Nhiều ý kiến tâm huyết với Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 77

08:57 27/12/2021

Thiếu tướng Phạm Thị Lan Anh (Cục trưởng Cục Y tế Bộ Công an), Đại tá Lê Ngọc Châu (Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương), Thiếu tướng Phạm Thế Tùng (Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An), Đại tá Đỗ Triệu Phong (Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang), Thiếu tướng Lê Văn Hải (Cục trưởng Cục Hậu cần) chia sẻ nhiều ý kiến tâm huyết với Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 77.

Thiếu tướng Phạm Thị Lan Anh, Cục trưởng Cục Y tế Bộ Công an: Y tế Công an “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”

Năm 2021, dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an và sự phối hợp có hiệu quả của Công an các đơn vị, địa phương; triển khai phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc”, Cục Y tế đã tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp, tập trung cao độ triển khai thực hiện các chỉ tiêu công tác Bộ giao, các nhiệm vụ đột xuất. Vai trò trong quản lý nhà nước về y tế và bảo vệ môi trường của Cục Y tế tiếp tục được nâng cao và tăng cường. Tiếp nối thành tích đơn vị được tặng Cờ Chính phủ năm 2020, năm 2021, Cục Y tế đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được đề nghị Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc.

Thiếu tướng Phạm Thị Lan Anh, Cục trưởng Cục Y tế.
Cục Y tế đã triển khai có hiệu quả công tác quản lý, chăm sóc nâng cao sức khỏe CBCS cũng như công tác đảm bảo y tế cho các lực lượng trực tiếp chiến đấu, luôn chủ động đảm bảo cơ số thuốc, vật tư trang bị hóa chất, phương tiện phục vụ các mặt công tác Công an và phòng, chống dịch COVID-19. Việc triển khai đề án tổng thể phát triển mạng lưới y tế CAND đến năm 2030 đã có một số kết quả nhất định; từng bước giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; chất lượng khám bệnh, chữa bệnh của các Bệnh viện, Bệnh xá CAND ngày càng được nâng lên.

Bên cạnh đó, đơn vị đã làm tốt công tác y tế dự phòng, phòng chống dịch COVID-19; tham mưu thực hiện đồng bộ các giải pháp giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc, nghi mắc COVID-19, tổ chức cách ly, xét nghiệm, khoanh vùng, dập dịch; hạn chế thấp nhất các thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra trong lực lượng CAND như: Tổ chức tập huấn kỹ năng phòng, chống dịch, điều tra, truy vết cho CBCS Công an. Tổ chức tập huấn và cấp chứng chỉ về An toàn tiêm chủng cho cán bộ y tế tại 100% Công an các đơn vị, địa phương để đảm bảo các cơ sở y tế Công an đủ điều kiện tiêm chủng theo quy định. Tính đến ngày 25/12/2021, Bộ Công an đã tiêm được 786.021 liều vaccine phòng COVID-19, trong đó: 100% CBCS đã tiêm đủ 2 liều; 13.303 CBCS đã tiêm mũi 3; đã tiêm được gần 190.000 liều cho cán bộ hưu và thân nhân CBCS và trên 233.000 liều cho các đối tượng giam giữ.

Cục tham mưu với lãnh đạo Bộ quyết định cử 1.216 cán bộ y tế và hàng chục nghìn cán bộ, học viên tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các tỉnh, thành phố trọng điểm về dịch bệnh. Tham mưu với lãnh đạo Bộ thiết lập Bệnh viện dã chiến Phước Lộc và 19 cơ sở cách ly tập trung cho CBCS tại Hà Nội, miền Trung và TP Hồ Chí Minh với tổng quy mô 4.450 giường. Thiết lập Bệnh viện dã chiến Phước Lộc (huyện Nhà Bè, TP HCM) quy mô 300 giường. Thành lập Bệnh viện dã chiến thuộc Bệnh viện 30/4, thiết lập cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện 30/4, Bệnh viện 19-8, Bệnh viện Y học cổ truyền… Phối hợp với Cục Công tác đảng và công tác chính trị đề xuất khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19…

Đại tá Lê Ngọc Châu, Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương: Điểm sáng trong chiến dịch cấp căn cước công dân, hoàn thành sớm nhất toàn quốc

 Đợt bùng phát dịch thứ 3, Hải Dương là ổ dịch lớn nhất của cả nước, là địa phương đầu tiên có dịch xâm nhiễm vào các Khu Công nghiệp, Cụm Công nghiệp, doanh nghiệp, tuy nhiên, Công an tỉnh Hải Dương đã vượt qua mọi khó khăn, thực hiện thắng lợi mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa đảm bảo ANTT phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”. Đảng ủy, lãnh đạo, CBCS Công an tỉnh đã đoàn kết, thống nhất, quyết tâm, nỗ lực khắc phục khó khăn, bám sát chỉ đạo của cấp trên; đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; vận dụng sáng tạo, điều chỉnh linh hoạt các biện pháp công tác; đẩy mạnh các phong trào thi đua do Bộ Công an và các cấp phát động với nội dung thiết thực, hình thức, cách làm linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm từng đơn vị, từng địa bàn. 

Đại tá Lê Ngọc Châu.

Kết quả nổi bật là đã chủ động tham mưu tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, không quản ngày đêm, phát huy vai trò nòng cốt, tuyến đầu trên mặt trận phòng, chống dịch COVID-19, nhất là việc ứng dụng có hiệu quả khoa học công nghệ trong truy vết, phục vụ kịp thời công tác xác định nguồn lây, cách ly, xét nghiệm, khoanh vùng, dập dịch…

Đặc biệt, công tác quản lý Nhà nước về ANTT được tăng cường, gắn với cải cách hành chính, phục vụ ngày càng tốt hơn các nhu cầu chính đáng của Nhân dân. Lãnh đạo, CBCS nỗ lực ngày đêm, tăng tốc, thực hiện quyết liệt chiến dịch cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử, hoàn thành sớm nhất toàn quốc, vượt 47 ngày so với Kế hoạch của Bộ đề ra. Công tác phòng chống tội phạm thu được nhiều kết quả quan trọng, đã đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm; kéo giảm 22,7% số vụ vi phạm pháp luật về trật tự xã hội; đã điều tra, khám phá 94,2% số vụ án xảy ra.

Công an tỉnh đã xây dựng 24 mô hình hiệu quả được Bộ Công an, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh ghi nhận và nhân rộng; chủ động tham mưu, phối hợp cấp uỷ, chính quyền các cấp tổ chức triển khai xây dựng điểm “Xã điển hình về phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ”, “Phường điển hình về bảo đảm trật tự đô thị” và  “Công an xã, phường, thị trấn điển hình, kiểu mẫu về ANTT”, góp phần xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, an dân.  Với thành tích đạt được, năm 2021 đã có gần 1.300 lượt tập thể, cá nhân được các cấp khen thưởng.

Công an tỉnh đã 2 lần được đề nghị Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng Ba và Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì. Tổng kết phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc”, Công an tỉnh được đề nghị Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc. Năm 2022, lan tỏa khí thế mới của Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 77, Công an tỉnh sẽ tiếp tục đoàn kết, thống nhất, phát huy kết quả, thành tích đã đạt được; bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Công an, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh; quán triệt nghiêm túc phương châm hành động “Chủ động, linh hoạt, nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả - Vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân”, quyết tâm tổ chức triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao.

Thiếu tướng Phạm Thế Tùng, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An: Kéo giảm tội phạm, giữ bình yên xứ Nghệ.

 Bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, toàn diện của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an và cấp ủy, chính quyền tỉnh Nghệ An, trong năm qua Công an Nghệ An đã khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực hết mình, đẩy mạnh thi đua để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, có nhiều giải pháp sáng tạo, hiệu quả cao. Nổi bật là làm tốt công tác nắm tình hình, từ sớm, từ xa, từ trước, đồng thời luôn chủ động, nhạy bén, sát thực tiễn, đầu tư công sức, trí tuệ để tham mưu cấp ủy, chính quyền tổ chức triển khai hiệu quả công tác bảo đảm ANTT trên địa bàn. Năm 2021, đã tham mưu hơn 90 văn bản lớn, trong đó có 11 nghị quyết, chỉ thị, đề án, quy chế, quy trình mang tầm chiến lược.

Thiếu tướng Phạm Thế Tùng.

Bên cạnh đó, tích cực triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp, giải pháp bảo vệ vững chắc An ninh Quốc gia, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ, hình thành "điểm nóng", phức tạp. Đấu tranh quyết liệt, hiệu quả đối với các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, không để xảy ra tội phạm có tổ chức hoạt động theo kiểu "xã hội đen". Làm tốt công tác phòng ngừa và kéo giảm 11% tội phạm về trật tự xã hội (vượt 6% so với chỉ tiêu của Bộ Công an giao). Công tác đấu tranh với tội phạm ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm liên quan "tín dụng đen" tiếp tục được Bộ Công an đánh giá, ghi nhận rất cao, được nhiều lượt biểu dương, khen thưởng.

Công an tỉnh Nghệ An thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về ANTT, gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, là năm thứ 6 liên tiếp được Bộ Công an xếp thứ nhất về chỉ số cải cách hành chính trong toàn lực lượng. Cùng với lực lượng Công an toàn quốc, Công an tỉnh Nghệ An là lực lượng chủ công, nòng cốt của tỉnh trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh trên địa bàn. Phong trào bảo vệ An ninh Tổ quốc tiếp tục được phát triển sâu, rộng, chất lượng; trong năm đã xây dựng 2 mô hình, nâng tổng số lên 11 mô hình được Bộ Công an thông báo biểu dương, nhân rộng toàn quốc từ trước đến nay.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng, hậu cần, kỹ thuật luôn được Công an tỉnh Nghệ An xác định là cốt lõi, tiền đề quan trọng nhất để tạo bước đột phá xuất sắc cho các mặt công tác Công an khác. Đặc biệt, đã có nhiều giải pháp, cách làm hay, sáng tạo trong xây dựng lực lượng Công an cơ sở, nhất là đề xuất chính quyền bố trí trụ sở Công an xã chính quy, tiết kiệm ngân sách cho Bộ Công an hàng trăm tỷ đồng. Với những thành tích, chiến công đã đạt được, năm 2021 là năm thứ 7 liên tiếp Công an tỉnh Nghệ An vinh dự được đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc.

Đại tá Đỗ Triệu Phong, Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang: Nỗ lực vì sự bình yên thành phố đảo ngọc Phú Quốc

Bên lề Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 77, Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang đã chia sẻ với các đại biểu những thuận lợi, khó khăn, cách làm hay, sáng tạo, những kinh nghiệm trong công tác giữ vững ANTT ở địa bàn vùng cực Nam của Tổ quốc, nơi có TP đảo Phú Quốc xinh đẹp đang đô thị hóa với tốc độ chóng mặt; công tác phối hợp với lực lượng vũ trang, bảo đảm an ninh trên biển, ANTT ở địa bàn vùng biên giới giáp 3 tỉnh Vương quốc Campuchia…

Đại tá Đỗ Triệu Phong, Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang.

Năm 2021, trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, Công an tỉnh đã rất nỗ lực, quyết tâm, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nhà nước và của Bộ Công an về nhiệm vụ công tác Công an, giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Tổng kết phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc”, Công an tỉnh Kiên Giang được đề nghị Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc. Đặc biệt, trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, Công an tỉnh đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương chiến công hạng II.  Nổi bật là ngay từ năm 2020, Công an tỉnh đã xây dựng Kế hoạch chuyên đề và đã tham mưu ban hành Nghị quyết số 11 của Tỉnh uỷ và Kế hoạch số 132 của UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp đấu tranh, phòng chống tội phạm và giải quyết tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, với mục tiêu cao nhất là kiềm chế, tiến tới triệt tiêu các nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm và tệ nạn xã hội. Quy định, mỗi cấp uỷ, tổ chức Đảng phải xác định phòng chống tội phạm là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên và đưa vào chương trình, kế hoạch công tác trong từng thời gian để tổ chức thực hiện ở cơ quan, đơn vị mình; xem đây là một trong các tiêu chí đánh giá, xếp loại cấp uỷ, tổ chức Đảng hằng năm; đồng thời là tiêu chí để nhận xét đánh giá cán bộ, đảng viên và cá nhân người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp. Giao Công an tỉnh là cơ quan Thường trực, trong đó, đồng chí Giám đốc Công an tỉnh là Phó Ban thường trực Ban kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết của Tỉnh uỷ.

Đây là cách làm mới, sáng tạo của Công an tỉnh; qua đó, đã kéo giảm sâu 9,21% số vụ phạm tội so với năm 2020; triệt xóa nhiều băng, nhóm, bắt xử lý hàng trăm đối tượng, giải quyết cơ bản ổn định tình hình ANTT trên địa bàn… Công an tỉnh đã xây dựng và triển khai Quy chế quản lý, phòng ngừa sai phạm đối với CBCS nhằm chủ động phòng ngừa CBCS sai phạm, đặc biệt là số cán bộ trẻ, chiến sĩ nghĩa vụ… gắn trách nhiệm của Thủ trưởng và chỉ huy trực tiếp trong công tác quản lý nhằm hạn chế tối đa CBCS sai phạm.

Đặc biệt, sau một thời gian đóng băng, từ ngày 1-14/11, TP Phú Quốc đã đón hơn 10.800 khách trong nước và quốc tế đến du lịch. Dự kiến, đầu tháng 1/2022 sẽ có nhiều đoàn khách quốc tế và trong nước đến đây du lịch, nghỉ dưỡng trong điều kiện “bình thường mới”. Công an tỉnh sẽ luôn bám sát chủ trương, chỉ đạo của Bộ Công an, Tỉnh ủy và UBND tỉnh chủ động triển khai, thực hiện quyết liệt có hiệu quả các Kế hoạch đảm bảo an ninh du lịch, sẵn sàng chào đón du khách đến tỉnh, quyết tâm đem lại niềm tin và điểm sáng cho ngành Du lịch phục hồi sau thời gian bị kiệt quệ do ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19- Đại tá Đỗ Triệu Phong cho hay. 

Thiếu tướng Lê Văn Hải, Cục trưởng Cục Hậu cần: Bảo đảm hậu cần quản trị, đáp ứng yêu cầu công tác, chiến đấu trong bối cảnh dịch COVID-19

Năm 2021, Tổng kết phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc”, Cục Hậu cần được đề nghị Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc, sau 6 năm liên tục được tặng Cờ thi đua của Bộ Công an. Năm qua, khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Cục Hậu cần đã thực hiện tốt chức năng giúp Bộ trưởng tổ chức thực hiện công tác hậu cần quản trị cơ quan Bộ, đáp ứng yêu cầu công tác, chiến đấu, xây dựng lực lượng; tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng ở cơ quan Bộ; trực tiếp quản lý các Nhà khách, Nhà nghỉ dưỡng, Nhà công vụ thuộc Bộ theo quy định của Nhà nước và Bộ Công an.

Thiếu tướng Lê Văn Hải.

Cục Hậu cần là đơn vị có quân số đông, lại phụ trách một lĩnh vực đặc thù, bám sát Nghị quyết của Đảng uỷ Công an Trung ương và Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Công an về nhiệm vụ công tác Công an năm 2021, tập thể Đảng ủy, lãnh đạo chỉ huy các cấp đoàn kết, nhất trí trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; phát huy, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, tuân thủ nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.

Nổi bật là, Đảng ủy, lãnh đạo Cục Hậu cần đã chỉ đạo quyết liệt xây dựng hành lang pháp lý đảm bảo thực hiện tốt công tác hậu cần quản trị cơ quan Bộ; triển khai có hiệu quả công tác bố trí, sắp xếp diện tích làm việc cho các đơn vị trực thuộc Bộ; cải tạo, sửa chữa Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư đảm bảo đúng kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; triển khai 2 dự án trọng điểm của Bộ tại Hà Nội; thực hiện nhiệm vụ hậu cần, quản trị phục vụ 117 hội nghị, hội thảo chuyên đề của Bộ và các đơn vị trực thuộc Bộ. 

Bên cạnh đó, đơn vị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm hậu cần, phục vụ Bộ Chỉ huy tiền phương của Bộ Công an phòng, chống dịch COVID-19 tại phía Nam; Bệnh viện dã chiến Bộ Công an. Tính riêng từ ngày 31/8/2021 đến 10/10/2021, các lực lượng thuộc Cục Hậu cần đã cung cấp 60.000 suất ăn bảo đảm dinh dưỡng cho đội ngũ y, bác sỹ, nhân viên y tế, nhân viên phục vụ và bệnh nhân điều trị COVID-19. Từ 15/8/2021 đến 9/11/2021, đơn vị đã bố trí 1.499 chuyến xe an toàn, phục vụ 4.144 lượt CBCS.

Cục đã và đang đảm bảo cơ sở cách ly tập trung tại các nhà khách, nhà nghỉ dưỡng và luôn sẵn sàng chuẩn bị các phương án trong trường hợp được trưng dụng làm cơ sở cách ly phòng, chống dịch COVID-19 theo Kế hoạch của Bộ Công an cũng như Kế hoạch địa phương. “Với tình hình như hiện nay, diễn biến dịch còn phức tạp, Cục Hậu cần sẽ chủ động “đi trước, đón đầu”, bảo đảm hậu cần quản trị phục vụ công tác, chiến đấu của toàn lực lượng CAND, đáp ứng nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất”- Thiếu tướng Lê Văn Hải nhấn mạnh khi nói về một trong những nhiệm vụ chính công tác năm 2022. 

Nhóm PV

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Trần Hồng Minh vừa công điện gửi Cục Đường cao tốc Việt Nam, Cục Đường bộ Việt Nam, các ban quản lý dự án, nhà đầu tư về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện 8 dự án đầu tư kinh doanh công trình trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

46,15% cơ quan, doanh nghiệp bị tấn công mạng trong năm 2024; Số vụ tấn công mạng ước tính lên tới hơn 659.000 vụ; Việt Nam thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực chuyên trách về an ninh mạng; Tấn công có chủ đích, tấn công gián điệp và tấn công mã hoá dữ liệu là những hình thức tấn công phổ biến nhất; Tỷ lệ sử dụng sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” còn rất khiêm tốn, chỉ 24,77%; Tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân đáng báo động nhưng công tác đảm bảo an ninh còn nhiều lúng túng.

Ngày 23/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, liên quan vụ án "Đưa hối lộ" và "Nhận hối lộ" xảy ra tại tại Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi đã khởi tố thêm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” đối với một số đối tượng.

Sáng mai (24/12), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2) về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Che giấu tội phạm”.

Ngày 23/12, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết đã nắm thông tin phản ánh của người thân một nữ bệnh nhân trẻ trên mạng xã hội Facebook về hành vi thiếu chuẩn mực của bác sĩ nam khi siêu âm tuyến giáp, tim và bụng. Sự việc xảy ra tại Phòng khám Đa khoa thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Tư vấn dịch vụ y tế Y Đạo (địa chỉ 46-48 Ngô Quyền, phường 5, quận 10).

Công an huyện Lục Nam, Bắc Giang đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 5 triệu đồng đối với M.V.S về hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.

Quyết tâm duy trì mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" hiệu quả, thay đổi bộ mặt giao thông Thủ đô, lực lượng CSGT xử lý nghiêm tất cả những tài xế xe máy và ô tô có thói quen đứng đè vạch dừng hoặc đè vạch sang đường của người đi bộ, khi bị xử lý lại đổ lỗi do đường đông và đi vội.

Dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50 (QL50) đoạn qua địa bàn huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh với chiều dài hơn 6,9km, tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và TP Hồ Chí Minh với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên tuyến nối từ TP Hồ Chí Minh đi Long An, Tiền Giang dù đã được HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư từ tháng 6/2021, nhưng đến nay nhiều gói thầu xây lắp chính mới đạt tỷ lệ rất thấp…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文