Hà Nội "bật" chế độ phối hợp (Kỳ 3)
Hà Nội dù không nằm trên tuyến Tây Bắc nhưng các đối tượng, đường dây ma túy lớn luôn tìm đủ mọi cách đưa bằng được “hàng” về hoặc trung chuyển, qua Thủ đô. Trong suốt nhiều năm qua, Công an TP Hà Nội đã chủ động “bật” chế độ phối hợp với Công an 6 tỉnh trên tuyến Tây Bắc cũng như các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an để dựng “lũy thép” đấu tranh phòng, chống hiệu quả với tội phạm ma túy.
Nhận diện sớm, trúng, đúng những nguy cơ
Đánh giá của Công an TP Hà Nội cho thấy: Hà Nội dù không nằm trên tuyến Tây Bắc nhưng được xác định là địa bàn có liên quan đến các hoạt động tiêu thụ, trung chuyển về ma túy. Chính vì vậy, tình hình tội phạm ma túy trên các tuyến trọng điểm Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc miền Trung - Tây Nguyên và Tây Nam đều có tác động trực tiếp, ảnh hưởng tới tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn.
Trên các tuyến trọng điểm về ma tuý này, hoạt động tội phạm mua bán, vận chuyển ma tuý số lượng lớn từ Lào vào Việt Nam qua đường biên giới các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Nghệ An… về, qua Hà Nội và đi các tỉnh khác tiêu thụ vẫn luôn là điểm nóng, phức tạp. Các đối tượng câu kết, hình thành những đường dây mua bán trái phép chất ma túy với số lượng lớn, liên tỉnh với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Chúng triệt để sử dụng ứng dụng trang mạng xã hội để liên lạc. Việc giao, nhận ma túy qua các đối tượng trung gian và không biết về nhau. Thời gian, địa điểm nhận hàng thường xuyên thay đổi không có khu vực cố định... Tất cả những thủ đoạn tinh vi trên nhằm trốn tránh sự phát hiện, bắt giữ của cơ quan Công an.
Cũng theo thống kê của Công an TP Hà Nội, các tỉnh Tây Bắc là tuyến trọng điểm về ma túy (chiếm 76% số vụ bắt giữ về ma túy trên các tuyến trong 6 tháng từ ngày 14/9/2021 đến ngày 15/3/2022). Các đối tượng người dân tộc thiểu số vận chuyển ma túy từ Lào theo các đường mòn vào Việt Nam. Chúng tập kết tại nhà của các đối tượng đầu cấp ở các bản làng sâu trong rừng như Hang Kia, Pà Cò, Tà Dê, Lóng Sập.
Từ đây các đối tượng vận chuyển trái phép chất ma túy qua trục đường 6, cao tốc Nội Bài - Lào Cai về Hà Nội tiêu thụ hoặc trung chuyển đi các tỉnh khác, trong đó có các tỉnh biên giới phía Đông Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Quảng Ninh để sang Trung Quốc. Chúng hình thành các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng lớn, trong đó có các đối tượng ở Hà Nội. Loại ma túy được mua bán, vận chuyển trên tuyến này chủ yếu là heroin, methamphetamine, ketamine.
Ngoài việc ma túy tổng hợp từ Trung Quốc được vận chuyển vào Việt Nam qua các tỉnh phía Bắc và Đông Bắc rồi chuyển đi các tỉnh tiêu thụ thì heroin lại được các đối tượng vận chuyển từ các tỉnh Tây Bắc qua Hà Nội đi lên các tỉnh Đông Bắc để chuyển sang Trung Quốc. Thời gian gần đây, Việt Nam và Trung Quốc tập trung kiểm soát khu vực giáp biên, đánh mạnh triệt xóa, bóc gỡ nhiều đường dây mua bán trái phép chất ma túy với số lượng lớn, do đó, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy trên tuyến này có xu hướng giảm. Từ ngày 15/9/2021 đến ngày 15/3/2022, chưa phát hiện vụ việc về ma túy có liên quan đến tuyến Đông Bắc.
Thời gian qua, do ảnh hưởng trực tiếp từ việc giãn cách xã hội phòng, chống dịch bệnh COVID-19, việc vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy từ các tỉnh biên giới, trên tuyến trọng điểm về, qua Hà Nội có nhiều thay đổi trong phương thức, thủ đoạn hoạt động tội phạm. Các đối tượng lợi dụng xe chở hàng hóa, lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu để ngụy trang, cất giấu ma túy vận chuyển từ các tỉnh Tây Bắc về Hà Nội tiêu thụ.
Hoạt động mua bán trái phép chất ma túy dạng nhỏ lẻ vẫn diễn ra, hình thành các điểm phức tạp về ma túy. Các đối tượng hoạt động với tính chất lưu động, lợi dụng những địa bàn khu vực đông dân cư, chợ dân sinh, khu ngõ nhỏ hoặc gia cố nhà, nơi ở bằng nhiều lớp cửa kiên cố, lắp camera, bố trí cảnh giới từ vòng ngoài để tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng. Thậm chí chúng sử dụng các đối tượng mắc bệnh hiểm nghèo được hoãn thi hành án hoặc đang nuôi con nhỏ để vận chuyển trái phép chất ma túy.
Hoạt động phạm tội về ma túy lợi dụng các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện, nhạy cảm về ANTTchưa giảm tại các địa bàn nằm trên trục giao thông liên quan đến các tuyến ma túy về, qua Hà Nội. Đáng chú ý, trong thời gian thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19, UBND thành phố chỉ đạo tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện, tuy nhiên vẫn xảy ra tình trạng một số cơ sở kinh doanh lén lút hoạt động, cho các đối tượng đến “bay lắc” hoặc các đối tượng sử dụng nhà riêng, căn hộ chung cư để sử dụng trái phép chất ma túy nhằm tránh sự giám sát, phát hiện của lực lượng chức năng. Số vụ bắt giữ liên quan ma túy tổng hợp chiếm tỷ lệ trên 50% trong tổng số vụ phát hiện, bắt giữ về ma túy.
Chủ động chặn “nguồn” tội phạm từ xa
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an về triển khai phương án nghiệp vụ phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy trên các tuyến trọng điểm, tập trung tuyến Tây Bắc cũng như các tuyến khác, trên cơ sở đánh giá kết quả 3 năm thực hiện Kế hoạch số 125/KH-Công an TP Hà Nội ngày 27/4/2018 của Công an TP về đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy trên các tuyến, địa bàn trọng điểm liên quan đến tuyến về, qua thành phố Hà Nội và xác định tính cấp thiết trong việc triển khai Phương án nghiệp vụ số 02 trên địa bàn thành phố, Công an TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 582/KH-CAHN-PC04 ngày 2/10/2021.
Theo đó, Giám đốc Công an TP phân công đồng chí Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an TP về kết quả thực hiện Kế hoạch triển khai thực hiện Phương án nghiệp vụ số 02.
Căn cứ 4 phương án nghiệp vụ ngày 24/8/2021 của Cục CSĐT tội phạm về ma túy và tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn TP, Công an TP Hà Nội đã xác định rõ 3 tuyến ma túy chính về, qua Hà Nội gồm Tây Bắc, Đông Bắc, miền Trung - Phía Nam.
Ngày 12/8/2021, Công an TP Hà Nội đã ban hành các phương án nghiệp vụ của từng tuyến. Theo đó, mỗi phương án nghiệp vụ, Công an TP Hà Nội đã phân công, phân cấp 1 đồng chí lãnh đạo Phòng CSĐT tội phạm về ma túy theo dõi, trực tiếp chỉ đạo thực hiện phương án nghiệp vụ phòng ngừa, đấu tranh tội phạm ma túy theo từng tuyến, 1 đồng chí Phó Công an quận, huyện, thị xã trực tiếp chỉ đạo, phụ trách phương án trên địa bàn các quận, huyện, thị xã.
Đặc biệt, Công an TP Hà Nội đã tham mưu UBND TP ban hành Kế hoạch số 283/KH-UBND ngày 13/12/2021 về tăng cường công tác quản lý người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy theo Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 trên địa bàn thành phố Hà Nội, đồng thời báo cáo kết quả giai đoạn đầu thực hiện Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản hướng dẫn thi hành trên địa bàn TP Hà Nội theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an.
Trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, để phòng ngừa tội phạm và ngăn “đầu vào” của tội phạm ma túy, Công an TP Hà Nội đã tham mưu các cấp triển khai thành lập cơ sở cách ly y tế tập trung phòng, chống dịch tại các cơ sở cai nghiện ma túy (dành cho người thuộc diện F1 là người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy). Cùng với đó, tổ chức công tác phối hợp quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy tổng hợp dẫn đến suy giảm chức năng, rối loạn loạn thần cấp như “ngáo đá”, đối tượng tù tha. Nhiều chốt, tổ công tác đã chủ động, hiệu quả bắt giữ nhiều đối tượng, ổ nhóm vận chuyển, mua bán ma túy.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, Công an TP Hà Nội cho biết, thực hiện nghiêm, hiệu quả ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, các cục nghiệp vụ, đồng thời từ việc làm tốt công tác quản lý địa bàn, điều tra cơ bản, Công an TP Hà Nội, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy đã phát hiện đường dây mua bán trái phép chất ma túy với số lượng lớn từ Sơn La về Hà Nội tiêu thụ do đối tượng Phạm Phương Bình (SN 1970, HKTT và chỗ ở ngõ 91 Nguyễn An Ninh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cầm đầu. Bình cất giấu ma túy trong xe ôtô cá nhân, sau đó thuê xe cứu hộ để chở xe ôtô cá nhân từ Sơn La về Hà Nội để tránh sự kiểm tra phát hiện của lực lượng chức năng.
Xác định đây là đường dây hoạt động tinh vi, nhiều thủ đoạn đối phó sự phát hiện của cơ quan chức năng, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy đã tập trung lực lượng, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, khám phá.
Công an TP Hà Nội luôn duy trì mối quan hệ phối hợp hiệu quả với lực lượng Bưu điện, Hải quan, An ninh hàng không, đặc biệt là phối hợp chặt chẽ với các Cục nghiệp vụ - Bộ Công an, Công an các địa phương nhất là Công an các tỉnh trọng điểm về ma tuý để trao đổi thông tin, hỗ trợ lực lượng, phương tiện, đấu tranh, bắt giữ, xử lý tội phạm về ma tuý có hiệu quả. Trong 6 tháng đầu năm 2022, các đơn vị trong Công an TP đã phối hợp với Cục Hải quan TP và Công an các tỉnh trên tuyến tổ chức bắt giữ, điều tra mở rộng 8 vụ án ma túy lớn.