Niềm vui chờ ngày đặc xá

06:38 26/08/2022

Ngay khi có quyết định về đặc xá của Chủ tịch nước, hướng dẫn của Hội đồng Tư vấn đặc xá Trung ương, Trại giam Mỹ Phước (Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng - Bộ Công an, đóng trên địa bàn huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) đã quán triệt đến toàn bộ CBCS trong đơn vị, đồng thời phân công nhiệm vụ cho các thành viên hội đồng xét đề nghị đặc xá, tuyên truyền rộng rãi đến các phạm nhân.

Sau khi đoàn thẩm định liên ngành xét hồ sơ, các phạm nhân trong diện được đề nghị đặc xá được về trại trung tâm để học tập chương trình tái hoà nhập cộng đồng. Theo đó, trong 15 ngày, các phạm nhân này được miễn lao động để tập trung cho việc học. Các bài học về Luật Giao thông đường bộ; Luật Cư trú; Luật Căn cước công dân; Luật An ninh mạng…; phối hợp tuyên truyền về HIV/AIDS; dịch bệnh COVID-19; bệnh đậu mùa khỉ và các bài nói chuyện về tình hình kinh tế, xã hội hiện nay để khi trở về cộng đồng họ bớt bỡ ngỡ.

Đại tá Võ Nhựt Hải, Giám thị Trại giam Mỹ Phước cho biết: “Ngoài việc tổ chức các lớp học về kiến thức pháp luật cho phạm nhân, chúng tôi còn chiếu phim tài liệu về gương các phạm nhân đã hoàn lương, biết vươn lên làm lại cuộc đời, hiện đã có cuộc sống ổn định. Bên cạnh đó, chúng tôi liên hệ với Công an các địa phương có các phạm nhân được đề nghị đặc xá, hỗ trợ họ tái hoà nhập cộng đồng; đồng mời Phòng CSQLHC về TTXH Công an tỉnh Tiền Giang và Công an huyện Tân Phước đến làm CCCD cho các phạm nhân”.

CBCS Trại giam Mỹ Phước thường xuyên thăm hỏi, động viên các phạm nhân cố gắng cải tạo tốt để được hưởng sự khoan hồng của Đảng và Nhà nước.

Được đề nghị đặc xá lần này, phạm nhân Nguyễn Văn Hải (SN 1985, quê Long An, phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản) cho biết rất hạnh phúc khi đủ điều kiện được đề nghị đặc xá và hứa khi về địa phương sẽ cố gắng tái hòa nhập cộng đồng để sống tốt. Cùng tâm trạng, phạm nhân Huỳnh Ngọc Sơn (SN 1996, quê Đồng Tháp), chia sẻ: “Tôi rất cảm động về chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước dành cho những người đã từng lầm đường, lạc lối như chúng tôi. Sự quan tâm đặc biệt của Ban Giám thị Trại giam Mỹ Phước cũng như tình người nơi đây đã cho tôi thêm sức mạnh để ngày tôi được hưởng niềm hạnh phúc đặc biệt này”.

Còn phạm nhân Dương Minh Tú (SN 1989, quê Long An, phạm tội vận chuyển hàng cấm) xúc động cho biết: “Trong quá trình chấp hành án, bản thân tôi đã rất cố gắng cải tạo. Khi về với cộng đồng tôi sẽ phấn đấu làm ăn lương thiện, trở thành công dân có ích cho gia đình và xã hội, không tái phạm tội”.

Theo Đại tá Võ Nhựt Hải, Trại giam Mỹ Phước hiện quản lý trên 1.800 phạm nhân đang thi hành án. Trại tổ chức quán triệt, phổ biến, triển khai nghiêm túc các quyết định đặc xá và hướng dẫn của Hội đồng tư vấn đặc xá cho CBCS và phạm nhân đang giam giữ, cải tạo tại các phân trại. Trại tổ chức niêm yết công khai các quy định, hướng dẫn về công tác đặc xá để phạm nhân và gia đình nghiên cứu, nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, qua đó hiểu rõ các điều kiện, tiêu chuẩn được xét đề nghị đặc xá năm 2022 đảm bảo đúng quy định.

Chỉ còn ít ngày nữa Trại giam Mỹ Phước công bố quyết định đặc xá của Chủ tịch nước cho những phạm nhân đang chấp hành án tại đây. Cuộc sống tự do đang đợi những người được đặc xá bên ngoài cánh cổng Trại tạm giam với nhiều dự định và khát vọng đoàn tụ gia đình. Hơn lúc nào hết các cấp, ngành, đoàn thể xã hội và gia đình của những người có quá khứ lỗi lầm luôn quan tâm, động viên giúp đỡ, tạo việc làm cho những người được đặc xá tha thù, giúp họ sớm hoà nhập cộng đồng.

Những ngày này, không khí vui mừng xen lẫn hồi hộp lan tỏa đến từng phân trại của Trại giam Đắk Tân - Bộ Công an (đóng chân trên địa bàn xã Ea Tih, huyện MĐrắk, tỉnh Đắk Lắk). Từ xưởng sản xuất đến lao động ngoài trời, ai ai cũng làm việc tích cực. Các phạm nhân chia sẻ với nhau những nỗi niềm, chúc mừng, động viên nhau… tạo nên hình ảnh thân ái, xúc động giữa những con người lầm lỡ. Và hy vọng một ngày không xa, cơ hội này sẽ đến với họ…

Trong đợt đề nghị đặc xá này, phạm nhân Nguyễn Thành Đ. (38 tuổi, trú tại thôn 4, xã Pơng Drang, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk) được xem là người khá đặc biệt. Anh Đ. phạm tội vào năm 2019 về hành vi “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng” và phải thụ án 5 năm 6 tháng. Lúc chưa phạm tội, vợ chồng anh hàng ngày vẫn chăm chỉ, cần cù canh tác trên mảnh rẫy dù không khá giả nhưng cũng đủ lo cho gia đình và 3 người con ăn học đến nơi đến chốn.

Ngay thời điểm giữa năm 2019, nghe bạn bè dụ dỗ, anh đã mua một khẩu súng rồi lén sang biên giới Campuchia để săn thú. Khi vừa mang súng đến khu vực biên giới thì bị lực lượng Biên phòng phát hiện bắt giữ. Anh nói: “Lúc biết mình phạm tội thì quá muộn!”. Giờ đây, mỗi lần vợ chở các con lên trại thăm là lòng anh lại quặn đau. Chỉ vì chút thiếu hiểu biết mà vợ con anh phải chịu khổ, nhìn các con lớn lên từng ngày mà thiếu bàn tay của cha, khiến anh luôn phải tự nhủ với bản than cần cố gắng hơn.

Cũng chính vì thế mà hàng ngày anh đều gương mẫu trong tất cả mọi hoạt động, chấp hành tốt nội quy của trại, luôn tâm sự, động viên anh em ổn định tư tưởng để cải tạo thật tốt. Từ ngày biết mình có tên trong danh sách được đề nghị đặc xá, anh vui mừng khôn xiết, trằn trọc không đêm nào ngủ được vì cái ngày anh được về với vợ và con thơ đã không còn xa nữa…

Cùng chung tâm trạng, phạm nhân Hà Văn Th. (SN 1987, trú tại huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) không giấu được xúc động khi ngày anh được về với gia đình đã cận kề. Mỗi ngày tại trại là mỗi ngày anh bị giằng xé lương tâm bởi hành vi phạm tội của mình.

Anh vốn là trưởng thôn, công việc làm nông dù không khá giả nhưng đổi lại anh có một gia đình hạnh phúc với hai đứa con kháu khỉnh. Thế nhưng, chỉ vì trong quá trình sinh sống, anh có vay của chính quyền xã một số tiền nhưng rồi không có tiền trả nên anh bị buộc tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” phải lãnh mức án 1 năm tù. Sau khi bị tuyên án, anh bỏ lại hai con nhỏ dại cho vợ chăm lo. Ở trong trại, hình ảnh hai đứa con bé bỏng hàng ngày cứ hiện lên trong tâm trí của anh. Chính điều đó đã thôi thúc người bố trẻ phải biết vươn lên, cố gắng phấn đấu để ngày về được sớm hơn. Vì vậy, khi nghe được giảm án, được đặc xá thì anh Th. lặng lẽ ngồi khóc, âm thầm đếm từng ngày.

Theo Thượng tá Nguyễn Bình Định, Phó Giám thị Trại tạm giam Đắk Tân cho biết, từ khi có Quyết định của Chủ tịch nước về việc đặc xá 2022, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, tổ chức quán triệt, phân công trách nhiệm cho từng bộ phận tiến hành các bước như họp phạm nhân thông báo về chủ trương đặc xá, đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn… và hướng dẫn phạm nhân các thủ tục cần thiết, niêm yết công khai, họp đội phạm nhân để tự bình bầu và bỏ phiếu kín lấy kết quả đề nghị...

Thượng tá Định cho biết thêm, công tác xem xét, bình bầu công khai minh bạch, rõ ràng, tạo được lòng tin cho phạm nhân. “Ai được về thì vui mừng, phấn khởi. Ai ở lại nhìn vào đó làm động lực phấn đấu, cải tạo thật tốt để sớm trở về với gia đình. Từ khi có thông báo chính thức, tinh thần các phạm nhân rất háo hức, làm việc hăng say, nghiêm túc chấp hành nội quy tốt hơn. Không khí trại tạm giam từ đó vui tươi hơn”, Thượng tá Định nói.

Cũng theo Thượng tá Định, sau khi được ân xá, các phạm nhân đều có niềm mong mỏi duy nhất là được gia đình, xã hội đón nhận như những người bình thường, tạo công ăn việc làm ổn định để họ có cơ hội hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội. “Đó không chỉ là mong mỏi của phạm nhân mà còn là mong mỏi của những cán bộ làm quản giáo như chúng tôi”, Thướng tá Định nói.

Văn Đức - Văn Thành

Đến 16h chiều nay (8/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng vẫn đang khám xét trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI (92 đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty này. Hiện có rất nhiều người dân đã tập trung xung bên ngoài tòa nhà văn phòng công ty theo dõi. Nhiều người kêu khóc, đòi Tổng giám đốc Nguyễn Quang Hoàng... “hiện hồn” trả lại tiền. Công an quận Cẩm Lệ đã huy động hàng chục CBCS để đảm bảo ANTT.

Chiều 8/11, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 2 đối tượng: Nguyễn Thị Kim Trang (SN 1970; cư trú quận 3) và Lê Văn Hòa (SN 1977; cư trú quận Tân Bình) là nhân viên tiệm vàng Đức Long (phường 5, quận Tân Bình) về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文