Chung tay giúp người từng lầm lỗi tìm đường hoàn lương

Kỳ cuối: Huy động nguồn lực để hỗ trợ người lầm lỗi

10:40 16/11/2024

Thời gian qua, chính quyền địa phương, các ban ngành, nhất là Công an TP Hồ Chí Minh và các quận, huyện đã vận dụng tối đa nguồn lực, trở thành điểm tựa, hỗ trợ cho những người từng lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng, lao động vươn lên trong cuộc sống…

Những phương tiện sinh kế đầy ý nghĩa

Ông Lê Văn Hải (SN 1962; ngụ tại nhà không số (sau nhà 113/2) tổ 8, ấp Tân Thới 2, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) là trường hợp nhân khẩu đặc biệt, không biết chữ và có hoàn cảnh rất khó khăn.

Sau khi hoàn tất thời gian chấp hành án vào năm 1986, ông Hải trở về địa phương sinh sống. Thời điểm đó, ông Hải đã bị xóa đăng ký thường trú do đi cải tạo. Từ đó đến nay (tháng 2/2024), do hoàn cảnh khó khăn, ông Hải thường xuyên rời khỏi địa phương đi bán vé số kiếm sống, ông cũng không có đất đai, nhà cửa nên phải ở tạm căn chòi do người anh họ dựng. 

Công an xã nhiều lần tìm cách hỗ trợ nhưng do không có giấy tờ nhà, không còn giấy tờ gốc nên ông Hải gặp nhiều khó khăn trong làm các thủ tục hành chính. Thượng úy Nguyễn Đình Văn, Bí thư Chi đoàn Công an xã Tân Hiệp (huyện Hóc Môn) đã liên hệ tra cứu, tìm kiếm nguồn gốc, đăng ký khai sinh cho người đàn ông này.

Công an TP Hồ Chí Minh trao sinh kế cho những người tái hòa nhập cộng đồng tại địa bàn quận 8.

Sau khi đăng ký khai sinh, Thượng úy Nguyễn Đình Văn hướng dẫn cho ông Hải làm thủ tục để xin sửa chữa căn nhà và sau đó phối hợp cùng các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí xây dựng cho ông Hải căn nhà tình nghĩa. Đồng thời, Thượng úy Nguyễn Đình Văn đã vận động gia đình người anh họ bảo lãnh cho ông Hải được đăng ký thường trú và giúp đỡ làm thủ tục xác nhận tình trạng nhà ở và đăng ký hộ khẩu thường trú cho ông Hải thành công…

Chị Đ.T.N.D (SN 1971, ngụ quận 8, TP Hồ Chí Minh) từng chịu án phạt 9 năm tù giam vì tội “Buôn bán trái phép chất ma túy”. Năm 2021, chị quay về địa phương để làm lại cuộc đời. Gia đình khó khăn, chị phải bán xe máy để có tiền lo chữa trị bệnh cho cha. Thế nhưng cha cũng không qua khỏi. Giờ đây, chị đang nuôi mẹ già và đi làm thuê bằng chiếc xe đạp. 

Cuối tháng 4/2024, chị D. nhận được phương tiện sinh kế là một chiếc xe máy tại chương trình khám bệnh, phát thuốc miễn phí và tặng quà, phương tiện sinh kế cho người hoàn lương, phụ nữ tái hòa nhập cộng đồng do Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 8, Công an quận 8 tổ chức. 

Chị D. vui mừng chia sẻ: “Hồi đó giờ, tôi đi làm bằng xe đạp nên đâu dám xin việc ở xa. Giờ  có chiếc xe, tôi sẽ chuyển sang đi buôn bán nước dừa... Tôi rất mừng vì mình chủ động được công việc, có thêm thu nhập để lo cho cuộc sống…”. 

Chị N.T.K.P, một người mẹ đơn thân ở quận 8, sau khi trải qua 7 năm tù vì một sai lầm trong quá khứ, chị P. đã quyết tâm làm lại cuộc đời. 

Mong ước lớn nhất của chị lúc này là có đủ tiền để mua một chiếc xe đẩy bán chuối chiên, mở rộng việc kinh doanh và cải thiện cuộc sống gia đình. Chị P. chia sẻ: “Mọi khi tôi thường bưng thúng đi bán chuối chiên nhưng bánh không được ngon và giòn. Giờ đây, khi được tặng chiếc xe đẩy, tôi rất mừng. Tôi sẽ đẩy đi và bán bánh nóng cho mọi người. Mong rằng, công việc sẽ thuận lợi hơn”…

Theo Công an quận 8, từ năm 2019 đến nay, quận có 752 nam, 145 nữ đã CHXAPT hồi gia tái hòa nhập cộng đồng tại địa phương. Sau khi trở về, các trường hợp trên được chính quyền địa phương quan tâm tạo điều kiện để vươn lên trong cuộc sống. Qua đó, gần 700 trường hợp có việc làm, 20 trường hợp tham gia phong trào phòng chống tội phạm, bảo vệ ANTT ở địa phương…
Thượng tá Nguyễn Thị Hạnh, Trưởng ban Phụ nữ Công an TP Hồ Chí Minh, cho biết, từ đầu năm đến thời điểm tháng 4/2024, Công an thành phố đã trao tặng 7 phương tiện sinh kế (như xe nước mía, xe đẩy bán chuối chiên, xe máy… cho phụ nữ tái hòa nhập cộng đồng) và hỗ trợ vốn cho 1 trường hợp với số tiền 72 triệu đồng; Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 8 trao 228 túi quà trị giá 114 triệu đồng; Công an quận 8 trao 24 suất quà trị giá 24 triệu đồng. Các phần quà nhằm giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để các trường hợp tái hòa nhập cộng đồng, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.

Quyết định số 22 đáp ứng nhu cầu chính đáng của người chấp hành xong án phạt tù 

Đặc biệt, gần đây, Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người CHXAPT (Quyết định số 22) ra đời được đánh giá là chính sách nhân văn, nhân đạo, đáp ứng kịp thời đòi hỏi của thực tiễn, tiếp sức, hỗ trợ cho những người từng lầm đường, lạc lối có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống bằng nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH).

Mới đây, hộ ông Lê Thế Roan - người CHXAPT, cư trú tại ấp 5, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, đã được Ngân hàng CSXH huyện Bình Chánh giải ngân nguồn vốn cho vay số tiền 100 triệu đồng để mở rộng cửa hàng kinh doanh bán tạp hóa của gia đình.

Tương tự, anh Nguyễn Tấn Thành (ấp 4, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh) cũng mới được cho vay 100 triệu đồng để về mở rộng công việc may gia công của gia đình; Anh Từ Văn Thọ (ấp 10 xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh) được cho vay 50 triệu đồng để về thực hiện công việc bán hủ tiếu… Tính riêng đến ngày 31/3/2024 trên địa bàn huyện Bình Chánh đã có 7 trường hợp được vay vốn với tổng số tiền 520 triệu đồng.

Theo Công an huyện Hóc Môn, số người CHXAPT đủ điều kiện trên địa bàn huyện là 499 người. Trong số này, 15 người CHXAPT đủ điều kiện đã được vay vốn theo Quyết định số 22 với số tiền 1,2 tỷ đồng…

Tại Hội nghị Sơ kết 1 năm thực hiện Quyết định số 22 do Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp Ngân hàng CSXH chi nhánh thành phố tổ chức ngày 30/10, Đại tá Huỳnh Văn Hùng, Trưởng phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp (THAHS&HTTP) Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, qua hơn 1 năm thực hiện Quyết định số 22 trên địa bàn cả thành phố, đã có 81 người CHXAPT được vay vốn, với số tiền hơn 5,3 tỷ đồng…

Nhìn chung, chính sách tín dụng đối với người CHXAPT theo Quyết định số 22 đã được Công an TP Hồ Chí Minh chỉ đạo, triển khai kịp thời. Công an địa phương đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tích cực tuyên truyền vận động, khuyến khích các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong việc hỗ trợ việc làm, cho vay vốn làm ăn đối với người CHXAPT tái hòa nhập cộng đồng trở về địa phương, góp phần ổn định cuộc sống.

Hằng năm, Cơ quan THAHS Công an thành phố phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội còn tham mưu UBND thành phố ban hành Kế hoạch đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm cho người CHXAPT trên địa bàn thành phố để khảo sát nhu cầu học nghề và mở các lớp đào tạo nghề cho nhóm đối tượng trên. 

Theo Công an TP Hồ Chí Minh, Quyết định số 22 về tín dụng đã đáp ứng nhu cầu chính đáng của người CHXAPT, tuy nhiên, do đây là lần đầu triển khai thực hiện nên gặp khó khăn, vướng mắc.
Để thực hiện có hiệu quả Quyết định số 22 trên địa bàn thành phố trong thời gian tới, Công an TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị, đề xuất Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và THAHS tại cộng đồng - Bộ Công an nghiên cứu tham mưu cho Bộ Công an các nội dung: Xây dụng tài liệu phổ biến pháp luật với nội dung phù hợp và triển khai thống nhất trên địa bàn thành phố, đồng thời phân công trách nhiệm cụ thể trong việc cấp phát, tuyên truyền sâu rộng trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, các cơ sở giam giữ. 

Đại tá Nguyễn Đình Dương, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, cũng đề nghị thời gian tới, Công an các đơn vị, địa phương cần tập trung triển khai thực hiện nội dung Kế hoạch phối hợp giữa Công an thành phố và Ngân hàng CSXH chi nhánh thành phố một cách hiệu quả, phù hợp với tình hình, điều kiện tại từng địa bàn… 

Theo Đại tá Lê Viết Tiệp, Trưởng phòng Công tác Đảng và Công tác chính trị Công an TP Hồ Chí Minh, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù (CHXAPT), cả hệ thống chính trị các cấp cần xác định công tác này là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác phòng, chống tội phạm, đảm bảo ANTT tại địa phương.

Đồng thời, chú trọng công tác tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người CHXAPT, phòng ngừa tái phạm tội và xây dựng, nhân rộng các mô hình, cá nhân điển hình trong công tác tái hòa nhập cộng đồng; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cấp, ngành, các tổ chức, đoàn thể xã hội và nhân dân trong việc xóa bỏ định kiến, kỳ thị và quan tâm giúp đỡ người CHXAPT tái hòa nhập cộng đồng.

Phú Lữ

Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ biểu dương Đảng uỷ Cục CSGT đã tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VII, đã lãnh đạo Đảng bộ hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu mà nghị quyết Đại hội Đảng bộ Cục đề ra.

Nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam, ngày 8/1, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper có buổi gặp gỡ sinh viên, giảng viên và lãnh đạo của Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU). 

Sau 1 tuần Nghị định 168/2024 chính thức có hiệu lực với việc tăng nặng xử phạt nhiều hành vi vi phạm giao thông đã tạo ra được bộ mặt mới về giao thông với việc ý thức của người nâng cao rõ rệt, tình trạng vượt đèn đỏ, đi ngược, đi trên vỉa hè… giảm mạnh.

Ra đường với cái đầu “nóng”, khi xảy ra va chạm giao thông, nhiều người không cần biết đúng sai, nhẹ thì chửi bới, nặng thì lao vào ẩu đả, hung hăng xuống tay đánh đập dã man người khác. Chỉ một phút côn đồ mà vướng vòng lao lý, để lại vết nhơ cả cuộc đời…

Nhiều tài xế xe máy ở Hà Nội đi vào đường Vành đai 2 trên cao (tuyến đường dành cho ô tô di chuyển với tốc độ tối đa 80km/h), đã đưa ra nhiều lý do như "không chú ý biển báo", "đi nhầm đường"... để biện minh cho hành vi vi phạm. Với hành vi vi phạm nêu trên, ngoài việc bị xử phạt hành chính thì tài xế còn bị trừ 2 điểm giấy phép lái xe (GPLX).

Sau hai ngày TAND tỉnh Thái Bình mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử hai cựu Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân cùng đồng phạm, chiều 8/1, đại diện Viện KSND tỉnh Thái Bình thực hành quyền công tố tại phiên tòa đã luận tội và đề nghị hình phạt đối với các bị cáo.

Ngày 8/1, Đảng bộ Phòng Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Công an tỉnh Khánh Hòa tổ chức Đại hội lần thứ IV, nhiệm kỳ 2025-2030. Đây là đơn vị được Tỉnh ủy và Đảng bộ Công an tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo tổ chức đại hội điểm, nhiệm kỳ 2025-2030. 

Đường dây mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng này đã thành lập trên 80 công ty nhưng không tiến hành bất kỳ hoạt động kinh doanh thực tế nào mà chỉ để thực hiện hành vi bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng khống trị giá hơn 10 nghìn tỷ đồng…

Thứ trưởng Phạm Thế Tùng yêu cầu, Cục Kỹ thuật nghiệp vụ cần tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết về Chiến lược phát triển lực lượng kỹ thuật nghiệp vụ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2045, bảo đảm mục tiêu đưa lực lượng Kỹ thuật nghiệp vụ tiến thẳng lên hiện đại vào năm 2025…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文