Nâng cao hiệu lực, hiệu quả bảo đảm an toàn giao thông
Chiều 10/2, Bộ Công an đã tổ chức Hội thảo khoa học “Những vấn đề lý luận và thực tiễn của việc chuyển chức năng quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ từ Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) sang Bộ Công an”.
Hội thảo đã thu hút sự tham gia đóng góp ý kiến của nhiều đại biểu. Đại đa số đều cho rằng, với tình hình phát triển hiện tại, việc chuyển giao chức năng quản lý nhà nước về đào tạo sát hạch GPLX từ Bộ GTVT về Bộ Công an là hợp lý.
Việc kiềm chế, làm giảm TNGT gặp nhiều khó khăn
Đại tá, TS Nguyễn Đăng Sáu, Phó Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân chia sẻ: Theo thống kê từ năm 2009 đến tháng 12/2021, toàn quốc xảy ra 361.636 vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ, làm chết 113.897 người, bị thương 356.149 người, chiếm 97% số vụ, số người chết, số người bị thương trong tổng số vụ TNGT nói chung; gây thiệt hại lớn về tài sản.
Đáng chú ý nguyên nhân gây TNGT do lỗi chủ quan của người tham gia giao thông chiếm trên 90% số vụ. Cũng trong thời gian trên, lực lượng CSGT đã phát hiện và xử lý 65.200.379 lượt trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ; xảy ra 596 vụ chống lại lực lượng làm công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, làm 7 cán bộ hi sinh, 186 cán bộ bị thương.
Thực trạng trên cho thấy việc cần thiết phải tăng cường công tác quản lý người tham gia giao thông, nhất là người điều khiển phương tiện giao thông trong đó chú ý đến việc xây dựng văn hóa giao thông, nâng cao kiến thức pháp luật giao thông đường bộ, kiến thức và kỹ năng lái xe an toàn cho người tham gia giao thông.
Đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) là một khâu của công tác quản lý người điều khiển phương tiện giao thông và có quan hệ chặt chẽ với nhau, không tách rời nhau với quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, quản lý người điều khiển phương tiện giao thông.
Thực chất của việc này nhằm bảo vệ các quyền con người, bảo vệ an ninh quốc gia (ANQG), bảo đảm TTATXH, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về ANQG, TTATXH diễn ra trong môi trường giao thông.
Nên không được giao trách nhiệm chính cho Bộ quản lý chuyên ngành về bảo vệ TTATXH đảm nhiệm mà đang do cơ quan quản lý về kinh tế - kỹ thuật thực hiện dẫn đến hiệu quả quản lý sau khi cấp GPLX rất hạn chế, không quy được trách nhiệm chính cho cơ quan nào, việc kiềm chế, làm giảm TNGT gặp nhiều khó khăn.
Để bổ sung, làm rõ thêm luận cứ khoa học của đề xuất chuyển giao chức năng quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ từ Bộ GTVT sang Bộ Công an, Bộ Công an đã tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ: “Những vấn đề lý luận và thực tiễn của việc chuyển chức năng quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ từ Bộ GTVT sang Bộ Công an” để lắng nghe các ý kiến của các cơ quan, tổ chức, nhà khoa học, các trung tâm dạy nghề và sát hạch lái xe và nhân dân về quản lý nhà nước về vấn đề này.
Hội thảo khoa học đã tập trung đi sâu đánh giá và phân tích về các vấn đề như: Bổ sung, làm rõ thêm luận cứ khoa học của đề xuất chuyển chức năng quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ. Đánh giá đúng thực trạng tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ liên quan đến người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và thực trạng quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.
Đánh giá các tác động của việc chuyển chức năng quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe cơ giới đường bộ từ Bộ GTVT sang Bộ Công an. Đưa ra những kiến nghị, đề xuất về việc chuyển chức năng quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong thời gian tới.
Chuyển đổi là phù hợp với chức năng quản lý con người về TTATXH
Đóng góp ý kiến tới Hội thảo, TS Lại Xuân Môn - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, cần có sự thống nhất, đồng bộ, phân công, phân nhiệm rõ ràng, cụ thể tránh sự chồng lấn, hoặc phân công không đúng chức năng, nhiệm vụ giữa Bộ Công an và Bộ GTVT.
TTATGT thuộc lĩnh vực trật tự an toàn xã hội, cần giao cho cơ quan quản lý TTATGT là Bộ Công an. Còn kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ thuộc lĩnh vực kinh tế-kỹ thuật, cần giao cho cơ quan quản lý cơ sở hạ tầng kỹ thuật giao thông là Bộ GTVT.
Theo đó, cần nghiên cứu chuyển giao chức năng quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ cho Bộ Công an, để phù hợp với chức năng quản lý con người về TTATXH, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất về quản lý dữ liệu quốc gia trong công tác đảm bảo TTATGT đường bộ, tạo điều kiện thuận lợi trong việc xử lý các hành vi vi phạm cũng như xây dựng, sử dụng các biện pháp, chế tài xử phạt phù hợp, đủ sức răn đe đối với người tham gia giao thông, góp phần bảo đảm TTATGT đường bộ cũng như các công tác khác liên quan.
TS Lại Xuân Môn cũng đưa ra quan điểm, cần nghiên cứu sớm ban hành Luật TTATGT đường bộ tạo hành lang pháp lý quan trọng, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, kiềm chế gia tăng TNGT nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, tạo chuyển biến rõ nét về trật tự, an toàn xã hội.
Dẫn chứng cụ thể hơn, GS TS Trần Ngọc Đường, nguyên PCN Văn phòng Quốc hội Việt Nam cho biết, từ năm 1995 trở về trước, nhiệm vụ quản lý hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ được giao cho lực lượng Cảnh sát nhân dân, trực tiếp là lực lượng CSGT. Nhiệm vụ này được thực hiện từ năm 1962-1995.
Từ năm 1995 đến nay, theo Luật Giao thông đường bộ hiện hành quy định “Bộ trưởng Bộ GTVT quy định cụ thể về nội dung, chương trình đào tạo; sát hạch và cấp đổi GPLX”. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy việc phân công trách nhiệm quản lý giao thông hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu.
Điều này có thể làm gia tăng những rủi ro trong công tác bảo đảm ANQG, TTATXH, TTATGT đường bộ khi tình hình an ninh, trật tự và tội phạm trên các phương tiện công cộng ngày càng phức tạp. Ngoài ra, việc giao cho nhiều Bộ cùng quản lý như hiện nay sẽ dẫn đến tình trạng lãng phí về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất để phục vụ công tác quản lý nhà nước về người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
GS TS Trần Ngọc Đường nêu quan điểm, việc giao chức năng quản lý nhà nước về đào tạo, cấp bằng GPLX cho người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới cho Bộ Công an là phù hợp. Bởi vì hiện nay, Bộ Công an đang được giao nhiệm vụ bảo vệ ANQG, bảo đảm TTATXH, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, TTATXH.
Trong đó có công tác bảo đảm trật tự an ninh, an toàn giao thông thông qua chức năng quản lý nhà nước về đào tạo, cấp bằng GPLX. Hiện nay, cơ sở dữ liệu về GPLX được kết nối với cơ sở dữ liệu về xử phạt vi phạm hành chính, TNGT, đăng ký phương tiện là cơ sở để quản lý người lái xe, áp dụng các chế tài xử phạt vi phạm hành chính, bảo đảm chính xác, khách quan, thống nhất không bỏ lọt người vi phạm và xem xét tình tiết tăng nặng đối với các trường hợp vi phạm nhiều lần, tái phạm trên toàn quốc.
Đồng thời, lực lượng Công an có kiến thức pháp luật, kỹ năng điều khiển phương tiện của người lái xe khi tham gia giao thông, từ đó sẽ xây dựng nội dung chương trình đào tạo, sát hạch sát với yêu cầu thực tiễn. “Hơn nữa, theo kinh nghiệm quốc tế mà tôi biết cho thấy nhiều quốc gia giao lực lượng cảnh sát thực hiện công tác này”, GS TS Trần Ngọc Đường chia sẻ.
Cũng tại hội thảo, hơn 60 ý kiến đã được gửi tới, đa phần đều nhìn nhận việc đồng bộ các nội dung quản lý con người với quản lý người điều khiển phương tiện tham gia giao thông là khả thi, từng bước đáp ứng được yêu cầu công tác bảo đảm TTATGT, nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước.