Luật Căn cước công dân (sửa đổi) góp phần phục vụ hiệu quả Đề án 06, hoàn thành chuyển đổi số

08:40 30/01/2023

Bên cạnh các kết quả tích cực, trong quá trình triển khai thi hành Luật Căn cước công dân (CCCD) năm 2014 đã xuất hiện một số tồn tại và các vấn đề phát sinh cần phải được xem xét để sửa đổi, bổ sung. PV Báo CAND đã có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH), Bộ Công an liên quan đến những điểm mới của dự thảo Luật CCCD sửa đổi đang được Bộ Công an xây dựng.

PV: Thưa Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng, đồng chí có thể cho biết xuất phát từ những yêu cầu nào để Bộ Công an xây dựng dự thảo Luật CCCD sửa đổi?

Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng: Trong thời gian qua, Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Do vậy, việc đổi mới, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả, giá trị sử dụng của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thẻ CCCD vào công tác quản lý Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội là yêu cầu cấp thiết, cần được ưu tiên đầu tư, phát triển.

Bên cạnh các kết quả tích cực, trong quá trình triển khai thi hành Luật CCCD năm 2014 đã xuất hiện một số tồn tại và các vấn đề phát sinh cần phải được xem xét để sửa đổi, bổ sung. Đề án 06 đã xác định các nhiệm vụ mới cần thực hiện liên quan đến ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phát huy giá trị, tiện ích thẻ CCCD gồm: Bảo đảm mục tiêu 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được định danh và xác thực điện tử; 100% người dân khi thực hiện thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa các cấp được định danh, xác thực điện tử trên hệ thống định danh và xác thực điện tử; không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ về dân cư đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Ứng dụng các tính năng của chíp điện tử trên thẻ CCCD; triển khai thực hiện tích hợp thông tin các giấy tờ cá nhân vào thẻ CCCD gắn chíp; Ứng dụng dữ liệu dân cư vào công tác chỉ đạo, điều hành của cơ quan Nhà nước như thực hiện nhiệm vụ thống kê, phân tích dân số; phục vụ hoạch định chính sách phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và các chính sách khác. Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư.

Bên cạnh đó, Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển dữ liệu số quốc gia tạo nền tảng cho triển khai Chính phủ số đã xác định nhiệm vụ nâng cao việc ứng dụng cơ sở dữ liệu, phát huy giá trị của thẻ CCCD vào các hoạt động quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế và khu vực, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia theo Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Do vậy, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật CCCD năm 2014, Bộ Công an đã và đang tham mưu cấp có thẩm quyền về dự thảo hồ sơ xây dựng Luật CCCD (sửa đổi).

Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng, Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an.

PV: Những điểm mới, đặc biệt là quyền lợi của người dân được bảo đảm, nâng cao như thế nào tại dự thảo Luật CCCD sửa đổi, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng: Dự thảo Luật CCCD sửa đổi có nhiều điểm mới. Điểm mới thứ nhất là, quy định việc tích hợp thông tin khác ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu CCCD vào thẻ CCCD. Thẻ CCCD có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về công dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong thẻ CCCD, cụ thể: Bổ sung quy định các quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục để thu thập, tích hợp thông tin, loại thông tin được tích hợp, giá trị sử dụng của thông tin được tích hợp trong thẻ CCCD và quy định chuyển tiếp, lộ trình tích hợp thông tin.

Hiện nay, thẻ CCCD gắn chíp đã được sử dụng trong đăng ký khám, chữa bệnh theo thẻ Bảo hiểm y tế. Bộ Công an cũng đang triển khai các thiết bị đầu đọc mã Qrcode trên thẻ CCCD phục vụ các điểm tiếp công dân giải quyết các thủ tục hành chính, góp phần rút ngắn quy trình, số hóa dữ liệu ở một số địa phương. Qua triển khai thực hiện đã cho thấy hiệu quả tốt, đem lại nhiều thuận lợi cho người dân và cơ quan, tổ chức. Việc khai thác, phát huy các lợi ích thẻ CCCD là yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng Đề án 06 đã xác định, do vậy, cần phải quy định trong Luật CCCD để triển khai thực hiện cho đồng bộ.

Việc sử dụng thẻ CCCD (hay mã số định danh cá nhân) là công cụ định danh để truy xuất thông tin công dân trong các cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành là phương thức đã thực hiện lâu nay trên Cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương. Ngoài phương thức truy xuất thông tin nêu trên, Bộ Công an đã chỉnh lý chính sách quy định theo hướng ưu tiên lựa chọn, tích hợp những thông tin mang tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của công dân vào thẻ CCCD có gắn chíp (ngoài thông tin về CCCD), như: Thông tin về thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, văn bằng, chứng chỉ, giấy khai sinh, giấy chứng nhận đăng ký kết hôn hoặc giấy tờ khác thuộc lĩnh vực quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu CCCD và lưu trữ trong thẻ CCCD là thông tin cần bảo vệ. Theo đó, Luật CCCD đã xác định rõ nguyên tắc quản lý CCCD, giấy chứng nhận căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước là bảo đảm quyền con người và quyền công dân, chặt chẽ và an toàn. Đồng thời, trong triển khai thực tế, Bộ Công an luôn có các thiết bị chuyên dụng để bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong khai thác dữ liệu từ thẻ CCCD có gắn chíp.

Việc quy định chính sách tích hợp một số thông tin ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu CCCD vào thẻ CCCD là để cụ thể hoá nhiệm vụ tại Đề án số 06, nhằm phục vụ mục tiêu đơn giản hoá giấy tờ, thủ tục cho công dân, hướng tới mục tiêu xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, công dân số. Việc tích hợp các thông tin này thực hiện theo đề nghị của công dân hoặc cơ quan cấp, quản lý giấy tờ có thông tin được tích hợp. Việc lưu hành, sử dụng các loại giấy tờ chứa thông tin đã được tích hợp vào thẻ CCCD do công dân hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp các loại giấy tờ đó quyết định. Do vậy, việc thực hiện chính sách này không gây khó khăn cho công dân và công tác quản lý ngành, lĩnh vực của các bộ, ngành khác, mà còn tạo rất nhiều thuận lợi cho công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính và giao dịch thương mại khác.

Những thông tin được tích hợp vào thẻ CCCD có giá trị sử dụng tương đương với việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin được tích hợp. Việc sử dụng thẻ CCCD gắn chíp đã được tích hợp thêm thông tin khác là một phương thức mới, ngoài phương thức hiện hành là sử dụng các giấy tờ hiện có do cơ quan có thẩm quyền cấp cho công dân. Quy định của chính sách này không xung đột với quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan trong việc quản lý, sử dụng các giấy tờ nêu trên. Việc tiếp tục cấp hoặc không cấp bản giấy các giấy tờ chứa thông tin đã được tích hợp vào thẻ CCCD do cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định.

Việc tích hợp thông tin công dân vào thẻ CCCD được thực hiện theo đề nghị của công dân; đây là những thông tin mang tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của công dân (ngoài thông tin về CCCD); các thông tin này sẽ được Bộ Công an xác thực trong các cơ sở dữ liệu chuyên ngành để bảo đảm tính chính xác, thống nhất. Đây thường là thông tin về thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, văn bằng, chứng chỉ, giấy khai sinh, giấy chứng nhận đăng ký kết hôn hoặc giấy tờ khác thuộc lĩnh vực quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Điểm mới thứ hai là, bổ sung thông tin lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu CCCD, cụ thể: Bổ sung một số nhóm thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; chỉnh lý Cơ sở dữ liệu CCCD thành Cơ sở dữ liệu căn cước; bổ sung một số nhóm thông tin vào Cơ sở dữ liệu căn cước gồm: Một số thông tin sinh trắc học (mống mắt, ADN, giọng nói); thông tin về người gốc Việt Nam; tài khoản định danh điện tử của công dân Việt Nam.

Trong quá trình thực hiện, lực lượng CAND luôn có sự đối sánh, xác minh tính chính xác của thông tin được thu thập, làm sạch dữ liệu trước khi cập nhật. Do vậy, việc bổ sung, cập nhật thêm các thông tin khác vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu CCCD là hoàn toàn khả thi, không có sự chồng lấn hay xung đột mà sẽ được bảo đảm thống nhất, có xác minh, kiểm tra rõ ràng.

Bên cạnh đó, việc bổ sung thông tin vào các cơ sở dữ liệu còn giúp phát huy, ứng dụng dữ liệu dân cư vào công tác chỉ đạo, điều hành của cơ quan Nhà nước như thực hiện nhiệm vụ thống kê, phân tích dân số; phục vụ hoạch định chính sách phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và các chính sách khác; đây là một trong những chính sách quan trọng để triển khai thực hiện nhiệm vụ Đề án 06 đã đề ra.

Ngoài ra, điểm mới thứ 3 đó là bổ sung đối tượng được cấp thẻ CCCD và đối tượng được cấp giấy chứng nhận căn cước là trẻ em dưới 14 tuổi (thực hiện theo nhu cầu, không bắt buộc). Bổ sung quy định giải quyết vướng mắc trong cấp thẻ CCCD cho người không có nơi thường trú, không đầy đủ một số thông tin cá nhân khác như ngày, tháng sinh, quê quán (theo 3 cấp hành chính), có thông tin kê khai về dân tộc, tôn giáo khác không nằm trong danh mục quy định của cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành. Bổ sung quy định về cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam là người không quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam.

Việc bổ sung chính sách về đối tượng được cấp thẻ CCCD cho người dưới 14 tuổi là không xung đột với hệ thống pháp luật hiện hành và bảo đảm tính khả thi khi hiện nay đã có sự thay đổi về công nghệ thu nhận sinh trắc học của con người như đối với vân tay thì sử dụng bộ thu nhận vân tay điện tử thay thế cho sử dụng mực lăn tay, chỉ bản nên có thể thực hiện thu nhận được vân tay của người từ đủ 5 tuổi trở lên vẫn bảo đảm yêu cầu về đối sánh dữ liệu sinh trắc học và yêu cầu quản lý Nhà nước. Bên cạnh đó, việc cấp thẻ CCCD cho công dân dưới 14 tuổi cũng phù hợp với quy định pháp luật về xuất nhập cảnh và các quy định pháp luật khác có liên quan; đồng thời, phù hợp với pháp luật của nhiều nước trên thế giới quy định về việc cấp thẻ Căn cước cho cả công dân dưới 14 tuổi, góp phần giảm thiểu được giấy tờ, thủ tục hành chính, phát huy được giá trị của việc khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu CCCD và tiện ích của thẻ CCCD, tài khoản định danh điện tử; nhất là trong việc xác thực thông tin cá nhân; thực hiện công tác thống kê, phân tích, dự báo, thiết lập bản đồ số dân cư; giảm chi phí trong thực hiện công tác chuyển đổi số; bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng cho công dân tham gia được các giao dịch dân sự, nhất là các giao dịch thiết yếu phục vụ cuộc sống.

Việc bổ sung đối tượng được cấp giấy chứng nhận căn cước sẽ giúp Nhà nước quản lý được toàn bộ công dân và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại địa phương; tạo thuận lợi cho công tác hoạch định chính sách phát triển xã hội; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội (Nếu không quy định chính sách này thì không có điều kiện để quản lý được toàn bộ dân cư sinh sống ở nước ta; gây khó khăn cho công tác hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Trường hợp người gốc Việt Nam không được thu thập thông tin, dữ liệu và quản lý mà vi phạm pháp luật thì cơ quan Nhà nước sẽ không có thông tin để tra cứu, xác minh, nhất là thông tin sinh trắc học về vân tay, ảnh chân dung, gây khó khăn cho việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội). Việc quản lý đối với người gốc Việt Nam là người không quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam được thực hiện theo quy định của Luật CCCD (sửa đổi). Trong quá trình xây dựng Luật, Bộ Công an sẽ tiếp tục rà soát, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các luật khác có liên quan (nếu có) để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật.

Thẻ CCCD với kích thước nhỏ gọn, chất liệu tốt, tính bảo mật, bảo an cao và còn có thể được tích hợp thêm rất nhiều thông tin khác theo nhu cầu của công dân sẽ mang lại nhiều tiện ích cho công dân (trong đó có cả trẻ em) trong việc đi lại (như đi máy bay…), học tập, khám chữa bệnh (như không cần phải mang theo thẻ Bảo hiểm y tế…) và thực hiện các giao dịch khác trong đời sống hàng ngày.

Quy định về độ tuổi đổi thẻ CCCD quy định trong Đề cương chi tiết luật được kế thừa theo Luật CCCD hiện hành (25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi) và bổ sung thêm độ tuổi 14 để bảo đảm phù hợp với sự phát triển, trưởng thành của con người, tại các độ tuổi khác nhau thì đặc điểm nhận dạng của mỗi con người sẽ có sự thay đổi nhất định; do vậy, cần thiết phải thực hiện cấp đổi thẻ CCCD tại các độ tuổi này để bảo đảm sự chính xác trong quá trình khai thác, sử dụng thẻ CCCD có gắn chíp (như việc nhận dạng khuôn mặt, tích hợp thông tin…). Quy định này cũng tương đồng với quy định về cấp thẻ Căn cước của nhiều nước trên thế giới.

Lực lượng Công an cơ sở hướng dẫn người dân kích hoạt tài khoản định danh điện tử, tích hợp thông tin vào thẻ CCCD phục vụ chuyển đổi số.

PV: Những thay đổi trong dự thảo Luật CCCD sửa đổi sẽ tác động, hỗ trợ như thế nào đến công tác vận hành, khai thác sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc  gia về dân cư, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng: Dự thảo Luật CCCD sửa đổi cũng bổ sung quy định về tài khoản định danh điện tử (căn cước điện tử); hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp tài khoản định danh điện tử (căn cước điện tử); sử dụng tài khoản định danh điện tử (căn cước điện tử) và thông tin được tích hợp trong tài khoản định danh điện tử; sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu CCCD cho đầy đủ, bao quát, phù hợp với thực tiễn triển khai dự án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, sản xuất, cấp và quản lý CCCD; bổ sung quy định về việc cấp, hủy số định danh cá nhân với trường hợp công dân có quyết định thôi quốc tịch, công dân được nhập trở lại quốc tịch Việt Nam.

Đây là vấn đề lớn, tác động rộng rãi đến nhiều chủ thể khác nhau nên cần được luật hóa và thể hiện thành một chính sách cụ thể quy định tại đề nghị xây dựng Luật để bảo đảm đúng tinh thần của Hiến pháp là các quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân. Chính vì vậy, cần phải ban hành dưới hình thức luật (khoản 2 Điều 14 Hiến pháp), bảo đảm, bảo vệ được quyền, lợi ích chính đáng của cá nhân.

PV: Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!

Hoàng Phong

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Trần Hồng Minh vừa công điện gửi Cục Đường cao tốc Việt Nam, Cục Đường bộ Việt Nam, các ban quản lý dự án, nhà đầu tư về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện 8 dự án đầu tư kinh doanh công trình trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

Quyết tâm duy trì mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" hiệu quả, thay đổi bộ mặt giao thông Thủ đô, lực lượng CSGT xử lý nghiêm tất cả những tài xế xe máy và ô tô có thói quen đứng đè vạch dừng hoặc đè vạch sang đường của người đi bộ, khi bị xử lý lại đổ lỗi do đường đông và đi vội.

46,15% cơ quan, doanh nghiệp bị tấn công mạng trong năm 2024; Số vụ tấn công mạng ước tính lên tới hơn 659.000 vụ; Việt Nam thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực chuyên trách về an ninh mạng; Tấn công có chủ đích, tấn công gián điệp và tấn công mã hoá dữ liệu là những hình thức tấn công phổ biến nhất; Tỷ lệ sử dụng sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” còn rất khiêm tốn, chỉ 24,77%; Tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân đáng báo động nhưng công tác đảm bảo an ninh còn nhiều lúng túng.

Sáng mai (24/12), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2) về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Che giấu tội phạm”.

Ngày 23/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, liên quan vụ án "Đưa hối lộ" và "Nhận hối lộ" xảy ra tại tại Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi đã khởi tố thêm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” đối với một số đối tượng.

Ngày 23/12, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết đã nắm thông tin phản ánh của người thân một nữ bệnh nhân trẻ trên mạng xã hội Facebook về hành vi thiếu chuẩn mực của bác sĩ nam khi siêu âm tuyến giáp, tim và bụng. Sự việc xảy ra tại Phòng khám Đa khoa thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Tư vấn dịch vụ y tế Y Đạo (địa chỉ 46-48 Ngô Quyền, phường 5, quận 10).

Dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50 (QL50) đoạn qua địa bàn huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh với chiều dài hơn 6,9km, tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và TP Hồ Chí Minh với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên tuyến nối từ TP Hồ Chí Minh đi Long An, Tiền Giang dù đã được HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư từ tháng 6/2021, nhưng đến nay nhiều gói thầu xây lắp chính mới đạt tỷ lệ rất thấp…

Có thể khẳng định rằng, với Đề án 06 và ứng dụng VNeID do Bộ Công an chủ công xây dựng đã được phát triển mạnh mẽ, trở nên quen thuộc, thiết yếu trong công cuộc chuyển đổi số của người dân Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Năm 2024, thành phố đã triển khai ứng dụng hiệu quả VNeID trong chuyển đổi số, góp phần phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội của Thủ đô.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文