Những cách làm sáng tạo nâng cao hiệu quả đề án 06 ở Điện Biên

06:59 12/03/2023

Mục tiêu tổng quát Ðề án 06 của Chính phủ là ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ Căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nhằm bảo đảm tiến độ và hiệu quả đề ra với mục tiêu cao nhất là vì lợi ích của quốc gia, người dân và của doanh nghiệp, trên cương vị là đơn vị thường trực tham mưu tổ chức triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính Phủ, Công an tỉnh Điện Biên đã có nhiều cách làm sáng tạo, hợp lòng dân, mang lại hiệu quả chuyển biến tích cực trên địa bàn.

Lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số

"Chuyển đổi số chính là dữ liệu, sử dụng dữ liệu để ra các quyết định. Chúng ta nên tiếp cận chuyển đổi số theo góc nhìn này" - đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng tại hội nghị Tập huấn, tọa đàm về vai trò của chuyển đổi số đối với nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ; cũng đồng thời là khẩu hiệu phương châm hành động của  tỉnh Điện Biên trong tiến trình triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ. 

CATP Điện Biên Phủ tích hợp định danh điện tử cho công dân.

Trung tá Trần Ngọc Ánh, Phó Trưởng Công an TP Điện Biên Phủ chia sẻ: "Thực hiện đúng phương châm "cầm tay, hướng dẫn", với vai trò là cơ quan thường trực trong triển khai thực hiện Đề án 06, Công an TP Điện Biên Phủ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu và chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể duy trì thường xuyên các tổ công tác tại các tổ dân phố, bản để hướng dẫn nhân dân tiếp cận, kích hoạt và sử dụng tài khoản định danh điện tử nhằm phục vụ tối đa các tiện ích mà nhân dân có thể được thụ hưởng"…

Công an tỉnh Điện Biên đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp, tạo chuyển biến rõ nét trong cải cách thủ tục hành chính với phương châm lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số. Để người dân, tổ chức và doanh nghiệp có thể hiểu, cập nhật đầy đủ, toàn diện về tính năng, tác dụng và những tiện ích của quá trình thực hiện phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia trên nền tảng khoa học và công nghệ, tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử để hình thành công dân số, xã hội số, lực lượng Công an đã tham mưu cho cấp ủy chính quyền các cấp tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là sử dựng hệ thống truyền thanh cấp cơ sở.

Căn cứ vào đặc điểm tình hình dân cư ở từng địa bàn, trên cơ sở các bài tuyên truyền bằng tiếng phổ thông, lực lượng Công an đã cho phiên dịch, thu âm thành các thứ tiếng dân tộc thiểu số để đồng bào các dân tộc có thể tiếp cận gần hơn với nội dung này. Đồng thời, lực lượng Công an từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã đã phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, tranh thủ ngày nghỉ, ngày lễ, thành lập các tổ công tác cố định và lưu động phối hợp với các cơ quan, đơn vị đến từng bản, khu phố, từng nhà dân triển khai, hướng dẫn, cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử qua phần mềm VNeID cho nhân dân…

Bước đột phá trong triển khai

Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, đồng chí Lê Thành Đô cho biết: Tỉnh Điện Biên đã thực hiện nghiêm túc, bài bản với quyết tâm tạo bước đột phá trong triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp. Từ khi thành lập, Ban Chỉ đạo 06 tỉnh đã thường xuyên tổ chức họp định kỳ hằng tháng để đánh giá kiểm điểm tình hình, tiến độ triển khai thực hiện, báo cáo Tổ công tác Ðề án 06 Chính phủ. 100% UBND cấp huyện, cấp xã và thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn đã thành lập Ban Chỉ đạo 06 và Tổ công tác 06 để chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ cụ thể tại cấp cơ sở.

Hệ thống thông tin Một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã kết nối và khai thác thành công dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin theo quy định. Tỉnh Điện Biên đã hoàn thành triển khai (đạt 92%) với 23 trong tổng số 25 dịch vụ công thiết yếu theo Ðề án 06. 100% thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực cư trú, con dấu và hộ chiếu được tiếp nhận và giải quyết hoàn toàn trên môi trường trực tuyến.

Đảm nhiệm vai trò bảo đảm hạ tầng, công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên đã tích cực triển khai nhiều giải pháp, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh. Ông Vũ Anh Dũng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Sở đã triển khai các giải pháp bảo đảm hạ tầng kỹ thuật, đường truyền kết nối, quản lý, duy trì, vận hành, phát triển nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh. Phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an tiến hành kiểm tra, đánh giá an ninh mạng, an toàn hệ thống Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh có kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, qua đó đánh giá Điện Biên là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước bảo đảm các điều kiện về an ninh, an toàn cho việc kết nối.

Tuy nhiên, việc thực hiện Ðề án 06 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Điện Biên cũng còn đang gặp một số khó khăn, vướng mắc. Việc làm sạch dữ liệu và cập nhật thông tin số CCCD, định danh cá nhân vào cơ sở BHXH của Bảo hiểm xã hội tỉnh mới đạt 69,5% làm ảnh hưởng đến tỷ lệ người dân khi dùng thẻ CCCD đi khám chữa bệnh còn thấp (mới đạt 84%).

Tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến chưa cao một phần do trình độ tin học của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở và trình độ dân trí của người dân còn hạn chế; thiết bị tiếp nhận thủ tục hành chính có cấu hình thấp; hệ thống đôi khi còn bị mất kết nối hoặc kết nối chậm. Việc số hóa dữ liệu sổ hộ tịch; việc làm sạch thông tin thuê bao di động và xử lý sim rác; việc xây dựng trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) còn bị chậm. Số lượng hồ sơ phát sinh trên cổng dịch vụ công trực tuyến về thủ tục cấp đổi lại giấy phép lái xe còn thấp. Chưa có nguồn ngân sách riêng cho việc tổ chức thực hiện Đề án 06 nên phải lựa chọn ưu tiên nhiệm vụ cần thiết triển khai trước và chia ra trong nhiều năm.

Kết quả từ những nỗ lực

Đề án 06 là bước tiếp theo cụ thể hóa những tiện ích từ dữ liệu dân cư và thẻ CCCD gắn chíp điện tử, giúp người dân, doanh nghiệp số hóa tất cả thông tin cá nhân, giấy tờ tùy thân để có thể thay đổi phương thức thủ tục hành chính thủ công sang phương thức điện tử một cách thuận tiện nhất, góp phần tạo nền móng cơ bản để xây dựng Chính phủ điện tử, xã hội số thông minh.

Sau khi có quyết định và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch và công văn chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ban, ngành, UBND các cấp trên địa bàn triển khai thực hiện Đề án 06; đồng thời phê duyệt danh sách thành viên, kiện toàn tổ công tác, quy chế hoạt động, thành lập tổ giúp việc tập trung thực hiện nhiệm vụ triển khai theo Đề án 06 và tiến độ triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu. Các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã thành lập các tổ công tác, đẩy mạnh tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân hiểu, tích cực tham gia.

Hiện nay, tỉnh Điện Biên đã triển khai thực hiện tích hợp, kết nối và chia sẻ giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh phục vụ xác thực, chia sẻ thông tin công dân khi thực hiện thủ tục hành chính theo nguyên tắc không yêu cầu khai báo lại các thông tin đã có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ.

Cùng với đó, đẩy mạnh thực hiện công tác đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính theo đúng quy định của Chính phủ, giảm tối đa thời gian đi lại của công dân, tiết kiệm cho Nhà nước kinh phí phục vụ lưu trữ, bảo quản hồ sơ.

Đến nay, Điện Biên đã thu nhận được gần 234.000 hồ sơ định danh điện tử; tiến hành làm sạch dữ liệu khách hàng, chuẩn hóa thông tin cho 26.142 thuê bao di động, cấp 34.417 tài khoản ngân hàng miễn phí cho công dân phục vụ thanh toán phí và lệ phí không dùng tiền mặt. Đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ thủ tục hành chính phấn đấu hoàn thành trong quý II.2023. Để bảo đảm dữ liệu luôn "đúng, đủ, sạch, sống", Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an cấp huyện, cấp xã tiếp tục duy trì, đôn đốc thực hiện quyết liệt các giải pháp "làm sạch" dữ liệu dân cư đồng thời tăng cường kiểm soát, nhắc nhở hàng ngày đến cấp xã để thực hiện.

Toàn tỉnh đã thu thập, làm sạch 656.251 dữ liệu dân cư (đạt 100%); thu nhận 478.011 hồ sơ CCCD (đạt 98,5%). Đã tiếp nhận, giải quyết 135.678/213.667 hồ sơ trực tuyến (đạt 63,5%), trong đó các thủ tục hành chính do lực lượng Công an chủ trì đạt 86.004/162.006 (52,5%). Thực hiện rà soát, bổ sung thông tin biến động chung về trẻ em và phần mềm quản lý trẻ em tại cơ sở vào cơ sở dữ liệu trẻ em theo quy trình chuẩn hóa của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đạt 78,87%; rà soát, bổ sung và chuẩn hóa dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội đạt 98,80% vào phần mềm quản lý và chuẩn hóa dữ liệu theo Đề án 06.

Để triển khai hiệu quả và đúng tiến độ của Đề án 06 trên địa bàn, thời gian tới, các đơn vị, địa phương trong tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện tốt các dịch vụ công trên môi trường điện tử; cải cách triệt để các thủ tục, quy trình, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp; bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn hệ thống và dữ liệu theo đúng tinh thần chủ đề năm 2023 - Năm quốc gia về dữ liệu số là "Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới", đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong phát triển đất nước.

Hương Giang

Sáng 17/11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú lần thứ 16 và tuyên dương Nhà giáo tiêu biểu năm 2024. Chương trình nhằm biểu dương, tôn vinh và tri ân các nhà giáo tiêu biểu xuất sắc, có nhiều đổi mới sáng tạo và đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của đất nước.

Trước ngày khởi công Dự án đường Vành đai 3 (18/6/2023) Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến trước ngày 31/12/2023 sẽ bàn giao 100% mặt bằng phục vụ dự án. Nhưng thực tế việc giải phóng mặt bằng và thi công các gói thầu diễn ra rất chậm…

Bộ Xây dựng thống kê, giá bất động sản tại một số địa phương vẫn có xu hướng tăng, đặc biệt là ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các đô thị lớn. Điển hình như tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư tiếp tục tăng ở cả dự án mới và cũ. Mặt bằng giá dự án mới quý III/2024 đã tăng từ 4-6% theo quý và từ 22-25% theo năm. Đặc biệt, có một số khu vực tăng cục bộ lên khoảng 35-40% tùy từng vị trí so với quý trước.

Ngày 17/11, thông tin từ Công an tỉnh Bình Phước cho biết đang tạm giữ 14 đối tượng về các hành vi mua bán và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, thu giữ hơn 6kg ma túy, 1 khẩu súng và nhiều phương tiện pha trộn, đóng gói ma túy.

Ngày 17/11, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đồng Tháp đang tạm giữ hình sự Phạm Hải Đức (SN 1990, ngụ phường 1, Quận 4, TP Hồ Chí Minh) và Tăng Hạ Quốc Huy (Việt kiều Canada, SN 1988, tạm trú phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1, TP Hồ Chí Minh)  để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trong bối cảnh thị trường nhà ở đang mất cân đối cung - cầu nghiêm trọng, giá nhà ngày càng tăng cao ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận nhà ở của người dân, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, việc cho phép thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thoả thuận về nhận quyền sử dụng đất sẽ giải quyết được một số tồn tại của thị trường bất động sản hiện nay.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文