Những “shipper” mang màu áo Công an

06:38 04/02/2022

Cùng với 9 tập thể Công an khác, tháng 12/2021, Công an TP Đà Nẵng vinh dự được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất của Chủ tịch nước vì thành tích đặc biệt xuất sắc trong phòng, chống dịch COVID-19.

Phần thưởng ấy là sự ghi nhận nỗ lực, cống hiến và dấn thân của toàn thể cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Công an thành phố. Họ đã xông pha không quản ngày đêm, mưa nắng, chấp nhận rủi ro vì mục tiêu chiến thắng đại dịch, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân. Nhiều CBCS đã trở thành “shipper”, sẵn lòng làm mọi việc để giúp người dân vượt qua khó khăn trong đại dịch…

Tối 16/8/2021, ngay trong ngày đầu tiên Đà Nẵng thực hiện giãn cách nghiêm ngặt toàn TP để cách ly, truy vết và tăng cường công tác xét nghiệm nhằm bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, Công an phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà) nhận được một cuộc điện thoại nhờ giúp đỡ từ thân nhân chị Nguyễn Thị Mai Đào - một công dân trú trên địa bàn phường. Người nhà cho biết chị Đào đang chuyển dạ sắp sinh nhưng ở trong khu vực phong tỏa. Nóng ruột khi gọi nhiều nơi vẫn chưa tìm được xe để đưa sản phụ đến bệnh viện, người nhà gọi số trực ban Công an phường để “cầu cứu”. Nhận được thông tin, Thiếu tá Đoàn Hoàng Linh, Trưởng Công an phường lập tức điều động 2 CBCS dùng ôtô cơ quan xuống địa bàn để chở giúp chị Đào và người thân đến bệnh viện. Trung úy Tán Văn Trung và Trung úy Nguyễn Quang Minh Thức trở thành “người vận chuyển” khi lần đầu đưa một bà bầu đi sinh và động viên chị Đào trên suốt hành trình. Rạng sáng 17/8, chị Đào đã sinh bé trai nặng 3kg tại Bệnh viện quận Sơn Trà. Các anh cũng là những người đầu tiên nhận được tin báo từ gia đình chị Đào cùng tấm hình xinh xắn của cháu bé và những lời cảm ơn.

23h55 tối 19/8, tại chốt kiểm soát dịch COVID-19 thôn An Ngãi Tây 2 (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang), sản phụ là chị N cùng người mẹ già yếu đi đến chốt nhờ giúp đỡ đưa đi bệnh viện gấp vì chị N đang chuyển dạ và có dấu hiệu sắp sinh. Chị N cho biết là F2, buộc phải cách ly tại nhà nên gia đình chỉ còn biết cầu cứu đến lực lượng trực chốt. Nghe vậy, Thượng úy Trần Phương Hoài Linh, cán bộ Công an xã liền trấn an tâm lý sản phụ và nhanh chóng đến nhà một người dân mượn xe ôtô để đưa chị N đến bệnh viện để vượt cạn.

Tại đây, Thượng úy Linh lại đóng vai trò như người nhà, đứng ra ký giấy nhập viện cho gia đình chị N.  "Thời điểm đó, chị ấy đau bụng lắm rồi. Sau khi mượn được xe, tôi vội chở đi. Trên đường đi cũng rất lo và hồi hộp. Lo chị ấy sinh ngay trên xe hay giữa đường thì nguy hiểm cho cả 2 mẹ con. Sau khi đưa tới bệnh viện, tôi về lại chốt. Nhận được tin báo chị ấy đã sinh con, mẹ tròn con vuông nên anh em trực chốt rất vui"-Thượng úy Linh chia sẻ.

Công an phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ chuẩn bị đưa nhu phiếu phẩm đến khu dân cư.

Trước đại dịch, Trung úy Trần Thanh Quang, Công an phường Chính Gián (quận Thanh Khê) chưa từng hình dung việc mình sẽ trở thành “người vận chuyển” giúp một cháu bé xa lạ nguôi cơn khát sữa. Đứa trẻ ấy mới 7 tháng tuổi, con của một cặp vợ chồng trẻ ở phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ. Từ khi sinh ra, cháu bé đã bị dị ứng với sữa bột, có lần cháu đã phải đi cấp cứu vì uống phải sữa hộp. Do bản thân ít sữa nên hàng ngày chị Xuyên, mẹ cháu bé phải đi xin sữa từ các bà mẹ khác cho con. Trong thời gian thành phố đang phong tỏa, ba mẹ cháu không thể đi xin sữa, giữa đêm cháu bé cứ khóc ngặt nghẽo vì đói.

Chị Xuyên gọi điện kể khổ với một bà mẹ trẻ khác là chị Châu (trú phường phường Chính Gián, quận Thanh Khê). Xót ruột nhưng cũng không thể tự mình mang sữa sang cho cháu bé, chị Châu  “đánh liều” gọi điện cho trực ban Công an phường Chính Gián nhờ giúp đỡ. Tiếp nhận thông tin, Trung úy Trần Thanh Quang báo cáo chỉ huy đơn vị và được cho phép đến nhà chị Châu để nhận và chuyển bình sữa mẹ từ chị Châu đến Cẩm Lệ, giúp cháu bé được uống sữa ấm bụng và yên giấc.

Trong đội ngũ những “shipper”, những “người vận chuyển đặc biệt” thuộc Công an TP Đà Nẵng mang màu áo lực lượng CSGT. Không những bám chốt, bám đường để phối hợp kiểm soát giao thông và ANTT, CSGT Công an TP Đà Nẵng còn tổ chức cả trăm chuyến xe ôtô đưa hàng ngàn người đi bộ từ các tỉnh phía Nam và các tỉnh Tây Nguyên về quê ngang qua địa phận Đà Nẵng. Lực lượng CSGT cũng tổ chức dẫn đoàn cho người về quê từ phía Nam bằng xe máy qua địa phận Đà Nẵng để đảm bảo lộ trình của bà con được an toàn; tiếp sức cho bà con từ chai nước mát đến ổ bánh mỳ, hỗ trợ sửa xe, đổi xe, vét đến đồng bạc cuối cùng tặng cho các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…

Nói đến “những người vận chuyển đặc biệt” trong lực lượng Công an Đà Nẵng trong đại dịch COVID-19 cũng không thể quên việc hàng trăm CBCS tham gia chiến dịch cung ứng hàng hóa bình ổn cho người dân. Xuất phát từ thực tế nhiều người dân thiếu lương thực, thực phẩm thiết yếu trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt để phòng, chống COVID-19, Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an TP Đà Nẵng đã lên ý tưởng và triển khai kế hoạch vận hành 30 "chợ container" cung cấp lương thực, thực phẩm, rau xanh với tần suất 2 ngày 1 phiên. Tuy nhiên, trước nhu cầu tăng cao của người dân, các "chợ container" đã hoạt động liên tục hàng ngày, từ ngày 28/8 đến ngày 4/9.

Các điểm bán hàng này thông qua ban điều hành khu dân cư và Công an các phường đã cung ứng cho người dân hơn 300 tấn lương thực, thực phẩm đảm bảo chất lượng với mức giá thấp và 70 tấn rau củ miễn phí. Hàng ngàn lượt CBCS Công an các phường đã đóng vai trò là “người vận chuyển” khi tham gia trực tiếp việc mua hàng giúp dân ở các siêu thị, từ các “chợ container” rồi mang đến các chốt kiểm soát hoặc mang đến tận nhà các hộ dân.

Trung tá Huỳnh Đức Lâm, Đội trưởng Đội Tuyên truyền-Thi đua, khen thưởng, Phòng Công tác Đảng và công tác chính trị, Công an Đà Nẵng xúc động chia sẻ nhiều câu chuyện về tình quân dân gắn bó, về những hình ảnh của lực lượng CAND trong đại dịch. Là Admin của fanpage Tiên Sa của Công an TP với đông đảo người theo dõi, mỗi ngày Trung tá Lâm tiếp nhận hàng trăm tin nhắn, trong đó có nhiều câu chuyện đẹp về hình ảnh người chiến sĩ Công an trong đại dịch.

Công an xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang thu hoạch và chở lúa về nhà cho người dân.

Có thể kể đến chuyện Trung uý Phạm Tự Lực, Công an xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) làm “người vận chuyển” chở trưởng trạm y tế xã vào xóm làng trên vùng núi xa và làm “phụ tá” đỡ đẻ cho một phụ nữ; chuyện một người tàn tật đi xe lăn bị hỏng dưới trời mưa to được Công an Hòa Minh (quận Liên Chiểu) đưa cả người và xe về nhà; chuyện Đại úy Hà Anh Vũ, Công an phường Hải Châu 2 (quận Hải Châu) và đồng chí Nguyễn Thị Kim Hiệp, Công an quận Ngũ Hành Sơn “vận chuyển” dòng máu nóng của mình để kịp thời cứu bệnh nhi ung thư và bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo; chuyện nhiều CBCS đi mua thuốc mang đến tận nhà cho người bệnh. Đó là hình ảnh các chiến sĩ vác trên vai bao cát nặng trĩu dưới mưa, đến khu vực dân cư giúp dân chằng chống nhà cửa trước khi bão Côn Sơn đổ bộ; là tấm áo đẫm mồ hôi các chiến sỹ Công an huyện Hòa Vang tuốt lúa, chở lúa về nhà cho người dân trong thời gian giãn cách…

Trong những ngày căng mình chống đại dịch COVID-19, hình ảnh những người chiến sĩ Công an cả nước nói chung, Công an TP Đà Nẵng nói riêng càng trở nên đẹp đẽ, rạng ngời. Đó là những người chiến sĩ Công an không ngại khó, ngại khổ, làm việc không quản ngày đêm. Họ gần dân, như những người anh, em, người con trong mỗi gia đình, sẵn sàng làm từ những việc nhỏ nhất để giúp người dân. Từ phong trào thi đua đã xuất hiện hàng trăm điển hình tiên tiến, những tấm gương dũng cảm hy sinh, tô thắm thêm hình ảnh người chiến sĩ Công an hết mình vì bình yên và hạnh phúc của nhân dân.

Thân Lai

Thừa ủy nhiệm của Chủ tịch nước, chiều 3/1, đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã trao Huân chương Chiến công hạng Ba tặng Phòng An ninh điều tra (ANĐT) Công an Đà Nẵng về thành tích triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ tiền giả quy mô lớn.

Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc ngày 3/1 thông báo gia hạn thêm một tuần đối với việc kiểm tra tất cả 101 máy bay Boeing 737-800 do các hãng hàng không nước này khai thác, trong bối cảnh cơ quan chức năng bắt đầu trục vớt xác máy bay của Jeju Air sau thảm họa hàng không xảy ra cuối tháng 12. 

Ngày 2/1, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bắc Kạn phối hợp với với Công an huyện Mèo Vạc, Đồn Biên phòng Xín Cái, tỉnh Hà Giang; Công an huyện Quảng Nam và huyện Phú Ninh, châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc tiến hành giải cứu thành công một người phụ nữ ở huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn sau 6 năm bị lừa bán.

Ngày 3/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, sau thời gian điều tra, củng cố chứng cứ, đã ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bà Giáp Thị Sông Hương (51 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, chủ cơ sở Mái ấm Hoa Hồng tại quận 12) và quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bà Trang Mỹ Nhanh (72 tuổi, ngụ quận 12; bảo mẫu tại Mái ấm Hoa Hồng) về tội "Hành hạ người khác".

Ngày 3/1/2025, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Nam Định đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, ra Lệnh tạm giam đối với 5 đối tượng về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và đang tiếp tục điều tra, củng cố hồ sơ, thu thập tài liệu chứng cứ, làm rõ vai trò, hành vi phạm tội của các đối tượng khác trong đường dây để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến vụ nữ nhân viên ngân hàng nghi bị đánh ghen gây xôn xao dư luận những ngày qua, chiều 3/1, thông tin từ Công an quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) cho biết: Hiện tại, sức khỏe chị N.N.N. (nữ nhân viên ngân hàng) ổn định và đang còn điều trị, chăm sóc tại cơ sở y tế.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文