Đối thoại giải đáp thắc mắc cho hơn 300 người lầm lỡ, tái hòa nhập cộng đồng

19:50 06/04/2023

Trong không khí cởi mở, chân tình của buổi gặp gỡ, tư vấn hướng nghiệp với người lầm lỡ, tái hòa nhập cộng đồng vào chiều 6/4, lãnh đạo Ban Chỉ huy Công an quận Hà Đông, Công an TP Hà Nội đã có những chia sẻ với nhiều thông tin thiết thực, quan trọng.

Buổi đối thoại có sự tham dự của lãnh đạo các phòng chuyên môn của UBND quận, lãnh đạo UBND 17 phường trên địa bàn quận Hà Đông và đại diện các đội nghiệp vụ các phòng thuộc Công an thành phố…

Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền, Trưởng Công an quận Hà Đông chia sẻ thân tình tạo bầu không khí đối thoại cởi mở.

Ngay từ 13h, hơn 300 người lầm lỡ, tái hòa nhập cộng đồng (là những người có án phạt tù nhưng cho hưởng án treo, người chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ trên địa bàn, người có án phạt tù được hoãn thi hành án) trên địa bàn quận Hà Đông đã đến trụ sở Công an quận để dự buổi gặp gỡ, đối thoại.

Để buổi đối thoại được gần gũi, mọi người trao đổi cởi mở, trước khi bắt đầu chương trình, Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền, Trưởng Công an quận Hà Đông gửi lời cảm ơn "các anh chị, các cháu" đã đến dự buổi đối thoại. Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền xưng hô thế bởi anh mong muốn mọi người cùng chia sẻ, cởi mở tấm lòng như những người thân trong gia đình, để cùng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, trả lời thấu đáo, giải đáp những khó khăn vướng mắc. Chính sự chia sẻ thân tình ấy, không khí buổi đối thoại trở nên cởi mở hơn. Hơn 2 giờ chương trình diễn ra, ngoài những câu hỏi đã được đăng ký trước, rất nhiều cánh tay đã vượt qua sự ngại ngùng, đứng dậy thẳng thắn chia sẻ những tâm sự và mong muốn được nghe những lời khuyên, giải đáp những thắc mắc...

Trung tá Bùi Nhật Quang, Phó Trưởng Công an quận Hà Đông trả lời các vấn đề người lầm lỡ quan tâm.
Buổi đối thoại diễn ra trong bầu không khí sôi nổi, cởi mở, chân thành.

Từng bị xử phạt 12 tháng tù treo về tội gây rối trật tự công cộng, anh N.T.H (trú tại phường Mộ Lao) tâm sự, anh rất biết ơn sự quan tâm của cán bộ Công an cơ sở, trực tiếp các cán bộ Cảnh sát Khu vực, thường xuyên đến thăm hỏi, động viên. Chính những tình cảm quý báu đó đã giúp anh sớm vượt qua mặc cảm, tự tin trở lại giao tiếp, hòa nhập với mọi người cộng đồng. Đồng thời nhắn nhủ tới những thanh niên trẻ như mình, hãy chăm chỉ học tập, lao động chân chính để kiếm sống, đừng mải mê chơi bời, đàn đúm tụ tập, rượu chè để rồi một ngày sa chân lầm lỡ, đến lúc ân hận, hối tiếc nhắc đến hai từ "giá như" không vi phạm pháp luật...

Tại buổi đối thoại, Ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội đánh giá cao sáng kiến tổ chức đối thoại với người lầm lỡ của Công an quận Hà Đông, đơn vị đầu tiên trong Công an TP Hà Nội triển khai chương trình ý nghĩa này. Trung tâm dịch vụ việc làm mong muốn sẽ cùng Công an quận Hà Đông tổ chức những buổi tư vấn chuyên sâu cho người lầm lỡ; thu thập nguyện vọng của người lầm lỡ để xây dựng phương án tìm việc phù hợp. Ông Thành khẳng định: "Phiên giao dịch việc làm diễn ra hàng ngày, các cán bộ trung tâm sẵn sàng hỗ trợ người lầm lỡ đến đăng ký. Nếu cần chúng tôi sẽ xuống tận phường hỗ trợ”.

Buổi đối thoại thu hút hơn 300 người lầm lỡ, tái hòa nhập cộng đồng tham dự.

Cũng từ sự gần gũi, chia sẻ chân thành, giải thích cụ thể những hành vi vi phạm pháp luật từ cán bộ Công an cơ sở, những người như chị N.T.D (phường Kiến Hưng) - đang hưởng án treo về tội buôn bán động vật quý hiếm đã nhận ra những vi phạm pháp luật của mình. Từ việc hiểu rõ việc làm không đúng, chị N.T.D gửi lời cảm ơn chân thành đến sự quan tâm, giúp đỡ từ cán bộ Công an, hứa sẽ tìm hiểu kỹ các quy định về pháp luật, không để sự thiếu hiểu biết vướng vào vi phạm pháp luật...

“Tôi muốn chia sẻ với tất cả mọi người rằng, trong cuộc sống, chắc chắn sẽ có đôi lúc chúng ta mắc phải những sai sót dù vô tình hay cố ý. Quan trọng là trong nhận thức của chính mình có cố gắng thay đổi hay không. Nhà nước, các cấp chính quyền và xã hội luôn cho chúng ta cơ hội để có thể trở thành một công dân có ích, công dân tốt đóng góp cho gia đình và xã hội...” - anh P.T.T (Phường Yên Nghĩa) chia sẻ bản án của mình về hành vi “vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng" và sự quan tâm của chính quyền các cấp, ban, ngành có thẩm quyền.

Cũng theo anh P.T.T, trong thời gian điều tra, truy tố, xét xử, các cấp ban ngành có thẩm quyền đã cân nhắc đến những yếu tố giảm nhẹ cũng như hành vi vô ý phạm tội của anh để đưa ra quyết định hình phạt cải tạo không giam giữ. Qua đó, tạo cơ hội cho anh được tiếp tục lao động, học tập đóng góp cho xã hội. Bên cạnh đó, trong quá trình thi hành bản án gần 2 năm, anh luôn nhận được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, cơ quan làm việc cũng như bạn bè, người thân, điều đó đã khích lệ, tạo sự tự tin cho anh tích cực cố gắng học tập, làm việc, thực hiện tốt các quy định của pháp luật, chấp hành tốt chủ trương của Đảng nhà nước...

Tại buổi đối thoại, đại diện các đội nghiệp vụ của Công an quận Hà Đông cũng đã trực tiếp trả lời các vấn đề người lầm lỡ.

Việc trở về địa phương, ngại tiếp xúc với người xung quanh luôn đè nén những người như anh N.T.H, anh P.T.T. Cùng tâm trạng cảm xúc đấy, anh T.V.P (phường Phúc La) mong muốn được lắng nghe những chia sẻ, giải pháp hỗ trợ những người đang có tâm trạng như anh...

Trả lời câu hỏi của anh T.V.P, Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền cho biết: "Ở các phường, cán bộ Cảnh sát Khu vực được giao nhiệm vụ thường xuyên đến thăm, động viên người lầm lỡ. Nhưng theo tôi, tự cá nhân mỗi người phải bỏ qua mặc cảm. Chủ động tiếp xúc với người thân, hàng xóm, xã hội...".

Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền dẫn chứng, ở quê anh cũng có trường hợp như vậy, khi trở về địa phương, không dám đi đâu, họp họ cũng không dám dự. Tâm lý sợ bị xã hội bỏ rơi. Cả họ phải chung tay, dần dần tháo gỡ khúc mắc, tiếp xúc nhiều. Sau đó tâm lý được giải tỏa, người đấy đã tìm được việc làm chính đáng, duy trì được cuộc sống. Vậy nên việc "tự mình phải bước đi, khẳng định bản thân. Không ai giúp được mình ngoài chính mình trong việc ấy”.

Tại buổi đối thoại, đại diện các đội nghiệp vụ của Công an quận Hà Đông đã trực tiếp trả lời các vấn đề người lầm lỡ quan tâm như: Người bị án treo không bị cản trở, quản thúc và có quyền lao động, học tập, làm việc; các thủ tục cần thiết để xóa án tích… Cũng trong buổi đối thoại, lãnh đạo Phòng Lao động thương binh và xã hội quận Hà Đông đã trả lời chi tiết các quy định, hướng dẫn thủ tục cần thiết để đăng ký vay vốn cho người lầm lỡ.

Phân khởi chia sẻ khi ra về sau buổi đối thoại, anh N.T.D (phường Yên Nghĩa) đánh giá: “2 giờ đồng hồ qua thật thiết thực. Tôi cũng bất ngờ với sự cởi mở, chân thành của các đồng chí Công an. Chúng tôi thấy mình được tôn trọng và hiểu rõ trách nhiệm cần cố gắng, quyết tâm làm lại cuộc đời, không để trở thành gánh nặng cho xã hội...”.

Kết thúc buổi đối thoại, Ban Chỉ huy Công an quận Hà Đông kêu gọi những người đã chấp hành xong án phạt tù và đang hưởng án treo tại địa phương phải chấp hành nghiêm chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của chính quyền địa phương; thực hiện các cam kết, nghĩa vụ của người chấp hành xong hình phạt tù, tích cực lao động, học tập và tham gia hoạt động xã hội; kịp thời phát hiện, phản ánh, tố giác tội phạm với cơ quan Công an, UBND phường và cơ quan chức năng địa phương về những biểu hiện, hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn.

Công an quận Hà Đông cũng đề nghị Phòng Lao động thương binh và xã hội quận Hà Đông nghiên cứu tham mưu UBND quận xem xét, quyết định chính sách đào tạo nghề nghiệp và có phương án hỗ trợ đối với số người chấp hành xong hình phạt tù không có nơi nương tựa, có hoàn cảnh khó khăn để tạo việc làm ổn định cuộc sống. UBND các phường phân công tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm tiếp nhận, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù; những người có quyết định chấp hành án phạt tù cho hưởng án treo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện và vận động nhân dân trong khu vực dân cư phối hợp chặt chẽ với gia đình giám sát, giúp đỡ người lầm lỡ trên địa bàn. Trợ giúp về tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý, giúp đỡ tạo việc làm; làm thủ tục đề nghị Tòa án nhân dân có thẩm quyền xem xét, quyết định xóa án tích trong trường hợp đặc biệt cho người chấp hành xong hình phạt tù đã có tiến bộ rõ rệt theo quy định của pháp luật.

Thảo Vy

Tính từ đầu năm đến nay, nhờ xử lý quyết liệt, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT), trật tự xã hội trên địa bàn Hà Tĩnh cơ bản được giữ vững ổn định, hoạt động giao thông thông suốt. Không xảy ra ùn tắc, đua xe trái phép, gây mất trật tự công cộng. Thế nhưng, Trưởng phòng CSGT Hà Tĩnh bày tỏ: “Xử lý vi phạm nhiều mà tai nạn vẫn diễn biến phức tạp, chúng tôi còn trăn trở lắm”.

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文