Ghi nhận của PV Báo CAND tại rốn lũ Thái Nguyên: Những sáng kiến của Công an làm ấm lòng người dân trong hoạn nạn
Mưa lũ lịch sử 65 năm mới xuất hiện tại Thái Nguyên những ngày qua (vượt kỷ lục đỉnh lũ năm 1959 hơn nửa mét), khiến 81 xóm, tổ dân phố ven sông Cầu bị ngập sâu, trong đó 20 xóm, tổ dân phố bị cô lập hoàn toàn. Nhóm phóng viên Báo CAND đã có mặt tại TP Thái Nguyên, nơi rốn lũ để phản ánh công tác cứu hộ, giúp đỡ người dân của quân và dân nơi đây. Nhiều sáng kiến của lực lượng Công an tỉnh Thái Nguyên đã giúp công tác cứu hộ nhanh chóng, hiệu quả hơn, được chính quyền đánh giá cao, nhân dân cảm thấy ấm lòng, xúc động...
Lựa chọn phương tiện thuỷ phù hợp, tiếp cận mọi người dân
Chiều 10/9, trên đường từ Thủ đô Hà Nội đến đầu TP Thái Nguyên, chúng tôi không gặp trở ngại gì ngoại trừ trời mưa tầm tã, trắng xoá. Đến nút giao Tân Lập đầu thành phố, đường lại tạnh ráo, khô thoáng. Tuy nhiên, để đi vào được các điểm ngập lại là cả một vấn đề, xe ô tô phải đi đường vòng để tránh ngập, và phải thử 4-5 con đường mới vào được tận điểm ngập nặng nhất của phường Túc Duyên. Trời lúc này lại đổ mưa nặng hạt, dưới là nước ngập sang ngày thứ 3, trên là mưa to khiến nhiều người dân lo ngại không biết bao giờ mới hết tình trạng ngập úng.
Khoảng 15h, ngay đầu điểm ngập đường Huống, chúng tôi thấy Trung tá Dương Thanh Tĩnh, Phó Trưởng Công an phường Túc Duyên đang khẩn trương phối hợp các lực lượng làm nhiệm vụ. Có áo mưa bên ngoài nhưng quân phục anh ướt sũng cả, vừa bởi mồ hôi trong lớp áo mưa nóng bức, vừa do ngâm mình trong nước nhiều giờ. Anh cho biết, hiện nước đã rút bớt nhưng vẫn còn có những nơi ngập sâu khoảng 2,5 mét, ngay cả trụ sở Công an phường Túc Duyên sau lưng anh đứng cũng bị nước ngập hết khu vực tầng 1, CBCS đã vận chuyển toàn bộ trang thiết bị lên tầng 2 để đảm bảo an toàn.
Và, gác lại trụ sở mưa ngập còn ngổn ngang, gia đình nhiều đồng chí cũng chịu ảnh hưởng, thiệt hại của mưa lũ, thực hiện mệnh lệnh của Giám đốc Công an tỉnh, lãnh đạo Công an TP Thái Nguyên, Công an phường Túc Duyên đã bố trí trực 100% quân số từ ngày 8/9, phối hợp các lực lượng, ban, ngành, đoàn thể của địa phương vào các tổ bị ngập lụt sâu đưa nhân dân ra ngoài vùng an toàn; đồng thời, cử CBCS dẫn đường cho lực lượng Công an, Quân đội vào các nơi ngập sâu, khó tiếp cận để vận chuyển, tiếp tế lương thực cho bà con nhân dân.
Nhóm phóng viên sau đó được mặc áo phao, lên ca nô chuyên dụng của CSGT, theo chân Trung tá Dương Thanh Tĩnh và Trung tá Lao Hoàng Hải, cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh Thái Nguyên cùng một số cán bộ Phòng CSGT; Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH); Phòng Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Công an tỉnh Thái Nguyên vào tận các hộ dân ngập sâu nhất. Ca nô di chuyển trên các tuyến đường của phường Túc Duyên mà chúng tôi có cảm tưởng như đang đi trên sông bởi mênh mông là nước ngập đến gần nóc nhà tầng 1, trời vẫn mưa tầm tã không dứt...
"Nước dâng lên quá nhanh, trong thời gian ngắn, chúng tôi đã có ngay các phương án hỗ trợ người dân, phối hợp lực lượng Quân đội, các lực lượng chức năng của tỉnh, các câu lạc bộ bơi lội của tỉnh Thái Nguyên và Hà Nội... hỗ trợ di dời người dân, ưu tiên người già, trẻ em, người bị ốm đau trước. Tính từ sáng 9/9 đến chiều 10/9, tôi đã điều khiển khoảng 20 lượt ca nô, mỗi chuyến đưa từ 15-20 người từ vùng ngập ra nơi an toàn", Trung tá Lao Hoàng Hải chia sẻ.
Một trong những khó khăn, theo anh, là không phải phương tiện thuỷ nào cũng có thể đi được vào tận những ngõ ngách, đến tận những hộ dân, bởi dòng nước chảy rất xiết. Khi anh em cho những xuồng to vào thì bị nước đẩy, do xuồng to thì tốc độ cao, cần một khoảng mặt nước đủ rộng để hoạt động. Trong khi đặc thù địa bàn thành phố, ngõ ngách tương đối nhỏ nên việc cứu hộ người dân trong ngõ hẻm, xa trung tâm không hề đơn giản. Do đó, nhờ các xuồng hơi, xuồng nhỏ, xuồng nan, suf chèo bằng tay... của anh em các câu lạc bộ, người dân hỗ trợ đã giúp lực lượng tiếp cận các hộ cuối cùng, vận chuyển được người ra và đưa được lương thực vào.
Cận cảnh những cuộc giải cứu nghẹt thở trên mái tôn
Hộ đầu tiên mà ca nô định tiếp cận là gia đình anh Đồng Thanh Hiếu, trú Tổ 11 phường Túc Duyên. Người đàn ông này vừa đi công tác 3 ngày ở Hà Nội trở về, vội vàng nhờ lực lượng Công an đưa vào nhà ngay để kịp thời giải cứu vợ cùng hai con gái, một cháu 5 tuổi và một cháu chỉ mới hơn 2 tháng tuổi. "Tôi đi công tác từ sáng mùng 8, dù việc chưa xong nhưng phải xin về sớm vì ba mẹ con ở trong nhà ngập hết tầng 1, điện thì mất, sốt ruột vô cùng, tối nằm không ngủ được...", anh kể. May mắn là, vẫn có lực lượng chức năng và bạn bè mang đồ ăn và sạc điện thoại, sạc dự phòng tiếp tế nên ba mẹ con vẫn bình an.
Chiếc ca nô rẽ phải, định vào ngõ nhà anh Hiếu giải cứu song phát hiện trong ngõ có 1 ô tô ngập đến tận nóc, một xe cứu hộ chìm nghỉm giữa đường phải dừng lại vì sẽ vướng đường, ca nô không thể vào. Được biết, chiếc xe cứu hộ trước đó định vào giải cứu ô tô bị ngập, nhưng đi đến giữa đường thì chết máy và hai xe cùng nằm đó suốt 3 ngày trời. Phương án hai được tiến hành khi ca nô không vào được, các chiến sĩ Phòng CSCĐ, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã dùng xuồng cao su tiếp cận nhà anh Hiếu, trèo lên mái tôn tầng 1, di chuyển chậm rãi từng bước cẩn trọng vào tầng 2 ngôi nhà, lần lượt đưa vợ anh Hiếu và hai con gái bé bỏng ra xuồng, sau đó chờ ca nô vào đón, bảo đảm an toàn cho cả người dân và lực lượng tham gia cứu hộ.
Hộ thứ hai cũng có cháu nhỏ là chị Phạm Tố Uyên, cũng Tổ 11 phường Túc Duyên, cùng con trai 8 tháng và mẹ đẻ. Dù có con nhỏ nhưng mấy ngày qua mẹ con chị chưa sơ tán vì nghĩ nước sẽ nhanh rút, mặt khác vẫn nhận được đồ ăn, nước uống đầy đủ, có quạt tích điện và nhờ lực lượng chức năng đưa sạc dự phòng vào nên gia đình chị vẫn yên tâm ở yên trong nhà. "Ôi em cảm ơn các anh Công an lắm, nếu không thì chúng em cũng không biết ra bằng cách nào. Nhà có con nhỏ lo nhất là con thôi, con đang hơi bị sổ mũi nên em quyết định ra nhà chị gái ở Tân Cương, có việc gì chạy đi chạy lại cho nhanh", chị xúc động nói. Còn chồng chị Uyên vẫn ở nhà để trông nhà và đồ đạc, giữa tầng 1 ngập nước, mọi thứ cứ nổi lềnh bềnh...
Mưa vẫn liên tục không ngớt, nước vẫn cuồn cuộn chảy xiết, đường phố bê tông, rải nhựa nay như trở thành lòng sông, hai bên đường bao nhiêu nhà cửa, cơ quan, công trình ngập trong nước lũ thật xót xa. Quá trình ca nô di chuyển các tuyến phố, Tổ công tác cũng đã hỗ trợ thêm nhiều người dân trên địa bàn phường Túc Duyên di chuyển khỏi nơi mưa ngập đến vùng an toàn. Có một nhóm người dân tình nguyện phát đồ ăn, nước uống cho các hộ dân do ông Nguyễn Đức Văn, người dân Tổ 13, phường Túc Duyên dẫn đầu đã bơi, lội bộ qua những vùng nước ngập hàng tiếng đồng hồ, đến từng hộ dân phát đồ ăn giờ mệt lả nên cũng đi nhờ ca nô trở ra. Nhiều hộ dân "cố thủ", không chịu di dời để giữ nhà, bảo vệ tài sản nên chịu cảnh mưa ngập, mất điện, mất nước đã 3 ngày trời.
"Tôi là dân thổ cư sống ở đây đã 50 năm, nhưng chưa bao giờ chứng kiến mưa lũ khủng khiếp đến thế. Nhà tôi cũng ngập hết đến nóc rồi. Nhưng thấy lực lượng Công an, Quân đội và chính quyền địa phương vất vả quá, trong khi mình có khả năng, lại vận động được bà con ủng hộ các suất cơm, mì tôm, nước uống... nên muốn chung tay góp sức, mỗi người một chút để chia sẻ với các lực lượng, cũng là giúp bà con mình được ấm bụng, ấm lòng trong tình cảnh này", ông Văn cho hay. Vậy là hơn chục anh em trong vòng mấy tiếng đồng hồ đã phát được khoảng 200 suất cơm chứa đầy trên hai xe bán tải cho các hộ dân, tận những hộ xa xôi hay mưa ngập sâu nhất.
Xe máy xúc vòng qua các tuyến phố cấp phát nhu yếu phẩm
Một nhánh khác, phóng viên cũng được lên xe máy xúc do lực lượng Công an, Quân đội trưng dụng của người dân địa phương để đi vào vùng nước ngập phát nhu yếu phẩm cho bà con. Đó là mì tôm, bánh mì, nước uống, đèn pin... để các hộ dân không nguy cấp lắm, đang ở yên trong tầng 2, tầng 3 tiếp tục duy trì sự sống, chờ nước rút. Đến từng nhà, Tổ công tác đều gọi rao to: "Bà con ơi, ai ăn cơm không? ai uống nước không?" để các hộ dân nhận biết và ra nhận nếu có nhu cầu.
"Vì nước chảy xiết trên các tuyến phố nên xe máy xúc phải dùng cần cẩu tiếp tế đồ tiếp cận nhà dân sát nhất có thể, hạn chế để bà con đi ra khỏi khu vực sân tầng 1 nhà mình, có thể gây nguy hiểm", một cán bộ Công an trao đổi với tài xế xe máy xúc. Đối với bà con trên tầng 2 thì có thể dùng sào, dây để lấy.
Khi chúng tôi trở lại phố Huống, đã hơn 18h, Chủ tịch UBND phường Túc Duyên Nguyễn Văn Hoàng cũng đang mặc áo mưa, lội nước đốc thúc lực lượng cứu hộ khẩn trương hơn vì trời vẫn tiếp tục mưa và lại đang chìm vào đêm tối, đêm thứ ba trong mưa lũ lịch sử. Ông cho biết, hoàn lưu mưa sau bão đã được cảnh báo từ sớm, nhưng do Túc Duyên bốn bề xung quanh là sông nên không thể tránh khỏi việc mưa ngập, khi đỉnh lũ thì nơi ngập sâu nhất khoảng 3m, nước chảy rất xiết. Chiều 10/9, nước đã rút được khoảng 1m.
"Chúng tôi đánh giá rất cao lực lượng Công an, đóng vai trò rất quan trọng, thiết thực giúp nhân dân rất nhiều. Đặc biệt là Công an cơ sở, các lực lượng tăng cường như CSGT, PCCC, CSCĐ..., các CBCS đều ngâm mình trong nước hằng ngày, dù khá mệt nhưng vì trước mình là nhân dân đang gặp hoạn nạn nên đồng chí nào cũng sẵn sàng làm. Chúng tôi cùng anh em 2-3 ngày nay chưa về nhà, quần áo cứ ướt lại khô, có thay rồi một lúc cũng lại ướt vì nước mưa, nước ngập...", ông nói. Do hầu hết hộ dân đều mất điện, mất liên lạc trong 3 ngày, nhiều người ở ngoài gọi cho người thân của mình không được nên rất lo lắng, nhưng Chủ tịch UBND phường Túc Duyên khẳng định, tất cả người dân trên địa bàn đều ổn, chưa có thiệt hại gì về người và nhà nào cũng được nhận hỗ trợ về nhu yếu phẩm.
Sử dụng flycam tiếp tế vùng ngập lụt
Theo Thượng tá Phan Thanh Sơn, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Thái Nguyên, thường trực sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 3 và hoàn lưu sau cơn bão số 3, đơn vị đã ứng trực 100% quân số, trong 3 ngày qua đã điều động 320 CBCS, toàn bộ trang thiết bị, phương tiện, nhiều phương tiện đặc chủng tham gia phối hợp cùng các lực lượng tỉnh Thái Nguyên tổ chức tìm kiếm, CNCH, khắc phục hậu quả và đưa lương thực, thực phẩm đến người dân.
"Trong quá trình CNCH, nước lũ dâng cao, chảy xiết, một số điểm, các ngõ hẻm, đường bê tông không bằng phẳng nên xuồng cứu nạn của Cảnh sát PCCC&CNCH gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, địa bàn xảy ra rất rộng, chúng tôi đã phân công các đồng chí lãnh đạo phòng gương mẫu, xung kích để các điểm ngập sát cánh cùng anh em CBCS; đã thành lập các tổ gồm 5 người, phối hợp CSCĐ dùng dây CNCH buộc nối vào người nhau để vượt qua lũ dữ vào các điểm ngập cứu dân; mang hàng hoá, lương thực trấn an người dân bình tĩnh, tin tưởng vào lực lượng chức năng của tỉnh Thái Nguyên và cố gắng vượt qua khó khăn", anh trải lòng.
Chiều tối 10/9, lực lượng Công an tỉnh Thái Nguyên cũng đã phối hợp một nhóm sử dụng thiết bị flycam (máy bay không người lái) để chuyển hàng tiếp tế, cứu trợ cho người dân vùng ngập lụt tại phường Quang Vinh, TP Thái Nguyên. Nhóm đã sử dụng thiết bị bay cỡ lớn, buộc hàng cứu trợ vào bộ phận móc, thả từ xa và chuyển đến các địa điểm bị ngập lụt, nơi lực lượng chức năng khó tiếp cận bằng xuồng, thuyền với người mắc kẹt. Hàng cứu trợ được CBCS Công an tỉnh Thái Nguyên chuẩn bị gồm: áo phao, đồ ăn, thức uống, pin sạc dự phòng, thuốc...
"Lực lượng cứu hộ phối hợp các thành viên của nhóm xác định đúng địa điểm, vị trí cần hàng tiếp tế, tìm cách liên lạc với người cần cứu trợ, sử dụng đèn pin phát tín hiệu trong đêm để thả hàng đúng chỗ" - Đại uý Tạ Thị Thu Trang, cán bộ Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh Thái Nguyên, người trực tiếp tham gia hoạt động này thông tin.
San sẻ hàng cứu trợ cho những vùng ngập khác đang kêu cứu
Sáng 11/9, khi chúng tôi đang viết những dòng cuối bài này thì nhận được điện thoại của đồng chí Thượng tá Nguyễn Phương Nam, Trưởng Công an TP Thái Nguyên cho biết, trong những ngày qua, rất nhiều lực lượng, cơ quan, ban ngành, tổ chức, cá nhân tại chỗ và nhiều địa phương trên cả nước đã đồng lòng hướng về Thái Nguyên, trực tiếp đến tận nơi hoặc gửi hàng cứu trợ, nhu yếu phẩm, những vật dụng thiết yếu đến bà con nhân dân vùng ngập lụt. Trụ sở Công an TP Thái Nguyên những ngày này đông nghịt người dân, nhà hảo tâm tìm đến, tấp nập các chuyến xe chở hàng tấn hàng tập kết, bàn giao, nhờ đơn vị cấp phát, chuyển đến tận tay bà con.
"Chúng tôi rất xúc động trước nghĩa cử đẹp của đồng bào, trân trọng gửi lời cảm ơn đến các cơ quan, ban ngành, tổ chức, cá nhân, song vì ngoài đồ cứu trợ đã giao đến bà con trên địa bàn, vẫn còn một lượng hàng nhất định, trong khi sáng nay tôi nhận được điện thoại đề nghị hỗ trợ của Công an huyện Phú Bình và một số địa phương nên chúng tôi quyết định chuyển số hàng này hỗ trợ các đơn vị", Thượng tá Nguyễn Phương Nam thông tin.
Sáng cùng ngày, Công an TP Thái Nguyên đã chuyển 30 thùng nước, 30 thùng sữa, 60 thùng mì tôm, 5 thùng bánh, 2 thùng lương khô, 2 thùng xúc xích hỗ trợ Công an huyện Phú Bình để cấp phát cho bà con; đồng thời tiếp tục hỗ trợ áo phao, áo mưa, đèn pin và nhu yếu phẩm cho nhân dân các vùng ngập lụt như Đồng Bẩm, Quang Vinh, Linh Sơn, Chùa Hang...
Nhận lời "kêu cứu" từ các địa phương, Công an TP Thái Nguyên mặc dù đang nỗ lực giúp nhân dân trên địa bàn khắc phục hậu quả, nhưng cũng đã cử một số tổ công tác đến các địa bàn khác để san sẻ nguồn hỗ trợ - một nghĩa cử rất nhân văn, thể hiện tinh thần đoàn kết, truyền thống tương thân tương ái của dân tộc. Hiện tại, thời tiết ở Thái Nguyên vẫn mưa, có những lúc mưa to, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác cứu hộ, vận chuyển hàng cứu trợ, nhưng những sáng kiến, hành động giúp dân trong mưa lũ lịch sử của lực lượng Công an nơi đây đã tiếp thêm niềm tin cho các hộ dân, rằng dù gian khó ra sao cũng có một lực lượng yêu dân, trọng dân, vì dân phục vụ, tiếp thêm sức mạnh tinh thần để họ vững tâm vượt qua nghịch cảnh...