Hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật về hiện đại hoá hành chính gắn kết với chuyển đối số
Chiều 3/6, tại trụ sở Văn phòng Chính phủ đã diễn ra lễ công bố Chương trình hợp tác hỗ trợ kỹ thuật “Hiện đại hóa hành chính gắn kết với chuyển đổi số giai đoạn 2022 - 2023” giữa Văn phòng Chính phủ và Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn và Ngài Nicolas Warnery, Đại sứ Pháp tại Việt Nam chủ trì lễ công bố.
Chương trình nằm trong khuôn khổ Bản ghi nhớ hợp tác giữa Văn phòng Chính phủ và Bộ Kinh tế - Tài chính Pháp về phát triển Chính phủ điện tử và hiện đại hóa quản trị hành chính nhà nước.
Phát biểu tại Lễ công bố, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn khẳng định, Việt Nam và Pháp có mối quan hệ đặc biệt, có sự gắn kết về mọi mặt. Qua nhiều thập kỷ, hai nước đã tạo dựng, đưa quan hệ vào chiều sâu, toàn diện và năm 2013 đã nâng lên thành đối tác chiến lược. Mối quan hệ này không ngừng được củng cố và phát triển, được thể hiện qua các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước.
Phát huy những kết quả hợp tác đã đạt được thời gian qua, Văn phòng Chính phủ và Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tiếp tục triển khai Chương trình hợp tác hỗ trợ kỹ thuật “Hiện đại hóa hành chính gắn kết với chuyển đổi số giai đoạn 2022 - 2023”. Chương trình hợp tác tập trung vào các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật thúc đẩy cải cách quy định, cắt giảm gánh nặng hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam.
Tại lễ công bố, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Văn phòng Chính phủ trình bày tóm tắt về nội dung Chương trình hợp tác hỗ trợ kỹ thuật giữa Văn phòng Chính phủ và Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam. Theo đó, trong giai đoạn 2018-2021, hợp tác giữa hai bên đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp trong việc hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện thể chế chính phủ điện tử và triển khai chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính như: Trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, bảo vệ dữ liệu cá nhân, định danh xác thực điện tử; khung kiến trúc Chính phủ điện tử; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về ứng dụng và chuyển đổi công nghệ số trong quản lý nhà nước; sổ tay hướng dẫn quản lý chất lượng triển khai dịch vụ công trực tuyến; số hóa hồ sơ lưu trữ điện tử kết quả giải quyết dịch vụ công và hỗ trợ xây dựng vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Từ khi Cổng dịch vụ công quốc gia được vận hành, đã hỗ trợ hơn 162 ngàn cuộc gọi; xử lý hơn 116,9 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, trên 3,8 triệu hồ sơ và 916 ngàn giao dịch thanh toán qua Cổng Dịch vụ công quốc gia; hơn 1,85 triệu tài khoản đăng ký với 184,1 triệu lượt truy cập... Đây là cơ sở để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp. Cũng trong giai đoạn này, phía Pháp đã hỗ trợ Văn phòng Chính phủ tổ chức 2 khoá đào tạo chuyển đổi số trong cơ quan quản lý Nhà nước với 7 lớp, 373 học viên thuộc các Bộ, cơ quan ngang bộ và 63 địa phương; cấp chứng chỉ cho 190 học viên đủ điều kiện.
Về mục tiêu, nội dung chương trình hợp tác giai đoạn 2022-2023, Pháp sẽ tập trung hỗ trợ Văn phòng Chính phủ thúc đẩy cải cách quy định, cắt giảm gánh nặng hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số vụ chỉ đạo điều hành...
Phát biểu tại lễ công bố, Đại sứ Pháp tại Việt Nam, Ngài Nicolas Warnery cho rằng, hiện Chính phủ Việt Nam đã đẩy nhanh chương trình và đề án chuyển đổi số với những mục tiêu rất lớn trong lĩnh vực xây dựng Chính phủ số, đó là hoàn thiện Chính phủ số vào năm 2025, tạo thuận lợi cho việc phát triển một hệ sinh thái doanh nghiệp số ở Việt Nam và phấn đấu trong top 30 nước nằm trong bảng xếp hạng của Liên hợp quốc về phát triển Chính phủ số. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam đã phối hợp với nhiều đối tác quốc tế, trong đó có Pháp. Thời gian qua, các chuyên gia của Pháp đã làm việc rất chặt chẽ với các chuyên gia của Việt Nam để xây dựng chương trình hợp tác và đạt được nhiều tiến bộ trong lĩnh vực này.
Đại sứ Nicolas Warnery khẳng định, sẽ tiếp tục phối hợp với các bên có liên quan để kết nối Chính phủ số, Chính phủ điện tử với việc phục vụ cho người dân, doanh nghiệp. Giai đoạn 2, hai bên hợp tác trong 3 hợp phần, gồm: chỉ đạo điều hành các chính sách công dựa trên ứng dụng công nghệ số; tối ưu hóa quy trình phối hợp giữa các cơ quan hành chính từ Trung ương đến địa phương nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp của các cơ quan liên bộ; đơn giản hóa thủ tục hành chính phục vụ cho người dân, doanh nghiệp.