Người dân dần quen với phần mềm quản lý người ra, vào vùng dịch

12:36 06/09/2021

Thực hiện chỉ đạo của Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội (QLHC về TTXH, Bộ Công an), Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh Quảng Nam đã tham mưu Giám đốc Công an tỉnh triển khai phần mềm tại các chốt chặn kiểm soát phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Chỉ sau một thời gian ngắn, người dân đã dần quen thuộc với phần mềm này.

 
Thượng tá Phan Thanh Hồng, Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, tại các chốt, đơn vị đã cấp tài khoản quản lý và hướng dẫn cho cán bộ, chiến sĩ thực hiện các thao tác truy nhập phần mềm; hướng dẫn người dân kê khai thông tin di biến động; đối chiếu thông tin công dân đã khai báo với chứng minh nhân dân/căn cước công dân và xác nhận thông tin công dân khi đi qua chốt kiểm dịch.

Sáng 6/9, có mặt tại chốt kiểm soát dịch trên QL14B khu vực Ngã ba Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, Quảng Nam, phóng viên Báo CAND ghi nhận có khá đông xe tải, xe chở hàng lưu thông Bắc - Nam qua lại khu vực chốt kiểm soát.

Nhờ sự phân luồng, điều tiết, kiểm tra người và phương tiện của lực lượng làm nhiệm vụ mà giao thông qua khu vực này được thông suốt và đảm bảo các biện pháp phòng dịch theo quy định. Tất cả người và phương tiện ra vào khu vực chốt đều được kiểm tra chặt chẽ.

Thiếu tá Trần Xuân Hùng, chốt trưởng chốt kiểm soát dịch khu vực Ngã ba Đại Hiệp cho biết, chốt kiểm soát này được kích hoạt từ ngày 9/5 đến nay để kiểm soát chặt lượng người và phương tiện đi từ hướng TP Đà Nẵng vào hoặc qua địa bàn tỉnh Quảng Nam. Dù đã trải qua ròng rã gần 4 tháng nơi “lá chắn” đầu tiên trong công tác phòng, chống dịch bệnh, song lực lượng Công an cùng với các lực lượng khác làm nhiệm vụ tại chốt vẫn luôn nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thiếu tá Trần Xuân Hùng làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát dịch khu vực Ngã ba Đại Hiệp.

Cùng với đó, chốt kiểm soát đã bố trí một khu đất rộng cách vị trí chốt chừng 100m để làm nơi tập kết, trung chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm để người dân thuận tiện trong việc gửi hàng hóa ra Đà Nẵng trong thời gian Đà Nẵng siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội. Theo quy định, xe chở nông sản, hàng hóa thiết yếu của người dân Quảng Nam nói chung và huyện Đại Lộc nói riêng được tập kết về điểm trung chuyển hàng hóa, sau đó phương tiện từ Đà Nẵng vào thực hiện sang hàng và chở ra Đà Nẵng, đảm bảo công tác phòng dịch theo quy định.

Thiếu tá Trần Xuân Hùng cho biết thêm, từ ngày 16/8, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh Quảng Nam đã triển khai phần mềm quản lý di biến động của người ra vào vùng dịch tại chốt kiểm soát dịch khu vực Ngã ba Đại Hiệp. Đến nay, trung bình hằng ngày có gần 100 lượt người tham gia khai báo thông tin di biến động qua phần mềm này.

Sau khi đối chiếu thông tin công dân đã khai báo với chứng minh nhân dân/căn cước công dân và xác nhận thông tin công dân khi đi qua chốt kiểm dịch, cán bộ nhập dữ liệu còn gửi 1 bản khai báo của người dân qua Zalo của đồng chí chốt trưởng chốt kiểm soát để gửi cho các chốt trên địa bàn tỉnh hoặc thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cấp huyện, xã biết, theo dõi, chủ động biện pháp cách ly y tế theo quy định khi trường hợp người dân về địa phương.

Người dân quét mã QR để khai báo qua phần mềm quản lý di biến động của người ra, vào vùng dịch tại chốt kiểm soát khu vực Ngã ba Đại Hiệp.

Ông Nguyễn Sáu (trú quận Thanh Khê, Đà Nẵng), làm việc tại một công trình thủy điện đóng tại huyện Đại Lộc chia sẻ, bản thân ông đã được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19. Khi đến chốt kiểm soát dịch khu vực Ngã ba Đại Hiệp, ông đã sử dụng điện thoại di động của mình để quét mã QR và thực hiện khai báo qua phần mềm quản lý di biến động của người ra, vào vùng dịch. “Mặc dù mới dùng phần mềm này lần đầu, song tôi thấy phần mềm rất tiện lợi, dễ sử dụng”, ông Sáu bày tỏ.

Thượng tá Phan Thanh Hồng, Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh Quảng Nam thông tin thêm, bắt đầu từ ngày 14/8, đơn vị đã triển khai phần mềm quản lý di biến động của người ra vào vùng dịch tại các chốt kiểm soát dịch. Đến nay đã triển khai tại 92 chốt trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Cán bộ tại chốt kiểm soát kiểm tra thông tin khai báo di biến động của người dân.

Số liệu thống kê đến sáng 6/9 đã có gần 26.900 lượt người khai báo di biến động qua phần mềm này. Để tạo thuận lợi cho người dân trong việc khai báo qua phần mềm, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh Quảng Nam đã tổ chức in hơn 4.000 tờ rơi để hướng dẫn việc khai báo và làm các panô hướng dẫn đặt tại 26 chốt trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

Ưu điểm của phần mềm quản lý di biến động của người ra, vào vùng dịch là dễ khai báo, dễ truy vết các F0, F1. Dữ liệu sau khi công dân kê khai được Cục Cảnh sát QLHC về TTXH kiểm duyệt, xử lý hằng ngày trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thông tin này được thông báo về Công an cấp xã nơi công dân đi, đến để quản lý.

Ngày 20/8 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao Công an tỉnh chủ trì, tổ chức triển khai phần mềm thông tin di biến động người dân ra, vào vùng dịch trên nền tảng dữ liệu dân cư (địa chỉ http://suckhoe.dancuquocgia.gov.vn) tại các khu vực chốt kiểm soát dịch trên địa bàn tỉnh để quản lý người dân ra, vào trên cơ sở kế thừa các trang thiết bị hiện có (máy tính, máy đọc mã vạch, điện thoại được trang bị). Sở Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm về hạ tầng kết nối, bảo đảm dữ liệu thông suốt, đồng bộ.

 

Ngọc Thi

Căn cứ hợp đồng của dự án đã ký giữa UBND thành phố và doanh nghiệp dự án là Công ty Trung Nam, thì lịch thu hồi nợ vay của BIDV với Công ty Trung Nam và lịch thu hồi nợ tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đối với BIDV được xác định tương ứng theo lịch thanh toán của UBND thành phố theo quy định tại hợp đồng BT của dự án. Thực chất đây là khoản cho vay ứng trước cho nhà đầu tư khi ngân sách thành phố chưa bố trí được nguồn vốn thanh toán cho nhà đầu tư.

Những năm trở lại đây, song song với sự phát triển, thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam cũng trở thành mảnh đất “màu mỡ” để các đối tượng sử dụng công nghệ cao lợi dụng, trục lợi từ các hành vi buôn lậu, trốn thuế, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, lừa đảo, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp về thương mại điện tử… với phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi. Từ thực tiễn tình hình cho thấy, ngoài việc tạo môi trường thuận lợi để thương mại điện tử phát triển cũng cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước, nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh trên không gian mạng.

Văn phòng Đăng ký liên bang Mỹ ngày 9/5 (giờ địa phương) cho biết chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã bổ sung 37 thực thể Trung Quốc vào danh sách hạn chế thương mại do có những hành động được cho là “gây phương hại an ninh quốc gia hoặc lợi ích chính sách đối ngoại của Mỹ”.

Thông qua việc thường xuyên đi lễ chùa, Bùi Thị Ninh đã tạo mối quan hệ thân thiết với nhiều người ở trong và ngoài tỉnh rồi kêu gọi họ góp vốn để đầu tư kinh doanh. Sau khi nhận tiền, Ninh không sử dụng đúng mục đích đã thỏa thuận mà dùng cho mục đích cá nhân, chiếm đoạt gần 300 tỉ đồng rồi bỏ trốn khỏi địa phương.

Tỉnh Thừa Thiên Huế có đầm phá nước lợ Tam Giang - Cầu Hai lớn nhất Đông Nam Á với chiều dài hơn 70km, rộng trên 22.000ha. Nhiều năm qua, người dân tỉnh Thừa Thiên Huế sống ven vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai đã tận dụng diện tích mặt nước rộng lớn này để nuôi trồng thủy sản, phát triển kinh tế. Để đảm bảo ANTT vùng đầm phá, Công an các xã ven đầm phá đã tăng cường tuần tra, thực hiện nhiều biện pháp giúp ngư dân chống nạn khai thác, đánh bắt tận diệt và trộm cắp thủy sản.

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội vừa công bố số lượng học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 THPT công lập không chuyên năm học 2023- 2024. Năm nay, Trường THPT Yên Hòa có tỷ lệ "chọi" cao nhất với 1/3,11, tức trung bình trên 3 thí sinh dự thi mới có 1 em đỗ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文