Kiểm soát “di chuyển nội địa” bằng mã QR đạt nhiều hiệu quả
Công an TP Hồ Chí Minh đưa vào thử nghiệm camera quét mã QR khai báo “di chuyển nội địa” tại hai chốt kiểm soát, vừa nhanh chóng, vừa giúp hạn chế tiếp xúc giữa cán bộ và người dân, tránh nguy cơ lây lan dịch, đồng thời còn giúp phát hiện các trường hợp F0, F1...
Ngày 4/9, Đại tá Lê Công Vân, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an, Công an TP Hồ Chí Minh triển khai cho người dân khai báo “di chuyển nội địa” bằng mã QR thay giấy đi đường khi ra vào tất cả các chốt trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Trước tiên, Công an TP Hồ Chí Minh đưa vào thử nghiệm camera quét mã QR khai báo “di chuyển nội địa” tại hai chốt kiểm soát, vừa nhanh chóng, vừa giúp hạn chế tiếp xúc giữa cán bộ và người dân, tránh nguy cơ lây dịch, đồng thời còn giúp phát hiện các trường hợp F0, F1...
Theo ghi nhận vào sáng 4/9, tại hai chốt thí điểm kiểm soát người đi đường bằng mã QR ở ngã sáu Phù Đổng, đoạn giao lộ Nguyễn Trãi - Cách Mạng Tháng 8 và điểm trên đường Cách Mạng Tháng 8 (trước trụ sở Công an quận 3), lượng xe lưu thông khá thưa thớt. Khi qua các chốt, người dân được yêu cầu đưa mã QR (trước đó đã khai báo y tế) về phía camera cho cán bộ Công an kiểm tra.
Qua các thao tác mới, hành động kể trên có thể thấy, thay vì lực lượng trực chốt phải dùng điện thoại cá nhân của mình để quét và kiểm tra thông tin thì camera sẽ quét mã QR mà người dân đã khai báo.
Theo quan sát, tại chốt kiểm soát trên đường Cách Mạng Tháng 8 (đoạn trước trụ sở Công an quận 3), một cán bộ Công an ngồi trực cùng với máy tính để kiểm tra các thông tin cá nhân của người quét mã như họ tên, giới tính, ngày tháng năm sinh, CMND/CCCD, số điện thoại, địa chỉ làm việc, vị trí công tác, mục đích ra đường… xem có trùng khớp với giấy đi đường, giấy tờ tùy thân hay không. Cũng theo quan sát, camera quét mã QR người dân đưa vào nhanh hơn nhiều so với quét mã bằng điện thoại cá nhân của cán bộ.
Như vậy, thay vì cán bộ tại chốt phải dùng điện thoại cá nhân của mình để quét mã và kiểm tra như trước đây, thì với camera này, cán bộ Công an chỉ việc ngồi kiểm tra trên máy tính được truyền dữ liệu từ hình ảnh mà camera ghi lại.
Ông D.H (SN 1972, ngụ quận 1), sau khi thực hiện các thao tác theo yêu cầu được cán bộ Công an trực chốt mời tiếp tục lưu thông qua chốt. “Nếu với người quen dùng điện thoại và đã từng làm các động tác quét mã QR thì việc đưa mã ra trước camera sẽ quét được. Việc quét mã này cũng không tốn quá nhiều thời gian…”, ông D.H cho biết.
Còn tại chốt kiểm soát ở giao lộ Nguyễn Trãi - Cách Mạng Tháng 8, anh Thanh Tùng (SN 1993, nhân viên giao hàng) cho biết: "Việc khai báo này tôi thấy dễ dàng hơn và đỡ phải tiếp xúc nhiều giữa đôi bên. Tuy nhiên, việc cán bộ Công an vẫn phải kiểm tra giấy đi đường sẽ mất thời gian hơn…".
Đúng như ý kiến của anh Tùng, theo một cán bộ Công an trực chốt ở quận 3, hiện nay cán bộ trực chốt sau khi hướng dẫn người dân quét mã QR qua camera vẫn khải kiểm tra giấy đi đường.
Lý giải việc này, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện Công an Thành phố đang tiếp tục nhập dữ liệu những người được phép ra đường lên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Và khi Công an TP Hồ Chí Minh cập nhật xong dữ liệu người được phép ra đường kết nối vào cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia hay Thành phố mở rộng các nhóm đối tượng được phép ra đường thì việc kiểm tra sẽ nhanh chóng hơn nữa, đảm bảo hạn chế tiếp xúc giữa cán bộ trực và người đi đường, hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Ngoài ra, người dân chỉ cần khai báo một lần (để lấy mã QR và lưu lại) nhưng dùng được 3 ngày để di chuyển. Không phải ngày nào người dân ra đường cũng phải khai báo. Chỉ khi hết 3 ngày người dân mới khai lại.
Theo Đại tá Lê Công Vân, mục đích của việc cho người dân khai báo bằng mã QR thay giấy đi đường khi ra vào các chốt trên địa bàn nhằm thống kê số lượng người dân đi qua các chốt, có thông tin để có thể truy vết F0, F1 khi họ ra đường và thực tế thời gian gần đây, Công an TP Hồ Chí Minh đã phát hiện hàng chục F0 qua việc này.
Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, người không thuộc diện có giấy đi đường thì bị yêu cầu quay đầu về hoặc xử phạt, người dùng giấy giả cũng bị phát hiện ngay, tốc độ xử lý nhanh hơn, hạn chế tiếp xúc. Tuy nhiên, khó khăn đối với giải pháp này là mua sắm trang thiết bị, do mỗi trạm đều cần phải có laptop, camera...
“Dự báo khi TP Hồ Chí Minh mở giãn cách cho nhiều người lưu thông thì kiểm soát người đi đường bằng mã QR sẽ xử lý nhanh, hạn chế ách tắc, tiếp xúc nguy hiểm. Công an TP Hồ Chí Minh đang cho thí điểm đánh giá, tìm phương án cung cấp các trang thiết bị, đồng thời bám sát các phương án của TP Hồ Chí Minh sau ngày 6/9 để có hướng đầu tư cho phù hợp, tránh lãng phí”, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết thêm.