể là ai, ở cương vị nào đã tạo ra sự cảnh tỉnh, răn đe và phòng ngừa chung rất hiệu quả. Tuy nhiên, gần đây trong dư luận xuất hiện những ý kiến cho rằng, chúng ta xử lý tham nhũng, tiêu cực “quá mạnh tay”, “bắt bớ quá nhiều” tạo ra sự lo ngại, trì trệ trong công tác và lao động, sản xuất. Đã xảy ra hiện tượng một số cơ quan, đơn vị chùn tay, không dám làm vì sợ trách nhiệm, thậm chí đùn đẩy, né tránh.
Đặc biệt, nhiều người lấy lý do vụ Việt Á, vụ “chuyến bay giải cứu” có số lượng bị can lớn, liên quan nhiều cơ quan, lĩnh vực từ Trung ương đến địa phương nên họ lý lẽ rằng, để xảy ra tham nhũng, tiêu cực là do cơ chế, do chính sách nên họ “khuyên” dừng lại cuộc chiến chống tham nhũng để tập trung phát triển kinh tế. Những quan điểm trên là không đúng với chủ trương của Đảng, được thể hiện rõ trong Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) là: Kiên quyết, kiên trì thực hiện với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn; phát huy sự chủ động, sáng tạo và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nhân dân, trong đó cán bộ lãnh đạo, quản lý, trước hết là cán bộ cấp cao, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp là nòng cốt...
“Vì vậy, chúng tôi thực hiện loạt bài viết làm rõ quan điểm: Việc chống tham nhũng vừa phải kiên quyết, vừa kiên trì, làm thường xuyên, bài bản chứ không có khái niệm làm cầm chừng hay “làm thế đủ rồi”, “bắt thế nhiều rồi”. Những ai có tư tưởng bàn lùi, quy cho chống tham nhũng sẽ làm chậm phát triển, làm đình trệ kinh tế là kiểu tư duy ngược, coi lợi ích kinh tế hơn nguy cơ suy thoái chính trị, tư tưởng, coi lợi nhuận, đồng tiền hơn tư tưởng, đạo đức... thì đó chính là những mầm mống gây hại cho cuộc chiến chống “giặc nội xâm” vốn rất phức tạp, gian nan” - Thượng tá Phan Đăng Trường chia sẻ.
Kiến tạo những giá trị đích thực hướng về người dân, doanh nghiệp
Cùng với niềm vui chung của Báo CAND, khi nhóm tác giả, gồm: Trung tá Trần Thu Hòa, Trưởng ban Ban Thời sự- Chính trị và Đại úy Hoàng Văn Phong đoạt Giải A với loạt bài: “Bắt mạch thủ đoạn ngầm trong đấu thầu”. Theo Trung tá Trần Thu Hòa, một trong những nhiệm vụ của Ban Thời sự- Chính trị, đó là phản ánh cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm của lực lượng Công an nói chung, trong đó có cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang được Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá cao.
“Một lợi thế của chúng tôi là có điều kiện tiếp xúc với các vụ “đại án” về kinh tế, tham nhũng do lực lượng Công an khám phá, như vụ án xảy ra tại Tập đoàn AIC, vụ án của Công ty Nam Cường.., từ đó chúng tôi nhận ra được những kẽ hở trong công tác đấu thầu mà tội phạm đang lợi dụng. Nếu không vạch trần phương thức, thủ đoạn của đối tượng, phá vỡ “thế giới ngầm” lũng đoạn đấu thầu thì sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp chân chính, gây thiệt hại đặc biệt cho Nhà nước và làm suy giảm lòng tin của nhân dân”- Trung tá Trần Thu Hòa chia sẻ.
Ngay từ khi lập đề cương, bằng kinh nghiệm, vốn sống và khả năng tập hợp, bao quát vấn đề, nhóm tác giả xác định viết về đề tài phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một chủ đề khá chuyên biệt, trong đó có rất nhiều nội dung, tài liệu khó tiếp cận, thậm chí bị gây khó khăn bởi nhiều cơ quan chức năng nằm trong diện vi phạm, đang vi phạm. Có nhiều vụ đại án đã và đang được Bộ Công an điều tra, nhưng việc tiếp cận tài liệu và truyền tải nội dung như thế nào cần được xem xét, đánh giá ở nhiều khía cạnh, góc độ, vừa đảm bảo yếu tố tuyên truyền, phòng chống hiệu quả tham nhũng, tiêu cực nhưng đồng thời cũng không để sơ hở, lộ nghiệp vụ, các thông tin gây ảnh hưởng đến quá trình đấu tranh, điều tra chuyên án.
Quá trình nhóm phóng viên điều tra thu thập tài liệu đã được sự hỗ trợ giúp đỡ của lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Cục CSĐT tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu. Đặc biệt, nhận thấy sự cấp thiết của vấn đề trong đề cương, lãnh đạo Phòng 6, Cục CSĐT tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đề xuất cùng tham gia nhóm phóng viên để thẩm định nội dung cũng như những tài liệu có liên quan, đảm bảo chặt chẽ, khoa học, chính trị, pháp luật và nghiệp vụ.
Dù vất vả, mất khá nhiều thời gian, công sức để điều tra, thu thập tài liệu, song khi đặt bút viết loạt bài 5 kỳ với nội dung: “Bắt mạch thủ đoạn ngầm trong đấu thầu”, nhóm phóng viên chỉ mất 2 ngày để hoàn thành, bởi kiến thức, tài liệu thu thập được đã như mạch nước tuôn chảy, kiến tạo ra các kỳ báo hoàn chỉnh, đầy đặn về cảm xúc và tư liệu. Ban Biên tập đã đọc, bồi đắp thêm các nội dung mang tính thời sự, phản ánh đúng những tâm tư, sự ủng hộ mạnh mẽ của dư luận nhân dân đối với công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…
Đặc biệt, thông qua loạt bài viết, không chỉ răn đe, cảnh tỉnh những tổ chức, cá nhân đang có ý định vi phạm, sai phạm phải dừng tay, chùn bước, mà nhiều nội dung có liên quan đến chính sách, pháp luật đã được điều chỉnh, góp phần kiến tạo những giá trị thực phục vụ người dân, doanh nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội…
Nêu bật giá trị thực tiễn trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Đại diện cho Truyền hình ANTV, nhóm tác giả của Ban Thời sự, gồm: Thượng tá Tô Huy Tuấn, Trưởng ban; Thượng tá Nguyễn Đăng Khang, Phó Trưởng ban; Đại úy Nguyễn Nam Hà; Đại úy Nguyễn Văn Thùy; Thiếu tá Nguyễn Chí Công; phóng viên Cao Thị Mai Anh; phóng viên Trần Huy Tuấn đã đoạt Giải A với tác phẩm “Nhận diện phương thức, thủ đoạn xuyên tạc công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta” được phát trên sóng Truyền hình ANTV.
Tác phẩm được nhóm tác giả tiếp cận vấn đề từ quá trình điều tra, khám phá những vụ đại án về tham nhũng, tiêu cực gần đây, đó là vụ "chuyến bay giải cứu", trước đó là vụ Việt Á, Vạn Thịnh Phát, FLC... Thông qua công tác nắm thông tin dư luận cũng như những thông tin trao đổi nghiệp vụ từ các cơ quan, đơn vị trong Bộ Công an, nhóm phóng viên đã từng bước tiếp cận những vấn đề về nhận diện những luận điệu xuyên tạc công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nằm trong chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch, phản động và những phần tử cơ hội chính trị thường dùng để lợi dụng. Qua đó để phân tích, làm rõ, vạch trần những nội dung suy diễn, chụp mũ, xuyên tạc về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Cùng với những lập luận đó, nhóm tác giả cũng điểm lại những thành tựu đáng ghi nhận của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thực tiễn này chính là bằng chứng sống động nhất để phản bác lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Quá trình thực hiện từ việc thu thập, cập nhập, xử lý thông tin đã được lãnh đạo Ban Thời sự thường xuyên trao đổi với các phóng viên, biên tập viên trực tiếp làm chương trình. Thời gian cũng phải mất hơn 1 tháng để có thể hoàn thiện. Trong quá trình thực hiện, có sự tham gia đồng hành, đóng góp ý kiến nội dung từ nhiều chuyên gia trong lực lượng CAND đang công tác tại một số cục nghiệp vụ và cũng như rất nhiều ý kiến của các nhà khoa học, nghiên cứu của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Trên cơ sở đó đã định hướng rõ hơn nội dung chương trình, nhận diện đúng, nhận diện trúng, nhận diện rõ các thủ đoạn, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động và những phần tử cơ hội chính trị với những căn cứ hoàn toàn chính xác và thuyết phục. Đặc biệt không thể không nhắc đến vai trò của chính người dân trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong quá trình hậu kỳ, ekip chương trình cũng đã nhiều lần có sự điều chỉnh, cân đối lại dàn ý chương trình, lựa chọn các nội dung phỏng vấn từ các chuyên gia trong và ngoài ngành, làm sâu sắc, chất lượng hơn tác phẩm.
Đam mê nghề viết để "củng cố niềm tin" trong dân
Đại diện nhóm tác giả đoạt Giải C thể loại phóng sự truyền hình với tác phẩm “Củng cố niềm tin”, Trung tá Võ Nguyên Khang, cán bộ Phòng Công tác Đảng và công tác chính trị, Công an tỉnh Phú Yên cho biết: Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh Phú Yên xảy ra tình trạng lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý tài nguyên rừng, dẫn đến lâm tặc phá rừng nghiêm trọng.
Trước tình hình trên, để củng cố niềm tin trong nhân dân, Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo các lực lượng vào cuộc điều tra, bóc gỡ vụ án, xử lý nghiêm các đối tượng. Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Công an tỉnh, với trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ làm công tác tuyên truyền trong lực lượng CAND, nhóm tác giả gồm: Trung tá Võ Nguyên Khang, Đại úy Hoàng Xuân Huy, Đại úy Lưu Thị Hạnh đã tham gia cùng với lực lượng phá án ngay từ ban đầu, trực tiếp đi đến hiện trường là khu vực rừng mà lâm tặc đang hoành hành để ghi nhận, thu thập tài liệu, chứng cứ, đồng hành cùng lực lượng tham gia phá án.
“Chúng tôi băng qua suối để đi sâu vào rừng, có thời điểm thức đến 1 đến 2h hôm sau trực tiếp quay hình ảnh lâm tặc đang phá rừng, thuê người cảnh giới, tập kết gỗ… Nửa tháng trời ăn, ngủ cùng với trinh sát, chúng tôi bị muỗi đốt rất nhiều nhưng vẫn cố gắng ghi được những thước phim chân thực nhất để làm ra tác phẩm, đó cũng là những chứng cứ chúng tôi cung cấp cho cơ quan điều tra, từ đó góp phần đưa các đối tượng ra ánh sáng pháp luật.
Theo Trung tá Võ Nguyên Khang, nhóm tác giả đã nỗ lực xây dựng tác phẩm “Củng cố niềm tin” dựa trên cơ sở những tư liệu, hình ảnh trực tiếp đi đến hiện trường vụ việc kể trên; kết hợp các nguồn thông tin từ các cơ quan điều tra, cơ quan chức năng và quần chúng nhân dân.