Những người lính cứu nạn trên sông Đồng Nai

15:52 02/11/2022

Với người lính cứu nạn, cứu hộ, họ không có khái niệm ngày hay đêm, mà bất kể giờ nào, khi nhận được lệnh đều tức tốc lên đường. Họ không nhớ mình đã tham gia bao nhiêu vụ, nhưng lần nào cũng nỗ lực hết sức, chạy đua với thời gian, chạy đua cùng tử thần, chiến đấu với hà bá để giành giật sự sống cho con người...

1. Chúng tôi tới mé sông Đồng Nai, nơi đóng quân của tổ cứu nạn, cứu hộ thuộc Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) trên sông (thuộc Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Đồng Nai) trong một ngày bận rộn với các bài huấn luyện trên sóng nước của các anh. Trung tá Lê Trí Cường - Đội trưởng chỉ ra dãy ca nô trực chiến trước mặt, cho biết, chúng luôn trong tư thế quay đầu trước mũi sóng và lao vun vút trong màn đêm, tranh thủ từng giây, từng phút. Đó chính là vũ khí chiến đấu của lính CNCH sông nước.

Một trường hợp cứu người đuối nước trên sông Đồng Nai.

Hơn 20 năm trong ngành, dù trải qua nhiều đơn vị công tác, Trung tá Cường vẫn luôn gắn bó với nghề chữa cháy và CNCH. Là chỉ huy đội nhưng khi xảy ra vụ việc, anh cũng là một người lính chữa cháy và CNCH chuyên nghiệp. Trên khúc sông Đồng Nai, từ năm 2018 đến nay là khoảng thời gian mà Trung tá Cường cùng đồng đội thực hiện nhiều vụ cứu hộ tàu bè, cứu người gặp nạn trên sông. Nghề của các anh lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng nhưng lại sợ. Sợ tiếng chuông điện thoại, sợ tiếng còi báo động, bởi khi những âm thanh ấy vang lên thì ở đâu đó tính mạng, tài sản của nhân dân đang bị đe dọa.

Đại úy Phùng Văn Hạnh - Đội phó vẫn còn nhớ rất rõ vụ tai nạn thương tâm xảy ra trên tàu hàng vào một đêm tháng 12 năm 2017 trên sông Đồng Nai. Lúc ấy, một thuyền viên gặp nạn rớt xuống sông, thuyền viên trên tàu nhảy xuống cứu thì bị dòng nước cuốn trôi. Nhận tin báo, Đại úy Hạnh cùng đồng đội lao nhanh ra hiện trường, tức tốc thực hiện công tác cứu người. 12 giờ đêm, đáy sông lạnh căm căm, nước lên mạnh, dòng xiết và xoáy người nhái vào chân cầu cảng khiến công tác mò tìm gặp nhiều khó khăn và nguy hiểm. Hai nạn nhân bị xoáy nước cuốn trôi xa vị trí gặp nạn, đội tìm kiếm đã dùng tất cả sức lực lặn mò và cứu sống được một thủy thủ. Người còn lại, đội cứu nạn sử dụng ca nô chạy khắp vùng nước rọi đèn pin quan sát. Sóng nước mênh mông, màn đêm đen kịt, gió rít từng hồi, cái lạnh thấu xương thịt những chiến sĩ cứu nạn. Nhưng họ không bỏ cuộc, vẫn quyết tâm lần tìm trên từng mét nước hy vọng cứu sống được nạn nhân dù điều đó là vô cùng mong manh. Các chiến sĩ đã lặn ngụp nhiều tiếng đồng hồ trên sông nhưng không có kết quả, đội đã phải nhờ bà con ngư dân quăng lưới đánh cá tìm người. 2 giờ sáng, thi thể thuyền viên còn lại được tìm thấy. Trở về sau một đêm dài kiệt sức trên sông, dù đã cứu được một mạng người nhưng trong lòng Đại úy Phùng Văn Hạnh vẫn man mác nỗi buồn khi không thể cứu thêm được một người nữa.

Những ngày tháng làm nhiệm vụ CNCH trên sông đã để lại trong lòng Thượng úy Đỗ Lê Hòa - cán bộ Đội Cảnh sát PCCC&CNCH trên sông nhiều nỗi niềm. Vui vì cứu sống được mạng người nhưng cũng lắm xót xa, thương cảm cho những số phận không may mắn, đã không còn cơ hội trở về với gia đình. Thượng úy Hòa còn nhớ, lần ấy là khoảng 9 giờ tối, vào ngày cuối năm 2020, đơn vị nhận được tin báo tại khu vực cầu An Hòa, xã Long Hưng, TP Biên Hòa có một thanh niên nhảy cầu tự tử. Tổ trực đã xuất 2 ca nô cùng 12 cán bộ, chiến sĩ mang theo bình oxy tức tốc đến hiện trường. Trên bờ, người dân đứng chật kín theo dõi hoạt động cứu nạn, tiếng khóc thê thiết của gia đình vang vọng cả khúc sông khiến anh Hòa cùng đồng đội cảm giác lồng ngực của mình nặng trĩu.

Chiến sĩ cứu nạn cứu hộ đeo bình oxy và công cụ hỗ trợ chuẩn bị lặn.

Những hơi lặn như dài thêm, ai cũng nhủ phải cố gắng thật nhiều để tìm kiếm, biết đâu có phép màu kỳ diệu xảy ra. Đội lặn hoạt động suốt từ 9 giờ đêm, cứ người này mệt, hết oxy thì ngoi lên, người khác tiếp tục lao xuống. Khúc sông sâu chừng gần chục mét, nước chảy xiết khiến công tác mò tìm gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng, dù vất vả như thế nào thì toàn đội cũng quyết tâm phải tìm cho bằng được nạn nhân, để làm vơi đi phần nào nỗi đau cho gia đình. “Đáy sông tối đen như mực, bùn lầy ngập đến nửa người, chúng tôi bị vật nhọn cứa cho tóe máu là chuyện bình thường. Lúc ở dưới nước thì không cảm giác đau nhưng khi lên bờ mới thấy buốt và xót”, Thượng úy Hòa tâm sự. Hoạt động tìm kiếm nạn nhân vụ nhảy cầu kéo dài đến 3 giờ sáng hôm sau thì thấy xác, cách hiện trường khoảng 50m. Những vụ việc thương tâm như thế luôn đọng lại nỗi buồn với những người lính cứu nạn.

2.Trong đời làm nghề của mình, họ đã cứu được nhiều người gặp nạn. Đó là vụ tai nạn ở khu vực sông Cù Lao 3C, P. Long Bình, Q. 9, TP Hồ Chí Minh, Đội phối hợp cùng CSGT đường thủy, Biên phòng cảng Nhà Rồng, TP Hồ Chí Minh cứu được 2 người đưa lên bờ an toàn. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Đội tổ chức 16 vụ CNCH, tìm được 9 thi thể nạn nhân. Từ giữa tháng 6/2022 đến nay, Đội đã cứu sống được 5 người nhảy cầu Đồng Nai tự tử. Thượng úy Đỗ Lê Hòa bộc bạch: “Câu chuyện về người còn sống chúng tôi không nhớ đâu, vì nó diễn ra nhanh, chỉ vài phút nên không có gì để nhớ cả. Riêng chuyện buồn lại nhớ lâu, khó quên vì hoạt động cứu nạn kéo dài, tốn nhiều công sức và cả sự ám ảnh”.

Song song với việc cứu người, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH trên sông còn là “tấm phao” cứu sinh của nhiều tàu bè, sà lan chẳng may gặp nạn sông nước. Điển hình là vụ cứu nạn tàu chở xăng dầu bị cháy trên sông Đồng Nai vào tháng 3/2020. Theo đó, vào khoảng 18 giờ, nhận được tin báo cháy từ trung tâm chỉ huy về vụ cháy tàu chở dầu LA-07386 tại khu vực bến sông ICD, đường số 9, khu công nghiệp Biên Hòa I, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, Đội đã xuất 2 ca nô chữa cháy cùng 6 cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường phối hợp với Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Biên Hòa triển khai đội hình khống chế, dập tắt đám cháy. Đến 19h, đám cháy được khống chế, 30 phút sau đám cháy được dập tắt hoàn toàn. Công tác cứu nạn khẩn trương và kịp thời đã cứu sống được 2 thủy thủ trên tàu, bảo vệ được 500 m3 xăng dầu trên sà lan và 700 m3 xăng dầu trên tàu.

Sông nước luôn tiềm ẩn vô vàn rủi ro và bất trắc, tai nạn trên sông chỉ có thể tính bằng giây bằng phút, mỗi giây qua đi là mất đi một cơ hội của sự sống. Bởi vậy, những người lính CNCH trên sông luôn phải miệt mài, nỗ lực tập luyện trên thao trường sông nước thường xuyên và liên tục.

Thượng tá Nguyễn Văn Hải - Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC& CNCH Công an tỉnh Đồng Nai cho rằng, đây là lực lượng giỏi về nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Mỗi cán bộ, chiến sĩ đều dũng cảm và sẵn sàng hy sinh thân mình bất kể lúc nào. Dưới đáy sông là các vật thể nguy hiểm như sắt nhọn, thủy tinh, cây khô, gỗ mục và thậm chí là lựu đạn, mìn bị trôi dạt và nằm lại đâu đó. Người lính cứu nạn khi lặn dưới sông sẽ phải đối mặt với những rủi ro trực chờ, không thể lường hết được. “Cán bộ, chiến sĩ phải huấn luyện hằng ngày, miệt mài và bền bỉ, người ta thường gọi là “huấn luyện 3 năm, thực hiện 1 giờ” để chỉ về nghề PCCC&CNCH chúng tôi”, Thượng tá Nguyễn Văn Hải chia sẻ.

“Đại bản doanh” của Đội Cảnh sát PCCC&CNCH trên sông đóng tại xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai với quân số 23 cán bộ, chiến sĩ. Do khu vực sông Đồng Nai trải rộng qua nhiều địa bàn của tỉnh nên Đội cắt cử một tổ thường trực gần chân cầu Đồng Nai để kịp thời phối hợp, xử lý, thực hiện công tác cứu nạn cứu hộ khu vực xung quanh cầu, nơi từng xảy ra nhiều vụ tai nạn sông nước và nhảy cầu tự tử.

Cán bộ cứu nạn cứu hộ ghi lại thông tin của một nạn nhân được cứu sống.
Ngọc Hoa

Nhiều xe chữa cháy chuyên dụng cùng trang thiết bị hiện đại và hàng chục CBCS Cảnh sát PCCC và CNCH được huy động chiến đấu với "giặc lửa" tại hiện trường vụ hỏa hoạn ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội). May mắn không có thiệt hại về người.

Ngày 9/1, Công an TP Vinh, tỉnh Nghệ An cho biết: đơn vị vừa phá thành công chuyên án, bắt giữ 2 đối tượng về hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, thu giữ số ma túy lớn và nhiều vật chứng liên quan khác.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, khoảng 1.000 kiều bào, trong đó có 100 kiều bào tiêu biểu, sẽ tham gia chương trình Xuân Quê hương 2025, mở đầu cho một năm đầy ắp những sự kiện lớn của đất nước, đồng thời, là cơ hội để vinh danh những đóng góp của người Việt Nam ở nước ngoài với quê hương, động viên kiều bào tiếp tục nỗ lực vì sự phát triển của đất nước. 

Ngày 9/1, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Hoà Bình cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Công an huyện Kim Bôi đã phát hiện, đấu tranh được nhiều tài khoản trên các nền tảng mạng xã hội có tên “@hotieubao123, @hotieubaoservice, @hatokibotnetstealer; @jero_stealer_japan” có hành vi mua bán phần mềm mã độc sử dụng để tấn công mạng.

Ngày 9/1, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Hoàng Khánh Linh (SN 2004, trú tại TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) về tội giết người. Điều rất đau lòng là bị hại trong vụ án chính là người Linh yêu. 

Thông tin từ Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết, hiện có 4 nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) kinh doanh thương mại điện tử dựa trên nền tảng số tại Việt Nam chưa thực hiện quy định về đăng ký thuế thông qua Cổng thông tin điện tử (TTĐT) của Tổng cục Thuế.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文