Hội thảo giới thiệu sản phẩm công nghiệp an ninh trong kỷ nguyên số
Ngày 21/6, Cục Công nghiệp an ninh tổ chức Hội thảo “Giới thiệu các sản phẩm công nghiệp an ninh trong kỷ nguyên số”. Đây là các sản phẩm do Công ty TNHH MTV Thanh Bình (trực thuộc Cục Công nghiệp an ninh) hợp tác với Công ty Biển Bạc nghiên cứu, phát triển.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Trang, Cục trưởng Cục Công nghiệp an ninh chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo có các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài lực lượng CAND và đại diện các cục, đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an.
Hội thảo “Giới thiệu các sản phẩm công nghiệp an ninh trong kỷ nguyên số” nhằm giới thiệu các giải pháp phần mềm tích hợp với các thiết bị phần cứng mang hàm lượng công nghệ cao ứng dụng công nghệ AI, do Công ty TNHH MTV Thanh Bình hợp tác với Công ty cổ phần Biển Bạc nghiên cứu, phát triển. Đây là các sản phẩm công nghiệp an ninh lưỡng dụng, vừa đáp ứng yêu cầu công tác Công an và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội.
Đề dẫn hội thảo nêu rõ: Thực hiện chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước về xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh được ghi nhận trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XI, XII, XIII của Đảng, Hiến pháp năm 2013, trong những năm qua, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đã rất quan tâm, chỉ đạo, ban hành cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý để xây dựng, phát triển công nghiệp an ninh.
Từ đó nhằm nâng cao nhận thức, phát huy vai trò của các thành phần, lực lượng nòng cốt trong việc tham gia phát triển công nghiệp an ninh theo hướng hiện đại, chủ động, tạo ra những giá trị nền tảng cho tiến trình hiện đại hóa lực lượng CAND đến năm 2030 theo tinh thần Nghị quyết 12 của Bộ Chính trị; đáp ứng yêu cầu ngày càng cao công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng CAND.
Đặc biệt, ngày 25/4/2023 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định số 16 /2023/NĐ-CP về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh và doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh. Cục Công nghiệp an ninh đã chủ động tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an triển khai các chương trình, đề án, dự án và giao các đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp an ninh thuộc Cục Công nghiệp an ninh tập trung nguồn lực để nghiên cứu, hợp tác với các đơn vị trong và ngoài ngành trong việc nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm chuyên dụng.
Đồng thời tận dụng năng lực công nghệ, sản xuất các mặt hàng lưỡng dụng tham gia thị trường, phát triển các sản phẩm, giải pháp, phần mềm quản lý nghiệp vụ, xã hội, phục vụ yêu cầu cấp thiết trong công tác Công an và nhu cầu dân sinh, xã hội theo hướng tích hợp công nghệ cao.
Đơn cử như phần mềm giám sát, xử lý vi phạm TTATGT của Công ty Biển Bạc đã được Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt làm cơ sở đưa vào trang bị và sử dụng tại cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ. Qua đánh giá sơ bộ cho thấy phần mềm STM01 có tính năng tác dụng phù hợp yêu cầu của chủ đầu tư cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và Cục CSGT- cơ quan quản lý về TTATGT.
Phát biểu tổng kết hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Trang nhấn mạnh, thông qua hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, đơn vị chức năng đã đánh giá, làm rõ được tầm quan trọng của ứng dụng khoa học kỹ thuật, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ Blockchain vào việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm an ninh mới trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay và việc ứng dụng các sản phẩm này trong công tác Công an; đồng thời tham gia ý kiến, giúp Cục chỉ đạo 2 đơn vị tiếp tục hoàn thiện sản phẩm để sớm được Bộ phê duyệt, đưa vào triển khai trong công tác của các lực lượng.
Thay mặt Ban Tổ chức hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Trang tiếp thu các ý kiến thảo luận của các đơn vị, các nhà khoa học đã góp ý, trao đổi về các sản phẩm an ninh trong buổi hội thảo. “Những ý kiến này vô cùng quý báu và ý nghĩa đối với chúng tôi, để bổ sung và hoàn thiện các sản phẩm được tốt hơn - đáp ứng nhu cầu cấp bách của lực lượng Công an trong tình hình mới” . - Thiếu tướng Nguyễn Thanh Trang khẳng định.