Nhân rộng điển hình tiên tiến, tạo động lực phấn đấu cho đội ngũ giảng viên các trường CAND
Sau 8 ngày tranh tài sôi nổi, Hội thi giảng viên dạy giỏi cấp Bộ năm học 2021-2022 do Bộ Công an tổ chức đã lựa chọn được những giảng viên tiêu biểu, xuất sắc nhất để tôn vinh.
Hội thi là hoạt động chuyên môn mang tính chất quyết định trong việc đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo; đồng thời cũng là dịp để biểu dương, tôn vinh những cá nhân, tập thể có nhiều thành tích trong phong trào thi đua dạy giỏi trong các học viện, trường CAND.
Đại uý, TS. Phan Thị Thu Trang, Khoa Khoa học xã hội Nhân văn và tâm lý, Học viện Chính trị CAND cho rằng, Hội thi giảng viên dạy giỏi cấp Bộ năm học 2021-2022 do Bộ Công an tổ chức đã thực sự trở thành sân chơi để các giảng viên thể hiện khả năng thao diễn sư phạm, năng lực sáng tạo nghiên cứu, sử dụng khoa học công nghệ, sử dụng thiết bị dạy học, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong các trường CAND. Đồng thời, cũng là cơ hội để chính các giảng viên trao đổi, học hỏi được những kinh nghiệm hay từ chính các đồng nghiệp của mình.
Còn theo Thiếu tá Nguyễn Thị Thu Hoài, Học viện CSND, hội thi là cơ hội để các giảng viên trẻ cọ xát, thi thố tài năng để từ đó trưởng thành hơn cả về chuyên môn nghiệp vụ lẫn khả năng sư phạm. Đặc biệt, thông qua hội thi đã thúc đẩy phong trào thi đua dạy giỏi trong các học viện, trường CAND, góp phần đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo trong CAND.
Đại tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đào tạo, Phó Trưởng Ban tổ chức Hội thi cho biết: Hội thi giảng viên dạy giỏi cấp Bộ năm học 2021- 2022 có số lượng giảng viên tham gia đông nhất từ trước đến nay. Hội thi được tổ chức ở 5 lĩnh vực với 6 hội đồng gồm: Lý luận chính trị và Khoa học xã hội nhân văn; Pháp luật; Nghiệp vụ; Ngoại ngữ; Giáo dục quốc phòng; Võ thuật với sự tham gia của 96 giảng viên đến từ 4 học viện, 4 trường đại học trong CAND.
Đây là những giảng viên tiêu biểu và đạt nhiều thành tích cao trong phong trào dạy giỏi của các học viện, trường CAND; 100% giảng viên tham gia hội thi đều ít nhất 2 lần được công nhận đạt bài giỏi cấp trường hoặc ít nhất 1 lần được công nhận giảng viên dạy giỏi cấp trường. Theo đánh giá của Phó Trưởng Ban tổ chức, chất lượng hội thi năm nay đã được nâng cao so với các hội thi trước đây, đặc biệt là trong phần chuẩn bị hồ sơ và thực hành bài giảng.
Kết quả từ Ban giám khảo Hội thi cho thấy, đa phần hồ sơ được chuẩn bị công phu, chu đáo, đảm bảo cả về nội dung và hình thức; sắp xếp khoa học thuận tiện cho việc khai thác và sử dụng; giáo án bài giảng được biên soạn mới, đảm bảo đúng với chương trình, giáo trình và cập nhật những vấn đề mới có liên quan; thể hiện rõ cả sự đổi mới về nội dung, cải tiến về phương pháp giảng dạy. Nhiều hồ sơ cho phép học viên có thể truy cập, khai thác, thể hiện khả năng sử dụng công nghệ thông tin và khả năng sáng tạo của giảng viên, phù hợp với xu hướng số hoá hiện nay.
Một số hồ sơ tiêu biểu, được Ban giám khảo đánh giá cao có thể kể đến giảng viên Hà Tiến Linh, Học viện ANND ở lĩnh vực Lý luận chính trị; giảng viên Phạm Thị Lan Anh, Học viện ANND, lĩnh vực pháp luật; giảng viên Lê Trung Sơn, Học viện ANND và Võ Huỳnh Khuyên, Trường Đại học CSND lĩnh vực Nghiệp vụ chuyên ngành; giảng viên Nguyễn Thị Thu Hoài, Học viện CSND lĩnh vực Tiếng Anh; giảng viên Lê Văn Cương, Học viện ANND lĩnh vực Giáo dục quốc phòng võ thuật.
Ở khâu thực hành bài giảng, phần thi quan trọng nhất nhằm đánh giá năng lực, trình độ chuyên môn và phương pháp sư phạm của giảng viên năm nay cũng được Ban tổ chức đánh giá cao.
Theo Thiếu tướng, PGS.TS, NGƯT Nguyễn Bình Ban, Trưởng Ban giám khảo Hội thi, đa phần các giảng viên tham gia hội thi đều có sự chuẩn bị tốt cả về kiến thức chuyên môn và phương pháp sư phạm; các bài giảng được duyệt có ví dụ, hình ảnh minh hoạ điển hình, phong phú; nhiều dẫn chứng sinh động, khai thác được tính toàn diện của bài giảng.
Đặc biệt, trong quá trình giảng dạy, nhiều giảng viên đã khai thác, sử dụng thành thạo, có hiệu quả các phương tiện dạy học hiện đại, các phương pháp dạy học tích cực, nêu vấn đề, dẫn dắt vấn đề uyển chuyển, mềm dẻo, tăng tương tác giữa giảng viên và học viên. Trong các giờ thảo luận, thực hành, giảng viên đã tạo ra được tình huống và nêu được các câu hỏi giúp học viên mở rộng tư duy, tích cực tham gia phát biểu, thảo luận, tranh luận.
Các giảng viên được đánh giá tốt và được chấm điểm thực hành cao gồm giảng viên Hà Tiến Linh, Học viện ANND, Nguyễn Tuyết Lan, Học viện Chính trị CAND; Nguyễn Thị Lan Hương, Trường Đại học PCCC ở lĩnh vực Lý luận chính trị; giảng viên Đỗ Lường Thiện, Học viện CSND và Phạm Thị Lan Anh, Học viện ANND lĩnh vực pháp luật; giảng viên Nguyễn Thị Thu Hoài, Học viện CSND và Vũ Văn Chính, Đại học PCCC lĩnh vực Tiếng Anh; giảng viên Lê Lương Sơn, Học viện ANND và Ngô Văn Vinh, Học viện CSND lĩnh vực Nghiệp vụ chuyên ngành; giảng viên Phạm Xuân Thành, Học viện ANND và Nguyễn Viết Anh, Học viện ANND lĩnh vực Giáo dục quốc phòng võ thuật.
Thiếu tướng Đỗ Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Đào tạo, Trưởng Ban tổ chức Hội thi khẳng định: Hội thi giảng viên dạy giỏi cấp Bộ năm học 2021-2022 đã lựa chọn được những giảng viên tiêu biểu trong phong trào thi đua dạy giỏi để tôn vinh, nhân rộng điển hình tiên tiến, tạo động lực phấn đấu cho đội ngũ giảng viên trong các trường CAND.
Để hội thi có thể lan toả sâu rộng hơn nữa trong thời gian tới, Trưởng Ban tổ chức Hội thi đề nghị mỗi giảng viên tham dự hội thi năm nay sẽ là những người truyền lửa để tiếp thêm sức mạnh cho phong trào thi đua dạy giỏi ở các học viện, trường CAND. Với những kinh nghiệm đã có qua hội thi, các giảng viên cần tiếp tục hoàn thiện hồ sơ giáo án bài giảng, cải tiến nội dung, phương pháp dạy học để ngày càng có thêm những tiết giảng hay, đem đến cho học viên những giờ học hứng thú, sôi nổi và chất lượng.
Các học viện, trường CAND cũng cần có biện pháp nhân rộng điển hình tiên tiến để phong trào thi đua dạy giỏi trong CAND ngày càng được nâng cao; tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, trong đó đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá là những khâu đột phá để nâng cao chất lượng đào tạo; tạo sân chơi bình đẳng để mỗi giảng viên đều có điều kiện thể hiện tài năng, trí tuệ, sự sáng tạo của mình và ngày càng có nhiều giảng viên dạy giỏi cấp trường, cấp Bộ.