Niềm vui được đặc xá
Những ngày này, các phạm nhân có tên trong danh sách được đề nghị Chủ tịch nước đặc xá đang háo hức mong chờ giây phút được làm lại cuộc đời sau những tháng ngày phải trả giá cho lỗi lầm của mình. Các phạm nhân chưa đủ điều kiện được đặc xá cũng hân hoan không kém, bởi họ hiểu rằng, chỉ có ăn năn hối cải mới sớm được trở về.
Các trại giam, trại tạm giam những ngày này, CBCS không ai được nghỉ ngơi. Suốt tháng nay, thực hiện công tác phòng, chống COVID-19, không ai được về nhà, thậm chí, không còn khái niệm về thứ, ngày bởi ngày nào cũng như ngày nào, đều phải thực hiện nhiệm vụ giáo dục, cải tạo phạm nhân, bảo đảm an toàn tuyệt đối trại giam.
Đặc biệt, sau khi Chủ tịch nước có Quyết định đặc xá, Hội đồng Tư vấn đặc xá có hướng dẫn thực hiện, các đơn vị không quản ngày đêm, thực hiện đúng theo quy định bởi thời gian rất ngắn, công việc nhiều, việc triển khai công tác đặc xá phải đảm bảo khách quan, nghiêm túc, chặt chẽ, công bằng, dân chủ, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, tuyệt đối không để xảy ra sai sót theo đúng yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng Tư vấn đặc xá năm 2021.
Trại giam Vĩnh Quang, đóng chân trên địa bàn xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc – nơi có 96 phạm nhân, trong đó có 8 phạm nhân người nước ngoài được đề nghị đặc xá dịp này đang chuẩn bị những điều kiện cuối cùng “hành trang” để các phạm nhân khi trở về được chu đáo nhất.
Thượng tá Nguyễn Đức Phương, Giám thị Trại giam Vĩnh Quang cho biết, để việc xét duyệt được công khai, minh bạch, đúng đối tượng, ngoài việc tuyên truyền, chúng tôi đã yêu cầu cán bộ quản giáo phụ trách đội tổ chức họp đội phạm nhân giới thiệu, bình xét và bỏ phiếu kín những phạm nhân đủ điều kiện, tiêu chuẩn đặc xá năm 2021 chuyển lên hội đồng xem xét 105 phạm nhân đủ điều kiện đặc xá để hội đồng của trại xét duyệt.
Kết quả ban đầu Hội đồng xét đề nghị đặc xá Trại giam Vĩnh Quang đã xét đề nghị cho 96 phạm nhân đảm bảo đúng pháp luật, công khai, dân chủ, khách quan; bảo đảm các yêu cầu về đối nội, đối ngoại, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.”
Được nằm trong danh sách đề nghị Chủ tịch nước đặc xá đợt này, phạm nhân Oshanugor James Anyasi, Quốc tịch Nigeria vui lắm. Anh liên tục xin cán bộ giấy để làm kế hoạch cho những ngày sắp tới của mình. Anyasi là “đầu trò” trong đường dây lừa đảo phụ nữ nhẹ dạ dưới hình thức tặng gói bưu kiện giá trị tỷ đô la.
Cụ thể, khoảng tháng 9/2012 Oshanugor James Anyasi cùng với Nguyễn Minh Thi đã mạo danh là nhân viên Công ty chuyển phát nhanh, nhân viên hải quan sân bay để lừa những phụ nữ làm quen qua mạng với hình thức lấy sim rác gọi điện rồi thông báo gửi cho họ 1 bưu kiện, sau đó yêu cầu họ chuyển tiền phí, thuế hoặc tiền phạt. Tổng số tiền mà Oshanugor James Anyasi và Nguyễn Minh Thi chiếm đoạt được là hơn 400 triệu. Ngoài ra, Oshanugor James Anyasi còn gửi thư điện tử giả mạo để chiếm đoạt của ông Cho Won Chol gần 250 triệu đồng.
Sự việc bị Công an phát hiện, Anyasi bị bắt, bị kết án với tội danh: Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản với mức án 12 năm tù giam. Quá trình thi hành án ở Trại giam, Anyasi luôn cố gắng cải tạo tốt nhất, đã được giảm án 3 lần; nếu được đặc xá lần này, Anyasi sẽ được về trước 2 năm 9 tháng.
Anyasi cho biết: “Ngày 27/9/2017, tôi đến chấp hành án tại trại Vĩnh Quang, những ngày đầu có cảm giác rất buồn chán, nhớ gia đình, nhớ quê hương, ân hận về những lỗi lầm của mình đã gây ra, song được gặp gỡ, động viên, giáo dục của Ban giám thị, Hội đồng cán bộ, bản thân đã có nhận thức được hành vi vi phạm của mình và sự tin tưởng vào chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Từ đó tôi phần nào yên tâm cải tạo để sớm trở về nước. Pháp luật ở đất nước Nigeria của tôi rất khác, tòa án có thể tuyên đến 100-200 năm tù trong khi đó cuộc đời con người có thể sống khoảng 70-80 năm. Vì vậy mà làm cho phạm nhân không còn niềm tin vào cuộc sống nên việc chấp hành án có phần dao động về tư tưởng.
Nhưng ở Việt Nam thì khác, chính sách khoan hồng rất rõ ràng cho những người lầm lỗi, luôn tạo điều kiện cho phạm nhân có cơ hội sửa chữa những hành vi vi phạm pháp luật để họ yên tâm tư tưởng chấp hành án. Vì thế mà những phạm nhân chúng tôi luôn cố gắng phấn đấu để nhận được sự khoan hồng để sớm trở về với gia đình, quê hương.
Bản thân tôi chấp hành án tại Phân trại số 4 rất tốt. Ban giám thị và Hội đồng cán bộ rất quan tâm và giúp đỡ những phạm nhân có hoàn cảnh khó khăn như: Xử lý kịp thời, nghiêm khắc những hành vi vi phạm nội quy cơ sở giam giữ nhằm tạo môi trường trong sạch, lành mạnh để phạm nhân yên tâm tư tưởng.
Việc giải quyết các tình huống cấp cứu luôn được triển khai nhanh chóng, kịp thời không để xảy ra các trường hợp nghiêm trọng. Khi được biết tin tôi nằm trong diện đủ điều kiện đề nghị đặc xá năm 2021 tôi cảm thấy rất vui, xin cảm ơn Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm và có những chế độ, chính sách khoan hồng đối với người vi phạm pháp luật”.
Còn phạm nhân Wang Ao Feng, người Trung Quốc phạm tội buôn lậu. Trong 2 năm từ 2011-2013, Feng đã nhập lậu gần 25 nghìn chiếc điện thoại vào Việt Nam với tổng giá trị 45 tỷ, không khai báo Hải quan, không nộp thuế nhập khẩu cho Nhà nước Việt Nam.
Wang Ao Feng cho biết: “Thời gian đầu bị bắt, tôi cảm thấy còn rất khó khăn, do sự khác biệt về tập quán, sinh hoạt, ăn uống nhưng sau mới biết, chế độ ăn của người Việt Nam ít dầu mỡ, nhiều rau rất tốt cho sức khoẻ. Môi trường cải tạo ở trong trại giam cho tôi thấy được sự thân thiện ngay từ trong những sinh hoạt hàng ngày, từ việc đi lại, chào hỏi giữa phạm nhân với nhau, sự quan tâm của cán bộ đến những người phạm nhân như chúng tôi, đặc biệt là phạm nhân mang quốc tịch nước ngoài, luôn động viên chúng tôi yên tâm cải tạo,có lúc vướng mắc hoặc chuyện gì không hiểu, khó giải quyết chúng tôi đều được cán bộ, Ban giám thị quan tâm, giúp đỡ, giải đáp, thắc mắc.
Khi được nghe thông tin là có chính sách đặc xá vào năm nay, tôi rất bất ngờ và lo lắng. Khi được cán bộ phổ biến các điều kiện đặc xá, tôi đủ điều kiện đề nghị đặc xá, tôi rất vui mừng, đến nỗi cảm thấy không tin vào mắt mình. Khi trở về quê hương tôi sẽ làm nghề khâu bóng thủ công và mây tre đan vì trong thời gian cải tạo tôi đã được học những nghề này, tôi cảm thấy rất thích thú và nghĩ rằng đó có thể là nghề thu nhập chính của tôi sau này”.
Ở Trại giam Gia Trung, đóng chân ở huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai không khí cũng vui mừng không kém. Phạm nhân đa phần là người đồng bào dân tộc thiểu số, hiểu biết pháp luật hạn chế nhưng được các cán bộ giáo dục nên đã tiến bộ rõ rệt.
Đại tá Nguyễn Đình Ba, Giám thị Trại giam Gia Trung cho biết, sau khi có Quyết định của Chủ tịch nước, Ban giám thị đã tổ chức quán triệt sâu sắc đến toàn thể CBCS trong đơn vị về công tác đặc xá năm 2021 và hướng dẫn của Hội đồng tư vấn đặc xá về điều kiện, tiêu chuẩn đặc xá năm 2021; chuẩn bị đầy đủ phương tiện, văn phòng phẩm và các dụng cụ cần thiết khác phục vụ cho việc lập hồ sơ đặc xá, đồng thời tổ chức giáo dục, tuyên truyền, phổ biến thường xuyên trên hệ thống loa phát thanh của trại cho toàn thể phạm nhân hiểu rõ điều kiện, tiêu chuẩn đặc xá năm 2021.
Quyết định Đặc xá của Chủ tịch nước được niêm yết ở tất cả các buồng giam, nhà học tập, nhà thăm gặp thân nhân gia đình phạm nhân.
Trung tướng Lê Minh Hùng, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng cho biết: “Đợt đặc xá lần này diễn ra trong bối cảnh rất khác: Thời gian gấp, dịch COVID -19 đang diễn ra phức tạp, nhất là địa bàn các tỉnh phía Nam nhưng chúng tôi đã tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành các văn bản pháp quy liên quan đến đặc xá; làm việc đảm bảo khách quan, dân chủ, đúng quy định về đặc xá, thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch, không để xảy ra bất cứ sai sót nào”.