Hội thảo khoa học quốc tế “Điều tra tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng”
Chiều 23/11, tại Học viện An ninh nhân dân (ANND), Bộ Công an đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Điều tra tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng”. Trung tướng, PGS.TS Lê Văn Thắng, Giám đốc Học viện ANND thừa uỷ quyền của lãnh đạo Bộ Công an chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo về phía khách mời có các đồng chí: Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; đại diện Ngân hàng thế giới; Cục Ma tuý và thực thi pháp luật quốc tế-Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ; Văn phòng Cảnh sát Liên bang Úc tại Việt Nam; Văn phòng Liên hợp quốc về chống Ma tuý và tội phạm tại Việt Nam; Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam; Bộ Công an Lào tại Việt Nam; Bộ Nội vụ vương quốc Campuchia; đại diện một số ngân hàng và các trường đại học tại Việt Nam.
Về phía Bộ Công an có lãnh đạo các Cục, đơn vị chức năng của Bộ Công an, Công an một số đơn vị địa phương.
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Thiếu tướng, PGS.TS Trần Anh Vũ, Phó Giám đốc Học viện ANND khẳng định: Trước những diễn biến phức tạp của tội phạm xuyên quốc gia trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, dưới sự lãnh đạo của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ban ngành đã triển khai đồng bộ các giải pháp, công tác nhằm chủ động phòng ngừa, phát hiện tội phạm. Đặc biệt, các đơn vị nghiệp vụ của lực lượng CAND đã tiếp nhận xử lý và trao đổi hàng chục nghìn lượt thông tin liên quan đến tội phạm xuyên quốc gia với các nước thành viên của Tổ chức hình sự quốc tế Interpol, trong đó có nhiều tin liên quan đến tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an đã phối hợp điều tra, xử lý nhiều vụ án, vụ việc về tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; xác minh truy bắt hàng trăm đối tượng truy nã của Việt Nam bỏ trốn ra nước ngoài; bắt giữ, phối hợp với lực lượng Cảnh sát các nước dẫn độ hàng chục đối tượng người nước ngoài lựa chọn Việt Nam là địa bàn thực hiện, lẫn trốn hoặc che dấu tội phạm.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đấu tranh với tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng vẫn còn một số hạn chế, bất cập như: Các đối tượng phạm tội thường triệt để lợi dụng ưu thế của công nghệ thông tin như sử dụng tính năng bảo mật, mã hoá, tính “ẩn danh” để tránh bị phát hiện khi thực hiện các hành vi phạm tội; hệ thống phương tiện kỹ thuật phục vụ phát hiện, thu thập, đánh giá tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra; một số quan quản lý, đơn vị chức năng trong và ngoài nước còn từ chối thông tin về khách hàng, lịch sử hoạt động của khách hàng; hệ thống pháp luật còn chưa đầy đủ… Thực tế trên đặt ra đòi hỏi khách quan phải nghiên cứu, tổng kết công tác điều tra tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả công tác điều tra tội phạm này trong tình hình mới.
Thảo luận tại hội thảo, các ý kiến đã làm rõ tình hình tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nguyên nhân, hậu quả, tác hại đối với an ninh tài chính của Việt Nam, khu vực và quốc tế. Trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, kết quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, quan hệ phối hợp giữa Cơ quan điều tra với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài lực lượng CAND, đồng thời chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình điều tra loại tội phạm này trên thực tiễn. Từ đó, đưa ra các dự báo tình hình liên quan và đề xuất các kiến nghị, giải pháp nâng cao hiệu quả điều tra tội phạm xuyên quốc gia trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Trong tham luận “Chính sách của Nhà nước cộng hoà xã hội Việt Nam đối với tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng”, Trung tướng GS.TS Nguyễn Ngọc Anh, thành viên Ban nghiên cứu chuyên đề giúp việc Bộ trưởng Bộ Công an đã khuyến nghị một số giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách hình sự của Đảng, Nhà nước đối với tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Trong đó, cần ưu tiên tổng kết chính sách hình sự, trên cơ sở đó tiếp tục hoàn thiện pháp luật về hình sự và tố tụng hình sự đối với lĩnh vực này; dự báo đúng tình hình, tăng cường quan hệ phối hợp giữa lực lượng CAND với các Bộ ngành liên quan như Bộ Quốc Phòng, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và lực lượng thực thi pháp luật quốc tế, lực lượng thực thi pháp luật của các quốc gia có chung đường biên giới với Việt Nam; quan tâm đào tạo đội ngũ chuyên gia phòng chống tội phạm xuyên quốc gia trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Với các tham luận “Vai trò của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tham gia phòng ngừa, phát hiện tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng”, “Tội phạm rửa tiền, khái niệm, mức độ nghiêm trọng và ảnh hưởng”; “Khuôn khổ và thực tiễn trong công tác phòng, chống tội phạm rửa tiền”; “Tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng ở khu vực Đông Nam Á và vai trò, trách nhiệm của Aseannapol”; “Hiệu quả các biện pháp phòng, chống rửa tiền, nghiên cứu điển hình từ các quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu”, “Nhận diện tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng ở Việt Nam và một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động điều tra tội phạm của lực lượng CAND”…, đại diện đến từ Ngân hàng Nhà nước, các Tổ chức quốc tế và một số đơn vị chức năng của Bộ Công an đã chỉ ra những kết quả đạt được trong công tác phối hợp, những khó khăn, vướng mắc, đồng thời đưa ra một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực này.
Các ý kiến đề xuất tiếp tục rà soát các văn bản pháp lý liên quan đến tội phạm xuyên quốc gia trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; nâng cao hiệu quả hợp tác với Interpol nhằm xử lý kịp thời các vụ việc phức tạp; chia sẻ kết nối và chia sẻ dữ liệu về tội phạm xuyên quốc gia trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nhất là tội phạm sử dụng công nghệ cao; nâng cao năng lực hợp tác quốc tế cho cán bộ thực thi pháp luật trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, góp phần củng cố, đào tạo đội ngũ cán bộ ngày càng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Phát biểu tổng kết hội thảo, Trung tướng Lê Văn Thắng, Giám đốc Học viện ANND đề nghị các cơ quan, đơn vị, các nhà khoa học, chuyên gia thực tiễn tiếp tục góp thêm ý kiến cho chủ đề Hội thảo trên cả phương diện lý luận và thực tiễn, vì một nền hoà bình, an ninh, an toàn, ổn định và phát triển của mỗi quốc gia, khu vực và thế giới. Đồng thời cho biết, Học viện ANND sẽ tổng hợp các ý kiến tham luận tại hội thảo, xây dựng báo cáo lãnh đạo Bộ Công an để có căn cứ, cơ sở khoa học tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện lý luận, tham mưu với Đảng, Nhà nước xây dựng chính sách pháp luật làm cơ sở chính trị, pháp lý để tổ chức chỉ đạo, triển khai các hoạt động điều tra tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng trong thời gian tới.