Hiệu quả tích cực từ các mô hình chuyển đổi số
Thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, Công an TP Hải Phòng, Công an tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều biện pháp, cách làm sáng tạo, thiết thực nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận việc chuyển đổi số…
Sau khi được hướng dẫn cài đặt và sử dụng phần mềm ASM để nhập dữ liệu, tự động cập nhật thông tin đăng ký của khách lưu trú tại khách sạn, anh Đoàn Chế Linh, Giám đốc điều hành khách sạn Tray (phường Lạch Tray, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) cho biết, khách đến thuê lưu trú, nhân viên lễ tân chỉ cần dùng thẻ căn cước công dân (CCCD) quét mã QR trên thẻ là có các thông tin liên quan, thời gian làm các thủ tục được rút ngắn, thuận lợi cho khách sạn cũng như khách lưu trú.
“Đối với những khách không mang theo thẻ CCCC thì có thể quét mã QR của CCCD trên ứng dụng VNeID được cài đặt trên điện thoại mang theo, cũng chính là những thông tin được xác thực trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên khách sạn hoàn toàn yên tâm”, anh Linh cho biết thêm.
Theo Trung tá Hoàng Đức Mạnh, Đội trưởng Đội Quản lý lưu trú và vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an TP Hải Phòng), trên đây là một trong trong 43 mô hình điểm theo kế hoạch phối hợp giữa Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 06 Hải Phòng và Tổ công tác triển khai Đề án 06 Trung ương. Ứng dụng phần mềm ASM còn giúp cơ sở lưu trú kịp thời kiểm tra, đối chiếu CCCD, chứng minh nhân dân và các loại giấy tờ tùy thân khác. Đến nay, có gần 2.000 cơ sở lưu trú trên địa bàn được cấp, phê duyệt tài khoản và thực hiện cài đặt phần mềm ASM.
Cùng với mô hình trên, Công an TP Hải Phòng chủ trì hoàn thành thực hiện một số mô hình điểm chuyển đổi số khác là triển khai nền tảng quản lý lưu trú tại nhà cho thuê, nhà ở trong khu công nghiệp; quản lý lưu trú tại cơ sở khám, chữa bệnh; các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT. Riêng đối với mô hình phân tích tình hình trật tự - an toàn xã hội (TT-ATXH) trên địa bàn, đến nay, Hải Phòng cập nhật thông tin đối tượng vào phần mềm quản lý đối tượng đạt gần 123%. Đồng thời, địa phương này tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các bước tiếp theo, bảo đảm mở rộng phân tích tình hình TT-ATXH, phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo thành phố.
Tương tự, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, chị Cao Thị Nga, Trưởng bộ phận Lễ tân khách sạn Peace Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) cho biết, khi sử dụng phần mềm khai báo lưu trú đã giúp cơ sở khai báo nhanh, gọn tất cả những thông tin, chỉ qua thao tác đơn giản là quét qua điện thoại…
Liên quan đến công tác phòng chống tội phạm, thông thường người dân muốn tố giác tội phạm thì phải làm đơn trình báo, hoặc là trực tiếp đến cơ quan Công an, thì nay thông qua ứng dụng VNeID, việc trình báo, tố giác tội phạm trở nên kịp thời và đơn giản hơn. Chỉ riêng trong 2 tháng đầu năm 2024, Công an TP Hải Phòng đã tiếp nhận hơn 100 tin tố giác tội phạm qua ứng dụng VNeID. Còn Công an tỉnh Quảng Ninh cũng đã tiếp nhận 70 tin báo tố giác tội phạm qua ứng dụng này.
Với nỗ lực tiên phòng đi đầu trong thực hiện Đề án 06 về chuyển đổi số, Công an tỉnh Quảng Ninh đã tham mưu Tổ công tác Đề án 06 tỉnh nghiên cứu đăng kí thực hiện thêm 20 mô hình điểm so với hướng dẫn của Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ. Điển hình như mô hình chợ 4.0, thanh toán không dùng tiền mặt và mô hình quản lý số tại các chung cư, khu nhà trọ…
Công an TP Hải Phòng cùng các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện 43 mô hình chuyển đổi số đối với các nhóm tiện ích về: Cung cấp và giải quyết dịch vụ công thiết yếu trên VNeID; lưu trữ, công chứng, chứng thực tài liệu điện tử; sử dụng căn cước công dân gắn chíp và trên VNeID để khám, chữa bệnh, thanh toán vé tàu, xe; quản lý các cơ sở lưu trú; kiểm soát ra, vào các khu công nghiệp, khu du lịch, nhà ga; thiết bị giám sát thi cử và sát hạch lái xe; xử phạt các vi phạm hành chính về TTATGT, TT-ATXH
Thiếu tướng Vũ Thanh Chương, Giám đốc Công an TP Hải Phòng cho biết, để đẩy nhanh việc triển khai đưa vào sử dụng các mô hình điểm chuyển đổi số, Ban chỉ đạo TP Hải Phòng đề nghị Bộ Công an chỉ đạo các cục nghiệp vụ tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, phối hợp với các bộ, ngành liên quan cập nhật, liên thông dữ liệu, nhất là trong lĩnh vực chứng thực điện tử, thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ… Mặt khác, Ban chỉ đạo tăng cường đôn đốc, nhắc nhở các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn TP Hải Phòng tăng tốc thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06 tại cơ quan, đơn vị gắn với việc khai thác các tiện ích của các mô hình điểm đã triển khai.
“Cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền trong cán bộ, công chức và nhân dân về tính cấp bách của Đề án 06 nói chung và thực hiện đăng ký, sử dụng tài khoản dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia nói riêng. Từ đó thúc đẩy chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức, góp phần phát triển KTXH, ổn định ANCT, TTXH”, Thiếu tướng Vũ Thanh Chương nói.
Còn theo Thượng tá Trần Viết Luận, Phó trưởng Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH (Công an tỉnh Quảng Ninh), để nhân rộng các mô hình điểm Đề án 06 trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, đơn vị phát huy vai trò cơ quan thường trực, tham mưu cho Tổ công tác Đề án 06 của tỉnh có các giải pháp để khắc phục những khó khăn về hạ tầng công nghệ, khó khăn về các điểm nghẽn trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ của Đề án.