Hàng ngàn người được cứu khỏi các sự cố cháy nổ
Ngày 29/4, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức trực tuyến Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 của Chính phủ quy định về công tác PCCC và CNCH của lực lượng PCCC TP Hồ Chí Minh...
Đồng chí Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TP chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Tham gia hội nghị còn Thiếu tướng Nguyễn Văn Hoàng, Phó tham mưu trưởng Quân khu 7; Đại tá Huỳnh Thế An, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH-Bộ Công an; Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, các lãnh đạo ban ngành có liên quan đến công tác PCCC và 21 điểm cầu của 21 quận huyện, TP Thủ Đức theo dõi trực tuyến.
Báo cáo tại hội nghị, Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, trong 5 năm (từ 2017-2022) tại TP Hồ Chí Minh xảy ra 3.479 vụ việc liên quan đến cháy, nổ và sự cố, tai nạn, trong đó 2.334 vụ cháy, nổ làm 96 người chết, 211 người bị thương, thiệt hại khoảng 133,51 tỷ đồng. Xảy ra 1.145 vụ tai nạn, sự cố cần tổ chức cứu nạn, cứu hộ (437 vụ cứu nạn, cứu hộ dưới nước; 232 vụ cứu nạn, cứu hộ trong nhà và công trình, 88 vụ cứu nạn, cứu hộ sự cố, tai nạn giao thông và 388 vụ cứu nạn, cứu hộ các tình huống sự cố tai nạn khác).
Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH-Công an TP Hồ Chí Minh đã điều động 3.441 lượt phương tiện, trang thiết bị cháy chữa cháy và CNCH, cùng 57.810 lượt cán bộ chiến sĩ, trực tiếp phối hợp chữa cháy, cứu được 602 người, hướng dẫn cho 2.376 người tự thoát nạn trong đám cháy, bảo vệ được hàng chục ngàn nhà dân, hàng chục ngàn m2 diện tích nhà xưởng, kho chứa hàng và các loại máy móc, trang thiết bị, các loại vật tư, hàng hóa của doanh nghiệp. Tổ chức cứu nạn, cứu hộ 1.145 vụ tai nạn, sự cố, cứu được 435 người và tìm được 175 thi thể nạn nhân bàn giao cho gia đình, chính quyền địa phương.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức về PCCC và CNCH đã được cấp ủy, chính quyền quan tâm, duy trì thường xuyên và được đẩy mạnh trong các đợt cao điểm. Phòng Cảnh sát PCCC đã tổ chức hơn 7.500 lượt kiểm tra tại các nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất trên địa bàn Thành phố, qua công tác kiểm tra, đã phát hiện và khuyến cáo 7.055 thiết sót về an toàn PCCC và CNCH. Trong 5 năm, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã hướng dẫn cơ sở xây dựng 27.929 phương án CNCH ở cơ sở và đã tổ chức thực tập 13.645 phương án CNCH.
Tại hội nghị nhiều tham luận của các ban ngành được nêu ra, trong đó nêu lên những khó khăn, vướng mắc, tồn đọng cũng như hạn chế trong công tác PCCC và CNCH tại từng địa phương, quận huyện khác nhau.
Đại tá Huỳnh Thế An, Phó Cục Trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH- Bộ Công an đánh giá cao các mặt đạt được của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH-Công an TP Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan.
Về những hạn chế, kiến nghị của TP Hồ Chí Minh về công tác PCCC và CNCH, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH sẽ báo cáo với Bộ Công an để có phương án đáp ứng được nhu cầu thực tiễn và đặc thù về PCCC tại TP Hồ Chí Minh trong sơ kết 5 năm Nghị định số 83/2017/NĐ-CP của Bộ Công an, dự tính triển khai vào tháng 9/2022.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đánh giá cao thành quả của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã đạt được trong thời gian thực hiện Nghị định số 83/2017/NĐ-CP. Ông Ngô Minh Châu yêu cầu lực lượng Công an TP nói chung, Cảnh sát PCCC và CNCH nói riêng cần tiếp tục tham mưu có hiệu quả cho UBND TP xây dựng các văn bản, kế hoạch chỉ đạo về công tác PCCC và CNCH. Thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các chuyên đề kiểm tra an toàn về PCCC và CNCH, chú trọng giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn các nguyên nhân, điều kiện xảy ra sự cố, tai nạn.
Tại hội nghị, ban tổ chức cũng trao bằng khen của UBND TP Hồ Chí Minh cho 31 tập thể và 15 cá nhân đã có thành tích xuất sắc liên quan đến công tác PCCC và CNCH trong thời gian thực hiện Nghị định số 83/2017/NĐ-CP.