Hội thảo "Tư tưởng Hồ Chí Minh - Nền tảng định hướng xây dựng lực lượng Cảnh sát nhân dân trong sạch, vững mạnh"

16:38 31/03/2022

Ngày 31/3, tại Học viện CSND, Bộ Công an đã tổ chức Hội thảo khoa học “Tư tưởng Hồ Chí Minh – Nền tảng định hướng xây dựng lực lượng Cảnh sát nhân dân (CSND) trong sạch, vững mạnh”. 

Dự hội thảo có PGS.TS Vũ Trọng Lâm, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản; Trung tướng Nguyễn Ngọc Toàn, Cục trưởng Cục Công tác Đảng và Công tác Chính trị, Bộ Công an; Thiếu tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện CSND; GS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương… Cùng dự hội thảo còn có lãnh lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, lãnh đạo các học viện, trường CAND và lãnh đạo Công an một số địa phương…

Khai mạc hội thảo, Trung tướng Nguyễn Ngọc Toàn, Cục trưởng Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị đã khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chăm lo, giáo dục, rèn luyện tư cách người Công an cách mạng. Mặc dù bận trăm công ngàn việc, song Người luôn dành nhiều thời gian đến tham dự, nói chuyện tại các hội nghị; viết thư thăm hỏi, động viên, dặn dò, biểu dương những tấm gương tiêu biểu trong lực lượng CAND, qua đó hợp thành tư tưởng Hồ Chí Minh về CAND Việt Nam, trong đó, Sáu Điều dạy CAND của Người có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, là kim chỉ nam cho sự rèn luyện, phấn đấu của mỗi cán bộ chiến sĩ (CBCS) và hoạt động của lực lượng CAND, trong đó có lực lượng CSND. Mỗi CBCS luôn không ngừng “tự học, tự rèn”, nêu cao phẩm chất đạo đức trong sạch, chủ động cảnh giác cách mạng, kiên quyết, mưu trí, dũng cảm trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; tận tâm, tận tụy với công việc, nêu cao tinh thần “Vì nhân dân phục vụ”.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

“Hội thảo cấp Bộ này có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần luận giải, làm rõ cơ sở về lý luận và thực tiễn của tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng lực lượng CSND trong sạch, vững mạnh. Kết quả hội thảo là cơ sở để Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an hoạch địch, hoàn thiện chủ trương, chính sách và giải pháp để xây dựng lực lượng CAND nói chung, lực lượng CSND nói riêng thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”, Trung tướng Nguyễn Ngọc Toàn nhấn mạnh.

Trung tướng Nguyễn Ngọc Toàn, Cục trưởng Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị khai mạc hội thảo.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Thiếu tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện CSND cho biết, ngày 20/7/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 34 công bố Pháp lệnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng CSND và Pháp lệnh quy định cấp bậc sĩ quan, hạ sĩ qua CSND. Đây được coi là sự kiện đặc biệt quan trọng, là mốc son đánh dấu sự trưởng thành, lớn mạnh của lực lượng CSND. Trong suốt chặng đường phát triển, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, của Bác Hồ, sự giúp đỡ của nhân dân, lực lượng CSND luôn nêu cao tinh thần “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, sẵn sàng hy sinh xương máu trong cuộc đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, bảo vệ trật tự an toàn xã hội của đất nước, cuộc sống bình yên của nhân dân, lập nên những chiến công hiển hách; từ đó, đã góp phần tô thắm bảng vàng thành tích và những trang sử hào hùng của lực lượng CSND, xứng đáng với danh hiệu: “Cảnh sát Việt Nam mưu trí, dũng cảm, vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.

Thiếu tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện CSND phát biểu đề dẫn hội thảo.

 Tại hội thảo, GS Hoàng Chí Bảo bày tỏ, nói về xây dựng lực lượng CAND cách mạng thì không có gì tốt hơn, quý hơn là chúng ta tận dụng toàn bộ những chỉ dẫn quan trọng của Bác Hồ, rộng hơn là cả di sản tư tưởng Hồ Chí Minh và hoạt động thực tiễn của Người. Năm 1948, Bác có Sáu Điều dạy tư cách người Công an cách mệnh, cũng là năm Bác khởi thảo văn kiện quan trọng thi đua ái quốc, cũng là năm Bác đề ra những chỉ dẫn quan trọng thực hiện dân chủ. Người chỉ ra rằng, Công an là bạn của dân, nếu tập hợp được dân, có lực lượng của dân, cùng với dân làm việc thì mọi khó khăn đều có thể vượt qua được. “Đối với nhân dân phải kính trọng lễ phép. Đối với địch phải cương quyết khôn khéo”. Địch ở đây bao hàm cả 2 nghĩa, địch ngoại xâm và địch nội xâm (địch nội xâm đang ẩn nấp trong lòng người), do đó, chống địch thì Công an phải “cương quyết khôn khéo”. Điều  này rất thiết thực trong ngành Công an, nhất là với lực lượng CSND.

GS Hoàng Chí Bảo cho rằng, để xây dựng được lực lượng CSND trong sạch, vững mạnh, phải rèn luyện phẩm chất tư cách đạo đức của từng cán bộ chiến sĩ.

Cũng theo GS Hoàng Chí Bảo, tư tưởng Hồ Chí Minh là cơ sở nền tảng để xây dựng lực lượng CAND, trong đó có lực lượng CSND. Để xây dựng được lực lượng này, phải rèn luyện phẩm chất tư cách đạo đức của CBCS; xây dựng tổ chức Đảng trong ngành thực sự trong sạch vững mạnh, gắn liền với trách nhiệm nêu gương của cấp ủy, người đứng đầu; cần sự thống nhất đồng thuận bằng mục tiêu dân chủ để đoàn kết lực lượng. Theo Bác, để xây dựng lực lượng, phải đặc biệt chú trọng thực hành dân chủ, và công tác dân vận.

Bác nói: “Khi nhân dân giúp đỡ nhiều thì thành công nhiều, khi nhân dân giúp đỡ ít thì thành công ít, khi nhân dân giúp đỡ hoàn toàn thì thành công và thắng lợi hoàn toàn”. Từ tư tưởng chỉ dẫn có tầm quan trọng chiến lược như thế, chúng ta sẽ xây dựng lực lượng Công an toàn diện trên mọi lĩnh vực, từ trí tuệ đến đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị.  Bác nói: “Khi có địch cũng phải coi như không có địch, khi không có địch cũng phải coi như có địch”, chính là bản lĩnh chính trị.

“Chúng ta thực hành tư tưởng lớn của Bác là thực hành trong thực tiễn, chứ không chỉ nâng cao nhận thức lý luận mà trải nghiệm cuộc sống để tích lũy kinh nghiệm, xây dựng lực lượng vững mạnh, có uy tín trong nhân dân”, GS Hoàng Chí Bảo cho biết.

PGS.TS Vũ Trọng Lâm, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản đề nghị, mỗi cán bộ chiến sĩ phải lấy tư tưởng, đạo đức của Người để “tự soi”, “tự sửa”, rèn luyện để hoàn thiện bản thân.

Tại hội thảo, PGS.TS Vũ Trọng Lâm, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, CAND là “thanh bảo kiếm” bảo vệ nhân dân, bảo vệ Đảng, vì vậy yêu cầu xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại được đặt ra ngày càng cấp thiết. Để học tập, làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đòi hỏi công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng CAND thời gian tới cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Đổi mới, nâng cao chất lượng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Sáu điều Bác Hồ dạy CAND, bảo đảm hiệu quả, thực chất trong giáo dục đạo đức, lối sống, đi đôi với giáo dục phong cách làm việc khoa học, cụ thể, sâu sát cơ sở. Mỗi CBCS phải lấy tư tưởng, đạo đức của Người để “tự soi”, “tự sửa”, không ngừng nỗ lực, tu dưỡng, rèn luyện để hoàn thiện bản thân. Phải luôn kiên định, vững vàng trước sự tấn công của các thế lực thù địch. Cũng theo PGS.TS Vũ Trọng Lâm, thời gian tới, cần tiếp tục nâng cao nhận thức cho cấp ủy, lãnh đạo và CBCS về mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, biểu dương, thi đua, khen thưởng, tạo sự lan tỏa những hình ảnh người chiến sĩ CAND đẹp trong lòng nhân dân.

Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thế, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng tham luận tại hội thảo.

Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thế, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng với bài tham luận “Vận dụng quan điểm của Hồ Chí Minh về phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân, tận trung với nước, tận hiếu với dân trong lực lượng vũ trang nhân dân hiện nay” đã cho rằng, mỗi CBCS cần nghiêm túc “tự soi, tự sửa”, nghiêm túc tự phê bình và phê bình, tự mình nêu gương trước quần chúng, học tập gương người tốt, việc tốt trong Đảng, trong ngành và trong xã hội. Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Thế, trong bất cứ hoàn cảnh nào, để CBCS hết lòng phung sự Tổ quốc, nhân dân, tận trung với Đảng thì bên cạnh sự lãnh đạo, giáo dục, sự tự giác làm tròn bổn phận của mình với Đảng, với Tổ quốc, nhân dân, thì việc quan tâm chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần cho CBCS và hậu phương gia đình họ để họ yên tâm cống hiến là điều rất có ý nghĩa, nhất là trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế hiện nay.

Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe tham luận của TS. Đoàn Văn Báu, Vụ trưởng Vụ Lý luân chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương, trong đó TS. Đoàn Văn Báu nhấn mạnh rằng, chiến sĩ Công an cần có phẩm chất tối quan trọng là tuyệt đối trung thành với Đảng, hết lòng phụng sự Tổ quốc, nhân dân. Phải phát huy vai trò nêu gương của người CBCS CAND, nhất là người đứng đầu, lôi cuốn sự tham gia của toàn lực lượng, toàn xã hội. Mỗi CBCS tự giác nêu gương đạo đức cách mạng, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh…

Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái, nguyên Phó Cục trưởng Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an phát biểu tại hội thảo.

Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái, nguyên Phó Cục trưởng Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an chia sẻ, trong những năm tới, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ, thế giới đang trải quan những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. Hơn lúc nào hết, lực lượng CAND nói chung, lực lượng CSND nói riêng đã tỏ rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, vượt qua mọi khó khăn thử thách, kiên trì phục vụ sự nghiệp đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển. Lực lượng CSND tập trung đổi mới, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về trật tự xã hội một cách toàn diện; xây dựng trình Chính phủ ban hành nhiều nghị định, chỉ thị về trật tự, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng, phục vụ tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm…

Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) đã có những chia sẻ về ứng dụng khoa học kỹ thuật vào công việc của cán bộ CSGT, để công việc hiệu quả, tạo được sự đồng thuận của người dân.

Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông cho biết, Cục CSGT sẽ ứng dụng mạnh khoa học kỹ thuật để cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân.

“Chúng tôi nhận thức rằng, muốn làm thay đổi phương thức tuần tra kiểm soát thủ công, đòi hỏi CSGT phải ứng dụng khoa học công nghệ. Hiện chúng tôi đang trang bị camera giám sát trên các tuyến quốc lộ, cao tốc để tự động phát hiện hình ảnh vi phạm, cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, để xác định chính xác chủ phương tiện, gửi thông báo đó tới chủ phương tiện vi phạm, việc này sẽ giúp giảm sự tiếp xúc giữa CSGT với người dân, tạo hiệu quả công việc”. Hiện nay, Cục CSGT còn ứng dụng mạnh khoa học kỹ thuật vào công tác đăng ký quản lý xe, trong công tác điều tra giải quyết tai nạn giao thông (TNGT). Đồng thời, lực lượng CSGT còn đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong tuần tra kiểm soát.

“Làm thế nào để hình ảnh của lực lượng CSGT đẹp hơn trong con mắt người dân, đó là điều chúng tôi luôn trăn trở. Nghị quyết của Đảng ủy Cục CSGT yêu cầu, lực lượng CSGT mỗi ngày mỗi người có một việc tốt vì nhân dân phục vụ. Khi CSGT ra đường chúng tôi yêu cầu phải cải tiến được 3 điều bình thường nhất: Người dân cần một nụ cười từ CSGT, trong thời tiết nóng nực, CSGT có nụ cười tươi thì người dân sẽ hiểu CSGT hơn. CSGT thường xuyên cảm ơn người dân (ví như khi người dân ký vào biên bản, hãy nói lời cảm ơn họ) và CSGT thân thiện đối với người dân.

Chúng ta thấy một hình ảnh trên mạng xã hội được hàng vạn like, là hình ảnh 1 đồng chí Đại úy CSGT CA tỉnh Thanh Hóa khi đi làm nhiệm vụ gặp 1 vụ TNGT, đồng chí đã cởi áo của mình ra để băng bó vết thương cho người bị nạn, hình ảnh đó khiến người dân rất xúc động. Những điều rất đơn giản đó sẽ tạo sự chuyển biến về ý thức của người thi hành công vụ, tạo hình ảnh đẹp trung thực của lực lượng CSGT trong nhân dân, đó là thước đo “đo lường sự hài lòng của người dân”, Thiếu tướng Lê Xuân Đức Bày tỏ.

Thiếu tướng Nhữ Thị Minh Nguyệt, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường phát biểu tại hội thảo.

Thiếu tướng Nhữ Thị Minh Nguyệt, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường với chủ đề: “Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường thực hiện lời dạy “Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo” của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, trong đó, Thiếu tướng Nhữ Thị Minh Nguyệt nhấn mạnh tinh thần “cương quyết” trong công tác phòng ngừa tội phạm được thể hiện qua công tác tham mưu giải quyết các vấn đề mới, nổi cộm về môi trường mang tính toàn cầu, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường xuyên quốc gia, vấn đề chuyển giao công nghệ máy móc lạc hậu. Tinh thần “cương quyết, khôn khéo” chính là tăng cườn các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức bảo vệ môi trường của người dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Cũng tại hội thảo, các đại biểu còn được lắng nghe ý kiến tham luận từ một số đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và Công an một số địa phương...

Thu Phương

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文