Người dân hưởng nhiều lợi ích từ căn cước tích hợp

06:50 07/10/2023

Tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của người dân ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước vào thẻ căn cước là một trong bốn chính sách của dự án Luật Căn cước do Bộ Công an chủ trì soạn thảo. Chính sách này sẽ cụ thể hoá nhiệm vụ tại Đề án số 06, phục vụ mục tiêu đơn giản hoá giấy tờ, thủ tục cho người dân, hướng tới mục tiêu xây dựng Chính phủ số, kinh tế số và công dân số.

Thẻ căn cước tích hợp có giá trị tương đương xuất trình các giấy tờ

 Điều 22 dự thảo Luật Căn cước quy định về việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của người dân ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước vào thẻ căn cước như: Thông tin về thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn….

Theo đó, thẻ căn cước có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về người dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong thẻ căn cước. Qua đó, giúp giảm giấy tờ cho người dân, tạo thuận lợi cho người dân trong thực hiện giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính.

Tích hợp thông tin vào thẻ căn cước sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân, cơ quan, tổ chức.

Việc tích hợp thông tin được thực hiện bằng 2 biện pháp kỹ thuật. Biện pháp thứ nhất là nạp thông tin tích hợp vào chíp, mã QR code trên thẻ căn cước khi người dân thực hiện thủ tục cấp lần đầu, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước. Việc nạp thông tin bằng biện pháp này không tốn chi phí việc tích hợp, người dân không phải mất phí làm thẻ căn cước lần đầu; chỉ phải thanh toán phí cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước theo quy định hiện hành tương tự như việc thực hiện cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước mà không tích hợp thông tin. Biện pháp thứ hai là nạp thông tin tích hợp vào căn cước điện tử (tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID). Việc tích hợp này được thực hiện trực tuyến, không tốn chi phí.

Việc khai thác thông tin tích hợp vào thẻ căn cước được thực hiện bằng phương thức sử dụng thiết bị chuyên dụng để khai thác thông tin tích hợp trong bộ phận lưu trữ được mã hóa của thẻ căn cước và sử dụng thông tin trên thẻ căn cước để truy xuất, khai thác thông tin tích hợp qua thiết bị chuyên dụng được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống định danh và xác thực điện tử. Người dân thực hiện thủ tục tích hợp thông tin vào thẻ căn cước thông qua việc cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước hoặc ứng dụng VNeID khi đã có căn cước điện tử.

Theo Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an, việc sử dụng thẻ căn cước gắn chíp đã được tích hợp thêm thông tin khác là một phương thức mới, ngoài phương thức hiện hành là sử dụng các giấy tờ hiện có do cơ quan có thẩm quyền cấp cho người dân nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính và các giao dịch khác.

Quy định này không xung đột với quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan trong việc quản lý, sử dụng các giấy tờ nêu trên; không ảnh hưởng đến chức năng quản lý nhà nước của bộ, ngành, địa phương với các loại giấy tờ, dữ liệu đang quản lý. Việc tiếp tục cấp hoặc không cấp bản giấy các giấy tờ chứa thông tin đã được tích hợp vào thẻ căn cước do cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định. Trong trường hợp thẻ căn cước được sử dụng thay thế hoàn toàn cho việc sản xuất, cấp các loại giấy tờ khác thì sẽ được điều chỉnh, quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành có liên quan.

Đơn giản hóa giấy tờ, thủ tục, giảm chi phí

Theo Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an, quy định về tích hợp một số thông tin ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước vào thẻ căn cước tại dự thảo Luật Căn cước sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân, cơ quan, tổ chức.

Ứng dụng căn cước công dân gắn chip điện tử, VNeID phục vụ kiểm soát an ninh và chấm công tại doanh nghiệp được triển khai thí điểm tại Công ty cổ phần Xi măng Xuân Thành (xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam). Ảnh: TTXVN

Trước hết, quy định này giúp cơ quan nhà nước giảm chi phí giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức khi sử dụng thẻ căn cước có gắn chíp đã được tích hợp các thông tin có liên quan đến lĩnh vực mình quản lý; không phải chi cho hoạt động in, sản xuất các giấy tờ cấp cho người dân (nếu người dân không có nhu cầu hoặc chỉ cần bản điện tử của giấy tờ đó).

Cơ quan có thẩm quyền khi giải quyết thủ tục hành chính cho người dân sẽ cập nhật, bổ sung kết quả giải quyết vào cơ sở dữ liệu do mình quản lý và trả kết quả điện tử cho người dân. Cơ quan quản lý căn cước sẽ khai thác thông tin người dân trong các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để tích hợp thông tin người dân có trên các cơ sở dữ liệu này vào thẻ căn cước theo yêu cầu của cơ quan nhà nước hoặc đề nghị của người dân.

Do vậy, cơ quan, tổ chức không phải tốn nhiều thời gian để kiểm tra, xác minh thông tin, giấy tờ do người dân cung cấp khi giải quyết các thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ hành chính công; giảm nhân lực để giải quyết thủ tục hành chính và quản lý hệ thống hồ sơ giấy tờ của người dân; phù hợp với xu hướng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước.

Cùng với đó, quy định này cũng sẽ giúp tổ chức, doanh nghiệp và người dân không phải tốn thời gian, công sức, chi phí để thực hiện việc trích lục, sao y, chứng thực, công chứng các loại giấy tờ của bản thân; giảm chi phí trong giải quyết các thủ tục hành chính, kê khai nhiều loại giấy tờ khác nhau cũng như không phải bảo quản, mang theo nhiều loại giấy tờ khác nhau khi cần sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự hay các hoạt động khác cần phải xuất trình giấy tờ cá nhân.

Trong trường hợp cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân không đầu tư thiết bị chuyên dụng để đọc thông tin tích hợp trong thẻ căn cước thì có thể lựa chọn các cách thức khác để khai thác thông tin của người dân (bao gồm cả thông tin tích hợp) qua kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, khai thác qua cổng dịch vụ công… Về cơ bản hiện nay Bộ Công an đã bảo đảm các yêu cầu để thực hiện việc tích hợp thông tin vào thẻ căn cước. Bộ Công an cũng sẽ kiến nghị Chính phủ có chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh quá trình số hóa, chuẩn hóa số liệu, nâng cấp, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin để phục vụ việc tích hợp thông tin.

Hiện nay, thẻ căn cước gắn chíp đã được sử dụng trong đăng ký khám, chữa bệnh theo thẻ bảo hiểm y tế. Bộ Công an cũng đang triển khai các thiết bị đầu đọc mã QR Code trên thẻ căn cước phục vụ các điểm tiếp người dân giải quyết các thủ tục hành chính, góp phần rút ngắn quy trình, số hóa dữ liệu ở một số địa phương. Qua triển khai thực hiện đã cho thấy hiệu quả tốt, đem lại nhiều thuận lợi cho người dân và cơ quan, tổ chức.

Nguyễn Hương

“Việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tham dự Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp cho thấy sự gắn bó sâu sắc của Việt Nam với cộng đồng Pháp ngữ, đồng thời khẳng định Việt Nam rất coi trọng quan hệ song phương với Pháp", Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet nhấn mạnh.

Dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo dự kiến trình Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới. Để hiểu rõ hơn về những nội dung cơ bản và những điểm mới mà dự thảo luật đề cập nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn công tác PCCC và CNCH hiện nay, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Đại tá Hoàng Ngọc Huynh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, Bộ Công an.

Tại các địa phương trong cả nước không tồn tại các cơ sở băm gỗ dăm trái phép thì ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, các cơ sở băm gỗ dăm trái phép mọc lên như nấm sau mưa, trong đó Nghệ An chiếm số lượng lớn nhất và “công khai” nhất. Ai đã đứng sau “chống lưng” cho các cơ sở này hay chính quyền và các cơ quan chức năng bất lực?

Sau một thời gian tạm lắng, chiêu lừa thông qua “tặng quà tri ân” gần đây lại rộ trở lại theo kiểu “bình mới, rượu cũ”. Các đối tượng giả mạo nhân viên các sàn thương mại điện tử, hệ thống siêu thị và một số thương hiệu để gọi điện thoại thông báo và gửi quà tặng quà tri ân miễn phí. Sau đó, từng bước tiếp cận và lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nạn nhân thông qua hình thức làm nhiệm vụ online.

Dự thảo Luật Di sản văn hoá (sửa đổi) được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch hoàn thiện, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8 tới đây. Theo đó, nhiều “nút thắt” trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá vật thể và phi vật thể được kỳ vọng sẽ được tháo gỡ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文