Hoàn thiện pháp luật, đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế

15:45 21/05/2025

Theo dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, vào ngày 24/5 tới đây, Bộ trưởng Bộ Công an sẽ trình bày trước Quốc hội Tờ trình dự án dự án Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.

Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, việc xây dựng và ban hành Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù đáp ứng yêu cầu mới phát sinh của quá trình hội nhập quốc tế, hoàn thiện pháp luật, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và yêu cầu thực tiễn công tác chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.

Nhiều chủ trương, chính sách về tăng cường hội nhập quốc tế trong lĩnh vực tư pháp

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm đẩy mạnh chiến lược hoàn thiện pháp luật, cải cách tư pháp và tăng cường hội nhập quốc tế nói chung cũng như lĩnh vực chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù nói riêng. Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 (Kết luận số 83-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tổng kết Nghị quyết số 48-NQ/TW) xác định một trong các nhiệm vụ trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật về hội nhập quốc tế là “Chú trọng việc nội luật hóa những điều ước quốc tế mà Nhà nước ta là thành viên liên quan đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Sớm ban hành Luật dẫn độ tội phạm và chuyển giao người bị kết án phạt tù”.

Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (Kết luận số 84-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW) cũng xác định một trong những nhiệm vụ chiến lược cải cách tư pháp là “hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự, pháp luật dân sự và thủ tục tố tụng tư pháp” và “tăng cường hợp tác quốc tế về tư pháp”.                

Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế xác định một trong những định hướng chủ yếu của hội nhập quốc tế là “xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp quy, thiết lập bộ máy đủ thẩm quyền và năng lực để chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát và phối hợp các hoạt động hội nhập quốc tế”. Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới xác định một trong các mục tiêu trọng tâm là xây dựng “hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận”. Đây là những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo cho việc xây dựng Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.

Hoàn thiện pháp luật, đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế -0
Đại diện Bộ Công an Việt Nam tiến hành bàn giao phạm nhân Jong Jae Hong (người mặc áo đen, ngoài cùng bên phải) cho Bộ Tư pháp Hàn Quốc vào ngày 13/3/2025.

Hiến pháp năm 2013 đề cao việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; các luật mới ban hành có một số quy định mới liên quan đến hợp tác quốc tế trong chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù như Luật Thi hành án hình sự năm 2019, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021). Do đó, yêu cầu sửa đổi, bổ sung các quy định về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật là cần thiết.

Tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc

Luật Tương trợ tư pháp (Luật TTTP) được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 2, có hiệu lực kể từ 1/7/2008. Trong đó, hoạt động chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù được quy định tại Chương V và một số quy định tại Chương I, Chương VI.

Theo Bộ Công an, sau 15 năm triển khai thi hành, Luật TTTP đã bộc lộ những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Cụ thể, thực tiễn triển khai thi hành Luật TTTP cho thấy, Luật TTTP điều chỉnh chung cả 4 lĩnh vực dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù nhưng mỗi lĩnh vực lại có đối tượng, phạm vi điều chỉnh với tính chất đặc thù riêng, mục đích và nguyên tắc hợp tác khác nhau. Chủ thể yêu cầu, chủ thể thực hiện, trình tự, thủ tục, thời gian thực hiện các yêu cầu TTTP trong từng lĩnh vực hoàn toàn độc lập và khác nhau.

Từ phương diện quản lý nhà nước, Luật TTTP quy định giao Bộ Tư pháp làm đầu mối giúp Chính phủ quản lý nhà nước chung tuy nhiên mỗi lĩnh vực có đặc thù, nguyên tắc riêng, thẩm quyền, trình tự, thủ tục độc lập dẫn đến thực tiễn việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan gặp bất cập, vướng mắc.

Hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật TTTP được thực hiện chủ yếu thông qua các điều ước quốc tế. Theo quy định của Luật TTTP, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) và Luật Điều ước quốc tế năm 2016 thì từng bộ, ngành (Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao) chủ trì đề xuất ký kết và tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế thuộc lĩnh vực được giao phụ trách. Hiện nay việc ký kết các điều ước quốc tế về TTTP được tách riêng từng lĩnh vực độc lập, không điều chỉnh đa lĩnh vực như trước đây. Việc tách Luật TTTP, giao nhiệm vụ cơ quan đầu mối trong từng lĩnh vực cũng phù hợp với công tác ký kết và tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế mà các bộ, ngành đang chủ trì.

 Luật TTTP hiện hành chưa quy định cụ thể, toàn diện các vấn đề liên quan đến chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù. Do vậy, cần được quy định trong luật một cách cụ thể, chi tiết. Việc thiếu các quy định điều chỉnh các quan hệ xã hội trong chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù đã làm giảm hiệu quả hợp tác quốc tế trong chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù trong thời gian qua.

Luật TTTP quy định TTTP nói chung và chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù nói riêng được thực hiện trên cơ sở điều ước quốc tế. Trường hợp không có điều ước quốc tế thì áp dụng nguyên tắc có đi có lại và pháp luật trong nước. Chính vì vậy, sự phù hợp giữa quy định của pháp luật trong nước và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên là rất quan trọng. Điều này có ảnh hưởng đến việc ký kết và thực hiện điều ước quốc tế. Tuy nhiên, qua rà soát nhận thấy một số quy định của Luật TTTP không phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế, các hiệp định về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù mà Việt Nam đã ký kết.

Việt Nam là thành viên của 3 điều ước quốc tế đa phương có quy định về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù. Đồng thời, Việt Nam đã ký kết 22 hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù với các nước. Qua rà soát thấy một số điều khoản về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù trong Luật TTTP còn một số nội dung chưa thực sự phù hợp với quy định trong các hiệp định này (về điều kiện chuyển giao, kinh phí, quá cảnh người bị kết án, xem xét lại bản án...). Vì vậy, việc ban hành Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù sẽ góp phần tạo điều kiện thực hiện tốt các cam kết, nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam, tạo nền tảng ký kết các điều ước quốc tế về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; qua đó, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.

Như vậy, cùng với những yêu cầu mới phát sinh của quá trình hội nhập quốc tế, yêu cầu của hoàn thiện pháp luật, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng như thực tiễn công tác chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật TTTP và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra hiện nay, việc xây dựng dự án Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù là cần thiết.

Nguyễn Hương

Đợt mưa lũ lịch sử xảy ra ở miền tây Nghệ An trong những ngày qua gây ra thiệt hại vô cùng nặng nề. Công an tỉnh Nghệ An đã huy động hơn 3.000 cán bộ, chiến sĩ, tích cực hỗ trợ chính quyền địa phương và nhân dân các xã khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống. 

Tối ngày 26/7, Công an xã Thiện Tín (Quảng Ngãi) nhận được đơn trình báo của bà Đinh Thi Boi (SN 1979, ở thôn Trũng Kè 2, xã Thiện Tín), về việc con gái là Phạm T. K. T. (SN 2011) bỏ nhà lên xe ô tô màu đen, rời khỏi địa phương vào khoảng 15h chiều cùng ngày, gia đình không liên lạc được.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố đất nước sẽ giành chiến thắng trong các trận chiến “chống đế quốc”, nhân dịp kỷ niệm ngày ký kết hiệp định đình chiến Chiến tranh Triều Tiên, truyền thông nhà nước đưa tin ngày 27/7.

Đội tuyển quốc gia Việt Nam tham dự Olympic Sinh học Quốc tế (IBO) 2025 tại Philippines đã xuất sắc giành 1 huy chương Vàng, 2 huy chương Bạc và 1 huy chương Đồng. Thành tích ấn tượng này giúp Việt Nam xếp trong nhóm 10 quốc gia có tổng điểm cao nhất toàn đoàn.

Israel thông báo nối lại các hoạt động thả hàng viện trợ bằng đường không xuống Gaza trong ngày 26/7, nhằm giảm bớt cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra tại vùng lãnh thổ này, quyết định được đưa ra khi áp lực quốc tế đối với Israel ngày càng gia tăng, trong khi các cơ quan cứu trợ cảnh báo về tình trạng nạn đói đang lan rộng trong khu vực.

Từ một cơ sở massage nằm trong tầng hầm khách sạn sang trọng giữa trung tâm Hà Nội, một đường dây tổ chức mua bán dâm tinh vi đã được dựng lên, hoạt động có tổ chức và thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Với sự vào cuộc quyết liệt, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội đã bóc gỡ toàn bộ đường dây tội phạm này.

Có đến từng gia đình nằm trong diện được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát mới thấy hết ý nghĩa và giá trị nhân văn của phong trào này. Họ đều là những người yếu thế trong xã hội và chúng ta sẽ không để họ lại phía sau trên con đường tiến tới no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.

Để tăng cường công tác bảo đảm TTATGT, Cục CSGT thông báo số điện thoại tiếp nhận thông tin của các Trưởng phòng CSGT toàn quốc để tiếp nhận, xử lý các thông tin liên quan đến tình hình TTATGT, hoạt động của lực lượng CSGT. Các số điện thoại này đều được thiết lập Zalo, Viber…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.