Hội thảo về đảm bảo an ninh kinh tế trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Sáng 16/5, Công an tỉnh Bình Dương phối hợp cùng Viện an ninh phi truyền thống (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Sở khoa học & công nghệ tỉnh Bình Dương tổ chức hội thảo khoa học “Các giải pháp, phương án phòng ngừa, ứng phó các nguy cơ đe dọa an ninh kinh tế (ANKT) trên địa bàn tỉnh Bình Dương”.
Đại tá Phạm Quốc Dũng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết, Bình Dương hiện có 29 khu, 12 Cụm công nghiệp đi vào hoạt động, với khoảng 56.489 dự án đầu tư trong nước và 4.047 dự án đầu tư ngoài nước; thu hút hơn 1,6 triệu lao động, trong đó có 53% lao động nhập cư và hơn 23.000 người nước ngoài đến làm việc, cư trú.
Cùng với sự phát triển kinh tế, Bình Dương phải chịu áp lực rất lớn từ gia tăng dân số cơ học, dân nhập cư, tạm trú chiếm 55% dân số của tỉnh; vấn đề an sinh xã hội chưa được đảm bảo, từ đó tình hình ANTT, an ninh công nhân và tội phạm diễn biến khá phức tạp.
Các hoạt động vi phạm pháp luật và tội phạm trên lĩnh vực kinh tế, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật lạc hậu, trốn thuế, chuyển giá, gian lận thương mại, tội phạm về kinh tế… còn xảy ra ở một số địa bàn, lĩnh vực.
Hội thảo khoa học lần này có 30 bài tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý…gửi về ban tổ chức. Các nội dung chủ yếu là nhằm trao đổi làm rõ để thống nhất về nhận thức những vấn đề chung về ANKT trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường theo định hướng XHCN và hội nhập kinh tế quốc tế; phân tích, đánh giá, nhận diện đúng thực trạng công tác phòng ngừa các nguy cơ đe dọa ANKT trên địa bàn tỉnh Bình Dương; hiến kế các giải pháp, phương án khung về phòng ngừa, ứng phó với nguy cơ đe đọa kinh tế…
Trung tướng GS.TS Nguyễn Xuân Yêm, Viện trưởng Viện an ninh phi truyền thống (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, tiếp cận từ góc độ khoa học an ninh phi truyền thống, các nguy cơ đe dọa ANKT trên địa bàn tỉnh Bình Dương bao gồm: Các nguy cơ đe dọa làm mất ổn định kinh tế; các điều kiện về chính sách, hạ tầng phát triển kinh tế; các xung đột xã hội làm mất ổn định và phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh; nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, lưu thông và xuất khẩu hàng hóa; tình hình thiếu hụt nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp, tình hình "chảy máu" chất xám…
Để đối phó với các nguy cơ trên, Bình Dương cần xây dựng các kịch bản về công tác chỉ đạo, chỉ huy cấp tỉnh và huyện (cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, địa phương) trong phòng ngừa, ứng phó các nguy cơ đe dọa ANKT; kịch bản khung phòng ngừa, ứng phó, giải quyết các xung đột trong các doanh nghiệp nói riêng và địa bàn toàn tỉnh nói chung.