Hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng ở vùng cao
Nhiều năm nay, công tác tái hòa nhập cộng đồng ở tỉnh Hòa Bình đã từng bước được triển khai, thực hiện nghiêm túc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, trách nhiệm và hành động cụ thể của chính quyền các cấp. Qua đó, tình hình ANTT được giữ vững, góp phần thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng, Bộ Công an, cũng như của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Công an tỉnh Hòa Bình đã triển khai thực hiện nghiêm túc công tác tái hòa nhập cộng đồng. Điều đó được thể hiện, trong giai đoạn năm 2020 – 2023 tỷ lệ người chấp hành xong án phạt tù tái phạm tội chiếm tỷ lệ thấp (trung bình hằng năm là 3.88%). Tỷ lệ người có việc làm tăng như năm 2020 có 234 người, năm 2021 có 223 người, năm 2022 có 403 người và năm 2023 có 405 người.
Trong công tác tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng, từ năm 2020 đến năm 2023, Công an tỉnh Hòa Bình đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện, chỉ đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể, UBND cấp xã trực tiếp tư vấn 1.411 lượt người, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, làm các thủ tục cấp 921 căn cước công dân, khôi phục khẩu, cấp giấy phép lái xe và các thủ tục hành chính theo thẩm quyền…
Trong công tác tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng, từ năm 2020 đến năm 2023, Công an tỉnh Hòa Bình đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện, chỉ đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể, UBND cấp xã, phối hợp với các đơn vị liên quan của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức 49 hội nghị tư vấn pháp luật, tư vấn, giới thiệu việc làm cho 6.695 lượt người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng. Năm 2022, Công an tỉnh đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp phối hợp Hội Luật gia tỉnh, Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hòa Bình tổ chức tư vấn pháp luật, giới thiệu việc làm và đào tạo nghề cho 50 phạm nhân chấp hành án tại Trại tạm giam Công an tỉnh.
Năm 2023, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hòa Bình tổ chức 3 buổi tư vấn, định hướng, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho 410 người tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Tại huyện Lương Sơn, vào tháng 7/2023, đã tổ chức “Phiên chợ của tình người” có 400 người tham gia. Xúc động được nhận vào làm việc tại một công ty, anh Nguyễn Ngọc Hoàng (25 tuổi), ở huyện Lương Sơn cho biết: Sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương đã được gia đình và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể quan tâm, động viên, được tư vấn pháp lý và tạo điều kiện có công việc ổn định.
“Tôi hứa luôn chí thú làm việc, tránh xa thói hư tật xấu, cám dỗ mà trước đây đã mắc phải để trở thành người công dân tốt, có ích cho xã hội” - anh Hoàng khẳng định. Còn với chị Nguyễn Thị Huệ (40 tuổi), do cải tạo tốt nên được ra tù trước thời hạn 9 tháng. Vì tuổi cao xin việc khó nên chị đến với “Phiên chợ của tình người mong muốn được vay vốn để mở rộng cửa hàng tạp hoá bán tại nhà.
Mới đây, ngày 28/11, Công an tỉnh phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức "Phiên chợ của tình người” dành cho người chấp hành án hình sự tại cộng đồng, người tái hoà nhập cộng đồng và người lao động trên địa bàn huyện Lạc Sơn. Tham gia phiên chợ có 272 người đang chấp hành án hình sự tại cộng đồng và người tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn huyện Lạc Sơn và 12 doanh nghiệp, hợp tác xã đang sản xuất, kinh doanh, các đơn vị trong và ngoài tỉnh tham gia tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ các chính sách và tư vấn vay vốn. Qua phiên chợ đã có 42 người tái hòa nhập cộng đồng và người đang chấp hành án hình sự ngoài cộng đồng đã được các công ty, tổ chức, doanh nghiệp đồng ý phỏng vấn và tiếp nhận vào làm việc, học nghề phù hợp.
Ngoài ra, qua rà soát có 71 người có nhu cầu vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội để phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống cùng nhiều đối tượng được tư vấn hỗ trợ xác định nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, ổn định kinh tế gia đình.
Theo Đại tá Nguyễn Thành, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hoà Bình “Phiên chợ của tình người” là cầu nối quan trọng giữa các cơ sở đào tạo nghề, các doanh nghiệp và những người chấp hành án hình sự tại cộng đồng, người tái hòa nhập cộng đồng được tiếp cận các thông tin về tuyển dụng, tư vấn, định hướng giới thiệu việc làm, đào tạo nghề để lựa chọn công việc phù hợp, phòng ngừa tái phạm tội. Đồng thời thể hiện sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn xã đối với những người có quá khứ lầm lỗi với mong muốn chung tay giúp đỡ người đang chấp hành án hình sự tại cộng đồng và người tái hòa nhập cộng đồng có điều kiện ổn định cuộc sống, từng bước hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội.
Cùng với đó, công tác thực hiện tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù theo Quyết định số 22/QĐ-TTg, ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ cũng được quan tâm. Tính đến ngày 10/12/2023, trên cơ sở rà soát của Công an cấp xã, xác nhận của UBND cấp xã, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách tỉnh đã chỉ đạo các Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách cấp huyện trên địa bàn tỉnh cho người chấp hành xong án phạt tù vay vốn, tổng số tiền vay là một tỷ đồng. Riêng Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lạc Sơn đã cho người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn vay 350.000.000 đồng.
Ngoài ra, việc xây dựng và nhân rộng các mô hình trong công tác tái hòa nhập cộng đồng cũng được các cấp chính quyền và lực lượng chức năng đặc biệt quan tâm. Đây cũng là một trong những cách làm hiệu quả nhằm cụ thể hóa các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù.
Để tiếp tục duy trì các mô hình về công tác này, Công an tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội phối hợp với các đơn vị chức năng vận động toàn dân tham gia quản lý, giáo dục, cảm hoá những người lầm lỗi, người chấp hành xong án phạt tù chưa tiến bộ tại cộng đồng dân cư, xây dựng, tuyên truyền, nhân rộng những mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, trong đó có các mô hình, điển hình tiêu biểu trong công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hoà nhập cộng đồng, mô hình phường điển hình về ANTT trong đó có điển hình về giúp đỡ quản lý, giáo dục người chấp hành án hình sự tại cộng đồng và người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng.
Tính đến ngày 10/12/2023, trên địa bàn toàn tỉnh đang có 18 mô hình tái hòa nhập cộng đồng đang được duy trì, hoạt động có hiệu quả, riêng năm 2023 xây dựng mới 4 mô hình. Các mô hình tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp phối hợp trong việc thực hiện công tác tiếp nhận, quản lý, giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, phòng chống tái phạm tội và vi phạm pháp luật.
Thời gian tới, Công an tỉnh Hòa Bình tiếp tục làm tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng và xác định là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, nhằm thực hiện chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước đối với người chấp hành xong án phạt tù, đồng thời phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng tái phạm tội…; tăng cường công tác tuyên truyền, biểu dương gương người tốt, việc tốt, phát huy những cách làm hay, sáng tạo để tạo được hiệu ứng tích cực đối với các tầng lớp nhân dân trong cách ứng xử, giúp đỡ, giáo dục người chấp hành xong án phạt tù.