Những câu chuyện cảm động từ Đề án 06

08:27 25/03/2024

Giữa tháng 3 vừa qua, được nhận tờ giấy khai sinh, bà Dương Bạch Mai (SN 1970, nhà ở khu Mả Lạng, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP Hồ Chí Minh) cười mà nghẹn ngào: “Bao năm qua trông chờ, giờ tôi mới được nhận giấy khai sinh của mình. Vậy là tôi sẽ được làm căn cước công dân (CCCD), sẽ được mua bảo hiểm y tế (BHYT)”.

Sống ở khu Mả Lạng mấy chục năm với nghề làm thuê, làm mướn, bà Mai chưa bao giờ dám nghĩ mình sẽ làm được giấy tờ tùy thân cho đến khi được Cảnh sát khu vực đến tận nhà hỏi xác minh lý lịch và cho biết Công an, UBND phường đang rà soát các trường hợp không có giấy tờ tùy thân để làm thủ tục cấp giấy khai sinh.

Niềm vui của người dân khu Mả Lạng, quận 1 khi nhận giấy khai sinh.

“Từ giờ trở đi, cuộc sống của tôi chắc sẽ đỡ khó khăn hơn”, bà Dương Bạch Mai bày tỏ sự vui mừng.

Cụ Trần Thị Bánh (SN 1948) cũng  vừa được nhận giấy khai sinh của chính mình. Tuổi đã rất cao, mắt mờ, chân yếu, đi lại chậm chạp nhưng cụ Bánh vẫn còn phải nuôi cháu nội (do con dâu bỏ đi, người con trai đang thụ án tù vì tội mua bán ma túy). Hàng ngày, hai bà cháu bảo bọc nhau bằng nghề giặt đồ thuê của cụ Bánh.

Không có giấy tờ tùy thân, không có BHYT nên lúc ốm đau, bệnh tật, cụ Bánh chỉ dám mua thuốc quanh quẩn để uống. Chính quyền, đoàn thể địa phương đã quan tâm hỗ trợ nhiều nhưng do cụ không có giấy khai sinh, không có mã định danh cá nhân nên không thể mua được BHYT.

Bà Mai, cụ Bánh chỉ là 2 trong số 26 trường hợp nhân khẩu đặc biệt được cấp giấy khai sinh vào sáng 15/3. Khu Mả Lạng, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1 là địa bàn từng một thời phức tạp với đủ thứ tệ nạn, đặc biệt là ma túy…  Đến năm 2003, khi lực lượng chức năng và Công an địa phương quyết liệt đấu tranh, trấn áp, triệt tiêu các băng nhóm thì tình hình an ninh trật tự tại đây mới ổn định, cuộc sống khu Mả Lạng bình yên trở lại. Tuy nhiên, nơi đây vẫn là những khu nhà xuống cấp với những mảnh đời éo le, nghèo khó. Không ít người không có giấy tờ tùy thân khiến họ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống...

Thực hiện kế hoạch 1878 (kế hoạch giải quyết cư trú và cấp CCCD cho nhân khẩu đặc biệt trên địa bàn TP Hồ Chí Minh) của Ban Chỉ đạo Đề án 06 TP Hồ Chí Minh với phương châm “Để không ai bị bỏ lại phía sau”, Công an quận 1 đã triển khai kế hoạch tổ chức phân công, triển khai thực hiện công tác thu thập dữ liệu dân cư, cấp định danh cá nhân, giải quyết cư trú và cấp CCCD các trường hợp thuộc diện nhân khẩu đặc biệt trên địa bàn quận 1.

Công an phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1 đã phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, xuyên suốt với từng nhiệm vụ cụ thể gắn liền với phương châm “trách nhiệm, hiệu quả” với tiêu chí “dễ làm trước, khó làm sau”, phấn đấu 100% công dân thuộc diện nhân khẩu đặc biệt đang cư trú trên địa bàn được cấp định danh cá nhân, giải quyết cư trú, cấp CCCD, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của công dân, góp phần đưa Đề án 06 đi vào cuộc sống.

Mới đây, cũng từ phần mềm Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư (CSDLQGVDC), Công an phường Thới An, quận 12, cũng đã giúp ông Vũ Đình Phước (SN 1976, quê quán Kim Xuyên, Kim Thành, Hải Dương) kết nối và đoàn tụ với người thân sau gần 30 năm lưu lạc…

Khởi đầu vào rạng sáng 13/3, Công an quận 12 tiến hành kiểm tra 3 quán cà phê võng thuộc khu phố 1, phường Thới An, mời 55 người về trụ sở Công an phường để làm việc, qua đó phát hiện có 21 trường hợp không có giấy tờ tùy thân, trong số đó có ông Vũ Đình Phước.  Vẻ mặt khắc khổ, ẩn chứa một điều gì rất khó nói ở người đàn ông này. 

Công an phường Thới An tiến hành tra cứu trên hệ thống CSDLQGVDC và đã xác định có ông Vũ Đình Phước. Sau đó, Công an phường đã liên hệ, phối hợp Công an xã Kim Xuyên, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương để xác minh thông tin.

Nhận được thông tin do Công an xã Kim Xuyên cung cấp, 3 người anh, chị của ông Vũ Đình Phước đã vui mừng, tức tốc trong đêm bay ngay vào TP Hồ Chí Minh, đến Công an phường Thới An để gặp người em đã lưu lạc gần 30 năm trước. Cả 4 người anh, chị, em ruột hội ngộ trong hạnh phúc nhưng đẫm nước mắt.

Ông Lê Văn Hải (SN 1962; ngụ tại nhà không số, sau nhà 113/2, tổ 8, ấp Tân Thới 2, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn) thì không biết chữ và có hoàn cảnh rất khó khăn.

Chấp hành án xong vào năm 1986, ông Hải trở về địa phương sinh sống nhưng đã bị xóa đăng ký thường trú do phải đi cải tạo. Từ đó đến nay, ông Hải thường xuyên rời khỏi địa phương đi bán vé số kiếm sống. Ông không có đất đai, nhà cửa nên phải ở tạm căn chòi do người anh họ dựng cho.

Công an xã Tân Hiệp nhiều lần tìm cách hỗ trợ nhưng do không có giấy tờ nhà, không còn giấy tờ gốc nên ông Hải gặp nhiều khó khăn trong thủ tục hành chính (TTHC). Công an xã Tân Hiệp đã liên hệ tra cứu, tìm kiếm nguồn gốc, đăng ký khai sinh cho người đàn ông năm nay đã ngoài 60 tuổi. Sau đó, Thượng úy Nguyễn Đình Văn, Công an xã Tân Hiệp, đã hướng dẫn cho ông Hải làm tục để xin sửa chữa căn nhà, tìm nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí xây dựng cho ông Hải căn nhà tình nghĩa. Thượng úy Nguyễn Đình Văn cũng đã vận động gia đình người anh họ bảo lãnh cho ông Hải được đăng ký thường trú, làm thủ tục xác nhận tình trạng nhà ở và đăng ký hộ khẩu thường trú cho ông Hải thành công.

Tại TP Hồ Chí Minh, nhiều mô hình thực hiện Đề án 06 đã và đang đem lại hiệu quả thiết thực, điển hình như mô hình “Đăng ký khai sinh, cấp mã định danh cá nhân và thẻ BHYT cho trẻ sơ sinh” do Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 quận 5 phối hợp với Bệnh viện Hùng Vương thực hiện.

Theo đó, thay vì gia đình đến UBND phường làm thủ tục đăng ký và chờ ngày hẹn để được cấp giấy khai sinh và mã định danh thì nay người dân chỉ cần ngồi tại nhà truy cập vào Cổng dịch vụ công thành phố đăng ký. Sau đó, đến UBND phường nhận giấy khai sinh có tích hợp mã định danh và thẻ BHYT cho trẻ. Việc triển khai thành công mô hình này đã giúp người dân giảm TTHC, chi phí, thời gian di chuyển để làm TTHC liên quan đến khai sinh cho trẻ như trước đây…

Phú Lữ

Chiến lược dữ liệu quốc gia được Thủ tướng Chính phủ xác định là nguồn tài nguyên mới, yếu tố then chốt cho chuyển đổi số quốc gia, tạo ra giá trị mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phục vụ lợi ích người dân. Dữ liệu của Việt Nam mở ra không gian hoạt động và phát triển mới cho Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Đàm Vĩnh Hưng, lại một lần nữa là Đàm Vĩnh Hưng, những ngày qua đã làm dậy sóng dư luận trong lần xuất hiện hoành tráng của mình. Câu hỏi tại sao lại là Đàm Vĩnh Hưng có thể dễ được lý giải theo chủ quan của Hưng là "các thành phần xấu lợi dụng đẩy câu chuyện này đi xa", nhưng cũng sẵn sàng được một chiều khác của dư luận diễn dịch theo cách: "Vì sự tự tin thái quá dẫn đến quyết định phản cảm của chính Đàm Vĩnh Hưng".

Gần 2 tháng qua, nhiều hộ nông dân trồng lúa trên địa bàn tỉnh An Giang tham gia liên kết sản xuất với Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (gọi tắt là Tập đoàn Lộc Trời) như ngồi trên đống lửa khi lúa đã bán đi, tiền chưa nhận được, nợ chi phí sản xuất của vụ Đông Xuân chưa trả thì gánh nặng của đợt xuống giống vụ Hè Thu lại đến…

Dự thảo Nghị định quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo và dự thảo Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (TĐC) khi Nhà nước thu hồi đất do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo đang được đưa ra lấy ý kiến đã nhận được nhiều sự quan tâm của người dân, doanh nghiệp.

Điện Biên là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng, là tỉnh duy nhất có chung đường biên giới với 2 quốc gia Lào và Trung Quốc. Nhận thức sâu sắc vai trò quan trọng của quan hệ hợp tác quốc tế, Đảng ủy Ban Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo triển khai đồng bộ các hoạt động đối ngoại trong đó có hợp tác quốc tế với Công an các tỉnh có đường biên giới tiếp giáp thuộc 2 quốc gia Lào và Trung Quốc trong đấu tranh với tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia…

Các đơn vị trúng thầu dự án đường nối đường Hồ Chí Minh nhánh Đông với đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, đi qua địa bàn xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, đã san ủi đồi núi, đổ lấp xuống con sông chảy qua địa bàn xã này hàng nghìn m3 đất đá. Hậu quả của việc làm này không chỉ gây ra tình trạng sông suối bị chặn dòng, thiếu hụt nguồn nước sinh hoạt, sản xuất ở vùng hạ du, mà còn gây ô nhiễm môi trường xung quanh; gây bồi lấp, nhấn chìm ruộng đồng, nhà cửa của hàng trăm hộ dân ở đây vào mùa mưa lũ.

Chỉ trong vòng 3 tháng, bóng đá Việt Nam liên tục rúng động vì thông tin các cầu thủ chuyên nghiệp "nhúng chàm". Sau vụ 5 cầu thủ Bà Rịa Vũng Tàu bị bắt vì nghi vấn dàn xếp tỷ số đến lượt 5 cầu thủ của Hồng Lĩnh Hà Tĩnh bị tạm giam vì liên quan đến ma túy.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文