Những người thầy thuốc mang sắc phục Công an
Những năm qua, những người chiến sĩ, bác sĩ Bệnh viện Công an tỉnh Thanh Hóa đã luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, huy động mọi nguồn lực, vừa làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, vừa tận tình, chu đáo chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe cho CBCS và nhân dân…
Là lực lượng tuyến đấu tham gia phòng, chống dịch COVID-19, cán bộ, chiến sĩ Bệnh viện Công an tỉnh Thanh Hóa đã luôn đồng hành cùng các lực lượng y tế cơ sở làm tốt công tác tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch.
Đồng thời, chủ động, linh hoạt khai thác và phân bổ hợp lý nguồn vaccine, trang thiết bị phương tiện, vật tư y tế cho các lực lượng làm nhiệm vụ trực tiếp tại nơi có dịch, tiềm ẩn nguy cơ mắc, lây nhiễm cao, góp phần chung tay bảo vệ an toàn cho lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch. Trong đó, Bệnh viện Công an tỉnh đã tư vấn, hướng dẫn, khám sàng lọc và tổ chức tiêm hơn 60 nghìn liều vaccine phòng COVID-19 cho CBCS, thân nhân CBCS và các can phạm, phạm nhân tại các trại giam, trại tạm giam đóng trên địa bàn tỉnh.
Thượng úy, bác sĩ Nguyễn Thị Lê, Bệnh viện Công an tỉnh cho biết, Bệnh viện Công an tỉnh Thanh Hóa đã chủ động phối hợp với các phòng, ban chức năng khác tham mưu tất cả các văn bản liên quan đến công tác phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói chung và lực lượng Công an tỉnh Thanh Hóa nói riêng.
Thời gian qua, được sự đồng ý của UBND tỉnh và Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, Bệnh viện Công an tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với các phòng ban chức năng khác tổ chức khu cách ly cho bệnh nhân và CBCS F1 tại Nhà nghỉ dưỡng Hương Thanh. Hiện tại, đang đưa vào vận hàng 3 khu điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Bệnh viện Công an tỉnh, Nhà nghỉ dưỡng Hương Thanh và Trại tạm giam Công an tỉnh.
Ngày 5/7/2021, theo tiếng gọi của Tổ quốc và yêu cầu của Lãnh đạo Bộ Công an, 5 cán bộ y, bác sĩ và điều dưỡng viên của Bệnh viện Công an tỉnh Thanh Hóa đã cùng với đội ngũ y, bác sĩ của các bệnh viện trực thuộc Bộ Công an xung phong vào TP Hồ Chí Minh góp phần cùng cả nước chung tay phòng, chống dịch bệnh COVID19.
Tại đây, sau hơn 40 ngày với tinh thần trách nhiệm cao nhất, đội ngũ y, bác sĩ của Bệnh viện Công an tỉnh Thanh Hóa đã miệt mài dốc sức, không ngại khó khăn, nguy hiểm để cứu chữa cho nhân dân tại các bệnh viện thuộc TP Hồ Chí Minh và các can, phạm nhân nhiễm COVID-19 tại các trại tạm giam thuộc Công an TP Hồ Chí Minh, quyết tâm không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Bày tỏ sự xúc động sau khi các đoàn công tác hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, ngày 11/8/2021, Thiếu tướng Cao Đăng Hưng, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh đã gửi thư cảm ơn sự đồng hành và sẻ chia của nhân dân cả nước nói chung, đội ngũ y, bác sĩ Công an tỉnh Thanh Hóa nói riêng đối với TP Hồ Chí Minh trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Từ đầu năm 2022 đến nay, do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, số lượng ca nhiễm tăng cao. Để kịp thời theo dõi, điều trị, chăm sóc sức khỏe cho CBCS, công nhân viên Công an là F0 điều trị tại nhà hoặc nơi cư trú, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế và Sở Y tế Thanh Hóa, Bệnh viện Công an tỉnh đã thành lập tổ tư vấn, hướng dẫn sử dụng gói thuốc điều trị F0 cho CBCS, đồng thời phối hợp với BCĐ phòng, chống dịch các địa phương, sẵn sàng hỗ trợ CBCS khi có yêu cầu.
Đại uý, bác sỹ CKI Đỗ Văn Chung, Bệnh viện Công an tỉnh cho biết, do tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, nên ngay sau khi thành lập, nhóm hỗ trợ F0 của Bệnh viện Công an tỉnh đã hoạt động rất hiệu quả. Tổ hỗ trợ tư vấn điều trị F0 với hơn 10 bác sĩ của bệnh viện hoạt động 24/24h sẵn sàng hỗ trợ tư vấn sức khỏe, hướng dẫn dùng thuốc và theo dõi các diễn biến bất thường cho các CBCS, công nhân viên Công an là F0 đang điều trị tại nhà, nơi cư trú.
Qua nắm bắt, hỗ trợ hằng ngày, chúng tôi đã tư vấn kịp thời cho nhiều trường hợp CBCS và thân nhân CBCS đang điều trị COVID-19 tại nhà. Nhờ đó đã giúp CBCS và thân nhân yên tâm điều trị theo phác đồ và tự cách ly bảo vệ sức khỏe cho mình, vừa phòng ngừa lây lan cho người thân, trong đó có nhiều trường hợp đã khỏi bệnh, chưa xuất hiện trường hợp nào diễn biến nặng
Bệnh viện Công an tỉnh hiện nay có 4 khoa, phòng với 43 cán bộ, nhân viên y tế, trong đó có 9 bác sỹ được đào tạo chuyên sâu cấp 1 và chuyên khoa định hướng, quy mô 60 giường bệnh điều trị nội trú. Mỗi phòng bệnh đều được trang bị đầy đủ phương tiện y tế và đồ dùng sinh hoạt cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người bệnh. Cùng với việc đầu tư nâng cấp hệ thống trang thiết bị y tế hiện đại như: Máy xét nghiệm sinh hóa tự động, máy nội soi tai mũi họng, hệ thống máy siêu âm, máy châm cứu dò huyệt, máy kéo dãn cột sống…
Bệnh viện Công an tỉnh đã luôn chú trọng nâng cao y đức và trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, y, bác sỹ. Đặc biệt, thời gian gần đây, việc mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ và một số kỹ thuật mới được sử dụng trong công tác khám, chữa bệnh đã giúp cho Bệnh viện Công an tỉnh chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, có hiệu quả nhiều ca bệnh khó, phức tạp. Với phong cách phục vụ chuyên nghiệp, thái độ niềm nở, ân cần, tận tâm, tận lực hết lòng vì người bệnh của cán bộ, đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Công an tỉnh, hầu hết người dân đến khám và điều trị bệnh tại đây đều hết sức tin tưởng và hài lòng.
Với mục tiêu “Tất cả hướng tới sự hài lòng người bệnh”, Bệnh viện Công an tỉnh Thanh Hóa đã thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, trau dồi và nâng cao nghiệp vụ y đức, tinh thần thái độ phục vụ người bệnh; tích cực cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào phần mềm quản lý bệnh viện; chú trọng đầu tư, phát triển nguồn nhân lực tạo điều kiện cho đội ngũ y, bác sĩ đi đào tạo nâng cao trình độ và tay nghề, đủ khả năng sử dụng các trang thiết bị hiện đại.
Nhờ đó, đến nay trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ của bệnh viện đã ngày càng được nâng cao; nhiều tiến bộ kỹ thuật mới đã được ứng dụng có hiệu quả vào chẩn đoán và điều trị bệnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của CBCS và nhân dân, đồng thời giúp bệnh nhân có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng ngay từ tuyến đầu.
Ghi ở Phòng Xét nghiệm sinh học phân tử, Bệnh viện 30-4
Đúng dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam này, rất nhiều những y, bác sĩ của Bệnh viện 30-4 vui mừng nhận được những danh hiệu cao quí của Đảng và Nhà nước trao tặng. Để có những phần thưởng cao quí đó, có sự đóng góp không nhỏ của tập thể bác sĩ, các kỹ thuật viên Phòng Xét nghiệm sinh học phân tử.
Những ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên ở cộng đồng được phát hiện
Phòng Xét nghiệm sinh học phân tử thuộc Bệnh 30-4 cũng chính là đơn vị có công đầu trong việc phát hiện 3 ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên trong cộng đồng tại TP Hồ Chí Minh cách đây chưa lâu.
BS Nguyễn Ngọc Phương, nhân viên của Phòng Xét nghiệm nhớ lại, hôm đó ngày 15/1, Bệnh viện 30-4 nhận được một số mẫu xét nghiệm đề nghị xét nghiệm PCR trên các bệnh nhân có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Kết quả xét nghiệm PCR SARS-CoV-2 bằng quy trình TapPath (Thermal Fisher Scientifie) tại đây đã phát hiện ra gene S bất thường, trong khi PCR các gene mục tiêu khác cho kết quả bình thường. Chính điều này đã gây chú ý đối với các kỹ thuật viên.
Êkip trực hôm đó gồm BS Phương, BS Nguyễn Văn Nghĩa và kỹ thuật viên Duy. BS Nghĩa là người đã miệt mài ở trong phòng Lap suốt từ đầu đợt dịch thứ 4 bùng phát tại TP Hồ Chí Minh. Anh đã đọc không biết bao nhiêu bản kết quả.
Vì vậy, khi phát hiện ra gen bất thường, ngay lập tức BS Nghĩa đã thông báo cho cả êkip. Họ vội vã mở ngay tài liệu của WHO ra đọc kiểm chứng thêm cho chắc. Sau khi đã xác định rõ đây là một mẫu bất thường, họ đã báo cáo Ban Giám đốc Bệnh viện và được chỉ đạo gửi ngay các mẫu tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh để thực hiện giải trình tự gene.
Ngày 18/1, kết quả thu được là 3 bộ gene từ 3 mẫu bệnh phẩm mang đi giải mã định danh bằng phần mềm chuyên dụng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cho thấy cả 3 bộ gene này thuộc biến chủng Omicron (BA.1).
Chính từ sự tận tâm, trách nhiệm, cảnh giác cao và phát hiện kịp thời của đội ngũ kỹ thuật viên Phòng Xét nghiệm sinh học phân tử, Bệnh viện 30-4 đã giúp phát hiện các ca biến chủng Omicron đầu tiên trong cộng đồng, góp phần ngăn chặn không để biến chủng này lây lan rộng.
Khi đã “vào tua”, tạm gác nỗi niềm riêng
Phòng Xét nghiệm sinh học phân tử thuộc Bệnh viện 30/4 được thành lập vào tháng 6/2021, khi dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh tại TP Hồ Chí Minh. Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Bệnh viện đã chủ động báo cáo lãnh đạo Bộ Công an phê duyệt và tiến hành xây dựng Phòng Xét nghiệm sinh học phân tử (trong đó có kỹ thuật xét nghiệm Real time RT-PCR).
BS Phạm Thị Thanh Tâm - Trưởng khoa Điều trị cao cấp của Bệnh viện cũng là vị chỉ huy cao nhất của phòng Lab, chia sẻ: "Phòng Xét nghiệm sinh học phân tư ãcủa Bệnh viện đi vào hoạt động đã đáp ứng nhiệm vụ quan trọng và cấp bách giữa lúc dịch đang căng thẳng nhất tại TP Hồ Chí Minh, nhằm chẩn đoán, sàng lọc, nhanh chóng phát hiện bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 để kịp thời đưa đi cách ly, điều trị, tránh lây nhiễm trong cộng đồng. Suốt trong đợt cao điểm của dịch, phòng gần như sáng đèn 24/24h. Nhân viên phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 bất cứ lúc nào. Có những thời điểm, mỗi ngày phòng tiếp nhận gần 1.500 mẫu, các kỹ thuật viên gần như không ngủ”.
Tiếp PV Báo CAND trong chiều 25/2 trong bộ đồ bảo hộ kín mít, BS Nguyễn Ngọc Phương chia sẻ, trước khi về làm việc tại phòng xét nghiệm này, bản thân chị đã có rất nhiều tháng cùng tổ xung kích của Bệnh viện 30-4 đi làm công tác lấy mẫu trong cộng đồng thực hiện truy vết F0. Có những ngày nhóm phải lấy hơn 1.000 mẫu. Sau khi lấy xong, nhanh chóng thực hiện theo đúng qui trình. Phải làm việc trong bộ bảo hộ rất bí, mồ hôi túa ra bên trong người và rất nhanh bị mệt. Mặc dù vậy, đôi tay vẫn phải thực hiện thật chính xác, mắt phải thật tinh tường. Tất cả đảm bảo nghiêm ngặt, chính xác tối đa.
Khi dịch gia tăng có những ngày êkip “vào tua” lúc 7h sáng, chỉ kịp ăn lót dạ rồi công việc cứ cuốn đi. Cho tới khi kết thúc là 7h30 tối mới nhớ là chưa ăn trưa. Trong 12 tiếng của ca làm việc, mỗi người một nhiệm vụ cũng không được nằm nghỉ lưng một chút nào! Khi đã vào tua là mọi nỗi niềm riêng tư phải gác bỏ. Tất cả đều phải tập trung, vì đảm bảo an toàn là trên hết. Tua tối, êkip lại vất vả hơn nữa.
Nhớ nhất là khi phải làm mẫu xét nghiệm khẩn cho khu vực một số trại giam. Do khi ấy số ca nhiễm trong trại tăng rất cao. Xe chạy từ Bệnh viện tới trại giam lấy mẫu xong về tới Bệnh viện có khi mất cả 10 tiếng đồng hồ. Suốt một chặng đường dài mệt mỏi nhưng ngay khi vừa về Bệnh viện, anh em hối hả bắt tay ngay vào việc. Cứ vậy mà mải mê công việc tới sáng.
Huyền Nga